Tác phẩm sau đây của Võ Phiến là một “truyện vừa”, nghĩa là nó dài bằng khoảng ba lần một truyện ngắn điển hình.

Có lẽ vì định viết hơi dài, nên tác giả mở đầu truyện bằng một... bài tùy bút. Thật vậy, mấy trang bàn về món mắm cua chua hoàn toàn có thể đem in vào tập
Ðất nước quê hương, ngay bên cạnh những “Của mắm và người”, “Mắm và dân tộc”, “Bánh tráng”, “Gắn, gùa và gụ” v.v.

Tản mạn về mắm cua rốt cuộc dẫn ta đến câu chuyện anh Bốn Thôi. Chuyện chưa đến đâu cả, người kể đã bắt đầu miên man về thuở “mọi lần” của một bà cụ, trong đó mắm, lần này mắm nói chung, là nội dung chính. Nhưng miên man mắm, lạ thay, rồi cũng tự nhiên dẫn ta trở về với anh Bốn...

Cái lối viết xen tùy bút vào truyện kén độc giả. Những người đọc chỉ thích theo dõi câu chuyện sẽ thấy hơi sốt ruột. Nhưng những người thích cả tùy bút lẫn truyện sẽ thưởng thức...

Nhân vật trong
Lại thư nhà linh động, như trong mọi truyện khác của Võ Phiến. Còn câu chuyện anh Bốn Thôi tuy kể thong thả nhưng nó có chỗ bất ngờ đấy, xin hãy chờ xem!

(Thu Tứ)



Võ Phiến, “Lại thư nhà” (1)




Tôi đã tìm ngược xuôi khắp hai pho sách Tục ngữ phong dao của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc mà không gặp thấy bốn câu ca dao ấy, bốn câu rất phổ biến ở miền quê tôi. Nói vậy, không phải tôi dám có ý trách nhà học giả quá cố đã không chú ý đến các sáng tác văn chương địa phương: văn chương thiệt là một chuyện tao nhã, nhưng không phải lúc nào ta cũng có dịp nghĩ đến chuyện ấy. Ðiều tôi muốn tìm tòi trong sách khảo cứu của cụ Ôn Như chỉ là món mắm cua chua, một món ăn bình dân.

Ở quê tôi, ngày còn nhỏ tôi đã nghe hát, và bây giờ thỉnh thoảng về thăm lại xóm làng tôi vẫn còn nghe:

“À ơi... i... i... Gió đưa ông đội về Tàu,
Bà đội ở lại xuống bàu bắt cua
Bắt cua làm mắm cho chua
Gởi về ông đội đừng mua... à tiền... tốn... ờ tiền”.

Câu hát đó không lọt được vào tai cụ Ôn Như.

Khi nói đến chuyện ăn uống mà có lẫn lộn với văn chương thì phải nhớ tới Tản Ðà. Tôi bèn hướng tất cả hy vọng về phía nhà thi sĩ giang hồ này. Nhưng Tản Ðà đi từ Bắc vào Nam, thưởng thức món ngon vật lạ khắp nơi, trong thi phẩm của người có câu nhắc đến rau sắng chùa Hương, có câu nhắc đến hà tươi cửa biển Tu-ran, có câu nhắc đến chén mắm Long Xuyên, chén cà Nghệ An, lại có câu nhắc đến vị cá tra Sài Gòn, sơn dương sò huyết Hòn Gay, cá đối Ðồng Sành, lợn rừng Giáp Lai v.v., mà tuyệt nhiên chẳng có câu nào đả động đến mắm cua chua. (Bước đến gần miền tôi, bỗng nhiên người nói lảng sang chuyện khác, những chuyện văn hóa và những chuyện không thuộc về văn hóa, chuyện:

“Tuồng Bình Ðịnh, rạp Phú Phong”

và chuyện:

“Ða tình con mắt Phú Yên”...)

Không có trong sách biên khảo của cụ Ôn Như, tất nhiên món đó không phải là một thứ tài liệu nghiên cứu đáng kể; lại không có trong thơ của Tản Ðà, nó cũng không có giá trị nghệ thuật nữa. Một món thực phẩm xoàng đến như thế mà tôi vẫn tha thiết, vẫn mơ tưởng đến chuyện được người này người kia biết tới, vì nó là món ăn rất được quí chuộng trong đám dân nghèo ở chỗ địa phương mình, đến nỗi - nói một cách văn hoa - nó tựa hồ như là một món thực phẩm tiêu biểu đối với quần chúng địa phương. Ði ra ngoài một tỉnh phía bắc hay đi quá vào nam một tỉnh, đều không còn thấy có món ăn ấy nữa.

Món ăn tiêu biểu này làm bằng cua đồng. Cua đồng thì ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam chừng như nơi nào cũng có. Nó có thể dùng làm thức ăn bằng nhiều cách khác nhau: có thể nướng, có thể um, có thể giã ra nấu canh chua, có thể làm mắm, hoặc nước mắm, hoặc mắm xác, hoặc mắm chín v.v. Nhưng chỉ riêng thứ mắm cua chua mới có tính cách địa phương.

Cua bắt về, người ta rửa sạch, giã ra, vắt lấy nước, đổ vào hũ, cho thêm muối vào, rồi đem hũ ấy vần bên cạnh bếp lửa trong vòng ba ngày ba đêm. Thế là xong. Thế là có thể gởi về Tàu! Nhưng than ôi! nó chỉ có thể gửi theo máy bay mà thôi. Bởi vì ngoài đường hàng không ra thì gửi cách nào khác, bằng đường thủy hay đường bộ, đều e rằng nó không về đến xứ Trung Hoa đủ sớm để kịp dùng. Thứ mắm cua chua chế tạo theo cách thức như trên, mặc dù kỹ lưỡng đến bực nào, cũng chỉ có thể dùng gấp trong một thời gian ngắn: để lâu ngày nó sẽ thối inh lên. Thực là khổ tâm cho bà đội có tính tiết kiệm, tôi không hiểu xưa kia bà có nghĩ chăng đến mối trở ngại về kỹ thuật ấy.

