Hóa ra anh Bốn Thôi là một gã bất lực! Bất lực mà lại lấy vợ đến sáu lần, mà “có con” hẳn hoi!

Nhưng tuy câu chuyện có éo le, thiết tưởng chỗ hấp dẫn nhất ở đây vẫn là cái chất sống hiển hiện của các nhân vật. Tức cái khả năng cảm nhận sự sống đặc biệt tinh tế của tác giả.

(Thu Tứ)



Võ Phiến, “Lại thư nhà” (2)




Bốn Thôi cưới người vợ thứ hai vào mùa xuân. Trải qua hai năm, đến mùa xuân thứ ba sau đó thì chị Lộc bị đau lần đầu tiên. Duyên cớ thật nhỏ nhặt: một mụt mụn, nổi lên ở gốc mũi. Mụt mụn bọc mới một ngày mà đã làm cho mặt chị nặng lên, khó chịu. Nhiều lần chị đưa ngón tay rờ rẫm thăm dò. Cuối cùng, không chịu được, chị bấm móng tay vào, nặn vỡ mụt mụn. Chỉ bật ra một tí máu, rồi một ít nước đỏ loang loãng. Ngay nửa giờ sau chị cảm thấy trong người ớn lạnh, khang khác, nhưng chị vẫn đi ra đồng bắt cua.

Ðầu tháng hai, chỉ còn ít nước lép xép ở những đám ruộng sâu. Cua cá dồn lại trong những vũng nước nhỏ như thế rất khó bề trốn tránh khỏi cò vạc. Chị Lộc phải gấp rút tranh nhau với loài chim. Mỗi buổi sáng bước chân xuống ruộng, chị thấy thêm dấu chân mới và nhiều vết phân trắng của chúng bên cạnh các vũng nước sắp cạn. Trong khi chị Lộc lom khom tìm cua cá thì rải rác ở những bờ ruộng quanh đấy vẫn có vài con cò lọ nồi đứng gật gù buồn bã: chị bị chúng nó theo dõi như thế suốt buổi.

Hôm ấy chị bắt cua không trọn buổi. Gần trưa, chị thấy choáng váng, lên cơn sốt, phải bỏ về nửa chừng. Người thím chồng vừa trông thấy mặt chị liền kêu lên ngạc nhiên: mặt sưng vù, híp đi một con mắt. Chị Lộc cho rằng đó có lẽ là vì chị đã cúi đầu lâu quá nên máu dồn xuống. Chị úp bàn tay lên phía đau, thấy nóng hừng hực. Buổi chiều chị bỏ công việc, nằm vùi.

Sáng hôm sau, cả một nửa khuôn mặt sưng to và đỏ rần một cách dễ sợ. Một phía môi của chị bị xách méo lên, và tiếng nói nghe khác hẳn đi. Bốn Thôi hoảng sợ. Trong một ngày, chị Lộc uống đến hai thang thuốc, không kể những món ngoại khoa dùng thoa xức bên ngoài.

Ðến ngày thứ ba thì chị Lộc nằm mê man. Khi hai con mắt chị khép lại, anh Bốn Thôi hoàn toàn bối rối, cuống cuồng. Lâu nay anh đã quen tìm sự bình tĩnh và niềm tin cậy nơi cuộc đời từ nét mặt và đôi mắt của người vợ. Bây giờ khuôn mặt ấy không còn hình dạng bình thường nữa, nó không còn có thể biểu lộ được gì nữa cả. Và hai mắt ấy thì nhắm nghiền lại suốt ngày. Bốn Thôi trông, rồi chợt hiểu rằng mình có thể sắp mất nó vĩnh viễn, anh ta như người mất hẳn phương hướng, ngẩn ngơ, thất lạc.

Tưởng chừng người vợ có thể đau khắp châu thân miễn là còn lại khuôn mặt và cặp mắt để anh nhìn và để nhìn lại anh, là anh đủ được an ủi và đủ biết phải làm những gì, xoay trở ra sao. Ðàng này anh lại mất những cái đó trước tiên: anh còn biết tìm đâu ra sự tin tưởng và sáng suốt, anh còn biết làm cái gì nữa bây giờ? Từ đó, chú thím anh ta cùng mấy người hàng xóm lo chạy thuốc lao xao, còn anh thì ngồi ì như đứa trẻ, ở một mép giường, bên cạnh người vợ. Thỉnh thoảng chị Lộc cựa mình, cố gắng hé mắt một cách khó khăn, và ú ớ mấy tiếng trong miệng.

Sáng ngày thứ tư, vào khoảng chín mười giờ, Bốn Thôi vẫn ngồi như thế, bỗng thấy người vợ dùng ngón tay cào lên mặt chiếu. Anh ta nhìn lại thì vừa gặp chị mở mắt. Chỉ có một con mắt mở được, và chỉ hé được nửa chừng. Bốn Thôi nhìn chằm chặp vào con mắt ấy như vội vã đọc ở đấy tất cả sự dặn dò chỉ bảo của người bệnh. Anh ta bị thu hút vào ánh mắt đó một lát, thình lình anh nức lên khóc. Trong con mắt vẫn là sự dịu dàng thụ động, nhưng có một vẻ gì thiết tha buồn bã, một vẻ gì khác thường làm anh hoảng hốt.
Người vợ mấp máy hai môi. Anh ta cúi xuống, nghiêng tai nghe chị yêu cầu mời bà mẹ đến. Nói xong một câu vắn tắt, chị lại khép mắt, nằm yên lặng.

Trong khi người ta chạy đi gọi bà Hai Hồ, Bốn Thôi ngồi nhìn chăm vào mặt người vợ. Trên mặt chị không biết một người nào đó đã bôi một lớp phân gà “sáp”, thứ thuốc ngoại khoa cuối cùng. Cho rằng giờ cuối cùng của chị đã đến, tất cả chừng bảy tám người có mặt trong nhà lúc ấy đều kéo đến vây xung quanh chiếc giường người bệnh.

