“Bức Tranh”, thoạt xem: một bông hồng đỏ thắm đặt trên miệng méo của một xác chết da mặt “nhăn nheo và vàng như da quả xoài chín nẫu”!

Không phải truyện rùng rợn đâu. Vừa tả chỉ là chân dung sau cùng của một phụ nữ trẻ nhan sắc mà số phận đã khiến chết xấu đến nỗi người chồng đau khổ phải tìm cách “làm nàng đẹp lại”.

Cái cần làm cho đẹp lại trong câu chuyện éo le này thực ra không phải là ngoại hình người chết, mà là một quan hệ vợ chồng có lúc chợt xấu đi nhiều quá. Người chồng đã sửa sai, quan hệ đã phục hồi, nhưng chẳng bao lâu người vợ gặp bạo bệnh rồi mất. Nỗi tiếc thương khiến “tôi thấy mình hối hận không thể tưởng được”. Ðộc giả, chắc nhiều người cũng thấy bàng hoàng...

(Thu Tứ)



Song Linh, “Bức tranh”



Tôi lấy nhà tôi được gần ba năm thì nhà tôi mất mang theo cả đứa bé hơn ba tháng ở trong bụng. Ðể lại cho tôi đứa con riêng của nàng mới bốn tuổi. Nàng mất dạo ấy nhằm vào một mùa đông giáp tết, nhưng có khác là năm đó lạnh hơn nhiều. Tôi nhớ rõ lắm, đêm hôm ấy cũng là đêm ba mươi tết như đêm nay, nàng giật lên một cơn dữ dội rồi trút hơi thở cuối cùng. Tôi vuốt mắt cho nàng trong khi chiếc đồng hồ trên tường rè rè điểm đúng mười một tiếng - chỉ còn một giờ nữa là thiên hạ đón giao thừa. Nhưng có lẽ cái xóm lao động nghèo nàn tôi ở, họ không còn nhớ đến xuân, hay nói khác đi, họ không cần xuân cũng được. Xuân đối với họ cũng chỉ là những ngày thường, có khi còn khổ hơn là khác. Họ vẫn ngủ kỹ. Tôi nhìn qua khe cửa, ngoài sân đen như một đĩa mực tàu. Anh còn lạ gì cái đêm củ mật đen tối nhất trong năm như đêm nay, mình tôi ngồi bên xác vợ trước những ngọn nến vàng chập chờn cháy không đủ soi sáng cho căn nhà tối om. Tôi đau khổ nhìn nhà tôi, lòng tan nát tưởng có thể lịm đi được, rồi tôi gục xuống xác nàng khóc nức nở như một đứa trẻ.

Bên ngoài tiếng mưa tí tách rơi trước mái tranh tôi nghe buồn như chính mưa rơi trong lòng mình. Gió nhè nhẹ và lạnh lùa vào khe cửa rét tê, làm những ngọn nến ngả rạp xuống như muốn tắt.

Tôi cố lắng cả giác quan vào yên tịch của đêm đen để thông cảm với linh hồn nàng. Chỉ thấy da nàng toát lạnh. Mùi tử khí phát ra từ người nàng, khiến tôi có cảm tưởng là hương thơm của da thịt, những khi tôi mê man ôm nàng vào lòng ân ái. Và không hiểu sao lúc ấy tôi tưởng nàng vẫn sống. Tôi nhớ tới những lúc nàng giặt quần áo cho tôi mệt mỏi nằm nghỉ trên giường, tôi thường ngồi ghé bên cạnh an ủi và hôn lên miệng nàng. Nghĩ vậy, quên cả sự chết của nàng, tôi ôm chặt lấy xác nàng gọi không ra tiếng và môi tôi tìm môi nàng, cặp môi lạnh lẽo như một miếng thịt ươn. Nàng vẫn trơ trơ không nhúc nhích. Thì ra chỉ có tôi còn sống, mà nàng thì đã là một cái xác.

