Mấy dòng sau đây của Chử Văn Tần thật đáng chú ý:

“Hàng loạt các công cụ sản xuất bằng đá, bằng đồng (...) các đồ trang sức bằng đá (...) Ðều tham gia vào hình thành bộ di vật Ðông Sơn. Những yếu tố hoa văn hình chữ S, tam giác, vạch thẳng song song, các vòng tròn trang trí trên các băng tròn quanh đồ gốm, đều được thể hiện trên đồ đồng Ðông Sơn sau này.”

Kết hợp với trình bày của Hà Văn Phùng (xem loạt bài Đông Sơn Là Bản Địa), có thể thấy rằng văn hóa Ðông Sơn quả có một cái gốc bản địa hết sức đáng kể.

Tuy vậy, thiết tưởng vẫn cần tìm hiểu cặn kẽ những đóng góp từ bên ngoài.

(Thu Tứ)



Chử Văn Tần, “Từ Gò Mun đến Ðông Sơn”



Theo nhịp độ rút của biển và tạo lập đồng bằng người Gò Mun đã mở rộng phạm vi cư trú của mình xa hơn về phía nam. Trên mặt đồng bằng thấp còn lầy lội đã xuất hiện thêm nhiều điểm cư trú Gò Mun mới như Vinh Quang, Chiền Vậy, Chùa Gio, Gò Chùa Thông, Ðại Áng... (...) về phía đông nam như Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội)... (...)

Tính chất tạo nền của giai đoạn Ðồng Ðậu - Gò Mun thể hiện ở sự chọn lọc và xác lập các yếu tố văn hóa, biến chúng thành đặc điểm, thành truyền thống văn hóa phản ánh tính cách, sở đặc riêng của cộng đồng. Hàng loạt các công cụ sản xuất bằng đá, bằng đồng với các kiểu loại khác nhau: chữ nhật, xòe cân, lưỡi lệch, có vai... các đồ trang sức bằng đá như các vòng tay có mặt cắt hình tam giác cân, hình chữ U, chữ T nằm ngang, các khuyên tai hình vành khăn, khuyên tai bốn mấu... Ðều tham gia vào hình thành bộ di vật Ðông Sơn. Những yếu tố hoa văn hình chữ S, tam giác, vạch thẳng song song, các vòng tròn trang trí trên các băng tròn quanh đồ gốm, đều được thể hiện trên đồ đồng Ðông Sơn sau này.


(Chử Văn Tần,
Văn hóa Ðông Sơn - văn minh Việt cổ, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, VN, 2003, tr. 81-82)





______________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.