Thật lâu, hơn một giờ sau, vẫn chưa tìm được bà Hai Hồ. Người bệnh vẫn mê man thiêm thiếp, bất động. Những người vây xung quanh giường tản ra, rút lui hết. Trong phòng chỉ còn lại Bốn Thôi ngồi khóc sụt sịt bên vợ. Trời bên ngoài nắng gắt. Trong buổi trưa, anh ta nghe tiếng nước chảy từ một chiếc gàu rách đổ xuống mặt giếng. Tiếng nước đổ mạnh, kéo dài mãi, anh ta chợt nghĩ: “Không ngờ chiếc gàu rách đến bực ấy”. Nghĩ xong, anh lấy làm ngạc nhiên, vì giữa lúc nguy biến như lúc này mà một chuyện cỏn con vô nghĩa như thế lại có thể hiện đến trong trí mình. Hình như một chờ đợi kéo dài trong cái nóng bức thỉnh thoảng làm cho sự đau đớn của anh tê mê, thiếp đi. Thình lình có tiếng hai người đàn bà cười lớn, khua vang cái không khí nặng nề vắng vẻ. Cùng lúc ấy, Bốn Thôi có cảm tưởng như có một rùng mình nhẹ nhàng lướt qua trên thân thể người vợ. Anh cúi xuống nhìn kỹ: nàng vừa tắt thở.

Bất giác anh ta quay ngó chung quanh, dớn dác. Không có người nào cả. Một con ruồi xanh bay vào nhà lượn một vòng về phía đầu giường. Bốn Thôi òa lên khóc lớn. Mọi người chạy vào.

Từ ngày về nhà chồng, chị Lộc chỉ đau có một lần, vì một mụn nhỏ. Nhưng chị không qua khỏi, chết không kịp trối trăn.

Sau khi chị chết, tôi đã nghe người ta kể về nhiều điều dớ dẩn của Bốn Thôi. Trong khắp làng, con trai con gái thường đem những chuyện Bốn Thôi thương vợ ra để làm đề tài chế nhạo, đùa giễu. Người đàn ông hiền lành, thực thà nhất lại gây tiếng tăm vì vấn đề ái tình, vì phụ nữ.

Tôi cũng nghĩ rằng người ta thường phóng đại những chuyện như thế cho thêm vui. Nhưng chính mắt tôi, tôi có trông thấy tảng đất sét chừng mười tấc vuông để dưới bàn thờ nhà Bốn Thôi, trên tảng đất sét in một dấu chân người. Nguyên sau khi chôn vợ, mấy ngày sau anh ta hết quanh quẩn bên mộ lại đi thơ thẩn ngoài đồng, tìm đến những chỗ trước kia thường có chị làm việc. Một hôm anh ta chú ý đến những dấu chân của chị còn in rõ ràng trên ruộng, bên cạnh một vũng nước vừa mới khô, với năm ba con cá chết nằm phơi bụng trắng long lanh, một vài chiếc càng cua gãy, vỏ cua bể... Thật là một kỷ niệm xúc động: mới trước đây mấy ngày, chị còn tiến từng bước ở chỗ này, lom khom tìm cái ăn về cho gia đình; dấu tích rành rành tưởng như còn nóng hơi người!... Ruộng đất thịt mới vừa khô lớp mặt, ở bên dưới còn deo dẻo, Bốn Thôi bứng được một tảng đất vuông vắn rất dễ dàng. Cái kỷ vật kỳ cục lạ đời đó được anh ta đem về để vào nơi thờ phụng.

Từ ngày anh Bốn Thôi mang vết chân vợ về cho đến khi tôi có dịp tới nhà anh ta, nhìn thấy nó, cách nhau gần nửa năm. Tuy thế, dấu vết in trên tảng đất hãy còn rõ rệt: ngoài bàn chân chị Lộc ra, còn có thể nhận thấy một dấu chân loài chim, chắc chắn là của một con cò hay con vạc nào đó, và những đường nhỏ kéo dài loằng ngoằng mà tôi đoán là do những chiếc ngoe cua để lại. Chị Lộc, cò và cua! tất cả dồn vào trên mười tấc vuông: tôi nghĩ không còn có bản bi ký nào tóm tắt lai lịch một cuộc đời, phác họa hình ảnh và thuật lại sự hoạt động của một nhân vật, mà vừa gọn ghẽ vừa cụ thể rõ ràng đến chừng ấy.

Bà tôi nghe nhiều lời đồn đại về những lối thương vợ tiếc vợ như thế của Bốn Thôi, nhưng không có cơ hội đến nhà anh để tìm xem vết chân kia. Tuy nhiên bà tôi có cười và nhân tiện kể lại chuyện thuở khai thiên lập địa ông Khổng Lồ gánh đất đi đắp núi, mỗi bước chân lún xuống thành ra ao này, bàu nọ. Ðó là thuộc về những câu chuyện tương truyền của “mọi lần”, để cắt nghĩa tại sao có một cái ao ở đầu làng tôi, một cái ao khác ở cuối làng và một cái bàu ở làng bên cạnh, tại sao ở cách làng tôi mươi cây số có một ngọn núi nhọn như đống đất đổ vun và một trái núi dài ra như tuồng ông Khổng Lồ làm đứt dây gánh, đổ đất lai rai...

