Cái nhà khắc trên trống đồng Đông Sơn chắc là một cái nhà làng, như ở Tây Nguyên. Ta có nhà làng lâu lắm rồi mới có chùa, có chùa lâu lắm mới có đình. Từ nhà làng Đông Sơn đến cái đình cổ cuối cùng là hai mươi mấy thế kỷ, thế mà vẫn cùng y một kiểu mái “cong quớt” (ngoài Bắc thường gọi là mái đầu đao). Kiến trúc Việt Nam truyền thống còn gồm có đền, phủ, miếu, am v.v., tuy thời điểm ra đời chưa được biết rõ ràng, tất cả cũng đều có mái đầu đao.

Bình Nguyên Lộc cho biết từ lâu các nhà nghiên cứu Tây phương đã khẳng định nhà Hoa xưa mái thẳng, nhà Việt xưa mái cong, sở dĩ về sau ở Tàu có nhà mái cong ấy là do Hoa bắt chước Việt.

Gần đây chúng tôi được xem mấy tập ảnh về kiến trúc cổ Trung Quốc, thấy ở phía bắc hầu hết có mái thẳng, phải xuống phía nam mới thấy nhiều mái cong.

Có một số người Việt Nam ngộ nhận rằng mái đầu đao ngoài Bắc là ảnh hưởng Tàu. Thật là oan ức cho tổ tiên quá.
(Thu Tứ)



“Cái mái nhà cong quớt”

Bình Nguyên Lộc




Trong quyển Về vài món đồ đời Hán, ông H. Maspéro cho thấy rằng nóc và mái nhà của người Trung Hoa bằng thẳng, y như nóc và mái nhà của người phương Tây. Hình nhà bằng sành xưa đào được trong các ngôi mộ nhà Hán nặn rất trung thành, một con cừu trong sân cũng được nặn kỹ lưỡng, thì không thể bảo rằng thợ cẩu thả làm (nhà) không giống.

Không tìm thấy nhà sành đời Ðường, nhưng nhà đời Ðường có chạm trên nhiều bia đá ở Trung Quốc, có thay đổi chút ít về nóc và mái, tức nóc bắt đầu hơi oằn, mái bắt đầu hơi cong quớt lên.

Nhưng trong vài bức tranh đời Tống thì nóc đã oằn, mái đã cong lên hẳn (...)

Kiến trúc nóc oằn và mái cong (...) ai cũng ngỡ là của Trung Hoa, có dè đâu đó là của chủng Mã Lai (...)

Trong quyển Archaeological Research in Indochina của ông O. Jansé (...) tái bản năm 1953 có in hình nhiều kiểu nhà ở và nhà mồ của đồng bào Thượng cao nguyên Việt Nam, nhà ấy giống nhà trong trống đồng (...) và giống nếp nhà do ông V. Goloubew hồi phục bằng vào vật liệu khai quật được (...)

Trong quyển Introduction à l"étude de l"Annam et du Champa (1934) ông Claeys viết: “Nếu cần phải kết luận thì người ta có thể nói mà không cần dè dặt (...) rằng nóc oằn, mái cong lên, ở bên Tàu là do bắt chước (dân bản địa ở Hoa Nam xưa), còn ở xứ Annam thì đó là cái gì còn sót lại của cổ tục bổn xứ”.


(Bình Nguyên Lộc,
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1971. In đỏ đậm do người trích.)