Câu chuyện tía con đang căng thẳng, con chợt đề nghị “Tía nói mấy chị dỡ vài con mắm sặt, con ra vườn bẻ ổi tía con mình lai rai”, tía dịu xuống liền! Trong “Lý con sáo sang sông” của Nguyễn Ngọc Tư, “tôi” với Phi đang nằm buồn thì Út Thà chèo xuồng qua, thấy, xuống bếp loay hoay rồi đem lên “dĩa mắm lóc xé trộn gừng”, hồi sau “bổ sung thêm chén khế chua xắt lát”. Mắm (và dĩ nhiên rượu) vô, chuyện buồn ra mệt nghỉ! “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng mắm coi vậy cũng là... Cái miệng có ăn mắm, lời nói ra dễ thấy dễ thương! (Thu Tứ)



Anh Kiệt, “Mắm đạo”




Đất Nam bộ mỗi năm hai mùa mưa nắng. Mùa mưa, trời cho thừa mứa món ăn tươi sống từ thịt cá tới rau, củ, quả... Sáu tháng mùa nắng dài đăng đẳng, cây cỏ héo khô, ao đìa phơi đáy, cá chạy về sông, kiếm được cái ăn không dễ.

Lưu dân Nam bộ đã điều tiết sự mất cân đối đó bằng khô, mắm. Những con cá, tép dư thừa của mùa mưa được làm khô, mắm để dành (…)

Phụ nữ Nam bộ có thể không biết đỏ mặt mắc cỡ trước lời khen áo đẹp nhưng chắc chắn sẽ tức tối mất ăn mất ngủ nếu bị chê mắm của mình dở hơn người khác. Từ một món ăn dự trữ, mắm đã đi sâu vào tâm thức con người Nam bộ như người bạn thân quen. Cách cư xử của người với mắm có khi được xem như là đạo lý. Ở Đồng Tháp Mười thời kỳ đầu đổi mới, huyện uỷ phân công các uỷ viên thường vụ đi vận động giải thích những gia đình cố cựu rút đơn khiếu nại đòi lại đất đã nhường cơm sẻ áo cho người dân khác. Ông chủ tịch huyện đi vận động cha nuôi của mình là gia đình có nhiều công lao với cách mạng. Vừa bước vô cổng, các chị em gái nuôi đã mắng như tát nước vô mặt ông chủ tịch “Mấy năm nay mới thấy mặt! Kỳ nầy bắt tía đi cải tạo hay cắt thêm đất?” Ông chủ tịch cười trừ, ngồi nói chuyện với cha nuôi. Ông lão nông Đồng Tháp tuy không bộp chạt như mấy bà chị nhưng câu chuyện cũng dấm dẳng cay đắng. Đến xế trưa, ông chủ tịch hỏi: “Hũ mắm đồng nhà mình còn hôn tía?”. “Cái thằng hỏi lạ! Nhà tao hết mắm đồng khác nào Đồng Tháp này hết cá!”. “Vậy tía nói mấy chị dỡ vài con mắm sặt, con ra vườn bẻ ổi tía con mình lai rai!”. Ông già đang căng thẳng chợt dịu xuống như muốn nói “Cái thằng này làm quan mà còn nhớ mắm là còn xài được!”. Bà chị nuôi dằn dĩa mắm trên bàn cái cộp, giọng cằn nhằn nhưng là cái giận dỗi của người nhà “còn có mấy miếng ruộng, dụ ông già chia hết đi!”. Quanh dĩa mắm, câu chuyện chính trị, chính sách đã quay về với không khí gia đình... Cho tới buổi chiều thì chính bà chị lại đấm lưng ông em nuôi chủ tịch “Thằng quỷ này nó mở miệng thì con kiến trong hang cũng phải bò ra!”.


(Báo
Sài Gòn Tiếp Thị, 15/4/2008)























004