Mặc dù bà tôi có cảm tình đối với chị Lộc, bà cũng chỉ nhận thấy rằng lúc sinh thời chị đáng được quí mến vì một bàn tay làm nên mắm cua chua và lúc mất đi chị đáng được nổi tiếng vì một bàn chân có liên quan đến những chuyện “mọi lần”. Chỉ có vậy thôi. Bà tôi đã tới cái tuổi không hiểu nổi được những giông tố bão bùng của ái tình nữa. Mà ở anh Bốn Thôi lúc này chỉ toàn có ái tình, có giông tố bão bùng nghiêng ngửa cõi lòng. Người ta ngờ rằng anh có thể hóa dại, nếu không thì cũng ngẩn ngơ suốt đời. Mất chị Lộc, anh ta lại rơi lạc bơ vơ vào trong cái cô độc mênh mông của mình. Anh ta lại lùi lũi một mình, lại đưa mấy ngón tay sờ mó và nhăn nhíu mặt mày để vặt những sợi lông mũi. Anh ta càng xa lánh trốn tránh đám đông.

Sự thương nhớ quá độ đối với chị Lộc lần này làm cho anh ta có vẻ điên dại, khờ khạo, tệ hơn là lần người vợ thứ nhất trốn đi. Chính vào khoảng thời gian này người làng đặt cho anh cái tên Thôi, vì thực ra tên tục của anh trước kia vốn là Nữa. Ðối với những người đã lớn tuổi, ở thôn quê vẫn thường gọi họ bằng tên con. Gọi một người bằng tên tục có vẻ sỗ sàng, vô lễ. Trong trường hợp của anh Bốn Thôi người ta đã chờ đợi đứa con của anh lâu quá rồi. Ðến khi chị Lộc qua đời thì ai nấy nghĩ rằng thế là hết, anh đã gần ba mươi tuổi đầu, và anh bị “lụy” chuyến này khó bề gượng dậy nổi. Người dân quê có khiếu hài hước ý nhị và giàu lòng tử tế, vừa cười vừa xóa cái tên Nữa, mà gọi anh bằng tên Thôi, để tránh một lối xưng hô sỗ sàng.

Sự việc đặt một cái tên mới cho anh, mặc dù là nhã nhặn, nhưng chứng tỏ rằng người xung quanh đã công khai hết tin ở cuộc đời ái tình của anh ta nữa rồi.

*

Quả thực ở nơi anh Bốn Thôi có rất nhiều triệu chứng tuyệt vọng. Mắt anh luôn luôn nhìn xuống, tuồng như anh sợ tất cả mọi người. Khi đứng gần một cuộc chuyện trò ồn ào, anh vẫn giữ nét mặt xa vắng, và đôi tai có nghe lời nói của kẻ khác thì cũng cứ như là nghe trộm thôi. Người chú không bao giờ bắt gặp anh ta nhìn theo phía sau những người con gái bằng cái nhìn thưởng thức như trước kia nữa.

Anh Bốn Thôi có vẻ như là đã ngã khuỵu xuống dưới sức nặng của tai biến vừa qua. Không ai dám nghĩ rằng anh ta có thể nói tới chuyện vợ con nữa.

Và anh Bốn Thôi quả đã ngã khuỵu xuống thật. Ngã xong, anh nằm bẹp như thế hơn hai năm trời. Nhưng khốn nỗi, khi anh bắt đầu gượng gạo ngẩng đầu dậy được, thì việc đầu tiên anh ta nghĩ đến là... cưới vợ!

Vợ thứ ba của anh ta là một người con gái mang tật ở chân, bước đi nhúc nhắc. Nguyên đã lâu năm chị đau một thứ mụt bất trị, lở to bằng cái khu chén nơi gót chân bên phải. Chị ta ở giúp việc tại gia đình ông Lý trong làng, thuộc về “đống” họ Lê. Nhà họ Lê cho rằng chị đã quá tuổi lấy chồng, và yên trí là sẽ nuôi chị ta cho tới già. Như thế chỉ tốn cơm ăn, một ít quần áo cũ đã thải bỏ, và mỗi tháng một gói hột “thiên tiên tử” năm lạng để chị ta sú nước vào, đắp lên mụt, trước khi buộc lên đó một mảnh thau có xoi thủng nhiều lỗ nhỏ thông hơi.

Thế nhưng vào lúc bất ngờ nhất, chị ta được anh Bốn Thôi rước về làm vợ. Anh có ý nghĩ bướng bỉnh cho rằng cái mụt nơi chân của chị ta nhất định có thể trị được. Rồi thì có người mách anh, anh nghe theo, mua một tuýp Dagénan, và bệnh chị ta lành thật.

Lành bệnh xong, chị ta liền bỏ nhà trốn đi ngay. Tính ra chị làm vợ anh Bốn Thôi chưa tới sáu tháng. Người ta đôi lúc phải tiếc rằng thuốc men công hiệu lắm khi quá mức chờ đợi; và thứ chân chữa lành bằng thuốc Dagénan vẫn không bằng thứ chân chữa bằng dầu rái.

Anh Bốn Thôi tức giận cưới người vợ thứ tư liền trong năm đó. Nhưng ngay trong năm sau anh ta lại trở thành y nguyên là một người đàn ông không vợ.

Như vậy là nghĩa lý thế nào? Ban đầu khắp làng xúm nhau cười cợt, đùa giỡn, đặt chuyện khôi hài nhảm nhí về anh Bốn Thôi. Nhưng đến khi người vợ thứ tư, rồi tiếp luôn người vợ thứ năm của anh ta cũng bỏ nhà trốn đi luôn, thì ai nấy tự dưng cảm thấy sự đùa cợt không nên kéo dài, không còn thích hợp nữa. Trong tấn kịch có cái gì bi đát.

Bốn Thôi không phải người có số đào hoa, có thói ong bướm, lả lơi. Người lúc nào cũng rầu rĩ và có vẻ nghiêm khắc, mặc dù là ngơ ngẩn. Không ai tin anh thích những mơn trớn của xác thịt đàn bà. Cũng không ai có thể tin là anh được hưởng cái thích thú tỉ tê, thủ thỉ tình tự bên cạnh đàn bà: anh ít lời lẽ quá. Vậy mà liên tiếp mười mấy năm trời, chỉ có mỗi một điều choán tất cả đầu óc anh, chiếm tất cả sự hoạt động của anh, thu hết tất cả tâm trí anh, khiến anh lao đao thất thểu: ấy là những người vợ. Anh hì hục vất vả với những người vợ, như là con người khổ não hì hục một cách tuyệt vọng trước định mệnh của mình.

