Hà Văn Phùng và một số nhà nghiên cứu khác cho rằng từ sơ kỳ thời đại kim khí văn hóa vùng lưu vực sông Mã cũng đã phát triển liên tục và lớp lang như ở vùng lưu vực sông Hồng. Ngoài ấy là Phùng Nguyên - Ðồng Ðậu - Gò Mun - Ðông Sơn. Trong này là Cồn Chân Tiên - Bái Man - Quỳ Chử - Ðông Sơn.



“Nguồn gốc văn hóa Đông Sơn” (3)

Hà Văn Phùng




B - Mối liên hệ nguồn gốc giữa văn hóa Tiền Ðông Sơn và Ðông Sơn ở lưu vực sông Mã

Sông Mã và các phụ lưu của nó đã tạo nên dải đồng bằng nối liền với biển. Cũng như vùng sông Hồng, các cư dân Tiền Ðông Sơn ở lưu vực sông Mã chủ yếu tập trung định cư ở miền trung du và phần cao của đồng bằng cho tới các cồn cát ven biển. Nơi đây có những đồi gò xen lẫn đồng ruộng bằng phẳng, thuận lợi cho các hoạt động của cư dân thời đại đồng thau ở khu vực này. Cho đến nay, việc xác định một hệ thống phát triển các giai đoạn văn hóa ở lưu vực sông Mã - sông Chu chưa được nghiên cứu một cách triệt để. Do đó, còn có những ý kiến khác nhau trong việc xác lập những đặc trưng văn hóa cho mỗi thời kỳ phát triển Tiền Ðông Sơn. Song điều quan trọng là các nhà nghiên cứu, bằng vào nguồn tư liệu hiện biết, đã thống nhất cho rằng, văn hóa Ðông Sơn ở vùng sông Mã, ngoài những đặc trưng chung còn in đậm những yếu tố mang tính chất địa phương rõ nét. Tính địa phương của văn hóa Ðông Sơn ở khu vực này có nguồn gốc trực tiếp phát triển và ra đời từ các nhóm cư dân Tiền Ðông Sơn đã sống ở đây nhiều thế kỷ trước. Các giai đoạn văn hóa Tiền Ðông Sơn ở đây có nhiều nét mang đặc trưng riêng, không giống vùng sông Hồng hay sông Cả trước khi bước vào văn hóa Ðông Sơn. Mặc dù vậy, trong mỗi giai đoạn phát triển đó chúng ta đều nhận ra những yếu tố giao lưu, trao đổi trực tiếp hay dưới góc độ ảnh hưởng văn hóa với các khu vực khác. Ðiều đó được thể hiện trên các di vật tìm thấy trong tầng văn hóa hay mộ táng (...) Dữ kiện này có ý nghĩa nhất định để có thể sử dụng phổ hệ vùng sông Hồng (đã được nghiên cứu kỹ hơn) tìm hiểu niên đại cũng như trình độ phát triển văn hóa các giai đoạn Tiền Ðông Sơn ở lưu vực sông Mã (…)

Các học giả nước ngoài (trước kia, khi nghiên cứu địa điểm Đông Sơn) đã không chú ý đến các giai đoạn Tiền Ðông Sơn (…) Sau ngày hòa bình lập lại, các nhà khảo cổ học Việt Nam tiến hành (...) khai quật lớn một số di tích ở vùng này, trong đó có địa điểm Ðông Sơn (...) đã phát hiện ra (...) văn hóa Ðông Sơn là từ các văn hóa Tiền Ðông Sơn trước đó.