Nhà bên cạnh có tiếng võng đưa như tiếng nghiến răng của người ngủ mê quen tật. Tôi rùng mình ngẩng lên nhìn nàng chằm chặp không hề chớp mắt. Lại có tiếng ngái ngủ ru con ời ơi từ xa vọng lại não nề. Ðêm dài quá anh ạ. Trên trần nhà một vài con mối đuổi nhau qua các ô màng nhện bị gió lay động.

Lúc ấy tôi đã bình tĩnh lại. Tôi trìu mến cố tìm lấy một hình ảnh duyên dáng trên khuôn mặt của nàng, nhưng hết rồi anh ạ. Nàng đã đánh mất cả vẻ đẹp ngày trước hay đúng hơn thì bệnh tật đã cướp hết sắc đẹp cùng với linh hồn nàng về cõi chết. Và bây giờ thì nàng đang ngủ trong lúc chúng ta nói chuyện về nàng.

Nàng ngủ mãi và giấc ngủ của nàng không còn mộng mị.

Tôi quên không nói với anh là nàng chết vì bệnh tétanos, nên thân người thì vàng và gầy như một cành cây cằn cỗi, chân tay bé như cẳng gà, những bắp thịt nẩy nở trước kia không hiểu hao mòn đi đâu mà nhanh chóng quá. Ðặc biệt nhất, khuôn mặt khả ái của nàng ngày xưa tròn trắng, thì lúc ấy sao nó nhăn nheo và vàng như da quả xoài chín nẫu. Miệng nàng qua những cơn giật kinh khủng méo đi. Trông xấu và đáng thương đến ghê sợ. Anh còn lạ gì tôi nữa - con người lãng mạn lúc nào cũng quý mến và tôn trọng cái đẹp tuyệt đối, mà thấy nàng xấu đi một cách ghê sợ hẳn phải đau khổ đến bực nào. Mà đau khổ thì sinh ra nghĩ ngợi nhiều. Quả tình tôi nghĩ cần phải làm nàng đẹp lại trước khi đưa nàng tới nơi an nghỉ cuối cùng. Chắc anh cho tôi điên, nhưng không đâu, tôi tỉnh lắm, có tỉnh mới nhớ ra cây hồng của nàng trồng đàng sau nhà trước kia, bây giờ đã có mấy hoa. Tôi để xác nàng nằm ngủ với những cây nến thức đang khóc. Rồi cầm chiếc đèn hoa kỳ, tôi mở cửa lần ra ngoài mưa tìm đến gốc cây hồng, hái một bông hoa vừa độ nở. Anh có thể đoán tôi sắp làm gì rồi. Phải, sau khi hái hoa, tôi khép cửa lại, đuổi gió lạnh ra đêm đen, rồi vào đặt bông hoa lên miệng nàng. Bông hoa còn đọng sương đêm và nước mưa, trông mịn và đỏ thắm như nàng thoa son ngày trước. Rồi không hiểu vì còn tươi nhựa sống hay vì hơi nóng của nến, hoặc vì sinh khí còn đọng ở miệng nàng mà bông hoa cứ từ từ nở ra anh ạ. Nếu không nở thì cũng có thể lúc ấy óc tôi bảo tôi rằng hoa nở.

Tôi nhìn hoa nở có cảm tưởng nàng đang cười trong khi ngủ mơ, và lúc đó vành môi méo của nàng không còn ám ảnh tôi nữa. Tôi có đủ bình tĩnh để thương tiếc nàng và để tưởng tượng. Trước ánh nến lung linh tôi thấy mắt nàng chớp, rồi chân tay nàng cử động thật.