Một cuộc vật lộn gay go và bất lực với số mệnh kéo dài suốt nửa đời người như thế dần dần nhuốm một tính chất bi thảm, và người chứng kiến không còn lòng dạ nào cười cợt nữa - dẫu rằng trong đó vẫn có ít nhiều khía cạnh đáng cười.

Nhưng về phía những người vợ anh Bốn Thôi, tại sao tất cả - chỉ trừ chị Lộc - tất cả họ bằng lòng lấy anh ta, rồi họ đều bỏ anh trốn đi một cách vội vàng nhẫn tâm như vậy? Người chú Bốn Thôi có điều ngờ vực mà không bao giờ ông chịu nói ra. Còn bao nhiêu người trong làng đều thắc mắc.

Tôi chắc chắn không phải những người đàn bà ấy thất vọng về tính nết thực thà khờ vụng của Bốn Thôi. Về điều đó họ có bị lừa gạt gì đâu. Không phải trước khi chịu lấy anh, họ không hiểu anh là người thế nào; cả làng còn ai lạ gì anh, tất nhiên họ không chờ đợi một người chồng lanh lợi bặt thiệp, tình tứ tao nhã. Như thế họ lầm gì? Mỗi người con gái nọ, một khi biết mình lầm, tự nhiên lặng lẽ, không kèn không trống bỏ ra đi. Họ không hề hé răng nói một lời nào để răn ngừa kẻ đến sau. Người ta bảo rằng đàn bà ít kín miệng. Nhưng khi họ tỏ ra kín miệng, thì lại không phải là vì hảo ý.

Có điều lạ lùng là dẫu bị lầm, họ cũng không oán, và mặc dầu bị bỏ rơi, bị làm nhục, người chồng cũng không lấy làm giận. Những người vợ ra đi như thế làm cho cuộc đời anh Bốn Thôi càng lúc càng đen tối thêm. Người này đi, người kia lại ra đi, sự đau khổ cứ diễn đi diễn lại mãi, mỗi lần như vậy anh ta mỗi rùng mình như nhà thi sĩ nghe lặp lại cái câu tuyệt vọng não nùng từ cửa miệng con quạ quái gở trong bài thơ kỳ quặc danh tiếng nọ, mặt anh mỗi tối đi, đầu anh mỗi gục nặng xuống thêm nữa. Thật vậy, anh Bốn Thôi như càng ngày càng cúi gục xuống, không đủ sức cất cao đầu lên nữa. Tuy vậy, dù gục đầu anh vẫn cứ lùi lũi tới lui thăm viếng gia đình của các người vợ cũ. Mồng năm ngày tết, các ngày cúng quải, anh vẫn lễ mễ khăn áo đến nhà các người vợ cũ làm đầy đủ bổn phận của người rể ngoan, đến nỗi tất cả các gia đình đều thương xót, ái ngại, đều cảm thấy như sự phụ bạc lầm lỗi của các người con gái dần dần trút hết lên họ một cách nặng nề.

Mùa đông năm trước khi xảy ra cuộc khởi nghĩa 1945, bà Hai Hồ gạt lửa để dưới giường nằm cho ấm; giường gãy, bà ta ngã lên lửa, vì vướng lúng túng mền chiếu, không vùng dậy kịp thời, bị phỏng nặng. Ban đầu Bốn Thôi lui tới mỗi ngày vài lượt, về sau anh ta phải ở lại nhà mẹ vợ suốt nửa tháng để chăm nom thuốc thang, nấu cơm, giặt gỵa cho bà ta. Bốn Thôi lúc nào vốn cũng buồn rầu và nghiêm chỉnh. Bởi vậy, sự tận tụy của anh, dù là trong khi anh làm những công việc nhỏ mọn không xứng đáng với người đàn ông, cũng có vẻ khả kính. Anh ta mến trọng, hầu hạ mẹ vợ, bất chấp sự khinh bỉ và mối ác cảm của làng xóm đối với bà ta từ trước đến nay. Thái độ can đảm của anh ta lần lần rồi nâng cao bà Hai Hồ lên ít nhiều trước con mắt người xung quanh.

Tất cả năm gia đình bên phía vợ cũ đều công nhận rằng một người rể như Bốn Thôi thật là quí báu. Và bà tôi, sau khi lục soát khắp cái xã hội mênh mông của “mọi lần” cũng lắc đầu, chịu rằng một nhân vật như vậy khó tìm ra.

Các người nghiên cứu về tính dục ngày nay thường khi họ nêu lên những điều rất nhảm nhí. Thậm chí họ phát giác ra có kẻ tìm thấy khoái trá trong sự tiếp xúc, nâng niu những vật vô nghĩa lý thuộc về người đàn bà mình yêu thương, thí dụ như cái khăn tay cũ, sợi tóc, một mảnh “tàn y” còn lưu hương v.v., những gì đã gần gũi người yêu và có thể “đại biểu” cho thân thể người yêu. Họ cho đó là một biểu lộ bệnh hoạn của dục tình, như thể là một hiện tượng bái vật trong sự tín ngưỡng.

Hỡi ôi! bà Hai Hồ có thể đem ví với một chút tàn y, một mảnh áo rách không thơm tho mà gợi cảm ấy sao? Và thái độ trọng vọng thành kính trên nét mặt rầu rầu nghiêm chỉnh của Bốn Thôi ấy lại có dính líu đến dục tình sao? - Không còn có sự suy diễn nào nhảm nhí hơn.