Có thể nói, các cư dân đầu tiên ở lưu vực sông Mã biết đến kim loại là cư dân Cồn Chân Tiên ở miền ngã ba sông Mã - sông Chu và cư dân Hoa Lộc định cư trên các cồn cát ven biển. Họ là những cư dân làm nông nghiệp, kết hợp với săn bắn, khai thác thủy hải sản trên sông, trên biển. Với những đặc trưng về đồ gốm, công cụ đá và nhiều di vật khác, các nhà nghiên cứu đã nhận ra hai nhóm cư dân có (...) văn hóa khác nhau. Song các nhóm cư dân này có mối quan hệ với nhau trong việc trao đổi sản phẩm cũng như các hoạt động khác. Mặt khác, cư dân Cồn Chân Tiên - Hoa Lộc cũng có mối quan hệ và ảnh hưởng nhất định về mặt văn hóa với các cư dân đương thời vùng sông Hồng và sông Cả (…)

Văn hóa Hoa Lộc phân bố ở miền ven biển và nhóm di tích Cồn Chân Tiên ở vùng nội địa thuộc sơ kỳ thời đại đồng thau (...) có mối liên hệ về mặt văn hóa với nhau. Nhiều di vật như đồ gốm, khuyên tai gốm, hoa văn trang trí trên gốm ở Cồn Chân Tiên mang đậm những đặc trưng của văn hóa Hoa Lộc (...) một số di vật đá ở Hoa Lộc lại có những yếu tố của Cồn Chân Tiên (...)

Cư dân Hoa Lộc và Cồn Chân Tiên đã bước sang một giai đoạn văn hóa (...) cao hơn, đó là giai đoạn Bái Man. Cho đến nay, khảo cổ học chưa phát hiện được những di tích chứa đựng cả hai giai đoạn Cồn Chân Tiên - Hoa Lộc và Bái Man. Song trong các di tích Bái Man lại tìm thấy nhiều di vật biểu hiện sự hỗn hợp của các yếu tố Hoa Lộc - Cồn Chân Tiên như: Bái Man, Cồn Cấu (lớp dưới), Ðồng Ngầm (lớp dưới), Thiệu Dương (lớp dưới), Ðan Nê Thượng (trên núi)... Ðiều đáng quan tâm đối với giới nghiên cứu là bắt đầu từ giai đoạn Bái Man đã có một số di tích chứa đựng nhiều tầng văn hóa phát triển liên tục. Các tầng văn hóa đó biểu hiện đặc trưng của các bước phát triển từ Bái Man đến Ðông Sơn. Muốn tìm nguồn gốc của văn hóa Ðông Sơn (...) liên hệ (...) nền văn hóa này với các văn hóa Tiền Ðông Sơn, không thể không chú ý nghiên cứu những di tích nói trên. Song chúng tôi quan niệm rằng (...) văn hóa Ðông Sơn ở vùng này không chỉ bắt đầu từ Bái Man mà (...) phải (...) từ những văn hóa Hoa Lộc - Cồn Chân Tiên sơ kỳ thời đại kim khí.

Ðể nhận diện đặc trưng giai đoạn Bái Man và sự diễn biến từ Bái Man đến Ðông Sơn trong mối liên kết địa tầng, chúng tôi xét đến một số di tích tiêu biểu.

Tầng văn hóa Bái Man có độ dày trung bình 0,40m. Di vật chủ yếu là rìu tứ giác, đục bằng đá ba-zan, khuyên tai bằng đá ngọc, nê-phrit, ja-x-pơ, hạt chuỗi hình ống, bàn mài rãnh, bàn mài phẳng... Về chất liệu và loại hình, di vật ở Bái Man đã thấy ở Cồn Chân Tiên hay Hoa Lộc. Ðồ gốm Bái Man thô bở, mặt ngoài miết láng, có loại gốm mịn, gốm xốp giống Hoa Lộc và Cồn Chân Tiên, hoa văn dấu thừng, văn đập, văn chải, in cuống rạ, chải, khắc vạch, in văn sóng nước. Hình dáng chạc gốm Bái Man tương tự như Cồn Chân Tiên. Bái Man là di chỉ cư trú, trình độ chế tác đá đạt đến đỉnh cao. Xét về kỹ thuật chế tác đá, đồ gốm... các nhà nghiên cứu coi Bái Man có niên đại muộn hơn Cồn Chân Tiên - Hoa Lộc.

Cách không xa di chỉ Bái Man là Ðồng Ngầm. Di chỉ này có tới ba tầng văn hóa kế tiếp nhau từ Bái Man tới Ðông Sơn (...)

