Ai nấy đều biết Tây Tàu, nhất là Tây, xưa kia rất nhiều nô lệ và đối xử rất ác với nô lệ. Tổ tiên ta cũng thỉnh thoảng có nô lệ, nhưng không bao nhiêu, và lại đối xử với họ tử tế hơn hẳn Tây Tàu. Ðọc chính sử, chỉ biết người Việt chiếm một phần nước Miên mà mở ra Nam bộ. Ðọc sau đây, mới biết cái phần nước Miên đó có một vùng khá lớn không hề có người Miên mà lại có rất nhiều người Mạ. Khi tổ tiên ta đến vùng “nước Miên - đất Mạ” này, người Mạ thất thế “lùi dần vào rừng”, thỉnh thoảng vì đói phải bán con cho ta mua về làm nô lệ... Những người “chủ đất thật của vùng Ðồng Nai” ấy, họ bây giờ ra sao? (Thu Tứ)



“Ai ở Ðồng Nai”

Bình Nguyên Lộc




Năm tôi lớn lên tại làng Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, thì thấy quanh tôi có một thứ người giống hệt người Việt Nam, nhưng nói tiếng Việt lo lớ. Họ sống tự do bằng nghề đi làm thuê cho dân làng (...)

Vì còn quá bé (6 tuổi) tôi chẳng biết họ là ai (...) tới năm 15 tuổi (...) thân phụ tôi cho biết rằng họ là nô lệ, được người Việt khắp tỉnh tự động phóng nô (...) năm 1913, tức trước khi tôi sanh ra một năm (...)

Mãi cho đến bốn mươi năm sau, tôi mới chú ý đến họ (...) Tôi về làng gặp lại họ, điều tra về họ thì tôi rất kinh ngạc mà (...) biết rằng họ (vốn) là chủ nhân chánh hiệu của vùng đất mà dân ta đang sống, chớ không phải là người Cao Miên.

(...) thân phụ tôi cho biết, bằng vào truyền khẩu trong gia đình (...) dân ta di cư vào cái nơi mà nay tên là Biên Hòa thì không có gặp người Cao Miên, mà gặp thứ người đó.

Ðó là một tiết lộ quan trọng, vì ta (...) cứ nghe dạy rằng dân ta di cư vào xứ của người Cao Miên, nhưng mà không phải thế, thì là làm sao?

(...) người đó (...) sống thành bộ lạc, làm lúa rẫy chớ không biết cày, nhưng (...) đã có dụng cụ bằng kim khí, đồng và sắt.

Họ chỉ lùi dần vào rừng, chớ không có chống lại với ta (...) năm tôi lên 6 (...) tôi chỉ còn thấy nô lệ (...)

Những nô lệ này không phải là bị dân ta dùng sức mạnh để bắt (...) mà ta mua trẻ con (...) năm nào tới mùa giáp hạt, họ cũng đói kém vài tháng (...) bán con, đổi lấy gạo và muối.

(...) (Nam kỳ) Có lẽ trên giấy tờ thì đất là của vua Cao Miên, nhưng dân thì không phải chỉ có dân Cao Miên, và riêng vùng tôi sinh trưởng thì không hề có dân Cao Miên.

(...) Theo thân phụ tôi (...) cũng có một số chủ nhà tàn ác, hành hạ nô lệ (...) bắt làm nhiều, cho ăn ít, lại còn đánh đập khi nào năng suất của nô lệ kém, nhưng giết chết thì không có, mà số người tàn ác như vậy cũng quá ít so với số người nhân đức.

(...) Người nô lệ được giải phóng (...) không tìm về với cộng đồng của họ vì những bộ lạc ấy đã lùi xa từ mấy chục năm rồi, không còn làm sao mà tìm được nữa, với lại họ đã quen với nếp sống Việt Nam (...) năm tôi trở về làng để tìm lại họ, thì họ được Việt hóa hoàn toàn rồi.

Phủ biên tạp lục của Lê Quý Ðôn cũng có nói đến đám nô lệ ở Nam kỳ ấy (...) họ Lê cho (...) đó là nông nô, nhưng theo chỗ chúng tôi thấy (...) thì không phải (...) chủ (...) bắt họ làm các công việc khác (...) chớ không để họ làm nghề nông (...) mọi công việc đồng áng đều do dân ta làm lấy hết. Hình như là phải học nhiều thế hệ mới giỏi nghề nông được (...) dân ta (...) dạy họ vài năm, coi không xong thì thôi (...) họ dở nông nghiệp.

(...) Ta xem sử sách Ðông Tây, kim cổ, ta thấy nhiều nơi, nhiều thời, đối xử với nô lệ tàn bạo hơn dân ta nhiều lắm (...) ở Trung Hoa (...) nô bộc thuộc Hán tộc cũng bị ngược đãi, đôi khi đánh chết (...)

(...) người Mạ, thứ người (...) đã làm nô lệ cho ta ấy (...) nhớ rằng xưa kia, tổ tiên của họ có thống nhất các bộ tộc lại được dưới quyền một người chúa độc nhất (...) Ðịa bàn của họ vào năm 1930 là bắc Phước Tuy (Bà Rịa), bắc Biên Hòa, Long Khánh, Lâm Ðồng, Bảo Lộc, Di Linh, Ban Mê Thuột.

Nhưng xưa hơn, có lẽ địa bàn ấy đi tới Mỹ Tho (...)

Phủ Biên tạp lục (...) cho biết (...) ta khẩn hoang với (...) nô lệ tại đất Lôi Lạp (tức Gò Công, Long An) (...) Lê Quý Ðôn lại phân biệt rõ hai thứ nô lệ, một thứ da đen tóc quăn và một thứ da tương đối sáng.

Thứ da tương đối sáng đích thị là người Mạ (...) theo nghiên cứu riêng của chúng tôi trong quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam thì họ với ta đồng chủng.


(Bình Nguyên Lộc, “Việc mãi nô dưới vòm trời Ðông Phố và chủ đất thật của vùng Ðồng Nai”, tập san
Sử Ðịa, Sài Gòn, số 19-20, 1970. Nhan đề phần trích tạm đặt.)