Do điều kiện tự nhiên bất lợi, ở vùng lưu vực sông Cả các văn hóa Tiền Đông Sơn rất kém phát triển. Thế mà rồi văn hóa Ðông Sơn vẫn nở rộ!

Nhưng nếu văn hóa Ðông Sơn ở lưu vực sông Cả không bắt nguồn từ các văn hóa bản địa, thì tại sao nó lại mang dấu ấn bản địa?

Về văn hóa Ðông Sơn, tuy khảo cổ học Việt Nam đã soi sáng được thật nhiều, nhưng như Hoàng Xuân Chinh kết luận, vẫn còn “nhiều vấn đề (...) cần phải tiếp tục làm sáng tỏ”.
(Thu Tứ)



“Nguồn gốc văn hóa Đông Sơn” (5)

Hà Văn Phùng




C - Mối liên hệ nguồn gốc giữa các văn hóa Tiền Ðông Sơn và Ðông Sơn ở lưu vực sông Cả

Sông Cả (...) cùng với những chi lưu (...) bắt nguồn từ các dãy núi cao phía tây Nghệ - Tĩnh chảy theo hướng đông rồi ra biển. Ðịa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, thủy văn v.v. vùng (lưu vực) sông Cả không thuận lợi (...) Những dải đồng bằng hẹp, bị chia cắt bởi nhiều đồi gò, núi đá lan ra sát biển (...) Cho đến nay (...) chưa phát hiện được nhiều địa điểm cư trú có tầng văn hóa chứa đựng nhiều giai đoạn phát triển văn hóa liên tục từ Tiền Ðông Sơn đến Ðông Sơn. Mỗi nơi cư trú (...) thường có một giai đoạn nhất định với tầng văn hóa mỏng. Rất ít khu vực tìm thấy nơi cư trú tập trung. Ðiều đó phản ánh tính khắc nghiệt của điều kiện sống đối với các nhóm cư dân thời cổ ở vùng này (...)

Cho tới nay, công tác nghiên cứu khảo cổ học ở vùng sông Cả chưa được là bao so với các vùng khác. Trước năm 1954, các học giả nước ngoài có tiến hành nghiên cứu một số di tích nhưng chủ yếu về thời đại đá, chưa có một phát hiện nào về thời đại kim khí (...)

Vào những năm đầu thập kỷ 60-70, các nhà khảo cổ học (Việt Nam) đã triển khai nhiều cuộc điều tra, điền dã trên toàn bộ khu vực sông Cả, chủ yếu tập trung vào vùng ven biển, các cồn sò điệp. Nhiều khu di tích và mộ táng của người thời đại đá mới - sơ kỳ kim khí đã được phát hiện và nghiên cứu (...)

Ðáng chú ý, vào những năm 1974-1975, tại huyện Nam Ðàn (Nghệ An), các nhà khảo cổ đã phát hiện một loạt các di tích thời đại kim khí, phân bố trên các đồi, gò thấp bên hữu ngạn sông Cả. Ðây là một nhóm di tích quan trọng mà mức độ tập trung của nó không kém một số cụm di tích khu vực sông Hồng, sông Mã vào thời đại kim khí. Ðó là các di tích: Rú Trăn, Rú Cật, Yên Lạc, Lùm Họ, Ðịa Ðốc, Nương Hội, Nam Yên, Núi Nhón, Núi Tán. Song vì những lý do nhất định mà việc khai triển nghiên cứu các di tích này (...) dừng lại ở mức độ phát hiện, thăm dò (...) Chỉ có di tích Rú Trăn được khai quật với diện tích lớn (...)

Do đó, một phổ hệ phát triển văn hóa Tiền Ðông Sơn ở vùng sông Cả (...) chỉ nên coi như một gợi ý (...)

Cho đến nay, ý kiến về sự có mặt một giai đoạn sơ kỳ đồng thau vùng sông Cả là khá thống nhất. Ðây là thời kỳ chuyển tiếp từ hậu kỳ đá mới sang sơ kỳ đồng thau (...) công cụ và đồ trang sức bằng đá rất nghèo nàn. Tư liệu gốm đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác lập diện mạo văn hóa ở giai đoạn này (...)

Căn cứ vào tư liệu gốm cũng như công cụ đá, chúng ta có thể nhận thấy cư dân nhóm văn hóa Ðền Ðồi - Rú Ta có trình độ tương đương với các cư dân Hoa Lộc, Cồn Chân Tiên vùng sông Mã và cư dân Phùng Nguyên - Mả Ðống vùng sông Hồng (...)

Tiếp sau nhóm di tích Ðền Ðồi - Rú Ta, chắc chắn còn một khoảng trống (...)

Rú Trăn (...) phát triển lên văn hóa Ðông Sơn (...)

Mặc dù các di tích Ðông Sơn ở lưu vực sông Cả khá phong phú, loại hình di vật rất đa dạng, song (các) giai đoạn Tiền Ðông Sơn, nhất là giai đoạn (ngay) trước (...) Ðông Sơn như Rú Trăn rất hiếm, không những phát hiện được ít các di tích mà (...) loại hình di vật cũng hết sức nghèo nàn (...)