Trong phương pháp làm mắm cua chua được đời đời truyền lại có những chỗ mơ hồ, khiến cho phương pháp ấy hóa thành một thứ bí thuật. Giã một cân cua phải pha bao nhiêu lít nước? mỗi lít nước bỏ vào bao nhiêu muối? Ðối với những chi tiết như thế không có sự chỉ dẫn nào rõ rệt; khi vắt nước cua người ta chỉ được chỉ vẽ: “đặc một chút” hoặc “lỏng hơn một chút nữa”, khi cho muối vào chỉ có những lời khuyên: “nặng tay” hoặc “nhẹ tay một tí”. Thế thôi. Vì vậy khi vần hũ mắm bên đống tro lòng cứ phập phồng không biết được kết quả sẽ ra sao. Sau một ngày đầu, thỉnh thoảng đã phải mở nắp hũ ra, hoặc để ngửi thử mùi mắm, hoặc để rót ra xem màu mắm, hoặc để nếm thử vị mắm, rồi tùy nghi quyết định có nên thêm muối nữa chăng. Rất nhiều khi qua một vài ngày người ta đã gặp ngay triệu chứng không hay: mắm trở mùi, mắm không chịu đỏ màu mà cứ đen như mực tàu pha loãng, thế là hỏng. Nhưng biết được kịp thời thì không đến nỗi phải bỏ hũ mắm; ta có thể đổ vào trã mà kho, để làm mắm cua khai. “Khai” là một mùi bất nhã; mắm cua khai chẳng qua là một thứ mắm thành hình bất đắc dĩ, để cứu vãn một sự thất bại.

Bởi vì không có một cách thức rõ ràng minh bạch, người làm mắm cua chua nhiều khi không thành công. Mỗi lần hỏng như thế người ta liền tìm lý do: đồng này nhiều bùn quá nên cua làm mắm không đỏ; năm nay mưa muộn, cua bén chưa kịp lớn nên vỏ nhiều gạch ít v.v. Nhưng lý do trọng yếu nhất là ở nơi bàn tay người làm. Người ta tin rằng có những bàn tay sinh ra để làm nên mắm cua chua, và có những bàn tay bất hạnh chỉ làm thối mắm mà thôi. Tôi hy vọng mối tin tưởng ấy được xếp cùng loại với những niềm tin cố hữu khác của dân tộc. Vì rằng chẳng riêng gì việc làm mắm, xưa nay người ta vẫn tin có những bàn tay trồng cây sai quả, những bàn tay nuôi heo chóng lớn, những bàn tay bốc thuốc mau lành bệnh, và những bàn tay nghệ sĩ, bắt được của trời, để dùng màu sắc mà thể hiện tâm tình lên khung vải v.v.

Vậy thì trong một miền nghèo cực như miền tôi nếu đa phần đàn bà sinh ra đều ao ước “bắt được” một bàn tay làm mắm cua chua, thì điều mơ tưởng ấy suy ra không có vẻ cao xa nhưng cũng tạm hợp lẽ. Cua sinh đã có mùa, rồi bắt được cua mà làm nên món mắm cho được ưng ý đã là khó, đã có sự rủi may, đã phải có sự góp sức của bàn tay trời, đến khi mắm có rồi mà ngày giờ dùng nó lại có hạn định chứ không phải bất cứ lúc nào cũng được: như thế trong cuộc sống cơ khổ của người dân nghèo ở đây sự thưởng thức này chắc chắn phảng phất có chút gì giống với chuyện thưởng hoa quỳnh trong một giờ của giới quyền quí.

Nói thế là không có ý gì muốn sánh mùi hương hoa quỳnh với mùi mắm cua chua, bởi vì mùi này còn tệ hơn mùi mắm cua khai một bậc nữa. Sở dĩ quần chúng gọi tên nó chỉ nhằm vào cái vị mà không nhắc đến cái mùi, tôi chắc là do ở mối cảm tình rất nặng đối với nó. Dùng mắm cua chua người ta thường dùng thực cay để cho giảm bớt mùi đi. Nhưng khổ một điều là ăn xong, uống nước xong, súc miệng xong, hơi thở của thực khách vẫn cứ còn nặng mùi. Mắm cua chua có tính là lưu xú rất lâu dài nơi người dùng. Bởi vậy dùng nó xong người ta phải đề phòng, không nên trò chuyện quá gần kẻ đối thoại. Nó có bị rẻ giá đi vì cái mùi rất thô đó. Nó trở ngại cho những cuộc đàm đạo thân mật, bất cứ là thuộc về tâm sự hay là về chính sự.

Ấy vậy mà:

“... Gió đưa ông đội về Tàu
Bà đội ở lại xuống bàu bắt cua
Bắt cua làm mắm cho chua...”

Chẳng biết tự bao giờ mắm cua chua đi thẳng vào ca dao, vào văn chương, từ bao giờ nó thản nhiên chan hòa lẫn lộn với ân tình. (Và cũng lẫn lộn với ít nhiều ý nghĩa chính trị nữa chứ; bởi vì người dân quê bụng dạ chất phác đã nghĩ rằng món quà đó có thể vượt ải Nam Quan, bởi vì họ không chỉ muốn giữ riêng để dùng mà còn đem ra làm một món đồ tiến cống dâng lên nước lớn. Chỉ tội nghiệp cho ông đội thực dân nào đó: món quà dân lành biếu ông mang về xứ lần này khác xa với những ngà voi sừng tê và những châu báu ngọc ngà từng được kể trong sử sách!)

*

Người vợ thứ hai của anh Bốn Thôi là một người đàn bà có bàn tay quí giá, làm nên mắm cua chua.

Anh Bốn Thôi mồ côi cha mẹ, từ nhỏ sống với chú thím. Chú thím anh ta không có con, nên thương mến cháu. Anh chịu chăm chỉ tập làm công việc, nhưng tính thực thà ít lời. Lớn lên, mỗi khi có đàn bà con gái đứng gần bên cạnh thì tự dưng anh Bốn Thôi nghiêm chỉnh nét mặt lại và buồn hiu. Tuy vậy mà người chú xem cái cách anh ngó theo phía sau bọn con gái, ông hiểu rằng anh ta biết thưởng thức. Ông cư xử ra một người tử tế; và năm mười chín tuổi anh Bốn Thôi có được một cô vợ do ông chú cưới cho.

Anh chung sống với cô vợ được mười tháng. Qua năm sau thì anh lại sống một mình: cô ta bỏ nhà trốn đi. Ðó là một tai họa mà cũng là một sự nhục nhã đối với người chồng. Phần nhiều những người vụng về ít nói thường có tính tự ái nặng, anh Bốn Thôi cũng vậy. Những câu đùa giỡn nhẹ nhàng nhất xung quanh chuyện cô vợ đi hoang cũng làm anh đỏ mặt xấu hổ. Anh ta đâm ra sợ người và tránh các đám đông, các nơi hội họp vui vẻ. Tình cảnh cô độc lâu ngày và cái mặc cảm thất bại làm cho anh thành ra có vẻ ngơ ngẩn, dở người.