Tôi sung sướng quá cúi hôn nhẹ lên môi hoa của nàng, tự nhiên tôi liên tưởng tới hình ảnh thanh tịnh ngày còn nhỏ. Khi ông tôi luộc xong một con gà vàng ngậy, đặt lên mâm xôi trắng dẻo đem ra đình lễ, lại sai tôi ra vườn hái một bông hoa hồng gài lên mỏ con gà cho đẹp. Cái ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy chỉ kịp thoáng qua trong tâm hồn chất đầy đau khổ của tôi, như một tia sáng lóe giữa vòm trời lúc giông bão rồi biến ngay. Tôi chỉ còn biết thương tiếc nhà tôi thôi. Con người khi yêu thiết tha bao nhiêu thì lúc thương nhớ lại càng nặng bấy nhiêu. Tôi không hôn nàng nữa, mà ngồi ủ rũ nhớ lại kỷ niệm ngày thơ ấu của tôi với nàng. Mắt tôi khô lệ nhưng còn những ngọn nến và cái xác nàng in sâu trong ấy. Cuốn phim ký ức quay lại đứt đoạn trong tiềm thức tôi. Xa xa tiếng pháo đón xuân tưng bừng nổ, tiếng chiêng trống ở miếu đình và tiếng chuông nhà thờ rung lên dồn dập vọng đến tai tôi.

*

Ngày ấy, xa lắm rồi, bây giờ chỉ còn là một hình ảnh rất mờ, khó mà nhớ hết được. Nhưng tôi cố nhớ để nói cho anh nghe.

Cách đây hơn mười lăm năm, tôi còn là một đứa bé lên tám, đầu tóc mượt mà, mặt mũi chân tay trắng trẻo. Tính tình ngoan ngoãn dễ yêu, học lớp ba trường làng - gọi là trường làng cho tiện chứ thực ra quê tôi ngày ấy chưa có trường. Nhân gặp loạn lạc, một gia đình người Hà Nội, có hai ông bà già với một cô con gái mười sáu tuổi, tản cư về xóm tôi, rồi mua lại cái nhà lá của bác tôi để trú thân. Trong thời gian khói lửa, của cải đem đi không được bao nhiêu, mà lại ngồi không ăn tiêu hàng mấy năm trời, chẳng mấy lúc gia đình ấy trở nên túng bấn hơn gia đình chúng tôi.

Hẳn vì cũng có ít chữ nghĩa, cô con gái liền mở trường dạy học để giúp gia đình độ nhật. Bởi thế, tôi được tiếp tục học lại lớp ba (trước kia tôi đã học lớp ba nhưng bỏ dở). Nhà tôi ở sát cạnh nhà cô giáo, nên cứ đến giờ ra chơi là tôi lại chạy về nhà vòi mẹ quà bánh. Trong số hơn hai chục đứa học trò chỉ mình tôi là được cô giáo yêu mến hơn cả. Cô coi tôi như em cô, trái lại, tôi cũng mến cô như chị ruột. Mỗi khi đi đâu về, cô thường mua kẹo gọi tôi sang cho, hoặc có thức gì ngon cô cũng để dành phần cho tôi. Ðôi khi tay tôi bẩn mực hay lấm đất cát, cô bắt tôi đi rửa sạch rồi mới cho. Cũng có lần cô cầm tay tôi lâu lắm rồi nhìn vào mặt tôi cười yêu mến. Tôi cảm thấy một cái gì khác lạ nẩy nở trong tâm hồn non nớt của tôi, và từ đấy tôi thích được cô giáo cầm tay. Tôi thích thì tôi lại càng cố ý nghịch ngợm đất cát để cô giáo săn sóc đến tay tôi. Có một chiều tôi cùng cô đi chơi trên bờ sông Tiên. Gió mặt sông đưa lên mát rượi. Trong bóng chiều vàng nhạt, tôi thấy tóc cô bay quyện vào cặp mắt đẹp, mắt cô có vẻ mơ màng. Có lẽ lúc ấy cô không nghĩ đến tôi đang đi cạnh, cô nghĩ đến một sự gì khác lạ. Tôi hơi tức, giả vờ ngồi xuống phụng phịu gọi cô:

- Cô ơi! Dắt em mấy, em mỏi chân rồi.

Cô ngảnh lại, cầm tay tôi cười nói:

- Con trai sao yếu thế, thôi đi cô dắt.

Rồi nhìn bàn tay tôi cô nói tiếp:

- Từ giờ em phải rửa tay sạch sẽ nhé, nếu không cô không yêu nữa đâu.

Tôi yên lặng gật đầu, cô đập nhẹ tay tôi rồi nói:

- Sao em không lớn như cô nhỉ?

