Chữ “Châu” (tức chữ Mường cổ?) hẳn cũng chính là thứ chữ “ngoằn ngoèo như hình giun dế” trong bài Ký Một Giấc Mộng trong Thánh Tông di thảo (gocnhin.net số 50).

Chữ đã biết được đến 35 chữ cái, lại có cả một khúc ca 12 đoạn đã dịch sang tiếng Việt, vì lẽ gì vẫn chưa nhà nghiên cứu nào ra công giải mã? Có phải vì văn bản gốc của cái khúc ca ấy đã mất? Sách
Thanh Hóa quan phong có chép nó mà sách đã thất truyền, hay Vương Duy Trinh không hề chép?

So chữ Châu với “chữ” trên trống đồng Lũng Cú, thấy khác nhau. Chữ Lũng Cú là phát minh của nhóm cư dân cổ nào?

(Thu Tứ)



Hồ Lê, “Chữ lửa, chữ nòng nọc”



Người Việt cổ thời Văn Lang đã có chữ viết chưa? Ðây là câu hỏi (...) chưa có ai tìm ra được lời đáp rõ ràng.

(...) dù có (...) chưa chắc dấu vết của nó còn lưu giữ được đến ngày nay. Khí hậu ác liệt, thủy tai xảy ra liên miên (...) cộng với chính sách đồng hóa triệt để và tàn bạo của nhà Hán cùng các triều đại kế tiếp nó là những tác nhân có khả năng hủy hoại những chứng cứ cuối cùng về chữ viết cổ của Việt Nam.

Song, các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, dù cho chỉ là những mảnh vỡ của thứ chữ ấy.

Vào năm 1903 (...) quyển Thanh Hóa quan phong của Vương Duy Trinh (nguyên là Hiệp biện Ðại học sĩ lãnh chức Tổng đốc Thanh Hóa) đã được khắc in. Quyển này đã cung cấp tư liệu về 35 mẫu tự của thứ chữ “Châu” tìm thấy ở miền tây Thanh Hóa, mà Vương Duy Trinh đoán là thứ chữ cổ của Việt Nam (...) Như một số chữ dưới đây:

Có một khúc ca 12 đoạn viết bằng chữ “Châu” này đã được Vương Duy Trinh chuyển thành tiếng Việt vào cuối thế kỷ XIX (...) có lẽ thông qua sự phiên dịch của các bô lão người “Châu” (?) (...)

Vương Duy Trinh viết tiếp: “Ðây là chữ Châu tiếng Châu (...) Người ta thường nói rằng Việt Nam không có chữ. Tôi nghĩ rằng không phải. Thập Châu vốn là đất nước ta. Trên Châu còn có chữ lẽ nào dưới chợ lại không. Lối chữ Châu là lối chữ nước ta đó (...) Từ sau vua Sĩ Vương dạy lấy chữ Trung Quốc mà lối chữ nước ta bỏ hết. Thập Châu bởi là nơi biên viễn cho nên lối chữ ấy còn...”(1)

Nguyễn Khắc Phục gọi đây là thứ “hỏa tự” vì nó giống như ngọn lửa vờn.(2)

Nguyễn Ðổng Chi trong Việt Nam cổ văn học sử có ghi 35 chữ cái của đất Mường Thanh Hóa với hình dạng đại khái như sau:

Ðặng Ðức Siêu ví phỏng họa đó là “ngoằn ngoèo như con nòng nọc”(3).

Ðặng Ðức Siêu, căn cứ vào sự phát hiện của Phan Hữu Dật (4), có so sánh loại chữ này với “những đường nét uốn lượn tạo thành các hình dạng ngoằn ngoèo, hoặc những vạch thẳng, phối hợp với nhau thành những góc, những hình, những đường có tính chất kỷ hà:

trên chiếc trống đồng tìm được ở Lũng Cú (Ðồng Văn, Hà Tuyên)” và đặt ra câu hỏi: Phải chăng đây là dấu vết của chữ Việt cổ?

Trước đó từ những năm 1963-1964, nhà nghiên cứu Lê Trọng Khánh cũng đã từng đặt một nghi vấn như thế đối với những đường nét và hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ.

Trên đây là một số ít tư liệu cần dẫn ra để mọi người cùng suy nghĩ, cân nhắc (...) phải chăng trên địa bàn nước Việt Nam đã từng hiện diện một thứ chữ viết?


(Hồ Lê, “Ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc ở Việt Nam”, tức chương V trong
Lịch sử Việt Nam (nhiều tác giả, Hội đồng Khoa học Xã hội TPHCM & Viện Khoa học Xã hội tại TPHCM)), tập 1, nxb. Trẻ, VN, 2005, tr. 167-171)





__________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.
(1) Nguyễn Khắc Phục, “Bài ca hỏa tự”, tạp chí
Văn Nghệ, VN, 9-3-1991.
(2) Xem trên.
(3) Ðặng Ðức Siêu,
Chữ viết trong các nền văn hóa, Hà Nội, 1982, tr. 146-147.
(4) Phan Hữu Dật, “Chiếc trống đồng Lũng Cú”, tạp chí
Khảo cổ học số đặc biệt trống đồng, tập I, 1974.