Nhưng anh Bốn Thôi còn cảm thấy những điều tệ hơn sự xấu hổ nữa. Vợ anh bỏ đi vào tháng ba, đêm đêm anh vác cuốc đi thăm nước ngoài đồng, một mình bước đi trên những bờ ruộng vắng vẻ, anh bắt đầu biết đến một thứ xúc động khổ sở. Anh trông những con đom đóm bay lập lòe khắp đồng, anh gõ móng tay lên cán cuốc kêu long cong, hát nho nhỏ một mình, hiu quạnh hơn bao giờ hết. Anh hiểu rằng sự chung đụng mười tháng trời với người con gái đã đánh thức một cuộc sống tế nhị âm thầm nào đó trong chỗ tận cùng của tâm giới anh, anh nhận thấy một sự kinh ngạc tò mò đầy kích thích trước những tráo trở bất thường của tính nết đàn bà. Tóm lại, anh cảm thấy mình không thể không có một người vợ khác.

Nhưng sự ra đi đột ngột của cô vợ thứ nhất làm anh giật mình, ngại ngùng. Sau đó, lại còn thái độ của chú anh. Người chú suốt hai ba năm sau không hề nhắc nhở gì đến chuyện vợ con cho anh ta nữa. Anh Bốn Thôi đã ít nói, người chú lại cũng ít nói. Hai bên như cùng có ý tránh đề cập tới chuyện đó mỗi khi gặp nhau. Hình như người chú có điều gì ngờ vực về anh cháu trai, nhưng không tiện nói ra. Anh Bốn Thôi cảm biết như vậy, nên anh càng thấy ngượng trước chú mình hơn bất cứ người nào khác.

Chuyện vợ con của anh bị gác lại như thế cho đến năm anh được hăm ba tuổi.

Một đêm tháng mười, mọi người tắt đèn đi nằm được một lát, bỗng anh Bốn Thôi sực nhớ là sáng hôm sau bò phải đi cày sớm, anh đứng dậy bước ra ngoài ôm mấy bó rơm bỏ vào máng cho bò ăn thêm. Anh trở vào nhà, vừa nằm xuống, thì người chú lên tiếng hỏi:

- Thím mày nghe bà Hai Hồ nói với người này người kia là mày muốn cưới con Lộc. Có không?

Bốn Thôi trả lời:

- Có.

Anh ta nằm chờ, nhưng mãi lâu không thấy người chú bảo gì. Tiếng con bò nhai rơm tươi giòn rụm, ngon lành, vang vào tận trong nhà, nghe rất gần.

Bốn Thôi băn khoăn lo lắng, không biết người chú quyết định thế nào. Thật lâu, ông ta mới nói:

- Thím mày cũng có dành dụm được chút ít, nhưng không biết bà Hai bà ấy đòi bao nhiêu. Ðể rồi coi.

Bốn Thôi vội vàng lên tiếng:

- Lộc nó bảo không đòi hỏi gì đâu.

Ông chú cười hê hê:

- Con Lộc thì nó có đòi gì mày! Tao nói đây là mẹ nó kia!

Ông ta lại cười hê hê trong bóng tối. Anh Bốn Thôi xấu hổ, không cãi nữa. Nhưng anh vụt hiểu rằng tuy không nói ra nhưng chú thím anh cùng biết cả về những điều đã xảy ra giữa anh và Lộc gần đây. Hẳn là ông chú đã hết ngờ vực. Bốn Thôi ngấm ngầm kiêu hãnh về mình.

Nhưng lạ lùng nhất là đến khi hỏi cưới, bà Hai Hồ chỉ đòi một món tiền rất nhỏ cho có lệ. Mọi người ngạc nhiên, thán phục Bốn Thôi. Và chính anh, anh ta cũng ngạc nhiên. Quả thực, “Lộc nó có bảo” với anh là không đòi hỏi gì thực; nhưng đó chỉ là lời nói suông. Khi ông chú bật cười, thì anh ta liền lấy làm hối hận là đã lỡ kể lại lời nói ấy, khiến mình thêm có vẻ thực thà ngây ngô.

Anh chưa lường được cái mức cảm tình của chị Lộc đối với mình tới đâu và cái địa vị của chị bên cạnh người mẹ ra sao. Khi việc xảy ra như thế, anh sung sướng, tưởng mình hóa hẳn ra một người khác.

Vả lại ai đã biết qua bà mẹ vợ của anh ta lần này là người thế nào đều phải cho rằng một việc như vậy không dễ gì xảy ra. Bà Hai Hồ góa chồng sớm, và từ đó ăn ở với thập Tam gần công khai như vợ chồng. “Thập” là một chức vị nhỏ trong hàng lính lệ phục vụ ở huyện đường, nhưng khi về làng thì thầy Thập cũng là một kẻ đáng kể. Từ hồi còn trẻ, bà Hai Hồ vẫn chỉ có một mẹ một con, sống với nhau ở một ngôi nhà nhỏ giữa đồng. Thập Tam lui tới nhà Hai Hồ, dân làng tuy có biết cũng làm lơ, rồi vợ thập Tam biết được cũng đành bỏ qua vì bà Hai không phải là một kẻ chịu nhường nhịn. Dân làng và người vợ thập Tam chỉ có một điều để lấy làm hài lòng, ấy là trông thấy được sự quả báo nhãn tiền. Mụ đàn bà hung dữ cướp sống chồng người ta ấy làm ăn ngày càng lụn bại; nhà đã không có đàn ông lo liệu công việc đồng áng, hoa màu mùa nào cũng bị thiệt, mà thập Tam lại chẳng có tiền của gì để giúp đỡ. Mặt khác, cặp nhân tình ấy đã có với nhau năm ba đứa con, nhưng rốt cuộc không nuôi được đứa nào.

Ðến khi chị Lộc lớn lên, hoàn cảnh sinh sống đã đen tối lắm. Thập Tam vừa thôi làm việc ở huyện. Mẹ con chị suốt ngày vất vả ngoài đồng. Cỏ trong vườn mọc cao um tùm, tràn vào khắp sân. Người chủ đám ruộng ngay trước mặt nhà chị mỗi năm phát bờ lấn vào nhà một chút, đến nỗi con đường đi vào ngõ chị còn lại không vừa đủ để đặt bàn chân. Bà Hai Hồ đã nhiều phen gây lộn, chửi bới, nhưng người kia không sợ đàn bà, mà thập Tam thì hết uy thế rồi. Dãy rào mục nát có khi ngã đổ xuống một quãng, lấp cả lối đi nhỏ hẹp. Nhiều lần đi làm về, chị Lộc bắt gặp lũ trẻ ở xóm bên kéo vô vườn hái trộm dừa, ổi, bồ quân v.v.; thấy bóng chị chúng nó ùa chạy, đạp lên hàng rào mục làm gãy cây răng rắc. Cố nhiên bà Hai Hồ lại chửi bới, nhưng không ăn thua gì.