Tuy vậy có một chút sự thực cần phải nói ra là quả tình Bốn Thôi thường thường viếng thăm những gia đình vợ cũ không phải vì ân nghĩa, vì tôn trọng những nền nếp lễ nghi phong tục đẹp đẽ. Sự thăm viếng chuyên cần mà trịnh trọng như những cuộc hành hương ấy đối với tất cả năm gia đình nọ, có mục đích ích kỷ. Nó xoa dịu sự khoắc khoải cô đơn của anh ta. Ra vào nhà cửa của các người con gái đã mất ấy, tiếp xúc thưa gởi với mẹ cha chị em họ, tiếp tục đóng vai trò người chồng họ, tẩm mình trong cái không khí thuộc về thế giới những người vợ cũ như thế, Bốn Thôi cảm thấy mặt mũi mình bớt bị tối sầm lại, đầu óc bớt bị trĩu gục xuống; anh ta cảm thấy một sự an ủi, anh ta như được thư thái hơn, bình tĩnh hơn.

Thật là khắc nghiệt và thô lỗ nếu gán cho thái độ của anh những danh từ đại loại như bệnh hoạn, dục tình v.v. khi anh chỉ muốn yên lặng tìm một cảm tưởng an tĩnh. Người đời thiếu sáng kiến thường hiểu được thái độ của những kẻ lánh đời bằng cách lênh đênh khắp ngũ hồ, mà không chịu hiểu cho kẻ lánh đời bằng cách lẩn quẩn trong khoảng năm gian nhà vợ cũ.

Nhưng điều gì mà không ai chịu cảm thông với mình, Bốn Thôi vẫn tin rằng nếu chị Lộc còn ở đời, chị sẵn sàng thông cảm. Sao chị lại không biết đến tâm trạng của kẻ lẩn quẩn ở nhà vợ khi chị đã từng thấu hiểu được cả cái tâm trạng của kẻ lẩn tránh sự cô đơn ngay trong lỗ mũi mình! Bốn Thôi tin rằng nếu chị Lộc còn ở đời anh không đến nỗi thành một hiện tượng bí hiểm.

Nhưng ngoài chị Lộc ra, những người vợ khác, họ đối với anh cũng như mọi người đối với anh. Họ không có sự thông cảm. Có lạ chăng chỉ là họ đã xa bỏ Bốn Thôi mà trước sau vẫn không tỏ một ác cảm gì, một sự giận dỗi nào cả. Một năm nọ, người vợ đầu tiên của Bốn Thôi trở về làng. Chị ta kể rằng đã đi làm công ở một đồn điền trà trên Biển Hồ, chị đã có chồng khác và có con. Tôi có được gặp người đàn bà nhỏ vóc, răng đen và nước da vàng ấy, gặp vào hôm chị ta tới thăm nhà Bốn Thôi.

Mọi người trong gia đình chị ta đều bảo là chị cần phải đến thăm người chồng cũ. Chị ta nghe theo, thản nhiên. Khi họ gặp nhau, chị ta nhoẻn cười, như thể là để làm lành, xin lỗi, mà cũng như thể là để khích lệ Bốn Thôi. Tuy vậy, anh này vẫn cứ bẽn lẽn. Anh bẽn lẽn, khiến người ngoại cuộc có thể nghĩ là trong việc người vợ bỏ nhà trốn đi trước kia, phần lỗi thuộc về anh chứ không phải về người vợ.

Rồi người đàn bà bạo dạn chào hỏi chú thím Bốn Thôi. Họ hỏi thăm nhau về sức khỏe, về tình hình mùa màng, về công chuyện làm ăn. Người đàn bà lại kể với Bốn Thôi chuyện chị làm công ở đồn điền trà trên Biển Hồ, chị có chồng khác, có con v.v. Như thế, một lúc sau, họ vui vẻ, đề huề, tưởng không có gì ngăn cản họ lại sum họp mãi mãi bên nhau.

Ðến một lúc, tự nhiên người đàn bà nhìn về phía bàn thờ, có ý tìm kiếm một cái gì. Bà thím của Bốn Thôi nói:

- Năm ngoái ông ấy trông thấy bộ bình phong tam sơn này, thích quá, nhất định mua về. Bộ cũ bán rồi.

Bà tưởng người cháu dâu cũng chú ý đến bộ đồ thờ bằng gỗ mới. Ông chú nghe nói đến mình, tủm tỉm cười. Nhưng ông ta trông lại, và hiểu rằng người cháu dâu không để ý đến bộ đồ thờ. Quả nhiên, chị ta vừa cười vừa hỏi:

- Cái đó... ở đâu?

Người thím hỏi:

- Cái gì?

Chị ta cười lớn hơn:

- Cục đất đó?

Trước khi chị nói ra câu ấy, Bốn Thôi đỏ mặt như gấc. Anh hiểu sự tò mò của chị ta. Chị đã nghe người ta nói về cục đất có in vết chân chị Lộc! Nhưng mà còn đâu nữa: lâu năm quá rồi, vết chân chị Lộc cùng với những vết ngoe cua đã tan rã, trở về đất bụi rồi, còn đâu!

Người đàn bà nước da vàng vàng cười ngắc nga ngắc nghẻo. Rồi chị ta vừa nói chuyện vừa giúp bà thím nấu dọn bữa ăn. Ba hôm sau, chị lại đi Biển Hồ.

Ngay đến người đàn bà toe toét, dễ dãi ấy cũng vẫn cứ kín miệng về chỗ lý do khiến họ xa bỏ Bốn Thôi. Vì vậy mà sau đó một người đàn bà thứ sáu lại đến làm vợ anh ta nữa!

*

Người đàn bà này từng có hai đời chồng rồi. Ngày về nhà Bốn Thôi, chị ta đem theo đứa con gái mười một tuổi.

