Bữa cơm là một dịp cả nhà sinh hoạt với nhau, tất nhiên đầy nền nếp. Bấy nhiêu nền nếp thể hiện cái tinh thần “hòa nhã”. Mọi người “hòa” với nhau, từng người thì “nhã”. Ngồi ăn thế, dù không miếng ngon lòng cũng thấy vui. (Thu Tứ)



Tô Hoài, “Văn hóa quanh mâm cơm”




Mâm cơm (...) mỗi thứ bày ra đều (...) có chỗ nhất định.

Bát nước chấm đặt giữa. Không để bát cà, bát dưa, những thức ăn kém giá trị trước mặt người cao tuổi, người trên. Hai bát canh không đặt liền nhau.

Con trẻ ngồi mâm với người lớn thì (...) lấy đũa so cho mọi người (...) đặt đầu đũa to ngoài (...)

Ðừng tưởng chỉ người châu Âu mới chú ý nhai kín miệng, nhai không thành tiếng. Người Việt Nam nhã nhặn không nhai nhồm nhoàm, nhai tóp tép và không vừa miệng lúng búng nhai vừa nói chuyện. Còn thêm vài cái kiêng kỵ mà các cụ thường uốn nắn. Không gõ đũa cả, đũa con canh cách, không cắm đũa vào giữa bát cơm mới xới - như những bát cơm cúng đám ma, không vét nồi cơm cồn cột - điềm trời ra tai mất mùa. Không cầm thìa húp canh xùm xụp - điềm trời làm đói nghèo (…)

Ông bà, cha mẹ ngồi trên, anh chị em ngồi giữa, lẫn với trẻ con - có khi ông bà hay cha mẹ chiều chuộng, cho con bé cho cháu ngồi cạnh, vợ chồng ý tứ không ngồi bên nhau, cũng như nàng dâu và con gái thì giữ chân đầu nồi xới cơm cho cả nhà. Ðưa bát cơm vừa xới cho người vai trên, đưa hai tay, gắp thức ăn thì tránh gắp chen đũa (...) Không chăm chắm chỉ gắp liền một món - nhất là đấy lại là đĩa thịt gà nhất mâm (...) Gắp thức ăn chấm nước mắm không đưa thẳng lên miệng, mà đặt thức ăn vào bát đã, rồi mới và. Ðưa ngay vào miệng bị giễu là gắp giật cần câu.

Vào mâm thì ai cũng mời ăn. Ông bà bề trên nhất thường nói một câu vui: “Cả nhà ăn cơm nào”. Mọi người lần lượt mời bậc cao tuổi trước - không phải mời người dưới thứ bậc mình (...) Ăn xong, đặt bát đã vét sạch, để ngang đôi đũa, nói: “Cháu (con) xin phép ạ” rồi mới đứng dậy. Ra rửa miệng (hoặc lau miệng) và lấy tăm uống nước, không hếch môi xỉa tăm quèn quẹt như chải răng.


(Tô Hoài,
Chuyện cũ Hà Nội, nxb. Hà Nội, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)