Làm vua mà giặc đến lại hết hỏi dân đến hỏi tướng xem có nên đánh, trong lịch sử nhân loại có vua nào như vua Trần Nhân Tông hay không?

Nhưng Nhân Tông hỏi không phải vì nhát, mà vì hết sức quan tâm đến tổn thất lớn lao chiến tranh có thể gây ra. Tức vì quá hiền.

May. Vua ta lúc ấy thì hiền nhưng dân không hiền, tướng cũng không hiền. Thử tưởng tượng các bô lão ở hội nghị Diên Hồng chọn hàng giặc hay Trần Quốc Tuấn sau đó chọn hàng giặc! Còn chi là nước!

Vua hiền như Bụt rồi thành Trúc Lâm Ðệ Nhất Tổ. Còn tướng dữ như hùm thì hóa Ðức Thánh Trần!

(Thu Tứ)



Trần Trọng Kim, “Hỏi dân, hỏi tướng”




Nguyên chủ (...) sai con là Thoát Hoan làm Trấn Nam vương, cùng với bọn Toa Ðô, Ô Mã Nhi dẫn 50 vạn quân, giả tiếng mượn đường đi qua nước Nam sang đánh Chiêm Thành (...)

Các quan (...) ( có người khuyên vua) không cho quân Mông-cổ sang nước Nam. Nhân Tông ưng nghe lời ấy. Ðến tháng mười năm Quí Mùi (1283) phong cho (...) Trần Quốc Tuấn làm Tiết chế thống lĩnh mọi quân đi chống giữ với quân nhà Nguyên.

Qua tháng tám năm Giáp Thân (1284) (...) Trần Quốc Tuấn (...) hội hết quân sĩ tại bến Ðông Bộ Ðầu để điểm duyệt. Quân thủy và quân bộ cả thảy 20 vạn (...) sai Trần Bình Trọng (...) Trần Khánh Dư (...) (và) các tướng (khác) chia ra đóng các nơi hiểm yếu. Trần Quốc Tuấn tự dẫn đại quân đóng ở Vạn Kiếp (tức là làng Kiếp Bạc thuộc Hải Dương) (...)

Ðược ít lâu, Nhân Tông nghe tin về báo rằng quân nhà Nguyên hội tại Hồ Quảng sắp sửa kéo sang mặt Lạng Sơn. Vua có ý lo quân ta không địch nổi, bèn sai sứ mang đồ lễ sang Tàu, xin vua nhà Nguyên hoãn binh, để thương nghị lại.

Vua nhà Nguyên không nghe, sai Thoát Hoan cứ việc tiến binh sang.

Nhân Tông thấy vậy, lập tức cho triệu cả các bô lão dân gian, hội tại điện Diên Hồng để bàn xem nên hòa hay nên đánh. Các bô lão đều đồng thanh xin đánh. Vua thấy dân gian một lòng như vậy, cũng quyết ý kháng cự (...)

Hưng Ðạo vương Trần Quốc Tuấn (...) phân binh giữ ải Khả Li và Lộc Châu (thuộc Lạng Sơn) còn mình thì tự dẫn đại quân đóng giữ núi Kì Cấp (...)

Thoát Hoan tiến binh (...) Hưng Ðạo vương kém thế, thua chạy (...) xuống thuyền (...) về Vạn Kiếp. Các tướng thu nhặt tàn quân dần dần cũng kéo về đấy cả.

Nhân Tông (...) ngự một chiếc thuyền nhỏ xuống Hải Ðông (tức là Hải Dương) (...) cho vời Hưng Ðạo vương đến (...) bảo (...) “Thế giặc to như vậy, mà chống với nó thì dân sự tàn hại, hay là trẫm hãy chịu hàng đi để cứu muôn dân?”.

Hưng Ðạo vương tâu rằng: “Bệ hạ nói câu ấy thì thật là lời nhân đức, nhưng mà tôn miếu xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!”. Vua nghe lời nói trung liệt như vậy, trong bụng mới yên.

Hưng Ðạo vương chiêu tập quân các đạo, hội tại Vạn Kiếp được hơn 20 vạn quân, thế lại nổi to. Bấy giờ Hưng Ðạo vương có soạn ra một quyển Binh thư yếu lược rồi truyền hịch khuyên răn các tướng sĩ (...)

THÀNH THĂNG LONG THẤT THỦ (...)

TOA ÐÔ ÐÁNH NGHỆ AN (...)

HƯNG ÐẠO VƯƠNG ÐEM VUA VỀ THANH HÓA (...)

TRẬN HÀM TỬ QUAN (...)

TRẬN CHƯƠNG DƯƠNG ÐỘ (...)

TRẬN TÂY KẾT (...)

TRẬN VẠN KIẾP (...)

Thế là đại quân của Thoát Hoan lúc đầu mới sang lừng lẫy bao nhiêu, bây giờ tan nát mất cả. Trong sáu tháng trời, từ tháng chạp năm Giáp Thân (1284) đến tháng sáu năm Ất Dậu (1285), quân (ta) đuổi 50 vạn quân Mông-cổ ra ngoài bờ cõi, chỉnh đốn giang sơn lại như cũ. Ấy cũng nhờ có tay Hưng Ðạo vương có tài đại tướng, cầm quân vững chãi, gan bền tựa sắt, và lại khéo dùng lời khuyên dỗ, khiến cho bụng người cảm động, sinh lòng trung nghĩa, cho nên tướng sĩ ai nấy đều hết lòng giúp nước (...)


(Trần Trọng Kim,
Việt Nam sử lược. Nhan đề phần trích tạm đặt.)