- Giai đoạn I thuộc lớp văn hóa sớm nhất (...) nhiều hiện vật thuộc loại công cụ chặt bằng đá ba-zan và đá ngọc. Vòng đá mài nhẵn bóng, mặt cắt hình chữ nhật là phổ biến. Ðặc biệt tìm thấy loại khuyên tai có mấu kiểu Ðồng Ðậu. Gốm thô màu đỏ hồng, bở. Những đặc trưng văn hóa ở đây rất gần gũi với Bái Man (...) Ðây là giai đoạn văn hóa có niên đại tương đương với văn hóa Phùng Nguyên muộn - Ðồng Ðậu sớm ở lưu vực sông Hồng.

- Giai đoạn II (...) thấy có bước tiến bộ rõ rệt (...) giai đoạn I (...) chỉ thấy rất ít di vật đồng mà chủ yếu là những cục xỉ, dây đồng thì nay đã có (...) mảnh dao, lưỡi câu, mũi nhọn... Song công cụ đồng ở đây chưa thật phong phú và đa dạng như văn hóa Ðồng Ðậu - Gò Mun ở vùng sông Hồng. Về đồ đá (...) vẫn bảo lưu truyền thống cũ. Song đã thấy có những loại khuyên tai hình vành khăn bằng đá ngọc màu xanh lam. Ðặc biệt (...) tìm thấy một số mảnh gốm mang tính chất trao đổi như gốm Gò Mun (vùng sông Hồng) hay gốm Rú Trăn (vùng sông Cả) (...)

- Giai đoạn III (...) Ðây là lớp văn hóa Ðông Sơn rõ rệt với những di vật điển hình như rìu, giáo, dao găm, lưỡi câu v.v. bằng đồng. Ðồ gốm vẫn mang hình dáng và chất liệu giai đoạn I. Khuyên tai đá hình vành khăn vẫn tồn tại, song đã có những khuyên tai hình vành khăn nhưng được chế tác bằng chất liệu đá phún xuất màu trắng trong hay xanh lơ như thủy tinh. Phần sau giai đoạn này, ngay trên lớp mặt của di chỉ còn thấy có đồ đồng minh khí, công cụ sắt và một số di vật ngoại lai như tiền Ngũ Thù, gốm Hán v.v.

Loại trừ những di vật ngoại lai, ta thấy giai đoạn III ở Ðồng Ngầm có niên đại tương đương với lớp trên di tích Ðông Sơn (...)

Nghiên cứu di chỉ Ðồng Ngầm, ta thấy (...) Dường như kỹ nghệ luyện kim và chế tác kim loại của cư dân vùng này (tức vùng sông Mã) phát triển chậm hơn vùng sông Hồng. Các cư dân vùng sông Hồng, khi bước vào giai đoạn văn hóa Ðồng Ðậu đã có kỹ thuật luyện kim và đúc đồng rất phát triển. Trong khi đó ở vùng sông Mã giai đoạn Bái Man (tức giai đoạn I) tuy đã trải qua sơ kỳ thời đại kim khí mà Cồn Chân Tiên - Hoa Lộc là tiêu biểu, song vẫn chưa có những biểu hiện nở rộ về mặt kỹ thuật luyện kim như văn hóa Ðồng Ðậu (...) Chỉ đến (...) giai đoạn II (...) tương đương với văn hóa Gò Mun (...) kỹ thuật luyện kim mới được phát triển. Ðiều đó phù hợp với nhận định của một số nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa Ðông Sơn ở vùng sông Mã - sông Chu ra đời và phát triển có phần muộn hơn vùng sông Hồng (…)

Nếu coi giai đoạn III ở di chỉ Ðồng Ngầm thuộc văn hóa Ðông Sơn thì rõ ràng giai đoạn II là nguồn gốc trực tiếp của sự phát triển liên tục đó (...)


(Hà Văn Phùng, “Nguồn gốc văn hóa Ðông Sơn”, chương VI của
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994)