Hà Văn Phùng mô tả di tích Quỳ Chử rồi kết luận: “Như vậy về cơ bản (...) có thể nói cư dân văn hóa Ðông Sơn tại Quỳ Chử là con cháu trực tiếp của người Quỳ Chử tồn tại trước đó”. Chắc chắn với vô số bằng chứng mà khảo cổ học Việt Nam đã khám phá không ai còn có thể phủ nhận vai trò quan trọng của những cư dân bản địa trong quá trình hình thành văn hóa Ðông Sơn. Mặt khác, sự “xuất hiện (của) một số kiểu loại đồ đồng mới” không khỏi làm ta phân vân: đây chủ yếu là sáng kiến bản địa mới, hay là đồ của người từ nơi xa xôi nào đó vừa đến ở chung đem theo? (Thu Tứ)



“Nguồn gốc văn hóa Đông Sơn” (4)

Hà Văn Phùng




Di tích Quỳ Chử nằm đối diện với di tích Ðông Sơn bên tả ngạn sông Mã. Di tích này được coi là một trong những di tích tiêu biểu tồn tại ngay trước văn hóa Ðông Sơn. Các nhà nghiên cứu lấy tên của nó đặt cho một giai đoạn văn hóa (...) Ðây là giai đoạn tạo nên trực tiếp cơ sở vật chất chủ yếu cho sự ra đời của văn hóa Ðông Sơn vùng sông Mã (...)

Quỳ Chữ (...) được phát hiện (...) năm 1961 và được thám sát vào năm 1962 (…) Năm 1976 (...) được đào thám sát trở lại và tiến hành khai quật lớn vào năm 1978 (…)

Tầng văn hóa ở Quỳ Chử dày từ 1,20m đến 1,40m chứa đựng hai thời kỳ văn hóa: Quỳ Chử và Ðông Sơn (...) Có thể nhận ra sự diễn biến liên tục (...) Lớp văn hóa Quỳ Chử phía dưới có độ dày từ 0,25m đến 0,30m màu xám đen, nhiều than tro, tơi xốp. Lớp tiếp theo màu xám nâu, dày từ 0,40m đến 0,60m, ít than tro. Lớp trên cùng màu nâu thẫm, dày từ 0,30m đến 0,50m, đất nén chặt, ít than tro. Lớp này chứa nhiều gốm màu hồng đỏ của giai đoạn văn hóa Ðông Sơn điển hình, xương thú hầu như không thấy. Hai lớp dưới chứa nhiều gốm màu bạc xám, miệng cong lòng máng, trang trí văn vạch nhóm trong lòng miệng, và rất nhiều xương thú (...)

Về cơ bản hai lớp văn hóa dưới thuộc giai đoạn văn hóa Quỳ Chử và tiếp đến là lớp văn hóa Ðông Sơn. Ðặc trưng di vật ở giai đoạn Quỳ Chử (...) là hệ thống gốm màu bạc xám, văn vạch trong lòng miệng cong lõm (...) Bình vò gốm có vai gãy gấp, có nhiều đường văn vạch chạy vòng quanh vai, xen vào đó là các vạch ngắn cắt chéo tạo nên ô vuông, ô trám, chải kiểu xương cá hay từng nhóm văn vạch song song tạo thành hình bình hành, sóng ngắn chạy quanh vai. Ðáy của các bình vò này có văn vạch chéo đan vào nhau. Ở giai đoạn này đã thấy loại gốm nhỏ kiểu minh khí.

Di vật đồng rất phong phú và đa dạng. Ðó là các loại rìu đồng có họng tra cán hình đuôi cá, lưỡi xòe cân, giáo hình búp đa cánh mỏng, dao xéo, búa, dĩa hai ngạnh sắc, tên hình tam giác và cánh én, lưỡi câu các cỡ, đục vũm, dùi nhỏ, kim khâu v.v. Công cụ đá vẫn tồn tại như rìu, đục, song đã giảm hẳn về số lượng (...) đồ trang sức bằng đá vẫn được cư dân Quỳ Chử ưa chuộng, có chế tác tại chỗ và có trao đổi (...)

Trong lớp văn hóa Ðông Sơn (...) phía trên còn gặp lại nhiều di vật kiểu Quỳ Chử (...) Ðồ đồng ở giai đoạn Ðông Sơn vẫn mang truyền thống (...) đồ đồng Quỳ Chử (...) song (...) đã xuất hiện một số kiểu loại đồ đồng mới như: lưỡi cày cánh bướm, nạo có hình dáng chiếc rìu tứ diện, lưỡi cong vũm, vòng tay hình lòng máng, hình sống trâu, vòng ống hình trụ v.v. (...)

Như vậy về cơ bản (...) có thể nói cư dân văn hóa Ðông Sơn tại Quỳ Chử là con cháu trực tiếp của người Quỳ Chử tồn tại trước đó.

Mối liên hệ nguồn gốc giữa văn hóa Ðông Sơn với văn hóa Quỳ Chử không phải chỉ thấy trong di tích Quỳ Chử mà còn ở một số di tích khác như: Thiệu Dương, Ðông Sơn, Hoằng Lý, Ðồng Ngầm, Núi Nấp v.v. Các địa điểm nói trên chỉ khác Quỳ Chử ở chỗ chúng gồm nhiều giai đoạn văn hóa, nhưng sớm nhất cũng chỉ bắt đầu từ giai đoạn Bái Man (...)

Có (...) những yếu tố văn hóa khác tham gia vào giai đoạn Quỳ Chử (...) Chẳng hạn, trong một số lớp văn hóa thuộc giai đoạn Quỳ Chử có những mảnh gốm điển hình của văn hóa Gò Mun vùng Bắc bộ hay những bộ khuyên tai bằng đá ngọc hình vành khăn có tiện ren là đặc trưng của Gò Mun v.v. Bên cạnh đó, (có) những bình gốm “lạ” hình con tiện màu nâu, có vẩy mi-ca óng ánh, trang trí những dải văn chấm nhỏ, tạo thành mô-típ răng cưa, là đặc trưng gốm Rú Trăn vùng Sông Cả (...)

Như vậy, văn hóa Ðông Sơn ở lưu vực sông Mã không chỉ mang riêng những yếu tố Quỳ Chữ (...) mà còn có (...) những yếu tố văn hóa (...) ngoài lưu vực sông Mã tham gia vào.


(Hà Văn Phùng, “Nguồn gốc văn hóa Ðông Sơn”, chương VI của
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994)