Theo đây, “Cau Nam, dừa Bắc”. Nhưng theo Bình Nguyên Lộc, “Cau Bắc, dừa Nam”. Chúng tôi sẽ xin trình bày ý kiến của mình. (TT)



Lương Ninh, “Chăm Cau, Chăm Dừa”




Bấy giờ trên địa bàn của văn hóa Sa Huỳnh có hai bộ lạc sinh sống - bộ lạc Cau và bộ lạc Dừa - mà dấu ấn (...) còn để lại trong bi ký, truyện dân gian và nghệ thuật tạo hình. Bộ lạc Cau cư trú trên vùng Phú Khánh - Thuận Hải ngày nay và bộ lạc Dừa trên vùng Quảng Nam - Nghĩa Bình ngày nay. Chắc chắn họ đã có những quan hệ với các bộ phận cư dân ven biển phía bắc - ở Bình Trị Thiên - và phía nam - ở đồng bằng Nam bộ, nhưng những bộ phận này đã có đời sống riêng của nó, không nằm trong phạm vi mà chúng ta đang quan tâm (...)

Không phải ngay từ đầu đã xuất hiện một vương quốc chung cho cả hai bộ lạc, mà trước tiên, bộ lạc Cau ở phía nam đèo Cù Mông đã lập một tiểu quốc riêng của mình vào khoảng đầu Công nguyên. Nó tiếp tục phát triển một cách độc lập trong vài thế kỷ, rồi sau đó ngày càng có nhiều quan hệ chặt chẽ với các tiểu quốc lân cận, nhất là tiểu quốc thân tộc ở phía bắc.

Hiện nay chúng ta còn biết quá ít về quốc gia sơ kỳ này. Trên địa bàn của nó, vào cuối thế kỷ trước (tức thế kỷ 19), người ta tìm thấy một tấm bia ở làng Võ Cạnh (nay thuộc xã Vinh Trung, thành phố Nha Trang). Bia viết bằng chữ Phạn, khắc trên một phiến đá gra-nít, cao 2m50. Căn cứ vào kiểu chữ, người ta xác định thời gian tạo dựng nó vào khoảng cuối thế kỷ II; và như thế đây là tấm bia có niên đại sớm nhất ở vùng Ðông Nam Á, thậm chí sớm hơn tất cả những bia khác ở vùng này ít nhất gần hai thế kỷ (…)

Bia Võ Cạnh (...) cho biết về một triều vua đầu của quốc gia này mà người sáng lập có tôn hiệu là Xri Ma-ra (Sri Mara). Bia cũng nói lên ảnh hưởng rất rõ rệt của văn hóa Ấn Ðộ, vai trò của các tăng lữ Ấn Ðộ đối với sự phát triển tôn giáo và có thể cũng nói lên phần nào cả sự phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia này. Về tôn giáo, như người ta có thể thấy ở một số tiểu quốc lân cận thời đó, sự thịnh hành và không bài xích nhau của cả đạo Phật và đạo Ấn, nhưng ban đầu ở đây cũng như ở nhiều nơi khác, có lẽ đạo Ấn đã phổ biến hơn.

Tiểu quốc Nam Chăm có thể sớm có một tên gọi riêng mà mãi sau này ta mới thấy có tên chính thức qua bi ký là Pan-rãn (tên Chăm cổ) hay Pan-đu-ran-ga (Panduranga - tên chữ Phạn). Tiểu quốc vốn gồm hai xứ: xứ nam, Pan-rãn, nay là đất Phan Rang - Phan Thiết, và xứ bắc, Kau-tha-ra (Lưỡi hái) nay là đất Nha Trang và Phú Yên; tên xứ nam được lấy làm tên gọi quốc gia.

Dường như Pan-đu-ran-ga đã tồn tại một cách độc lập và giữ vai trò chuyển tiếp ảnh hưởng văn hóa Ấn Ðộ vào Bắc Chăm, vì nếu không thì khó mà có thể có việc sử dụng phổ biến chữ Phạn và sự xuất hiện rất sớm chữ Chăm cổ ở Bắc Chăm, cùng với sự sáp nhập gọn ghẽ của Nam Chăm vào Bắc Chăm sau này. Tuy nhiên, trong khoảng vài ba thế kỷ trước khi có bia Võ Cạnh, Bắc Chăm vẫn đứng ngoài sự phát triển đó và đang còn phải chịu ách đô hộ của nhà Hán.

Năm 111 trước C.N., nhà Hán thay thế nhà Triệu, xâm lược và thống trị nước Âu Lạc. Ngoài hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân (là đất Âu Lạc), (về phía nam của Âu Lạc) nhà Hán lập thêm quận Nhật Nam (...) chia làm năm huyện: Tây Quyển, Chu Ngô, Tỷ Cảnh (hay Tỷ Ảnh, theo Thủy kinh chú), Lô Dung và Tượng Lâm (...) Tượng Lâm là huyện xa nhất về phương nam trong các đất chiếm đóng của nhà Hán (...) là Quảng Nam - Nghĩa Bình ngày nay, tức địa bàn của bộ lạc Dừa đã nói ở trên và cũng là nơi tập trung các di tích khảo cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh.

Không chịu được sự thống trị và bóc lột tàn bạo của nhà Hán, nhân dân các vùng bị chiếm đóng đã không ngừng nổi dậy chống lại, ở Giao Chỉ, Cửu Chân cũng như ở Nhật Nam. Dân Tượng Lâm cũng nằm trong phong trào chung đó.

(Trong ba trang kế tiếp, LN tả các cuộc nổi dậy trong quận Nhật Nam vào những năm 100, 137, 144, 157 và 178)

Như vậy là trong thế kỷ II, nhân dân Nhật Nam nói chung và nhân dân Chăm ở Tượng Lâm nói riêng, đã liên tiếp nổi dậy khởi nghĩa (...)

Cuối thế kỷ II, đời Sơ Bình (năm 190-193), nhân Trung Quốc loạn lạc, dân Tượng Lâm ở nơi xa xôi nhất đã đạt được thắng lợi trước tiên. Họ đã nổi dậy, giết huyện lệnh, giành lấy quyền tự chủ và lập nước (...) Người lãnh đạo khởi nghĩa có tên là Khu Liên (có sách viết là Khu Quỳ, Khu Ðạt hay Khu Vương) lên làm vua. Khu Liên chắc không phải là tên người, mà có thể là sự chuyển âm từ ngôn ngữ cổ Ðông Nam Á. Khu Liên - Kurung, có nghĩa là tộc trưởng, vua. Quốc gia mới lập của dân Tượng Lâm, hay bộ lạc Dừa, một thời gian dài được các thư tịch cổ Trung Hoa gọi là nước Lâm Ấp. Sách Thủy kinh chú giải thích rõ: Lâm Ấp là huyện Tượng Lâm... sau bỏ chữ “Tượng”, chỉ gọi là Lâm Ấp. Có tác giả lại cho rằng đó là sự phiên âm theo tên tộc - Krom hay Prum (...)

Như thế, khoảng hai thế kỷ đầu Công nguyên, nhóm cư dân ven biển miền Trung nước ta đã lần lượt lập nên hai tiểu quốc: tiểu quốc miền nam, về sau có tên là Pan-đu-ran-ga, và tiểu quốc miền bắc mà ta còn tạm gọi bằng cái tên Lâm Ấp.


(Lương Ninh, chương V,
Lịch sử Việt Nam (nhiều tác giả), tập 1, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1983. Nhan đề phần trích tạm đặt.)