Trần Huyền Ân



Vậy đó. Bắt đầu là một “lằn chỉ giăng ngang” trên mây trắng nõn. Kết thúc là một “miếng con non” “bùi ngận” chấm vào mật ngọt thanh.

Mang gói cơm, bầu nước, thùng mo, ngẩng lên nhìn trời nhìn mây, căng mắt tìm “chỉ” mà đi cho tới chỗ về của ong, nghe cũng muốn mang thử lắm. Nhưng còn sợ bó “trái khói” chưa thạo, bị “cục” ong rớt trúng người!

(Thu Tứ)



Mật ong Phú Yên



Tháng tư. Vài cơn giông đã qua. Rừng núi (...) đua nở trăm hoa. Nắng dài ngày cho mùa lấy mật.

Ong ruồi, ong thế đóng trên cành. Ong ruồi bé nhỏ, hiền lành, tổ cũng nhỏ, mật vào loại quý. Ong thế hung dữ, tổ lớn hơn. Ong bộng đóng tổ trong hốc cây, ong lỗ đóng tổ dưới lòng đất.

Trăm hoa cung cấp mật cho ong. Hoa sim ở gò, ở trảng, xen lẫn cả trong tranh đế, màu tím đậm. Hoa chàm màu trắng cánh tím. Hoa bằng lăng màu tím nhạt. Hoa sòi, hoa giấy, hoa lành ngạnh màu sẫm. Dây cổ rùa cũng có nhiều hoa cho mật.

Tháng năm, tháng sáu mùa mật rộ. Người lấy ong mang gói cơm, bầu nước và cái mo cau chằm hình chữ nhật, chờ ở bờ suối, ở các vạt rừng. Mỗi bước đi ngẩng lên nhìn trời, nhìn mây, tìm một lằn chỉ giăng ngang.

Mặt trời đã lên. Quay lưng lại mặt trời. Căng mắt lên nhìn theo hướng đông tây mà theo dõi. Nắng trong ngần, trong suốt. Mây trời trắng nõn như dán vào mắt, lướt trên tấm lụa xanh. Một điểm thấp thoáng xuất hiện trên nền mây và vụt tắt: một đường ong bay. Thêm một đường ong bay. Con ong mất hút trên ngọn cây ấy. Tìm đến và chờ đợi. Lại những đường ong bay. Con ong lại mất hút. Cứ như thế người lấy ong căng mãi mắt ra, đánh dấu, đi tới. Cuối cùng, đường ong không còn tít trên cao nữa, đã tìm thấy tổ ong.

Xem thế cây và chiều gió xong, bó một trái khói. Tranh khô bên trong, lá cây tươi bên ngoài. Tranh khô cháy nhưng lửa không đủ thoáng để bùng lên, lửa ngún vào lá tươi xông khói mù mịt. Ong không chịu được khói, lả tả rớt xuống. Phải xong từ từ. Nếu xông nhiều khói quá ong đùn cục rớt xuống, có thể trúng người, người bị ong đốt. Bây giờ gạt những con ong còn lại, cắt lấy tổ cho vào thùng mo. Vài con ong say khói, bò lê lết trên tổ, mật dính vào cánh không bay lên được, trông thảm thương như những người lính bại trận để mất đồn lũy.

Mật ong tươm ra keo kết trong thùng mo. Bẻ lấy một miếng con non chấm mật cho vào miệng. Con non bùi ngận, mật ong ngọt thanh. Miếng bã sáp dẫu đã nhai không bỏ. Sáp sẽ nấu đổ thành chén vàng mịn. Một thời các nhà giàu tranh nhau hơn kém ở bộ đèn thau lớn, cặp sáp cắm trên đó cũng phải lớn, phải loại sáp thật vàng mới xứng.

Sách Ðại Nam nhất thống chí ghi: mật ong ở Phú Yên sản xuất tại hai nguồn Thạch Thành và Hà Duy, tức là huyện Sơn Hòa và huyện Ðồng Xuân hiện nay. Sách Phủ biên tạp lục nêu các loại thuế đầu nguồn ở Phú Yên thời chúa Nguyễn, mỗi năm phải nộp 260 chĩnh mật ong, 260 cân sáp ong. Sáp ong còn được dùng nộp thay ngà voi và sừng tê.

Chợ Phiên Thứ ở Tuy An, một chợ trung chuyển giữa hai vùng đồng bằng và miền núi khoảng năm 1970 về trước có mặt hàng đặc biệt là những tổ ong còn nguyên, đầy mật. Người mua hoàn toàn yên tâm, tin cậy, không lo sự mua lầm mật pha, mật giả.

Loại ong độc không có mật là ong vò vẽ (...)


(Trần Huyền Ân,
Phú Yên miền đất ước vọng, nxb. Trẻ, VN, 2004, tr. 289-291)





_______________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.