Tản Ðà là nhà thơ làm nhiều thơ hát nói sau cùng.

Khi ông mất năm 1939, thể hát nói coi như đã theo ông đi về “thời vang bóng”.

Hơn mười năm sau, giữa mùa khói lửa, nó chợt tái hiện trên một căn gác, có lẽ đâu đó ở Hà Nội.

Ngẫu nhiên, trên gác có người bạn trẻ của Tản Ðà là Nguyễn Tuân. Nguyễn ngồi đấy hẳn có giúp gợi hứng cho người bạn trẻ của Nguyễn là Vũ Hoàng Chương làm một bài thơ theo thể thơ già.

(Thu Tứ)



Vũ Hoàng Chương, “Gác Cuồng Ngâm”



Từ phen sóng nước gieo neo
Mấy hoa tan tác, mấy bèo nổi trôi.
Thú xưa còn bấy nhiêu thôi
Hồn thi nhân, với giọng người danh ca.

Mặt nhìn mặt còn ngờ trong giấc mộng
Phải rằng đây Vang-Bóng-Một-Thời xưa?
Gác Cuồng Ngâm thuở ấy họp bình thơ
Người-trong-cuộc bây giờ đâu nhạn cá?

Giai nhân hoàn bội quy trường dạ
Danh sĩ phong trần tẩu mỹ nhiêm

Trải tang thương cùng đau đớn nỗi niềm
Nhịp xênh phách lại càng thêm gợi nhớ.

Lệ trên tiệc những hơn người chan chứa
Xót cho nhau mang lấy chữ "Tài" chi!
Ðâu đây chợt vẳng tiếng Tỳ...


(Viết năm 1950, in trong
Hoa đăng (1959) dưới nhan đề Hoài Niệm, in lại trong Loạn trung bút(1970) dưới tên này)