Ðiều rắc rối nhất xuất hiện trong gia đình vào năm chị được mười sáu tuổi. Chị Lộc bẩm chất khỏe mạnh, thân hình phát triển nẩy nở sớm. Mười sáu tuổi chị đã cao lớn, ngực nở rộng rãi; bước đi không mau mắn gấp gáp nữa mà trở nên uyển chuyển. Cử động đẹp đẽ ấy giống như sự chuyển động dịu dàng của mặt nước biển những buổi mai không gió: mặt nước không có một tí nhăn nào, lì như mặt dầu, không đủ sức nổi lên những con sóng cao vã ra bọt, mà chỉ gợn nổi những đường vòng rất tròn rất mềm, tiếp nhau nối nhau, tiến vào bờ.

Thập Tam đến nhà bà Hai Hồ thường khi ngây người ra nhìn theo dáng đi ấy, và ngẫm nghĩ. Bà Hai Hồ nhiều lần bắt gặp. Càng ngày thập Tam càng làm quá; bà Hai điên tiết, lại nổi lên chửi mắng om sòm, có khi hai người chụp nhau đánh lộn, la làng inh ỏi. Nhưng vẫn chẳng ăn thua gì.

Nhà bà Hai Hồ ở lẻ loi giữa đồng, nên những gì xảy ra trong gia đình ấy liên tiếp bốn năm năm trời, ít ai biết rõ ràng, người ta chỉ đoán là những điều rất ghê tởm. Cái nhà cô độc ấy như là chất chứa những tội lỗi vô luân. Rồi thì dần dà mọi công việc trong gia đình ấy cũng đi tới một sự ổn thỏa: bà Hai không kháng cự nữa, bà nhận thấy rằng từ ngày đứa con gái lớn lên, thập Tam chịu đem của nhà ra vụng trộm giúp đỡ bà nhiều hơn trước; nếu không có nó, biết đâu ông ta đã không buồn lui tới với bà nữa. Sau bốn năm năm, sự thể đã chuyển biến thành trái nghịch: bà Hai Hồ chẳng những thôi tranh chấp với con, mà lại cần đứa con. Nếu có phải để nó đi ra khỏi nhà, người ta chắc bà không chịu một khoản bồi thường nhỏ.

Vậy mà chị Lộc đã đi về ở với anh Bốn Thôi gần như không đòi hỏi gì cả.

Còn như giữa thập Tam với chị trước kia có gì thì có lẽ chị Lộc cũng tin rằng người ngoài không ai biết rõ. Tuy nhiên dư luận thường khi bất công. Mọi người quen nhìn chị bằng cái nhìn nghiêm khắc. Và khi con người còn trẻ mà sớm chịu cái nhìn nghiêm khắc của xã hội thì cũng giống như là một cây non sớm hứng chịu cái nắng gay gắt: nó héo đi rũ xuống âm thầm. Trong dáng bộ uyển chuyển dịu dàng của chị Lộc có cái vẻ âm thầm, kín khép, cam chịu. Chỉ mãi tới khi chị về sống với anh Bốn Thôi, làng xóm mới có một cách nhìn khoan hòa hơn đối với chị, dư luận mới chịu soi đến những khía cạnh tốt đẹp của đời chị. Và trong những tiểu tiết về sau mới được soi sáng này, người ta chú ý đến tài đảm đang của chị, đến hai bàn tay làm được mắm cua chua.

*

Trong cái thế giới của bà tôi, tôi vẫn ngờ rằng có nhiều điều mâu thuẫn, khó hiểu; tuy vậy, hồi bà tôi còn ở đời, mỗi lúc gần bà, tôi mãi nghe chuyện nên không kịp vặn hỏi lôi thôi. Quá chín phần mười cái thế giới đó khuất vào trong khoảng tối lờ mờ của dĩ vãng, thuộc về quãng thời gian tôi chưa sinh ra. Bà tôi thường gợi lại thuở dĩ vãng đó, và bà gọi nó là “mọi lần”.

“Mọi lần” có gì quan trọng? Bà tôi không hề phân định thứ bậc, bà nói về chuyện nào cũng hăng hái thiết tha: chuyện ông bá hộ Thành ngày xưa ho đến mười hai năm mới chết mà cháu nội ông ta thì chỉ phát ho có một năm rưỡi đã chết ngay, chuyện vợ chồng ông tú Từ Lâm giận nhau tới nỗi ông tú bỏ nhà đi lang thang đến già, nguyên do là thế này mà có người lại bảo là thế kia, chuyện ngày xưa bà cử Tạ ở với con dâu ác như thế nào và ngày nay người con dâu báo hiếu ra sao, chuyện “đống” họ Trần gặp thời vận con cháu làm nên, “gánh” họ Lê điêu đứng tan rã ra sao, trong đám tang của ông cửu Trọng ai khóc hay nhất, thảm thiết nhất, và chuyện con rể ông ta giành chia gia tài đã bùng nổ như thế nào, chuyện đánh cướp nhà ông chánh tổng Hoàn ở Hạ Ninh xảy ra đầu đuôi ra sao v.v. Bà tôi kể những chuyện ấy hoặc trong lúc ngồi trước hiên cầm cái vỉ rình đập từng con ruồi cho mấy con gà túc trực bên cạnh tranh nhau mổ ăn, hoặc trong lúc ngồi canh chừng mấy lu mắm “giang” ngoài sân giữa trưa, hoặc trong khi nằm thảnh thơi trên phản gỗ gọi tôi lại quấn và đốt cho bà một điếu thuốc, hoặc trong những khi nhà có cúng giỗ, có bà con xa gần đông đủ, bà tôi gặp lại những chị em, bạn già với nhau, ở chơi đôi ba ngày...

Trong thuở “mọi lần” gợi lên như thế, rập rình rất nhiều ông tú ông cử, những người từng làm vinh dự cho “gánh” họ Huỳnh của bà tôi. Tuy nhiên tôi chú ý nhất đến các món đồ ăn. Ðồ ăn của “mọi lần” có những món kỳ quặc. Bà tôi kiêu hãnh kể rằng bà đã từng có thể dùng bột trắng pha màu rực rỡ bắt hình bánh cỗ đồ bát bửu: bầu rượu, cây bút, cái tù và v.v., đã từng luộc những con gà và sửa soạn cho chúng nó thành hình ngư, tiều, canh, mục v.v., đã gói những chiếc bánh tét nhân chữ hạnh, chữ thọ, màu đỏ màu xanh, đã bó những cuốn chả mà khi cắt ra mỗi lát đều có hoa đỏ hoa vàng v.v.

