Bắc Ninh vốn là nơi Nho giáo rất thịnh, có huyện có đến hàng mấy chục ông nghè. Tại sao một phong tục trái hẳn với Nho giáo như hát quan họ lại phổ biến được ở Bắc Ninh?

Nên nhớ đó là vùng đất nơi dân tộc đã quần tụ từ hàng nghìn năm trước khi Nho giáo được triều đình chọn làm đạo trị nước. Đất ấy đậm đặc chất Việt xưa mà một đặc điểm căn bản là thoải mái về chuyện nam nữ sinh hoạt chung. Nho giáo không động được đến Việt tính này, Ở Bắc Ninh, học trò thày Khổng “nam nữ thụ thụ bất thân” mặc học trò, các trai quê gái quê cứ làm liền anh liền chị kéo nhau đi hát tưng bừng. Thực ra, chắc chắn những học trò trẻ chưa đỗ đạt lúc không xôi kinh nấu sử cũng theo dân làng đi nghe hát.

“Phép vua thua lệ làng” nặng nhất là chính ngay tại nơi sản xuất lắm kẻ thờ vua nhất!

(Thu Tứ)



Vũ Ngọc Phan, “Quan họ và Nho giáo”




Dân ca quan họ chủ yếu được xây dựng trên tình bạn. Lối sinh hoạt của những người quan họ là một lối sinh hoạt đặc biệt (...) Thời xưa, có những trường hợp hai vợ chồng cùng đi hát quan họ, chồng kết bạn ở một làng này, vợ kết bạn ở một làng khác. Khi bạn đến chơi với vợ (nên nhớ đây là bạn trai), nếu vợ đi vắng thì chồng cũng phải tiếp đãi thật tử tế, coi như bạn của mình; còn người vợ đối với bạn của chồng (đây là bạn gái) cũng phải quý mến như bạn của mình. Lại có tục nếu bạn chưa biết mình có vợ hay có chồng thì mình có thể “nói dối” là còn chưa lập gia đình, để trong giao du có thể coi nhau như “cặp bạn chí thân” mà chưa phải là vợ chồng (...)

Tuy giao du như vậy, nhưng vì có ý thức tôn trọng tổ chức, nên người đi hát quan họ (...) ít bị sa vào rượu chè, trai gái. Theo thủ tục, khi đi hát thì rất vui vẻ, say sưa, nhưng vẫn tránh những thái độ lả lơi, sàm sỡ. Bên trai cũng như bên gái, họ đều trân trọng nhau (...) gọi nhau là “người” (...)

Sinh hoạt quan họ là một lối sinh hoạt trái hẳn với lễ giáo phong kiến, trái hẳn với cái lối bắt buộc “nam nữ thụ thụ bất thân”. Nhưng do tổ chức đặc biệt của xã thôn Việt Nam thời xưa, nên “phép vua cũng phải thua lệ làng” (...)


(Vũ Ngọc Phan, “Mấy ý kiến sơ bộ về dân ca quan họ Bắc Ninh”,
Qua những trang văn, nxb. Văn Học, 1976, tr. 264-265. Nhan đề phần trích tạm đặt.)