Người ấy dĩ nhiên không phải là một người đẹp; nhưng chị ta cũng không xấu xí. Năm lấy Bốn Thôi, chị vừa ba mươi tuổi, trông hãy còn trẻ lắm, nhưng có vẻ bẩn thỉu, tả tơi. Chị ta có thể mặc cái áo cụt thiếu mất vài hột nút, để hở cả bụng, cứ thế đi lại khắp xóm.

Chị không quan tâm đến sự ăn mặc, mà tôi chắc cũng không quan tâm đến việc lấy chồng. Chỉ có một điều làm bận rộn cuộc đời ấy là sự ăn uống. Nhà thì nghèo túng mà chị ăn vặt vãnh quá nhiều. Chị cũng biết như vậy là không tốt, cho nên nhiều lần người ta gặp chị cầm cái tô đi đến tận cuối xóm, hỏi đi đâu, chị cười bảo:

- Ði xin chút nước bún về cho con nó uống. Nước bún uống vô, thấy khỏe liền. Lạ chớ!... Không mất tiền mà!

Chị lại cười nữa. Kỳ thực, ai cũng biết chị đã mất rất nhiều tiền nhiều lúa vào lò bún, mà không phải là để uống nước cho khỏe. Bởi vì nước bún chẳng ai bán bao giờ.

Người chồng thứ hai chết đi, để lại đứa con trai ba tháng. Chị thường giao thằng bé cho đứa con gái trông nom để chị đi làm công và đi đây đó trong xóm. Một hôm thằng bé đang bệnh, chị đặt nó lên võng, lót một manh chiếu dưới lưng, dỗ nó ngủ, rồi ra đi. Sau khi ăn một tô bún còn nóng tại lò, ăn tiếp luôn một miếng mít vừa xin được, chị còn để dành năm múi mít đem về cho con.

Chạng vạng tối thì chị về tới nhà. Ðứa con gái đi vắng, bỏ trống cửa. Gió lạnh thổi vào nhà qua khoảng cửa mở, luồn dưới các ngạch cửa và qua khe hở ở chỗ bức vách bị nứt ra, xiêu ngã. Trên võng, thằng bé đã tắt thở từ bao giờ, mặt xanh lè, một chút bọt sùi ra bên mép. Phía dưới lưng, một con chó con giỡn với sợi dây võng, kéo chiếc võng chạy qua chạy lại.

Hôm đó, chị đánh đứa con gái một trận tơi bời. Và chị kể om sòm cho khắp mọi người biết rằng con bé đã giết chết em nó. Xuân - đứa con gái - nghĩ là quả thật nó có lỗi: nếu lúc ấy đi ngoài xong nó về ngay, không đuổi bắt con chim què thì chắc chắn là em nó không chết. Từ năm lên mười tuổi đứa con gái đã mang một vụ án mạng trên lương tâm.

Sau khi thằng nhỏ chết một năm, người mẹ lấy Bốn Thôi. Việc này không có liên quan gì đến ái tình, mà chỉ là chuyện sinh kế của người đàn bà. Không gặp Bốn Thôi chị ta nguy mất: nhà bếp ngã xuống một nửa, hai bữa cơm hàng ngày kiếm không đủ mà ăn.

Về phía Bốn Thôi, đối với các người vợ của mình - trừ chị Lộc - anh ta vẫn không tỏ ra thích người nào hơn người nào. Chị vợ thứ sáu cũng có những điểm tốt bên cạnh những nết xấu, như mọi người ở đời. Nếu đôi khi có người chê chị ta ăn mặc nhớp nhúa, hở hang, chị nhăn răng ra cười. Trông thấy những người đàn bà săn sóc sự ăn mặc, điểm trang, chị nguýt trộm, bỉu môi sau lưng, đầy vẻ nghi kỵ ranh mãnh. Nhưng chị cũng lại cười.

Lẽ cố nhiên chị ta không dùng một thứ trang sức nào, nhưng nhờ ăn được nhiều, chị có một chút máu hồng bốc lên hai gò má. Nhất là những lúc chị ta cười, máu dồn lên đỏ phừng, trông chị ngon lành như một trái chín cây. Từ khi chung sống với nhau, ngày ngày Bốn Thôi vẫn có nhiều dịp bắt gặp người vợ cười, anh ta có liếc mắt nhìn, và không phải không biết đến cái ưu điểm của vợ mình như thế.

Một đêm tháng ba, chị đi chợ về khuya. Trong thời kỳ kháng chiến chợ họp về đêm để tránh bị oanh tạc. Mỗi người đi chợ xách theo một chiếc đèn làm bằng cái chai cắt ngang. Những anh dân quân gác xung quanh chợ chờ đến lúc trời chạng vạng tối mới cho người ta vào chợ, thắp đèn lên mua bán. Phiên chợ kéo dài như thế tới tờ mờ sáng thì giải tán. Lúc nào có máy bay đến, nghe hiệu lệnh báo động, ai nấy đều phải tắt đèn, chạy tản ra đồng tìm chỗ nấp.

Người vợ thứ sáu của Bốn Thôi đi chợ về vào một đêm trăng tháng ba. Trăng sáng đủ thấy đường đi, chị ta tắt ngọn đèn xách tay để tiết kiệm dầu. Sương xuống trắng cánh đồng.

Ði đến gần cái ao đầu làng (một vết chân của ông Khổng Lồ) bỗng chị ta thấy có vật gì cựa quậy bên một bụi rậm ở bờ ao. Một ánh lửa đỏ lập lòe trong bụi cây. Rồi một hình người trắng toát đứng vụt lên. Chị ta đưa bàn tay đè ngang ngực, nhìn kỹ lại, và bật lên cười:

- Quỉ! Làm người ta hết hồn!

Người đàn ông khoát tay liên tiếp, nóng nảy. Nhưng hắn ta không chận được tiếng cười, hắn ta càu nhàu:

- Chỉ có bỏ chỗ này đi cho rồi, còn câu chó gì được nữa! Cười gì mà cười dữ vậy?