Bà tôi bất bình: những ông cử ông tú ngày xưa bây giờ dẫu còn cũng không ra làm quan được, và hột dâu ngũ sắc, con gà đội nón ngồi câu trong bát canh không được hoan nghênh nữa. “Mọi lần” qua rồi, con người có nhiều lý lẽ chính đáng để bất bình, và như thế hai bà cháu chúng tôi thường hay gần nhau. Nghe kể đi kể lại mãi những chuyện như thế, cuối cùng tôi lẫn lộn các món hột dâu ngũ sắc, cỗ đồ bát bửu, với ý niệm về thời thượng cổ. Trong trí tưởng tượng của tôi, con gà luộc mình phủ đầy bún tàu làm áo tơi, giả hình ông Lã Vọng ngồi câu, cùng với những lát chả có hoa đỏ hoa vàng, những thứ đó trà trộn rối rít trong thế giới của các vua Phục Hi, Thần Nông, của thái tử Na Tra, của Trư Bát Giới v.v. Tất cả đều không còn nữa, không thể xuất hiện lại lần nữa. Tôi chia xẻ mối buồn tiếc của bà tôi.

Nhưng tại sao bên cạnh những cầu kỳ sang trọng như vậy, “mọi lần” lại chịu dung nạp rất nhiều mắm? Cảnh đói khổ với những điều xa xí của chỗ quyền quí kia làm cách nào mà tiếp xúc nhau mật thiết, dung hòa với nhau? Bà tôi làm sao vừa có thể tưởng nhớ đến con gà Lã Vọng lại vừa có thể thông thạo và tha thiết với các món mắm mặn? Ðó là chỗ mâu thuẫn, vì quả thực bà tôi tha thiết với mắm hơn bất cứ người đàn bà nào khác trong gia đình, tuồng như đã có nhiều trường hợp khổ sở đói khát xưa kia xảy ra dưới mắt và ám ảnh bà tôi suốt đời.

Về già, đáng lẽ bà được hoàn toàn thảnh thơi, không phải lo lắng gì nữa về sự sinh sống trong gia đình, thì rốt cuộc bà tôi vẫn có hai mối bận rộn, đó là rác và mắm.

Xung quanh nhà tôi có một hàng rào bằng tre sống rất dày. Vì rễ tre mà cả khu vườn trồng thứ gì cũng xấu, và những đám ruộng quanh nhà đều mất giá trị. Tuy vậy trải qua mấy đời không ai nghĩ đến chuyện phá cái rào tre ấy. Lá tre khô rụng xuống rất nhiều trong vườn. Bà tôi dùng một thanh tre chẻ ra ở ngoài đầu, như một cây đinh ba, để xua dồn lá tre và tất cả các thứ rác rến khác lại thành từng đống. Ðôi ba ngày một lần, bà đốt các đống lá ấy để nấu những nồi bầu cháo cho heo ăn. Như thế vừa là một cách dọn rác vừa là để tiết kiệm than củi.

Ðốt rác gần nhà về mùa nắng nhiều khi nguy hiểm. Vì thế bà tôi lúc nào cũng sẵn sàng cây đinh ba trong tay, chạy loanh quanh đống lửa để canh chừng. Những khi đó tôi thích lăng xăng bên cạnh. Cho đến khi rác hết, lửa tàn, bà tôi múc năm mười gáo nước tưới vào đống tro, tôi đang mải mê với lửa, lúc đó mới ngẩng lên thì hai mắt lóa vì ánh sáng thấy bầu trời mênh mông đã ngập tối tự lúc nào, những ngọn tre to tướng lòa xòa quơ quất bóng đen trên đầu, tôi lo sợ vội vàng kéo bà vào nhà.

Bây giờ mỗi khi gợi nhớ lại hình ảnh của bà tôi, dáng người gầy đét bé nhỏ, chờn vờn quanh một cái nồi bầu lớn trong ánh lửa đỏ chập chờn bốc cao ở cuối khu vườn rộng, vào những buổi hoàng hôn nhá nhem, tôi tưởng như hình ảnh ấy nhắc đến các bà tiên luyện thuốc tràng sinh bên lò bát quái. Như vậy, rác tre tuy cố nhiên cũng là một lối tằn tiện nghèo nàn, nhưng nó có nhiều liên quan gần gũi với thế giới đầy quyền phép của thái tử Na Tra hơn là các hũ mắm.

Mối bận rộn thứ hai của bà tôi hiện hình dưới nhiều vẻ khác nhau. Ở nhà bếp có một phía vách dành riêng cho bà tôi sử dụng. Chỗ đó các hũ mắm xếp hàng đứng một dọc dài. Có thứ hũ sành lớn mà người nhà tôi gọi là hũ “gia trang”, có thứ tỉn lùn tráng men đen, có thứ tỉn trét vôi trắng xung quanh, có hũ đậy nắp bằng sành, có cái đậy bằng một miếng sọ dừa úp, có cái đậy bằng chiếc dĩa lật ngửa, lại có cái đậy bằng một chiếc mũ làm bằng mo cau cuốn lại, trông giống như một người lùn đội mũ mấn. Mặc dù đã đứng nép vào sát chân tường, hàng hũ của bà tôi vẫn trở ngại công việc của các cô và của mẹ tôi, vì nhà bếp của nhà tôi từ sau trận bão năm Thìn đã bị thu hẹp lại mất một nửa, thành ra chật hẹp. Cứ lâu lâu các cô tôi lại len lén bê một hũ mắm đút vào dưới cũi chứa đồ ăn. Nếu bà tôi không kịp phản đối thì một hũ khác lại nối đuôi theo, rồi một hũ khác nữa. Cứ thế cho đến bao giờ bà tôi hét lên om sòm, các cô mới cười ngắc nghẻo, rước các hũ mắm ấy ra, xếp lại y nguyên chỗ cũ.

Vào mùa nắng, giữa sân lúc nào cũng có một cái lu to tướng, tráng men màu vàng vàng xanh xanh như màu tre đằng ngà đã héo, đứng đội chiếc mũ mấn bằng mo cau. Ðó là cái lu chứa nước muối. Xung quanh quây quần xúm xít năm bảy chiếc tỉn nhỏ, hoặc chứa mắm cơm, mắm nục, hoặc nước mắm, hoặc mực muối.
Tuy bà tôi vẫn luôn luôn canh gác cẩn mật lũ mắm muối ấy, nhưng có nhiều buổi trưa một mình bà xoay trở không kịp giữa ngót vài mươi hũ mắm dàn ra từ sân trước đến sân sau: thế là một vài hũ trào ra, nước chảy lênh láng. Các cô tôi trông thấy, kêu ầm lên, vừa cười vừa bịt mũi nhăn nhíu, trong khi bà tôi chạy lăng quăng, đổ tội cho “con nước lên”. Theo bà thì mắm trong hũ cũng trào lên rút xuống theo một nhịp với nước thủy triều ngoài bể.

