Vì tiếng Việt đơn âm, âm tiết là chữ.

Theo Ðoàn Thiện Thuật, chữ “đúng” chẳng hạn gồm ba thành phần là âm đầu đ, vần ung và dấu sắc.

Theo cái nhìn “Dĩ Âu vi trung”, “đúng” là phụ âm đ cộng nguyên âm u cộng tổ hợp phụ âm cuối ng.

Trong bài “Tương lai ngữ pháp tiếng Việt”, chúng tôi đã nêu rằng tinh thần của ngữ pháp ta là tính toàn thể, trong khi tinh thần của ngữ pháp Âu là tính biệt lập.

Xét cấu tạo của chữ Việt, tính toàn thể cũng thật rõ ràng: mỗi chữ là một kết hợp hữu cơ của âm đầu, vần và dấu, chứ không phải là kết quả của một bài tính cộng “lạnh lùng” những nguyên âm và phụ âm.

Chữ Việt nhìn đúng thì thấy được hồn. Nhìn sai, chỉ thấy trơ trơ cái xác.

(Về ý nghĩa của âm đầu, phần vần và các dấu, năm 1942 Đoàn Phú Tứ đã đưa ra lời bàn, hình như ông là người đầu tiên làm việc này.)
(Thu Tứ)



Đoàn Thiện Thuật, “Cấu tạo của âm tiết”




Chuỗi lời nói được con người phát ra thành những mạch khác nhau, những khúc đoạn, từ lớn đến nhỏ khác nhau. Ðơn vị phát âm nhỏ nhất là âm tiết (tr. 18)

Có nhiều sự kiện ngôn ngữ chứng tỏ rằng âm tiết tiếng Việt bao gồm (...) thanh điệu, âm đầu và (...) phần vần (tr. 71-72)

Mỗi thanh điệu, mỗi âm đầu, mỗi vần hình như gắn với một ý nghĩa nhất định (tr. 75)

(Những người quen) nghiên cứu ngôn ngữ Ấn Âu (...) miêu tả (âm tiết tiếng Việt) như một tổ hợp của các phụ âm và nguyên âm (...) Thanh điệu thường không được tính đến (...) Âm tiết được coi như một tổng số của những đơn vị bình đẳng. Mối quan hệ giữa chúng là những dấu cộng lạnh lùng (tr. 81-84)


(Ðoàn Thiện Thuật,
Ngữ âm tiếng Việt, Nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1980)