Câu nói ấy mãi tới sau này tôi mới hiểu. Song ngày ấy trí non nớt của tôi chỉ bảo tôi ngoan ngoãn yên lặng, mà không hiểu ý nghĩa của nó. Từ đó tôi chịu khó rửa tay lắm, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị mực dây vào. Cô giáo ngày nào cũng khám tay học trò, trông thấy tay tôi bẩn lại bắt tôi giơ bàn tay nhỏ bé ra thưởng cho mấy thước đau quắn. Ðánh xong, cô làm mặt giận nói với tôi:

- Nếu Nguyên còn nghịch bẩn nữa thì nhất định cô không chơi với nữa đâu.

Tôi vâng lời, và càng ngày càng yêu cô hơn. Ðêm ngủ tôi thường mơ thấy cô cười.

Nhưng bỗng một hôm cô không đi chơi với tôi nữa, cô đi một mình và mặc cả áo dài màu xanh da trời. Mặt cô hình như có phấn hồng, tóc cô chải mượt bồng lên khác với ngày thường. Trước tôi cứ tưởng cô đi đâu có việc nên không đòi theo, sau thấy chiều nào cô cũng đi ra phía cánh đồng. Tôi buồn bã đứng tựa gốc khế nhìn theo, thì lạ thay, khi cô gần đến ngôi mả xây trên cái gò cao có cây mọc xanh um, lại có một người mặc quần áo tây chạy ra đón. Rồi hai người dắt tay nhau đi khuất vào ngôi mả. Tôi đứng lặng nghĩ ngợi, phục cô không sợ ma, dám ra đấy chui vào mả người ta. Tôi cho cô có phép lạ, chứ có biết đâu cô đến đó ngồi ân ái với tình nhân. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ tức bực cô đã cầm tay kẻ khác mà không cầm tay tôi nữa. Tôi rình mãi đến khi chiều tắt sau những gò đống trên cánh đồng mới thấy cô về. Trong những đêm trăng sáng, tôi đem chuyện đó ra nói cho chúng bạn nghe. Chúng nó bảo hay cô giáo là ma. Từ bấy giờ tôi cứ sờ sợ cô thế nào ấy. Mãi sau này tôi mới biết cô có người yêu. Nhưng hồi đó cô đã về thành rồi. Tôi nhớ có lần cô ở ngoài đồng về gặp tôi, tôi hỏi cô đi đâu mà ra đấy thì cô ngập ngừng bảo:

- Em còn bé không được tò mò, sau lớn sẽ hay.

Nói xong cô sợ tôi tủi thân nên lại cầm tay tôi âu yếm:

- Giá em lớn bằng cô thì thích nhỉ.

Tôi ngây thơ trả lời:

- Thế thì em phải ăn bốn bát cơm cho chóng nhớn cô nhỉ.

Cô cười hỏi:

- Thế mỗi bữa Nguyên ăn mấy bát?

Tôi khẽ đáp:

- Mỗi bữa Nguyên ăn ba bát đầy ụ.

- Ừ, Nguyên phải ăn nhiều, ăn bốn bát thì mới chóng lớn như cô được.

Rồi cô dắt tay tôi yên lặng bước đi. Trăng thượng tuần sáng mờ mờ cong như cái luỡi liềm treo trên ngọn cây gió động. Cô nhìn trăng giọng buồn buồn bảo tôi:

- Thế nhỡ cô đi nơi khác thì Nguyên có nhớ cô không?

Tôi đáp:

- Nguyên có nhớ, cô cho Nguyên đi theo.

Cô cúi xuống hôn tôi:

- Nguyên ngoan lắm, thôi về học bài đi, mai cô mua kẹo cho.

Quãng ngày thơ ngây vui tươi ấy chỉ ở với tôi có gần một năm thôi. Rồi bỗng một hôm - một hôm ngoài tết, khi những lá đào trước cửa nhà cô và nhà tôi bắt đầu rụng lác đác xuống sân - tôi thấy nhà cô có nhiều người ra vào tấp nập, và xác pháo nhuộm đỏ cả thềm. Giữa khói pháo quyện khói hương tản mạn bay, có một toán người ăn mặc sang trọng rước cô ra khỏi đầu làng, rồi đi xa và khuất hẳn. Người trong làng ra xem đông lắm. Họ bảo cô đi lấy chồng.