Nhưng không phải chỉ có “con nước lên” quấy rối bà tôi mà thôi. Ngoài ra còn đàn lằn nữa, vì hình như trong bất cứ hũ mắm nào của bà chúng cũng tìm ra cơ hội để gửi được vào đó ít nhiều trứng. Mỗi buổi sáng bà tôi một tay cầm đũa một tay bưng cái sọ dừa có chứa sẵn mớ cám đi tuần một lượt khắp các hũ mắm, gắp dòi ném vào cám. Một vài con gà tháp tùng bà tôi, đợi hưởng mớ dòi lúc nhúc trong chiếc sọ dừa ấy.

Mẹ và các cô tôi không có cảm tình với lũ tỉn, hũ, chum, vại đứng chật nhà, không có cảm tình với mùi mắm, với lũ dòi, và với cả những con gà quanh quẩn trong nhà để phóng uế bậy bạ. “Thế hệ” này xem cái tật ham mắm của bà tôi như một lẩm cẩm của tuổi già. Họ nói với nhau: “Không biết tích chứa làm chi mà lắm vậy? Cơ ngũ nào ăn cho hết? Vậy mà nghe rao mắm là vẫn cứ kêu vào, mua mãi mua hoài. Nhà này lần lần cá mắm dưới biển tràn lên chiếm hết chỗ, người ta không còn chỗ kê giường mà nằm. Khổ cho cái bà già hết sức!” Họ cười với nhau ồn ào. Bà tôi không hơi đâu xông vào những cuộc tranh cãi với “thế hệ mới”. Tuy nhiên bà không chịu thua. Lúc mọi chỉ trích giễu cợt đã qua, bà thong thả trình bày với mẹ tôi, có khi cả với tôi: “Không ai ăn, sao bao nhiêu mắm rồi cũng hết? Mắm có bao giờ dư đâu? Chưa ăn tới thì nó nằm trong hũ nó chờ, từ tháng này qua tháng kia. Nó chờ được. Rốt cuộc cũng phải tới nó, chớ con người ta không ăn mắm thì ăn cái gì?” Nghĩ như vậy, bà tôi tiếp tục mua mắm. Và nhiều khi nghe văng vẳng xa xa một tiếng rao đâu đó ở cuối xóm, các cô tôi đã vội nháy mắt làm dấu hiệu cho nhau, chạy đi đón những người bán mắm quen biết, điều đình với họ, để họ đừng đến rao hàng gần nhà chúng tôi. Xung quanh bà tôi âm thầm có một liên minh để chống mắm, mà khi biết ra bà tôi chỉ còn có lắc đầu.

Nếu bảo rằng bà tôi cũng toan liên minh đối nghịch lại thì thật là lố bịch. Tuy nhiên những kẻ có một điểm gì giống nhau tự nhiên vẫn cứ gần nhau: bà tôi có nhiều cảm tình đối với chị vợ thứ hai của anh Bốn Thôi. Mỗi năm vào mùa cấy, bà tôi thường nhắn gọi chị Lộc thỉnh thoảng mang đến “đổi” vài giỏ cua. Và bà yêu cầu chị tự tay giã cua lấy, vắt xác lấy. Bà tôi chỉ loanh quanh phụ giúp: múc hộ năm ba gáo nước, tìm một cái hũ thích hợp, lấy cho mấy nắm muối v.v. Còn như động tay vào mớ cua đang quết trong cối thì tuyệt nhiên không. Bà tôi tự cấm mình làm như thế: việc ấy phải dành riêng cho hai bàn tay chị Lộc. Thái độ của bà tôi tôn hai bàn tay của chị lên đến nỗi nhiều khi chị phải mỉm cười nhẹ nhàng để tỏ sự hổ thẹn.

Bên cạnh chị, bà tôi hỏi thăm về gia cảnh, về chuyện làm ăn,về mùa màng, về chuyện cua ốc, chim cá ngoài đồng v.v. Có khi vui miệng bà tôi cũng đùa với chị:

- Năm nay cua nhiều không?

- Thưa bà cũng có, nhưng không bằng năm ngoái.

- Vậy hả?

- Năm ngoái cua nhiều bắt không kịp, tới nỗi lúa cấy vừa bén bị nó kẹp đứt ngang, ngã gục xuống đầy đồng, coi cọng lúa... thương hết sức. Bà nhớ không?

- Ừ. Năm nay chắc khỏi.

- Dạ. Năm nay đi bắt một ngày có khi không được hai giỏ cua.

- Gì chứ nhà chị cũng đủ ăn mãn mùa.

Chị Lộc cười khiêm tốn:

- Thưa bà, chúng con suốt này không được ăn một món gì ngoài cua. Ăn mãi cũng sinh chán.

- Còn được ăn cua ngày nào thì hãy ăn đi ngày ấy, năm sau đến mùa này không chừng chị đã phải kiêng cua cho mà coi.

Chị Lộc cúi đầu xuống, mỉm cười. Ở nhà quê, người ta tin rằng những người có thai, nếu ăn cua vào, đến khi đẻ con sẽ đẻ ngang, vì vậy họ kiêng cữ. Chị Lộc trả lời bà tôi:

- Con thì con sẽ ăn cua mãi, không bao giờ phải cữ đâu.

Bà tôi vui vẻ:

- Con gái mới lớn chị nào cũng chối leo lẻo.

- Con nói thiệt đấy mà.

Làm sao có thể “nói thiệt” được một điều như thế! Thực là vô lý. Tuy nhiên giọng chị Lộc cũng cứ dịu dàng, không có vẻ gì quả quyết, khiến người nghe không thấy cần thiết phải phản đối. Chị vẫn cúi mặt, bẽn lẽn và mỉm cười.

Bà tôi trông lại chị Lộc, và nghĩ rằng chị cũng không thua sút người con dâu của “đống” họ Lê mới cưới về bao nhiêu. Tôi thì tôi không có ý so sánh nhan sắc của chị Lộc với người con gái nào khác, nhưng tôi cho rằng một người như chị nhất định phải đem đến sự sung sướng cho bất cứ kẻ nào gần gũi. Trên thân người nở nang ấy, mọi hình nét đều có vẻ rộng rãi, tròn trặn rất dịu dàng. Ngừng tầm mắt trên một thân người như thế người ta thấy một cảm tưởng yên ổn trong tâm trí. Mặc dù khoảng ngực của chị nở rộng và đầy, người nhìn đến không hề thấy bị khích động mà chỉ cảm thấy một thích thú thoải mái như là nghỉ ngơi. Trong âm thanh của tiếng chị nói, trong cái ngước mặt chậm chạp mà chắc chắn, không ngập ngừng, có một vẻ gì vừa hiền dịu nhẫn nại, vừa vững chãi ổn định.