Vừa nói người đàn ông vừa giở cần câu lên. Hắn ta đang ngồi câu ếch. Tiếng ồn vừa rồi làm kinh động lũ ếch dưới ao, hắn thất vọng, nhìn chị đàn bà, tỏ vẻ khó chịu. Chị vẫn nhăn răng cười, dễ dãi:

- Chớ câu cái gì mà ngồi như chực rình người ta vậy? Khuya khoắt, khéo lựa chỗ ngồi câu!

Người đàn ông bỗng đổi nét mặt, cười một tiếng nhỏ, ngó thẳng vào mặt chị ta. Câu nói vừa rồi chắc đã gợi cho hắn ta một ý gì. Chị đàn bà biết là mình trót nói một điều sai lầm. Chị ta giật mình, cảm thấy lo sợ, bước đi.

Người đàn ông tên Hải, làm trùm xóm, vẫn là người quen biết lâu nay. Nhưng hắn ta chưa bao giờ nhìn chị bằng cái nhìn “gian” như vậy. Chị vừa quay lưng đi thì hắn ta nói:

- Ði đấy à? Tự nhiên đến quấy người ta rồi bỏ đi đấy à?

Chị ta không trả lời. Hắn nói tiếp:

- Muốn có thịt để ăn chơi không?

Bất giác chị ta ngoảnh lại. Hắn vung cái vợt lên ngang mặt, đung đưa. Bàn tay của hắn nắm thắt lấy lưng chừng cái lưới: có mấy con ếch ở dưới đáy vợt chồm nhảy lên kéo dài thân hình đen thui. Người đàn ông không cần nói, cho rằng cử chỉ của hắn ta đủ hùng hồn, quyến rũ. Nhưng chị đàn bà nhìn một lúc rồi quay đi. Hắn ta vội vàng bảo:

- Thịt ếch mà không ăn? Dại ôi là dại!

- Ừ, thì dại.

Chị sắp bước đi. Hắn hỏi với theo:

- Thờ Phật đấy hả? Từ bao giờ đó?

Chị ta lại bật cười, dễ dãi:

- Ừ, tu lâu rồi.

Chị sắp sửa đi. Hắn ta gọi gấp:

- Này!

- Cái gì?

- Tu quái gì chị mà tu hành? Tại sao không ăn thịt ếch?

- Ai làm thịt cho ăn? Thứ đó, mướn tôi không dám làm thịt: chặt đầu rồi nó còn run cả tay chân. Gớm lắm.

Người đàn ông phá lên cười:

- À! Có vậy mà tưởng chị đâm ra chê thịt. Lại đây! Người ta chỉ cho cách làm thịt ếch.

Thoạt tiên người đàn bà nghi ngờ. Nhưng sau cùng chị cũng trở lại, vừa đến vừa cười. Lúc chị ta đã đến gần, người đàn ông đưa tay lên béo mạnh một cái vào cái má nhiều thịt của chị. Các ngón tay của hắn vừa mạnh vừa nhanh, hăng mùi khói thuốc đã lạnh.

Béo xong hắn ta tiếp liền vào chuyện làm thịt ếch. Hắn bảo chị sau khi chặt đầu ếch xong, phải đè nó xuống, dùng một cái tăm đâm suốt dọc theo xương sống của nó. Như thế vất con ếch ra nó sẽ mềm xèo, nằm im.

Người đàn bà chưa hiểu rõ. Hắn ta cho tay vào vợt, lôi một con ếch ra, trao chiếc vợt, bắt chị đàn bà nắm giữ, còn hắn ta thì đè con ếch xuống, chỉ vẽ cho chị ta biết phải chặt đầu ngang chỗ nào, phải đâm từ chỗ nào. Người đàn bà cười ngắc nga ngắc nghẻo một cách vô lý.

Hắn lại nhìn vào mặt chị ta bằng cái nhìn rất “gian”. Chị biết rằng chị lại vừa làm điều sai lầm nữa, tuy vậy trước khi chị ta kịp ngắt tiếng cười, người đàn ông đã đưa ngón tay vừa nắm con ếch mà quẹt chùi mạnh vào vai áo chị ta. Chị né tránh, hắn ta kéo lại, và chị suýt ngã vào người hắn. Cái khăn lông quấn xung quanh cổ người đàn ông xông lên một mùi khói thuốc lẫn với sương lạnh thành một mùi hăng rất mạnh. Chị sắp nổi giận về cử chỉ của hắn ta, nhưng hắn đã nói:

- Bây giờ thì muốn mấy con?... nghĩa là mấy con ếch?

Chị ta giơ cao cái vợt lên đếm:

- Một, hai, ba... tất cả chỉ có bốn con!

- Bốn con mà không được một bữa no nê hả? Xào với nghệ, cho thật nhiều nghệ, đổ kha khá nước vào. Có bún mà ăn với nó năm ba tô coi nào. Nước ngọt tuyệt. Ðã ăn ếch lần nào chưa?

- Chưa!

- Trời ơi! Cứ tưởng thịt cầy chị cũng không từ.

Hắn ta xoay ra nói chuyện về ăn uống. Hắn nói coi bộ thạo. Ðôi bên gặp nhiều chỗ tương đắc. Hắn ta đồng ý với chị, rằng ăn uống là một sự quan trọng trên đời. Hắn giúp chị ta tìm một sợi dây buộc bốn con ếch lại vào một xâu dài, xong hắn cầm cả xâu ếch đu đưa trước mặt người đàn bà, để cho những bàn chân ếch chới với suýt cào trúng mặt chị ta. Chị đàn bà cười khanh khách, ngả nghiêng. Hắn ta chồm tới gần, mùi khói thuốc ướp sương đêm, hăng và lạnh, xông vào mũi chị ta, quen thuộc.

