Nhớ quá. Không còn học hành gì được nữa. Đàn cũng bỏ xó. “Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”… À, hay đi thăm chỗ đã gặp nàng. Tất nhiên chỉ thấy không gian. Bèn “xăm xăm đè nẻo Lam kiều lần sang”. Để “tần ngần đứng suốt giờ lâu”. Sao lại không gõ cửa? Có sẵn cớ rất tốt là bạn học của Vương Quan kia mà! Nếu vào, cha mẹ Kiều trông thấy vẻ người rồi hỏi Vương Quan biết về con người và gia thế, chắc chắn sẽ ưng đến tận “mặt ngoài” chứ không “e” gì hết. Sao Kim Trọng không chính diện tiến công, mà lại “lén” dọn tới ở bên cạnh nhà Kiều để “rình” nhỉ?! Có lẽ vì Kim sốt ruột muốn sớm được quan hệ trực tiếp. Nếu đi đường ngay lối thẳng thì sẽ được một lời hứa gả với điều kiện đợi thi đỗ, trong lúc chưa đỗ thì chỉ được... học thi.

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 243-286)



Cho hay là giống hữu tình,
Ðố ai gỡ mối tơ mành cho xong!
Chàng Kim từ lại thư song, (245)
Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây.
Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê!
Mây Tần khóa kín song the,
Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao. (250)
Tuần trăng khuyết đĩa dầu hao,
Mặt mơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng.
Buồng văn hơi giá như đồng,
Trúc se ngọn thỏ tơ chùng phím loan.
Mành Tương phất phất gió đàn, (255)
Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.
Ví chăng duyên nợ ba sinh,
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi.
Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người,
Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi. (260)
Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu!
Gió chiều như giục cơn sầu,
Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu.
Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều, (265)
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.
Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh.
Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai. (270)
Mấy lần cửa đóng then cài,
Dẫy thềm hoa rụng biết người ở đâu?
Tần ngần đứng suốt giờ lâu,
Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà.
Là nhà Ngô Việt thương gia, (275)
Buồng không để đó người xa chưa về.
Lấy điều du học hỏi thuê,
Túi đàn cặp sách, đề huề dọn sang.
Có cây có đá sẵn sàng,
Có hiên Lãm Thúy nét vàng chưa phai. (280)
Mừng thầm chốn ấy chữ bài,
Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây!
Song hồ nửa khép cánh mây,
Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông.
Tấc gang động khóa nguồn phong, (285)
Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra.


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)





_____________________
Trừ chỗ nào có ghi khác, các chú thích dưới đây là dựa theo
Từ điển Truyện Kiều của Ðào Duy Anh.
Lại: Trở về.
Thư song: Cửa sổ của thư phòng, theo phép hoán dụ, chỉ chỗ thư phòng.
Ba thu: Ba mùa thu, tức ba năm.
Kinh Thi có câu “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề”, nghĩa là một ngày không thấy nhau xem lâu như ba năm.
Mây Tần: Ở đây có nghĩa là con gái đẹp, do câu Tấn thư “Tần vân như mỹ nhân”.
Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao: Ðúng ra là “dứt nẻo”. Ý câu là trong đám bụi hồng (tức cõi trần) không thấy có đường lối nào, chỉ có thể đi lại bằng chiêm bao mà thôi.
Trúc: Quản bút bằng trúc. Ngọn thỏ: Ngọn bút lông (làm bằng lông thỏ). Trúc se ngọn thỏ: Vì ít được dùng, nên ngọn bút khô đi.
Phím loan: Cái phím của đàn gắn bằng keo loan, do phép hoán dụ dùng để chỉ cái đàn. Tơ chùng phím loan: Vì ít được đánh, nên dây đàn trở nên chùng.
Mành Tương: Mành mành làm bằng tre ở núi Tương là thứ tre có đốm, chỉ mành mành quý. Gió đàn: Gió thổi vào rèm có tiếng như đánh đàn.
Ba sinh: Ba kiếp chuyển sinh, quá khứ, hiện tại và vị lai.
Thói khuynh thành: Cái lối bao nhiêu mỹ nhân xưa nay đem sắc đẹp khuynh thành mà làm xiêu lòng người đàn ông.
Vi lô: Cỏ lau.
Nghề riêng: Cái trò đặc biệt của tình yêu.
Ðè: Nhắm theo.
Lam Kiều: Sách
Thái bình quảng ký chép rằng Bùi Hàng đời Ðường, sau khi thi hỏng, đến Lam Kiều (ở huyện Lam Ðiền tỉnh Thiểm Tây) gặp một bà già nói rằng: Hôm trước có thần tiên cho một liều linh dược nhưng phải có chày ngọc để giã, được chày ấy thì lấy được vợ, Hàng tìm được chày ngọc, giã thuốc một trăm ngày, rồi lấy được Vân Anh mà thành tiên cùng đi mất. Chày ngọc chưa được giã thuốc ở Lam Ðiền, ý nói chưa thành vợ chồng.
Lá thắm: Ðời Ðường Hy Tôn có người tên là Vu Hựu bắt được một cái lá đỏ từ dòng ngự câu trong cung trôi ra, trên lá có đề thơ. Hựu bèn đề một bài thơ đáp lại vào lá rồi thả ở thượng lưu của ngự câu, người cung nhân tác giả bài thơ trước là Hàn phu nhân bắt được. Sau vua thải cung nữ, Hàn thị lấy Hựu, hai người lấy lá đỏ đề thơ ngày trước đưa cho nhau xem. Hàn thị bèn làm một bài thơ có câu “Phương tri hồng diệp thị lương môi”, mới biết lá thắm là mối giỏi.
Chim xanh: Có truyện cổ tích nói rằng xưa vua Hán Vũ Ðế đương ngồi chơi, có con chim xanh bay đến, Ðông Phương Sóc nói: Ðấy là sứ giả của Tây Vương Mẫu đến. Sau người ta lấy chim xanh để tỷ dụ sứ giả, người đưa tin, hay người làm mối.
Ðề huề: Mang xách
Hiên Lãm Thúy: Cái hiên ngồi ở đấy mà ngắm cảnh xanh biếc của cây và đá.
Song hồ: Cửa sổ phất bằng giấy hồ.
Cánh mây: Cánh cửa dán giấy có vẽ mây.
Tường đông: Do câu sách
Mạnh Tử “Du đông gia tường nhi lâu kỳ xử tử”, nghĩa là trèo tường nhà hàng xóm phía đông mà dỗ con gái người ta. Cũng do câu phú của Tống Ngọc “Thần lý chi mỹ giả, mạc nhược thần đông gia chi tử”, nghĩa là người đẹp ở làng tôi thì không ai bằng con gái ở láng giềng phía đông.
Ðộng khóa nguồn phong: Cửa động khóa kín, nguồn nước bọc kín, tức không có lối vào được chỗ động tiên, chỗ nguồn đào.