Chỉ là một người con gái nghèo khó mà sớm phải đương đầu với những điều ngang trái, cuối cùng trên vẻ người tươi trẻ đầy sinh lực người ta có cái chín chắn nhẫn nhục nó làm tắt đi hết những gì là lộng lẫy, là ánh sáng nhiệt tình. Người ta sớm tiến tới một vẻ thụ động, khoan hòa, một quân bình vững chãi cho đời mình. Nhìn vào gương mặt và khổ người tràn đầy sinh lực của chị Lộc, đôi khi tôi có nghĩ đến những tiếng tăm đồn đại đáng sợ về những năm chị đã sống chung với người mẹ. Khi ấy trong trí tôi lẩn quất sự lo ngại về một cái gì bí ẩn thăm thẳm, nhưng sau đó, chỉ một cái ngước mắt mỉm cười bình thản của chị đủ xóa tan hết nỗi lo âu của tôi. Trong cái thụ động khuất nhục của chị có một vẻ điềm tĩnh khiến người ta cảm thấy một niềm tin cậy ấm áp nơi chị.

*

Bị xem như một người con trai hơi vớ vẩn, anh Bốn Thôi càng ngày càng đâm ra ít nói, ít giao thiệp, càng âm thầm cô độc. Những người cô độc, xa lìa đám đông xã hội, những người ấy vẫn thường hay có cách tạo ra một thế giới riêng biệt, trong đó họ một mình mơ mộng triền miên.

Bốn Thôi tìm được cách tiêu khiển và mơ mộng trong việc vặt lông mũi. Ðó là một cử chỉ nhỏ nhặt không ai để ý đến, nhưng rất quan hệ trong cuộc sống riêng của anh. Vì không phải là chuyện làm tốt, chuyện điểm trang gì, cho nên Bốn Thôi không bao giờ dùng đến cái gương. Hễ cứ rảnh việc là anh đưa tay lên mũi, rờ rẫm, thăm dò, rình rập từng sợi lông mọc thò ra ngoài; vẻ mặt anh chăm chỉ, đăm chiêu. Sự vặt nhổ như thế không phải không có lúc đau đớn, vì vậy có những khi anh nhăn nhíu mặt mày; và ngay mỗi khi các ngón tay bắt đầu tìm kiếm, vẻ mặt anh đã khổ sở khó nhọc. Ðối với người ngoài thì cử chỉ đó có vẻ kỳ cục, tục tằn, khó coi, càng tăng thêm vẻ dớ dẩn của anh.

Tuy nhiên về phần Bốn Thôi, những lúc làm như thế anh không đếm xỉa gì đến người xung quanh. Bảo rằng người ta có thể trốn tránh sự cô đơn bằng cách ẩn lánh ngay vào trong cái rừng lông mũi rất nên lơ thơ của chính mình thì thực là điều khó tin được. Nhưng thực ra chính những mằn mò vớ vẩn như vậy giúp cho Bốn Thôi thoát khỏi sự đè nặng của cảm tưởng cô đơn. Trong những khi ấy anh lặng lẽ tự xóa mình, vẫn ngồi trước mặt mọi người mà như không hề hiện diện trước một ai, vẫn có đó mà như là không có, như là đang sống ở một thế giới nào xa cách tận đâu đâu, anh lặn chìm rất sâu khuất vào trong sự cô đơn của mình, dứt hết mọi liên hệ với xung quanh và không buồn áy náy lo lắng gì về thái độ của mọi người. Mắt anh trở nên xa xăm. Và trong cái thế giới mộng tưởng riêng biệt ấy anh tự cho có thể tha hồ nhăn nhíu mặt mày mà không thành ra kỳ cục.

Trước, Bốn Thôi vẫn một mình hì hục hàng giờ với sự mằn mò tẩn mẩn của mình như thế, mặc tình, không ai ngó ngàng tới, không ai nhắc nhở tới. Nhưng từ khi anh cưới về người vợ thứ hai, nhiều lần anh đang nhăn mặt tìm vặt một sợi lông mũi, bỗng mắt anh chợt bắt gặp cặp mắt của chị Lộc. Chị nhìn anh, trong mắt ánh lên một chút ý tứ giễu cợt thân mật, hòa dịu, tha thứ, và chị bật cười rất nhẹ nhàng. Thế là lập tức anh Bốn Thôi buông tay ra. Cố nhiên anh có đỏ mặt bẽn lẽn một chút, nhưng sung sướng tràn ngập tâm hồn. Anh như là người sắp sửa từ giã cõi đời bước vào cảnh khuất tịch, bỗng gặp một tiếng gọi kêu, và vụt một cái anh nhào về thế gian, anh nhập lại vào cuộc đời, vào xã hội đông đảo. Chị Lộc không hề nói gì cả, nhưng cái nhìn hiểu biết thông cảm hiền hậu bao la của chị cứu anh thoát khỏi sự cô đơn, làm cho kiếp nhân sinh có nhiều ý vị!

Trong tình vợ chồng, chị Lộc không có sự biểu lộ nồng nàn, trái lại thường khi còn có vẻ thản nhiên lạt lẽo nữa. Nhưng chân hạnh phúc ở đời chắc chắn không phải lúc nào cũng đòi hỏi cho được cảnh mê ly say đắm. Bên cạnh thái độ khoan hòa ấm áp của người vợ lạ lùng, anh Bốn Thôi lần hồi tin cậy ở cuộc sống.

Anh vẫn từ lâu có chứng bệnh phong thấp. Gan bàn chân thường bị nứt nẻ, vào mùa mưa lạnh lại càng nứt nẻ nhiều. Mỗi khi anh đi làm ngoài đồng, đất bùn nhét vào các vết thương làm anh đau đớn. Nhưng một thứ bệnh kéo dài ra hàng mười mấy năm rồi thì đối với anh nó đã mất hết tư cách bệnh tật. Vả lại gần như hầu hết dân làng ai cũng mắc bệnh ấy, kẻ nặng người nhẹ, người bị nứt chân nhiều, kẻ bị nứt ít, đến nỗi không còn biết sự nứt nẻ phải đến đâu mới được kể là bệnh tật. Bởi vậy anh Bốn Thôi chưa có lần nào nghĩ rằng mình cần phải chữa bệnh.

Thế nhưng ngay mùa đông đầu tiên về nhà chồng, một hôm, một buổi trưa, trong lúc anh đánh một sợi dây nài, chị Lộc chú ý đến bàn chân của chồng, chị kêu:

- Trời ơi, nứt dữ vậy mà chịu được sao?