Cô đi rồi, ngày hôm ấy tôi buồn lắm, chẳng thiết gì cả, và đêm đêm tôi úp mặt vào chăn khóc ấm ức.

*

Ngày qua, năm tháng qua. Tôi đã thành một họa sĩ. Một hôm đang đi phố, tôi bỗng gặp một thiếu phụ đầu chít khăn tang, nét mặt nàng trông gầy xanh nhưng thanh tao trong sáng lắm. Một hình ảnh xa xôi chợt thức dậy trong tiềm thức tôi, tôi ngờ ngợ đứng lại nhìn nàng. Nàng cũng ngỡ ngàng nhìn tôi, rồi nhận ra tôi trước, nàng khẽ gọi:

- Cậu Nguyên, cậu có nhớ tôi không?

Tôi gật đầu sung sướng:

- Kìa cô giáo!

Cô cười nói:

- Dễ thường đến hơn mười lăm năm rồi còn gì!

- Vâng xa quá rồi, không ngờ tôi lại còn gặp cô.

Lúc ấy thì chúng tôi đã xưng hô với nhau khác rồi anh ạ. Cô gọi tôi bằng cậu chứ không bằng em như hồi còn là học trò lớp ba của cô nữa. Trái lại, tôi vẫn gọi cô bằng cô nhưng đã xưng tôi.

Gặp nhau, chúng tôi mừng quá, đem tất cả những chuyện xưa cũ kỹ ra kể cho nhau nghe. Chúng tôi nói liên miên không đâu vào đâu. Sau tôi hỏi thăm chồng cô, cô buồn rầu bảo:

- Nhà tôi mất đã hơn năm nay.

Tôi lại hỏi:

- Thế bây giờ cô làm gì?

Cô thở dài nhè nhẹ, trả lời chán nản:

- Cũng chưa biết nên làm gì.

Sau nửa buổi hàn huyên, bấy giờ trời đã về trưa, cô vội từ giã:

- Thôi xin phép cậu, tôi phải về không cháu bé ở nhà mong. Hôm nào có rỗi cậu lên chơi. Tôi ở số... phố hàng Ðào.

Qua buổi gặp gỡ, thỉnh thoảng tôi lại đến thăm cô giáo cũ của tôi, và thỉnh thoảng khi tiện đi đâu cô cũng tạt qua thăm tôi. Có lần tôi dẫn cô vào phòng vẽ, chỉ cho cô xem những họa phẩm mới sáng tác của tôi. Cô nhìn tôi có vẻ thán phục lắm - hẳn cô cũng nghĩ không ngờ một đứa học trò nhỏ bé của cô khi xưa nay lại tài hoa đến thế. Tôi để ý thấy mắt cô buồn và đẹp một cách lạ lùng.

Cứ thế chúng tôi càng ngày càng chăm đi lại thăm nhau, và những tác phẩm mới của tôi hầu hết vẽ về cô. Những cái nhìn cũng bắt đầu đổi khác. Có một dạo chúng tôi thấy cần gặp nhau luôn, mỗi ngày ít ra phải một lượt, nếu không thì cảm thấy mình như thiếu thốn một sự gì, và bứt rứt khó chịu lắm.

Anh có thể tin rằng tình yêu đã đến với chúng tôi không. Ðúng vậy, một lần tôi đánh bạo hỏi nàng:

- Cô có tin là ái tình có thể vượt khỏi tuổi tác không nhỉ?

Nàng ngập ngừng bảo tôi:

- Như cậu thì không hiểu, chứ theo tôi thì ái tình không cần phải phân biệt gì cả.

Tôi sung sướng tiếp thêm:

- Tôi cũng nghĩ vậy, tình yêu là thứ tình do chính tim con người rung động. Tuổi tác và ngoại vật chỉ là phần phụ nhỏ mọn.

