Vùng Năm Hồ Lớn nước Mỹ từng có một người Việt Nam ngồi trông hoa tuyết mà ngỡ hoa mơ, ngồi giữa cuối thu mà “ngỡ xuân” về. “Tôi (...) miền nhiệt đới” “đến đây kết nghĩa với cây du”, để “ngày ngày ngồi gốc cây du” mà “mơ cưỡi một con trâu”! “Mái tóc mờ sương thu” đã phiêu diêu tự năm nào, “lời kinh vô ký” trong du nay còn ai nghe... (Thu Tứ)



Vũ Khắc Khoan, “Ngỡ xuân”




i

Nửa khuya nghe chim lạ
Hót lẻ trong cành du
Thoáng lời kinh vô ký
Chập chờn ánh lửa giang đầu
Lắng nghe con chim lạ
Hót khẽ trong cành du
Chợt nhìn qua khung cửa
Bạt ngàn ngợp trắng trăng lu

ii

Xuân đã về miền Hương Tích?
Sao có hoa mơ nở trắng rừng mơ?
Hỡi ơi không trắng hoa rừng mơ
Mà trắng miền đất lạnh
Hoa tuyết bay trắng rực Ngũ Ðại Hồ
Hoa tuyết rơi liệm trắng màu hoa miền nhiệt đới
Nơi tuyết rơi chỉ ở trong thơ
Hoa tuyết bay lất phất
Nghe như rờn rợn lời tâm sự
Mưa nhỏ thở dài trong giàn dưa
Liễu-trai-chí-dị
Nửa khuya đất Hồ
Có con chồn già thùy lệ

iii

Lại nghe con chim lạ
Hót lạnh trong cành du
Lạnh ấm trà hoa cúc
Lạnh lén vào trong tôi

iv

Tôi từ thuở xa miền nhiệt đới
Ðến đây kết nghĩa với cây du
Lòng vẫn nhủ lòng rằng thôi đừng nhớ
Ngày ngày ngồi gốc cây du
Mơ cưỡi một con trâu
Ði về miền nắng quái

Lá du như sao buổi sớm
Nhưng biết đùa với nắng mưa thu
Cũng vàng cũng nhuộm màu quan tái
Và rụng khi cành gầy ôm tuyết trắng
Ði vào thiền khoảng cuối mùa thu

v

Nhưng bỗng nhiên im lặng
Im lặng trong cành du
Lắng tai tìm chim lạ
Nghe nhẹ bỗng cành du

vi

Cúi đầu tưởng đến duyên kỳ ngộ
Mong manh chim lạ cành du
Rồi những khuôn mặt cũ
Cùng lận đận bên trời một lứa
Giờ đây thưa thớt
Như lá mùa thu
Ước cũ duyên thừa
Có còn tiếp nối?
Hay chông chênh sát na một thoáng
Chim lạ bỏ cành du
Cánh nhỏ vụt nhòe trong cánh tuyết?

vii

Ngùi ngùi mái tóc mờ sương thu
Tuổi già lệ như lác đác
Rừng phong hạt móc sa
Ðâu còn thùy lệ
Chỉ rưng rưng sầu.















_________________________
Những chỗ tác giả cho in nghiêng là chữ trích từ bản dịch bài
Tỳ bà hành (Bạch Cư Dị) của Phan Huy Vịnh, bài thơ Tống biệt của Tản Đà và bản dịch bài Thu hứng (Đỗ Phủ) của Nguyễn Công Trứ.