Đào Duy Anh, “Âm Hán Việt ít đổi”




Nhà Hán học H. Maspéro cho rằng tiếng Hán Việt (...) Căn bản của nó hẳn là tiếng nói của miền bắc Trung Quốc bấy giờ, đặc biệt là tiếng Trường An (kinh đô nhà Ðường), nhưng nó đã loại trừ những điểm đặc thù quá. Theo chúng tôi thì đó là ý kiến xác đáng.

(...) ở các trường học ở Giao châu (một số không ít trường học là nhà chùa) cuối thời Ðường, nhất là từ khi nhà Ðường suy đốn - bấy giờ có lẽ phần đông các thầy học là người Việt Nam, - trải qua một thời gian có lẽ không ngắn (...) do cách phát âm của các thầy học người Việt Nam (...) âm Trung Quốc đã bị Việt hóa đi rồi. Chúng ta cứ xem trong thời Pháp thuộc gần đây, chữ Pháp được dạy ở các trường tiểu học (...) thầy giáo Việt Nam đổi cách phát âm không ít so với cách phát âm của chính người Pháp. Ví dụ chữ cahier người Pháp nói ca-i-ê thì thầy trò người Việt đều nói là cai-dê, chữ travailler, người Pháp nói tra-va-i-ê thì thầy trò người Việt đều nói tra-vay-dê. Từ đầu thời tự chủ, trải qua chín mười thế kỷ (...) tiếng Hán Việt (...) không thể không theo qui luật của ngữ âm Việt Nam mà (tiếp tục) biến hóa (...) do đó nó càng xa cách với nguồn gốc của nó.

(...) Chúng tôi lấy các bảng đối chiếu của H. Maspéro mà lựa chọn một số chữ Hán đối chiếu âm Hán Việt với âm Ðường ở thế kỷ IX (...) (Ðể dễ viết và dễ đọc, chúng tôi đã nhờ Ô. Cao Xuân Hạo chỉ vẽ cho cách đọc tự mẫu ngữ âm học để có thể chuyển cách viết ngữ âm học của H. Maspéro sang cách viết quốc ngữ của ta, do đó cách đọc có thể xê xích chút ít).

Sau đây là bảng đối chiếu của âm Hán Việt với âm Trường An ở thế kỷ thứ IX của một số chữ Hán:

Ðông - tông
Ðộng - động
Công - công
Khổng - khổng
Tống - xống
Cốc - cốc
Thống - thống
Tông - tsông
Ðộc - độc
Cung - kiung
Hùng - hiung
Trung - trung
Phong - phung
Túc - txúc
Lục - liục
Thục - jiục
Khẩu - khẩu
Ðầu - đầu
Mẫu - mẫu
Ngưu - ngưu
Cựu - cựu
Tửu - tsửu
Sầu - djiưu
Phụ - phừu
Khang - khang
Ðang - đang
Khoáng - khoáng
Tương - xiang
Tướng - xiáng
Huống - huíng
Các - các
Tác - tsác
Dược - dạc
Nghiêm - nghiêm
Phạn - phuạm
Kiếm - kiếm
Kiếp - kiếp
Pháp - phuáp
Phạp - vuáp
Sinh - xeng
Tranh - txeng
Khách - khéc
Sách - séc
Lịch - lịch
Ðích - đích
Biệt - biệt
Chiêm - txiêm
Niệm - niệm
Nhiếp - siép
Thiếp - txiếp
Khê - Khiêi
Ðiểu - điểu
Trăn - tsen
Trất - tsét
Sắt - xét
Căn - cưn
Hận - hựn
Băng - pưng
Ðăng - đưng
Khôn - khuưn
Bổn - puửn
Ðột - đượt
Hoặc - huực
Kiến - kiến
Nguyên - nguyên
Chứng - txiứng
Bưng - biưng

Xem bảng đối chiếu trên (...) thấy rằng ở phần lớn chữ nêu lên âm Ðường ở thế kỷ IX giống âm Hán Việt (nói âm Hán Việt giống âm Ðường ở thế kỷ IX thì dễ hiểu hơn - TT) (...) Những biến chuyển (...) là thể hiện sự Việt hóa của những âm Trung Quốc (...)

(...) chữ Hán Việt như chúng ta thấy hiện nay phải đến đầu thời tự chủ của nước ta mới có thể gọi là tương đối ổn định được, vì từ đó nó (mới) không còn gắn liền với tiếng nói của người Trung Quốc nữa (...) không còn phải biến hóa theo ngữ âm của Trung Quốc. Mặc dầu (...) là tử ngữ, nó cũng có thể chịu ảnh hưởng của những chuyển biến trong cách phát âm từ đời nọ sang đời kia mà thay đổi ít nhiều, nhưng so với sự thay đổi ngữ âm của tiếng nói thì những thay đổi của âm Hán Việt kém phần quan trọng còn xa.


(Ðào Duy Anh,
Chữ Nôm - nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, nxb. Khoa Học Xã Hội, 1975)