Chúng tôi muốn giới thiệu kỹ hơn về di chỉ Rú Trăn (...) tầng văn hóa chỉ dày từ 0,30 đến 0,40m. Hiện vật thu được chủ yếu là mảnh gốm và bàn mài (...) Công cụ đồng không nhiều và chỉ có hai ngôi mộ (...)

Ðây là một di chỉ cư trú có khối lượng bàn mài bằng đá rất lớn, chưa gặp ở bất cứ di tích nào thuộc thời đại đồng thau (...) Chúng tôi chưa giải thích được (sự kiện này) (...) Trong khi đó những cái được coi là phải dùng đến bàn mài như rìu đá lại vắng mặt, đồ đồng, đồ xương tìm thấy rất ít, không tương xứng với số lượng bàn mài (...)

Về công cụ đồng, chỉ phát hiện được hai hiện vật trong tầng văn hóa. Ðó là (một) mũi nhọn đồng còn tương đối nguyên vẹn (...) phần mũi đã bị gãy, họng tra cán hình bầu dục. Toàn thân di vật được phủ lớp patin màu xanh bóng, tương tự như những mũi nhọn trong các di tích văn hóa Gò Mun vùng Bắc bộ. Một chiếc nhẫn bằng đồng (...) có mặt cắt hình sống trâu. Về kiểu dáng (...) giống chiếc nhẫn Gò Chiền. Ngoài ra, ở các độ sâu khác nhau còn tìm thấy sáu nhóm mảnh đồng, do những vật bị vỡ được gom lại thành từng cụm nhỏ và sáu nhóm khác thuộc loại gỉ và xỉ, màu đen, bọt xốp trong màu xanh nhạt là phế thải trong quá trình nấu luyện, đúc các sản phẩm bằng đồng.

Ðồ gốm trong tầng văn hóa chủ yếu là mảnh (...) đặc trưng (...) là (...) có nhiều vảy mi-ca óng ánh (...) tìm thấy năm mảnh nồi nấu đồng, một số mảnh chạc gốm kiểu Gò Chiền.

Ðáng chú ý có một di vật làm bằng xương đã bị vỡ nhiều, chỉ còn lại mảnh nhỏ, mầu trắng ngà. Ở một mặt có khắc những vòng tròn đồng tâm. Di vật này rất giống một di vật cũng bằng xương tìm thấy ở di chỉ Hạ Gia Ðiếm (Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc) có niên đại vào đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên (...)

Về niên đại hai ngôi mộ ở Rú Trăn, trước đây căn cứ vào sự tương đồng về đồ gốm giữa di chỉ và mộ đã coi đó là (...) mộ của cư dân giai đoạn văn hóa Rú Trăn. Song (...) nay (...) chúng tôi cho rằng hai ngôi mộ này là của cư dân văn hóa Ðông Sơn (...) Mặc dù đã ở giai đoạn phát triển cao, nhưng chủ nhân của những ngôi mộ Ðông Sơn ở Rú Trăn vẫn giữ được truyền thống chế tác đồ gốm của giai đoạn trước về chất liệu và hoa văn trang trí (...) Có thể cư dân Ðông Sơn ở khu vực này về sau đã dùng di chỉ Rú Trăn làm khu nghĩa địa (...)

(Trong các di tích Ðông Sơn ở lưu vực sông Cả) di vật bằng đồng, nhất là (di vật) đồ gốm, xét về chất liệu và kiểu dáng (...) (và) hoa văn, mang đậm phong cách (...) Rú Trăn (...) dễ phân biệt với (di vật từ) các khu vực văn hóa khác. Do vậy, có thể khẳng định được rằng (...) (văn hóa) Ðông Sơn ở lưu vực sông Cả hẳn đã bắt nguồn từ các giai đoạn văn hóa Tiền Ðông Sơn, chí ít là giai đoạn Rú Trăn (...)

Không còn nghi ngờ gì nữa về nguồn gốc bản địa của văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam. Những chứng tích vật chất mà khảo cổ học phát hiện được trên phương diện diễn biến địa tầng cũng như di vật đã nói lên quá trình hình thành và phát triển của văn hóa Ðông Sơn là bắt nguồn từ các nền văn hóa Tiền Ðông Sơn thuộc các vùng khác nhau trên đất (nay là Bắc bộ và bắc Trung bộ của nước) Việt Nam. Ðó là lưu vực sông Hồng, lưu vực sông Mã và lưu vực sông Cả. Ngoài ra, có thể ở mỗi vùng, các nhóm cư dân đương thời cư trú trong những hang động miền núi cũng góp phần tham gia vào quá trình hình thành văn hóa Ðông Sơn. Ðiều đó giải thích tại sao văn hóa Ðông Sơn lại mang những yếu tố địa phương phong phú, đa dạng và phức tạp trong một nền văn hóa thống nhất (...)



(Hà Văn Phùng, “Nguồn gốc văn hóa Ðông Sơn”, chương VI của
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994)