Câu thơ Xuân Diệu dịch ra tiếng Anh: “The very moony moon is the moon of love”. Ðể làm nhiệm vụ mới, moon đòi có ngoại hình mới, đòi được thêm cái đuôi y.

“Trăng” không đòi đuôi. Vì “trăng” thấy cái chỗ đứng của mình trong câu tự nó nói đủ về mình rồi.
(Thu Tứ)



Hồ Hữu Tường, “Tiếng Việt khác tiếng Tây”




Tiếng Việt cơ cấu theo một lối khác hẳn với các ngôn ngữ phương Tây, nên không có “tự loại”. Gần đây, một vài nhà toan bắt chước theo Âu châu mà phân biệt tự loại. Nhưng kết quả rất kỳ quặc.

Đa số tiếng Việt không có tự loại nhất định. Ðó là một đặc tánh nó làm cho tiếng mẹ đẻ của ta uyển chuyển vô cùng và cũng giúp cho các nhà văn trổ tài dùng chữ. Các bạn có thấy câu sau này của Xuân Diệu:

“Trăng rất trăng là trăng của tình duyên”

ý tứ mới mẻ và lời thơ tươi đẹp không? Mà nhờ đâu! Nhờ tiếng “trăng” thứ nhì. Từ trước người ta chỉ quen dùng tiếng ấy làm danh từ, ông là người đầu tiên đã dùng nó làm tĩnh từ và làm cho Việt ngữ giàu thêm một tiếng mới, mới mà cũ.

Ta có thể nói hầu hết những tiếng của ta đều (...) khéo dùng (...) thì (...) làm tĩnh từ cũng được, động từ cũng được, danh từ cũng được... Lúc nó làm tướng, lúc làm quân, lúc lại làm liên lạc viên mà khỏi phải khoác cho nó bộ áo mới, đội cho nó chiếc nón mới, đeo cho nó cái băng mới. Nó không “chuyên nghiệp” như tiếng Tây, không khư khư tự giam mình trong một chức vụ nhất định. Giam hãm nó làm chi cho tội nghiệp mà phân loại nó làm chi cho rườm rà!


(Hồ Hữu Tường,
Lịch sử văn chương Việt Nam, nxb. Lê Lợi, Pháp, 1949, dẫn theo Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê, q. III, nxb. Văn Học, 2006. Nhan đề phần trích tạm đặt. In đỏ, đậm do người trích.)