Xin lưu ý tiếng Thái ở đây là tiếng Thái-lan, chứ không phải tiếng của dân tộc Thái ở Việt Nam.

(Thu Tứ)



“So sánh từ vựng Việt, Thái”




Tiếng Thái cũng đơn âm và có dấu như tiếng Việt.(3) Thanh điệu trong tiếng Thái gồm không, huyền, sắc, hỏi và một dấu mà tiếng Việt không có.(4)

Khác hẳn các ngôn ngữ trong hệ Ấn Âu, từ Thái và từ Việt không bao giờ biến thể vì bất cứ lý do gì. Không bao giờ có chuyện mít thành míts, xanh thành xanhe, chạy thành chạyed, chạying v.v.

Về những từ căn bản, có ít nhất năm sáu trăm trường hợp tiếng Thái rất giống tiếng Việt.(5)

Ðể tiện suy nghĩ, tạm chia số từ “chung” này làm 16 nhóm như sau:

(1) Nhóm Cơ thể. Ví dụ: lang (lưng), khrao (râu), phung (bụng), san (xương), kang (cằm), khar (cẳng), kho (cổ), lai (vai), kho hoi (cổ họng), eo (eo).

(2) Nhóm Cảm giác. Ví dụ: dam (đen, thâm), horm (thơm), nak (nặng), tian (trơn), ot (đói), fart (chát), shuet (hoét: nhạt), yark (khát), nuai (oải).

(3) Nhóm Sinh hoạt căn bản. Ví dụ: thup (thụi), khen (chẹn), op (ôm), kho (khõ), khae (khảy), toi (thoi), kao (cào), yut (giật), khwarng (quăng), thap (đạp), khayeng (kiễng), yorng (dựng: tóc), yam (giẫm), ngoei (ngước), ngok (ngóc), kat (cắn), kharp (cạp), ar (há), om (ngậm), khai (khạc), niyom (nếm), kom (khom), morp (mọp), khot (co), cho (chọt), chorng (chong: mắt).

(4) Nhóm Quan hệ gia đình. Ví dụ: tia (tía, cha), mae (mẹ).

(5) Nhóm Sản phẩm nhân tạo. Ví dụ: naa (ná), krong (lồng), marn (màn), klorng (trống), phat (quạt), rua (rào), khorng (cồng), ple-yuan (võng), khel (kèn), tum (chum), keea (cửi), khrok (cối), moong (mùng), khem (kim), chaeo (chèo), sao (sào), khao (gạo), sin (xiêm), thong (ống).

(6) Nhóm Ý niệm thời gian. Ví dụ: phrorm (rồi), sarng (sáng), warn (qua), duan (tháng), mai (mới), kae (già), nee (nay), khoei (quen).

(7) Nhóm Ý niệm không gian. Ví dụ: to (to), wong (vòng), klom (tròn), kong (cong), luk (lút), lum (lúm), prong (rỗng), yao (dài), tam (thấp), khaep (hẹp), shit (sít), noi (nhỏ), lek (lắt: nhỏ, như chuột lắt), nit (nít, nhít: nhỏ, như con nít, nhỏ nhít), khap (chật).

(8) Nhóm Ý thức về trạng thái, chất lượng. Ví dụ: rorn (rôm: nổi rôm), krorp (ròn), sa-art (sạch), prong (trong), rao (rạn), naen (nêm: đông), puai (hoai, như phân hoai), mue (mờ), ler (dơ), puan (bẩn), mun (mụ: đờ đẫn), mhod (mỏi), yun (dùn, chùng), rarp (rạp), nieo (dẻo), ae-at (kẹt), rua (rò), ung (ồn), nao (nẫu), rom (râm), hot (hóp), hieo (héo), taek (tét: tét làm hai), pong (phồng).

(9) Nhóm Ý thức tổng quát. Ví dụ: ngorn (ngọn), yort (chót), yot (rớt), trong (trúng), phit (phét: nói phét), du (dữ), loi (nổi), luem (lú: quên), phlat (lạc: quên đường), phung (phun), barn (banh: mở), phut (phựt: bật lên), op (ấp), larm (lan: lan tràn), plaek (lạ), sut (sụt), tarng (đàng), naeo (nẻo), phler (lỡ, nhỡ), sieng (tiếng).

(10) Nhóm Sinh hoạt cao cấp - Cụ thể. Ví dụ: tum (thấm, chặm), cho (trỗ), thak pia (thắt bín), yarng (nướng), hor (bó), phar (pha: cắt thịt), naep (nẹp), ru (rũ), chum (chấm), dap (dập), cheep (chít), chieo (chiên), mo (mài), tham (làm), rot (rót), sheet (xịt), chaek (trét), nung (nung), khuan (khuấy), nen (nén), kwart (quét), khwar (khoác), um (ẵm), bok (bảo), leo (quẹo), pork (gọt), pert (bật).

(11) Nhóm Sinh hoạt cao cấp - Trừu tượng. Ví dụ: term (thêm), khui mo (khoe mẽ), khor (hỏi), thai (thay), luak (lựa), luang (lường: lừa), puan (bạn), tham rai (làm hại), kliat (ghét), chai (trả), thar (thách), yo (đố), phoei (phơi), war (quở), thorn chai (thở dài), yoo (ở), yua (đùa), shai (xài), yiam (thăm), thoi (thôi).

(12) Nhóm Thiên nhiên - Ðộng vật. Ví dụ: maeo (mèo), kai (gà), kar (quạ), maa (má: chó), plar (cá), mat (mạt), tuk kae (tắc kè), yieo (diều), khao maeo (cú mèo), kaeo (két), plar muk (cá mực), aen (én), ngar (ngà).

