Theo Lương Ninh, “Khu Liên” không phải là tên người, mà là tiếng Chàm cổ có nghĩa là “vua, tộc trưởng”.



Đào Duy Anh, “Năm khai sinh Lâm Ấp”




Trong năm huyện của quận Nhật Nam, huyện ở cực nam là Tượng Lâm, cuối thời Hán, trở thành nước Lâm Ấp. Nước ấy phát triển dần ra phía bắc, chiếm lấy hết đất của quận Nhật Nam (...)

Ðối với vấn đề thành lập của nước Lâm Ấp, các sách xưa chép không rõ, mà các nhà sử học Tây phương nghiên cứu lịch sử Chiêm Thành cũng chỉ có những ý kiến mơ hồ, cho nên chúng ta cần phải xét lại vấn đề ấy.

Nước Lâm Ấp thành lập thế nào?

Sách Hậu Hán thư (q. 116) chép rằng (...) năm 100 (...) hơn hai ngàn người Man Di ở huyện Tượng Lâm đi cướp phá các huyện khác ở quận Nhật Nam. Lại năm thứ 2 hiệu Vĩnh Hòa (137), mấy nghìn người Man Di ở huyện Tượng Lâm là bọn Khu Liên đánh huyện Tượng Lâm và giết trưởng lại. Thứ sử Giao Chỉ đánh không nổi, quân Hán bị vây lâu ngày, mãi năm sau, Chúc Lương được bổ thái thú Cửu Chân mới chiêu dụ được quân khởi nghĩa. Sau đó, sách Hậu Hán thư lại chép những cuộc khởi nghĩa của người Man Di ở Tượng Lâm vào năm 144, năm 157, năm 178. Lần sau cùng này, thứ sử Giao Chỉ là Chu Tuấn dẹp yên. Sách Hậu Hán thư chép rằng: “Nước ở ngoài cõi Nhật Nam lại trở lại cống hiến” (...) Tuy đã ám chỉ rằng người Man Di ở ngoài cõi Nhật Nam nổi lên bấy giờ đã lập thành nước, nhưng Hậu Hán thư chưa từng nói rõ rằng nước ấy là nước Lâm Ấp.

Ðến sách Tấn thư (q. 97) là sách chính sử tiếp sau Hậu Hán thư thì mới chép rõ rằng nước Lâm Ấp lập về thời Hán mạt, nhưng lại không chỉ rõ năm nào, chỉ nói rằng do con viên công tào huyện Tượng Lâm họ Khu tên là Liên đánh huyện và giết huyện lệnh v.v. (...)

Sách Thủy kinh chú của người thời Ngụy lại chép rằng: “(Lâm Ấp) dựng nước vào khoảng Hán mạt. Trong cuộc loạn ở đời Sơ Bình (190-193), lòng người hoài dị, viên công tào huyện Tượng Lâm họ Khu, có con tên là Liên đánh huyện, giết quan lệnh, tự lập làm vua. Nhân thời loạn ly, nước Lâm Ấp bèn lập”.

Georges Maspero, tác giả sách Nước Chiêm Bà (...) cho rằng ở đời Vĩnh Hòa có rợ Khu Liên khởi nghĩa, nhưng không thành công, và bằng cứ vào đoạn sách Thủy kinh chú này ông cho rằng mãi đến đời Sơ Bình thì con viên công tào huyện Tượng Lâm cũng tên là Khu Liên khởi nghĩa xưng vương mới dựng nên nước Lâm Ấp. L. Aurousseau, trong bài phê bình tác phẩm của G. Maspero (...) tán thành ý kiến ấy. G. Maspero không nhận thấy rằng hai chữ Sơ Bình ở Thủy kinh chú là chép lầm nên vội vàng nhận đó là một việc khác với việc ở đời Vĩnh Hòa. Thực ra tác giả Thủy kinh chú cũng chỉ nói việc Khu Liên khởi nghĩa đã chép trong sách Hậu Hán thư, chứ không phải chỉ việc khác, duy nói đời Sơ Bình thì sai. Không rõ sự sai lầm đây là tự tác giả Thủy kinh chú hay là tự những người biên chép sách ấy ở đời sau. Dẫu sao chúng tôi tưởng chữ Vĩnh Hòa nếu viết hoặc in không rõ thì rất dễ lầm thành ra chữ Sơ Bình cũng là niên hiệu một triều vua ở thời Hán mạt. Tác giả các sách chính sử đời sau không ai chép lại mấy chữ Sơ Bình ấy mà chỉ nói là thời Hán mạt thôi.

Sách Cương mục của ta cũng chỉ chép việc loạn ở đời Vĩnh Hòa theo Hậu Hán thư chứ không chép việc ở đời Sơ Bình. Tác giả các sách Ðại Việt địa dư toàn biên (Phương Ðình) và Việt sử cương giám lược khảo (Nguyễn Thông) là người Việt Nam thời Nguyễn thì nói rõ rằng nước Lâm Ấp thành lập vào năm Ðinh Sửu, năm thứ 2 hiệu Vĩnh Hòa, tức năm Khu Liên khởi nghĩa. Chúng tôi tưởng rằng đặt sự thành lập của nước Lâm Ấp vào năm thứ 2 hiệu Vĩnh Hòa như thế là chủ trương rất đúng đắn.


(Ðào Duy Anh,
Lịch sử cổ đại Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin. Sách này tập hợp ba tác phẩm khác nhau của Đào Duy Anh: Cổ sử Việt Nam (1957), Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957), Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957). Nhan đề phần trích tạm đặt.)