Nàng yên lặng trong khi tôi lấy hết can đảm nói một câu:

- Cô có thể tin rằng ở đời này, có ai là học trò mà lại yêu cô giáo không?

Nàng cười gượng đáp:

- Thế là thường.

Lòng tôi rung động, mắt tôi nhìn miên man lên mặt nàng, như muốn thôi miên nàng, cắn ngấu nghiến cái vẻ đẹp hiền dịu và uống hết lời nói trong trẻo của nàng. Tôi khẽ tỏ lộ với nàng:

- Hiện giờ tôi đang tha thiết yêu một người đàn bà, mà người đó chỉ ngồi cách tôi không đầy nửa thước.

Nàng cảm động chớp mắt:

- Có thể người đó cũng yêu lắm.

Dứt lời nàng vội vàng đứng dậy lẩm bẩm:

- Chúng ta hiểu cả rồi.

Thế rồi không đầy nửa tháng chúng tôi lấy nhau thật. Tôi lấy cô giáo đã dạy tôi - nàng hơn tôi tám tuổi - và bây giờ nàng đã chết.

Hiện nay lòng tôi vẫn không sao nguôi được sự thương tiếc đau khổ. Càng thương tiếc bao nhiêu thì tôi lại càng hối hận mình đã tệ bạc với nàng bấy nhiêu, mặc dù sự đó chỉ là một điều nhỏ mọn. Có gì đâu anh, chúng tôi lấy nhau được hơn hai năm thì một buổi trưa, tôi đang mơ màng ngủ, bỗng nghe thấy nàng thì thầm mắng đứa con riêng của nàng:

- Tâm, ai bảo con dám vẽ bậy vào tranh của cậu thế kia, cậu dậy bây giờ thì chết.

Tôi giật mình mở choàng mắt rồi vội vàng chạy ra xem. Bức tranh mà tôi ưng ý nhất đang vẽ dở bị thằng bé bôi đầy cả mực lên. Tôi cáu quá vớ lấy thanh thước vút cho thằng bé mấy cái quắn đít. Nó đau quá khóc òa lên, mẹ nó chạy lại vội ép nó vào lòng rồi nói nựng:

- Ai bảo con nghịch dại, thôi nín đi. Ra xin lỗi cậu mau không cậu đánh chết bây giờ.

Tôi quát lên:

- Không tội lỗi gì cả, ngồi chương xác ra mà thấy nó nghịch cũng cấm khẩu không thèm bảo nó.

Nàng chớp mắt rồi giơ tay khẽ phân trần:

- Em đang bận giặt quần áo ở dưới nhà, lúc lên thấy con nó đã nghịch rồi, thôi con nó bé trót dại, cậu tha cho nó.

Tôi lại càng tức già, mà không hiểu sao lúc ấy cơn tức ở đâu lại đến với tôi đột ngột đến thế. Hay vì nàng là đàn bà nên tôi làm già. Thật chỉ tài bắt nạt vợ.

Tôi mắng nàng:

- Thôi đừng bênh nó nữa, làm hỏng cả bức vẽ công trình của người ta. Có mấy bộ quần áo thì ngồi chảy thây ra mãi chẳng xong; dắt nó cút đi đâu thì đi đi.

Nàng ngọt ngào xin lỗi tôi mãi không được đành ngồi ôm mặt khóc thút thít. Thằng bé thấy vậy cũng nem nép vào cạnh mẹ. Như mọi khi, có lẽ tôi đã nguôi và xin lỗi nàng rồi, song lần ấy thấy nàng khóc tôi lại càng tức lộn ruột. Tôi cho rằng đàn bà chỉ được cái thói lắm mồm mau nước mắt. Cơn tức thường xui người ta đến chỗ mù quáng, nên tôi thấy cái gì nàng cũng lỗi, và bạ cái gì tôi cũng có thể đem ra xỉ vả nàng. Rồi không hiểu mình điên đến độ nào mà tôi giơ thẳng tay tát mạnh vào mặt nàng một cái. Nàng ngã chúi đi xong lại lồm cồm bò dậy búi lại mớ tóc. Tôi thấy nàng nước mắt vòng quanh lại càng tưởng mình có lý. Mà quái lạ lúc ấy trông nàng sao lại dơ dáng đến phát ghét lên được. Tôi nhục mạ nàng thậm tệ:

- Ðồ ăn bám, đồ thừa thãi, biết điều thì cuốn gói xéo đi, đừng ngồi đấy trông dơ mắt lắm.