Có một lúc người đàn ông bảo:

- Ðây cầu cho thiên hạ đi tu hết, cho ai nấy đều kiêng ếch hết.

Hắn hỏi chị:

- Nhà chị thích về niết-bàn hay thích ở lại... ăn ếch?

- Ðây thì tu.

Hắn phá lên cười:

- Biết thừa ra rồi. Tu mà nghe mùi thịt thì nước dãi ứa đầy mồm...

Chị đàn bà không nghe hắn nói, tiếp tục ý nghĩ của mình, giọng bí mật:

- Chẳng tu mà cũng như tu!

Người đàn ông đang cười, chợt dứt ngang, quay nhìn lại, ngờ vực điều gì:

- Thiệt đấy hả?

Hắn ta vụt hiểu nhanh như cắt. Người đàn bà cảm thấy là hắn đã hiểu tất cả. Sự bí ẩn trong cuộc đời ân ái của Bốn Thôi trải qua sáu người đàn bà, đến đấy bị tiết lộ rồi.

Chị đàn bà biết mình lại sai lầm nữa. Nhưng lần này thì muộn quá, không sửa chữa kịp. Hắn ta nhìn chị rất “gian”, bạo dạn, háu ăn và dữ như cọp! Người đàn bà tự nghĩ: “Muộn mất! Muộn mất rồi!”. Thế rồi đến mức cuối cùng của sự lo lắng tự dưng chị ta nở một nụ cười bình tĩnh, dịu dàng, đón đợi.

Sáng hôm sau, chị ta lui cui mang ếch ra làm thịt. Chị dùng que tăm xỉa vào suốt xương sống, con ếch xụi đơ chân ra, hết run; chị vứt nó ra, lấy một ngón tay lật qua lật lại: thực là bất động. Chị ta mỉm cười vui vẻ: “Thằng cha thạo chuyện ăn thiệt!”

Cái cười dần dần nhuốm vẻ dịu dàng thầm kín, và vẫn vu vơ như một ánh đèn lợt lạt không chiếu vào đâu.

Từ đó, người đàn bà không sợ ếch nữa. Và ngay một lần đầu chị đã xơi đến bốn con ếch, thì dĩ nhiên chị có quyền không chê những con từ thứ năm trở lên.

Tháng giêng năm sau, chị đẻ một đứa con trai.

Ở thôn quê, người ta thường tỏ việc nhà người khác. Một việc đặc sắc như việc Bốn Thôi có đứa con đầu lòng sau sáu đời vợ không thể không được chú ý. Người ta cũng hay rõ cả việc chị vợ thứ sáu ăn thịt ếch sau đêm trăng tháng ba nọ. Và rốt cuộc khắp làng ai nấy đều quyết rằng đứa con đầu lòng của Bốn Thôi chính là do tên trùm Hải hiến cho, cũng như tất cả những đứa con sau này nữa.

Người đầu tiên biết liên hệ việc chị vợ thứ sáu ăn ếch, đẻ con trai, việc chị ta đề huề chung sống với Bốn Thôi, cùng với việc những người vợ trước bỏ anh ta trốn đi, liên hệ những sự việc dài dòng như thế để rút ra một kết luận, người ấy là ông tú Từ Lâm. Ông ta kết luận rằng Bốn Thôi là một gã bất lực.

Ông tú Từ Lâm tuy vẫn đúng là một ông tú, nhưng bà tôi ngờ rằng có nhiều chỗ không còn đáng tin cậy, bởi ông ta không còn thực là một ông tú như những ông tú cổ thời. Mấy mươi năm sống lang thang ở thành thị đã biến ông ta thành ra một kiểu mẫu ông tú kỳ quặc: ông ta mặc quần áo bà ba, ngoài khoác áo bành-tô ka-ki, và khi luận đàm thì xáo trộn tư tưởng thánh hiền với những loại ý tưởng thực là quái gở, nhảm nhí.

Về câu chuyện anh Bốn Thôi, nghe ông tú Từ Lâm kết luận như thế, rồi giải thích cái kết luận ấy, rồi bàn tán với người nọ người kia, rồi cùng nhau cười khúc khích, bà tôi quả quyết rằng một trường hợp như vậy chưa bao giờ xảy ra trong thuở “mọi lần”. Vậy tất có điều vô lý, khó tin.

Dù khó tin, người vợ có thể đẻ con được đã đem lại cho cuộc đời Bốn Thôi sự yên ổn chưa từng có. Trước kia bên cạnh các chị vợ không sinh nở, đời sống của anh ta luôn luôn bị náo động vì những vẫy vùng, oằn oại, như phải trăn qua trở lại suốt mười mấy năm trời không yên, ngoại trừ những ngày sống với chị Lộc. Cho đến khi người vợ mang thai, anh ta như thở dài một cái, tự mình cảm thấy thỏa mãn, thoải mái.

Không thể nói được rằng anh ta đã tìm thấy hạnh phúc. Anh vẫn yên lặng, nét mặt vẫn lầm lì, vẫn có cái gì u tối. Tôi chắc anh ta cũng không lầm về lai lịch các đứa con, mặc dù là không bộc lộ một sự thù hằn ghen tuông nào. Tuy vậy, sau này những khi rảnh rỗi, thay vì hì hục khổ sở với những sợi lông mũi, anh ta lưu ý tới các đứa con, lắng tai nghe chúng cãi nhau, dự vào những cuộc ăn vặt của chúng và mẹ chúng. Tấn thảm kịch chấm dứt như thế, trong một cảnh quây quần ríu rít không hẳn là vui vẻ sung sướng.

Người vợ tiếp tục đẻ, và cuộc đời Bốn Thôi càng ngày càng êm ả, vững chãi, càng xa những đảo điên, nguy hiểm.


(còn tiếp)