- Không chịu được thì ai chịu cho.

Nói xong, chợt trong trí anh thoáng qua một ý nghĩ thích thú, anh mỉm cười ngẩng lên nhìn vợ một cách lẳng lơ. Cái nhìn đó như nhắc lại tiếng “ai chịu cho” một cách âu yếm tinh nghịch. Nhưng người vợ không đáp lại cái tình tứ ấy; chị tránh, không nhận mình là “ai”. Trên nét mặt chị, chỉ có sự ái ngại:

- Năm nào cũng vậy hả?

- Ừ, mùa lạnh năm nào mà chẳng vậy.

Anh liếc nhìn xuống bàn chân, và nhận thấy hình như năm này bệnh của anh có nặng hơn, đường nứt có sâu thêm. Chị lại hỏi:

- Không xức gì sao?

- Xức gì mà hết được thì người ta đã xức rồi. Có phải một mình mình nứt chân đâu.

Chị Lộc không cãi. Chị ngó lại những vết thương trên bàn chân chồng một lần nữa rồi bảo: “Ghê chưa!”. Anh chồng cười, co chân lại. Nhưng sau đó, chị Lộc đứng lên đi lấy cái niêu con đựng dầu rái, bưng đến, dùng một chiếc que, nhét dầu rái vào các kẽ nứt ở gan bàn chân Bốn Thôi.

Mấy hôm sau, anh cảm thấy dễ chịu. Và chị tiếp tục xức dầu rái cho chồng năm bảy lần như thế. Khi anh yên trí rằng đó là bổn phận của chị, anh hưởng cái quyền được săn sóc mà sắp sửa hết thấy thích thú, thì bỗng chị dừng lại mấy ngày. Anh Bốn Thôi ngờ rằng chị quên đi, và yên lặng chờ đợi; nhưng một hôm khác ăn cơm xong anh đang ngồi hút thuốc, chị vừa rửa chén vừa nói:

- Mấy bữa rày anh không xức chân, rồi nó đau lại cho coi. Ngồi không làm gì, chịu khó đem dầu ra xức đi.

Thoạt tiên anh Bốn Thôi hơi thất vọng, nhưng rồi anh nghe trong giọng nói của vợ cũng có sự dịu dàng: nhắc nhở vẫn là một cách săn sóc. Thất vọng này chấm dứt thình lình một sự thích thú đang sắp sửa tự tiêu, nhưng sau đó nó lại liền làm nảy ra một sự thích thú khác, dĩ nhiên là khiêm tốn hơn.

Sau mùa cấy năm đó, một ngày đầu tháng chạp, anh Bốn Thôi đan một đôi giỏ ngựa, thứ giỏ thưa mỗi chiếc có hai chân, buộc dính liền vào một cây đòn gánh, thường dùng để gánh cỏ hay mạ. Người vợ ngồi gần đó, đang mở các gói hột cải, hột cúc ra xem lại, chuẩn bị trồng rau ăn Tết. Ðan xong một chiếc giỏ, Bốn Thôi vứt ra một bên, rồi ngồi quấn thuốc hút. Anh ngồi nghỉ tay một lúc lâu, ưỡn thẳng người lên cho đỡ mỏi lưng. Các ngón tay anh tần mần sờ lên bàn chân, vướng nhằm một mảnh da khô, dày, vểnh lên. Những người có bệnh phong thấp nứt chân như anh thường vẫn bị tróc da như thế, những miếng da chết dính đeo vào bàn chân, cộm lên, khó chịu. Anh Bốn Thôi tiện tay gỡ mảnh da khô; nó toét rộng, kéo theo cả lớp da sống dưới bàn chân, phơi thịt ra trắng hếu. Anh cúi đầu xuống nhìn, bối rối. Chị Lộc cũng chợt chú ý đến cử chỉ của anh, nhìn theo, trông thấy vết thương; và chị liền nhắm mắt lại, kêu lên:

- Ái! Dễ sợ chưa!

Chị buông mấy gói hột xuống. Anh Bốn Thôi trông lên nét mặt của vợ, tự dưng tiêu tan hết mọi sự bối rối. Ngay trong lúc ấy anh vụt có cảm tưởng rằng dẫu mối nguy hiểm có đe dọa anh đến bực nào thì sự lo lắng cũng không thuộc về phần anh nữa: đó là phần của người con gái kia. Anh tưởng mình đã trút hết mọi trách nhiệm về mình sau một cái nhìn ấy, và anh hoàn toàn tin cậy ở người kia.

Chị Lộc chạy đi lấy kéo, vừa nhăn mặt vừa cắt miếng da cho anh, và lấy dầu rái đắp lên vết thương. Trong khi người vợ làm bấy nhiêu công việc, anh Bốn Thôi cười và đùa giễu về tính nhát gan của chị.

Trước cảnh nhà nghèo túng, trước những tai biến bất ngờ khó khăn xảy đến, chị Lộc vẫn điềm tĩnh và im lặng. Thái độ can đảm mà bình thản, thụ động ấy xóa lấp hết dấu vết mọi biến cố trong cuộc đời nhiều trắc trở ngang trái của chị. Nhưng trông thấy một mảnh thịt người trắng hếu chị không bình tĩnh được, chị sợ hãi hoảng hốt. Một sự việc nhỏ nhặt hôm ấy khiến anh Bốn Thôi thấy thêm một khía cạnh lạ lùng trong tâm hồn người con gái sống bên cạnh mình. Và anh kinh ngạc một cách... sung sướng! Tại sao lại sung sướng? Ðáng lẽ có thể nghĩ rằng sự hoảng hốt kia chỉ là phản ứng tự nhiên của một người hiền dịu có nhiều từ tâm, ghét sự tàn bạo xô xát và những gì có liên hệ đến nó như là máu me, thương tích v.v. Nhưng anh Bốn Thôi không nghĩ như thế. Anh ta chỉ chợt thấy người con gái nhăn nhó đau vì một vết thương của mình. Và như thế, anh có thể chịu mãi các vết thương, mọi vết thương!

Từ đó về sau, cứ lần nào có da khô ở gan bàn chân anh lại lựa những lúc ngồi gần vợ để tước xé mảnh da ra. Anh gây đau đớn cho mình, kinh hãi cho người vợ. Và anh thưởng thức một thứ sung sướng tinh quái. Những tiếng kêu bối rối: “Ái! Ghê quá!”, “Ái! Dễ sợ chưa!” v.v. phá vỡ sự cô đơn. Và kiếp nhân sinh lại có một thứ ý vị kỳ quặc nữa!


(còn tiếp)