Nàng chỉ ôn tồn bảo tôi:

- Nếu cậu không thương mẹ con em nữa, mẹ con em xin đi nơi khác, cậu không cần phải nhiếc mắng mẹ con em nhục nhã đến thế.

Tôi vào nhà lấy mũ rồi đi vội ra đường. Trước khi đi tôi còn nói:

- Muốn sống lấy sơn trắng quét trả lại bức vẽ đi, rồi muốn đi đâu thì đi.

Ra ngoài đường một lúc, cơn giận của tôi bớt hẳn. Bấy giờ tôi mới cảm thấy mình tệ bạc quá. Tôi hối hận quay về. Trên đường tôi bước nhanh như kẻ ăn cắp, bụng nghĩ thầm chỉ sợ nàng đi mất. Về đến nhà tôi thấy nàng đang lúi húi cầm pinceau quét sơn lên tấm tranh. Tôi treo mũ lên mắc, lòng cảm thấy ngượng ngập thẹn thùng. Mãi một lúc lâu tôi mới làm lành với nàng:

- Con đi đâu rồi em?

Nàng ngước nhìn tôi, mắt vẫn còn ngấn lệ:

- Con nó chơi ở dưới bếp.

Tôi ra đóng cửa lại, rồi vào cầm lấy tay nàng khẽ bảo:

- Thôi để anh vẽ lại, em mệt đi mà nghỉ.

Nàng ấp úng như người nấc:

- Ðể em sơn lại giúp anh.

Tôi giằng lấy bút vẽ quăng xuống đất, rồi cúi xuống bế bổng nàng lên đặt xuống giường, tôi ngồi vuốt lại tóc nàng, xin lỗi:

- Lúc nãy anh quá nóng, em tha thứ cho anh.

Nàng chớp mau cặp mắt, rồi tủi thân khóc thút thít. Tôi cúi xuống hôn nhẹ lên má nàng:

- Thôi, Hà ơi, anh nhận lỗi rồi, từ giờ anh không nóng nữa. Em có còn yêu anh không?

Nàng yên lặng nghẹn ngào, rồi từ từ quay ra cầm chặt lấy tay tôi đặt lên ngực, đoạn khẽ hạ hàng mi ướt lệ gật đầu.

Từ giờ phút đó trở đi chúng tôi càng yêu nhau tha thiết hơn. Nhưng nào cuộc đời có êm đềm mãi mãi. Tình yêu và hạnh phúc ấy chỉ cho chúng tôi hưởng rất ngắn.

Chẳng bao lâu nàng bị bệnh rồi mất. Khi mất nàng không nói với tôi được nửa lời. Nàng mất được độ ba bốn tháng thì cháu Tâm cũng bị bệnh, có lẽ nó nhớ mẹ nó. Tôi lo lắng chạy chữa mãi mới khỏi, nhưng lúc khỏi cháu lại bị cấm khẩu không nói được nữa. Năm nay cháu lên bốn, chỉ còn bốn năm nữa là cháu học lớp ba như tôi ngày xưa. Và nếu nhà tôi còn sống thì tết năm nay nàng vừa đúng ba mươi tư tuổi.

Bây giờ lắm lúc ngồi thương tiếc lại chuyện cũ, tôi thấy mình hối hận không thể tưởng được.

Có khi tôi nghĩ và ước ao mình bé lại làm cậu học trò lớp ba ngày xưa, hay nghịch bẩn để nàng cầm lấy tay mà đánh cho mấy thước kẻ, như tôi đã đánh cháu Tâm hôm cháu làm hỏng bức tranh.