(13) Nhóm Thiên nhiên - Thực vật. Ví dụ: phai (pheo: tre), king (cành), pot (bắp), na (na), khing (gừng), muang (muỗm), horm (hành), fin (phiện), tua (đậu), son (thông), wai (mây), shar (trà).

(14) Nhóm Thiên nhiên - Tổng quát. Ví dụ: tharn (than), mek (mây), lok (đất), tok (thác), nern (nổng), dong (rừng), mork (móc), long (ròng: nước ròng), chan (trăng), saeng chan (sáng trăng), lon (lớn: nước lớn).

(15) Nhóm Từ kép. Ví dụ: kham nap (khép nép), rung rot (rạng rỡ), sa-warng sa-wai (sáng sủa), lom leo (lỏng lẻo), lork luang (lọc lường), ruai ruai (hoài hoài), ngong nguey (ngẩn ngơ), yim yim (lâm râm), lo le (lo le), ruen rerng (rộn ràng), khlum khlua (âm u), nit noi (nhít nhỏ), plao plieo (loi lẻ?), war we (quạnh quẽ), tam toi (thấp thỏi), pha som (pha trộn), khap khaep (chật hẹp), rok rark (gốc gác), kroke krark (rột rạt), uet art (uể oải?), ot yark (đói khát), long tharng (lang thang), up ip (ấp ứ?), on en (ỏn ẻn), khem khaeng (khỏe khoắn).

(16) Nhóm Linh tinh. Ví dụ: mae war (mặc dầu), lam (lắm), ruam kab (gồm cả), thaen (thay), shern (xin), khong lua (còn lại), yang (vẫn), yang khong (vẫn còn), krot (rất), dai (đã), kum lang (đang), cha (sẽ), nee (này), nai (nào), krai (ai), thao (bao: bao nhiêu).

Ðây mới chỉ là chút kiến thức nông cạn, ngẫu nhiên. Có thể tìm hiểu kỹ sẽ thấy về từ vựng tiếng Thái còn giống tiếng Việt hơn thế nữa.

Tuy nhiên, giống như trên tưởng cũng đủ gợi vô vàn thắc mắc. Người Việt Nam với người Thái-lan đâu có tiếp xúc gì đáng kể, sao dùng lắm từ giống nhau vậy, giống từ eo, lưng, mèo, cá, na, muỗm, than, mây, kèn, trống, đến đen, nặng, thơm, to, nhỏ, dài, hẹp, đến ôm, gõ, đạp, giẫm, ngậm, nếm, khom, đến mẹ, cha, đến sáng, mới, già, đến sạch, trong, rạn, nẫu, hoai, héo, đến ngọn, chót, lạc, lạ, đường, nẻo, đến ẵm con, quét nhà, thắt bín, pha thịt, nướng thịt, đến lựa, lường, thách, làm, trả, thăm, thở dài, khoe mẽ? Lạ hơn nữa là giống cả ở những cái rất “riêng tư” như khép nép, rạng rỡ, ngẩn ngơ, lo le, rộn ràng, ỏn ẻn, lang thang và những cái tuy “thiếu nội dung” nhưng rất cần thiết cho lời ăn tiếng nói như mặc dầu, vẫn còn, còn lại, đã, đang, sẽ!



Thu Tứ

(Trích từ bài “Âu ơi, Lạc ơi...” trong sách
Tìm tòi và suy nghĩ (2005))





________________________
(3) Theo đa số học giả, đây là do ảnh hưởng của tiếng Hoa.
(4) Có lẽ do không phổ biến mà hiện nay cách viết tiếng Thái bằng mẫu tự La-tinh vẫn chưa thống nhất. Chẳng hạn, sách này viết
khao, phoot, leew, nii, sách khác lại viết khaw, pood, laeo, nee. Lại thường không bỏ dấu, trong khi Thái ngữ đặc biệt nhiều từ đồng âm dị nghĩa. Do đó xảy ra tình trạng cùng viết là khao mà có ít nhất là 15 nghĩa!
(5) Sau khi đã loại bỏ phần lớn những từ giống từ Hoa.
“Lệ” trước giờ là hễ thấy cái gì của “man di” mà giống của Hoa thì cho ngay rằng man di bắt chước Hoa. Thái độ “dĩ Hoa vi trung” ấy cần xét lại vì ngày càng có thêm nhiều bằng chứng là vào lúc hai bên gặp nhau nam man chẳng man tí nào (S. Oppenheimer trong
Eden in the East, Phoenix, Anh, 1999, cho rằng chính Ðông Nam Á mới là cái nôi của văn minh nhân loại).
Kẻ viết tiếng thành chữ, chẳng hạn chữ giang, đâu nhất thiết là kẻ đặt ra tiếng, kẻ đầu tiên gọi dòng nước là giang. Thực ra giang bắt nguồn từ tiếng Việt tộc (xem Bình Nguyên Lộc,
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1971, tr. 627 / Nguyễn Linh, Thời đại Hùng Vương (nhiều tác giả), Hà Nội, 1971, tr. 44-47 / Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. TPHCM, VN, 2001, tr. 60). Trường hợp này, người Hoa học tiếng của Bách Việt, nhưng ta có thể tưởng ngược lại mà bỏ qua, tức bỏ mất một bằng chứng nối kết tiếng Việt với bao nhiêu thứ tiếng anh em khác.
Oan uổng, mà hiện nay còn phải chịu.