Một ngày, hai gặp gỡ thật là ấn tượng, ngủ làm sao được? Đêm ấy, “gương nga chênh chếch dòm song”, thấy một người “một mình lặng ngắm” trăng mà dường như không thấy gì cả. Kiều đang “rộn đường gần với nỗi xa bời bời”, vừa ngẩn ngơ về đoạn kết thật bi thảm của đời một người con gái cũng đẹp như mình, vừa xôn xao về một bắt đầu đầy hứa hẹn mà không biết “trăm năm biết có duyên gì hay không?” đó… Đợi Kiều thiu thiu, Đạm Tiên “sen vàng lãng đãng như gần như xa” nhập mộng, báo cho hay “trong sổ đoạn trường có tên”! Dĩ nhiên thế là thức trắng, “nỗi riêng lớp lớp sóng dồi / nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn”, Kiều “rền rĩ” to đến nỗi mẹ thức dậy, “hỏi cơn cớ gì”, rồi “khuyên giải thấp cao”. Vô ích, Kiều thôi “rền” để chuyển qua khóc thầm. “Hiên tà gác bóng chênh chênh / nỗi riêng, riêng chạnh tấc riêng một mình”. Ai vẫn hãy còn bên mẹ đấy, nhưng ai đã bắt đầu cô đơn, đấy ai ơi. (Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 171-242)




Kiều từ trở gót trướng hoa,
Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.
Gương nga chênh chếch dòm song,
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân.
Hải đường lả ngọn đông lân, (175)
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà.
Một mình lặng ngắm bóng nga,
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời:
“Người mà đến thế thì thôi,
Ðời phồn hoa cũng là đời bỏ đi! (180)
Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không?”
Ngổn ngang trăm mối bên lòng,
Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình.
Chênh chênh bóng nguyệt xế mành, (185)
Tựa ngồi bên triện một mình thiu thiu.
Thoắt đâu thấy một tiểu kiều,
Có chiều phong vận có chiều thanh tân.
Sương in mặt tuyết pha thân,
Sen vàng lãng đãng như gần như xa. (190)
Rước mừng đón hỏi dò la:
“Ðào Nguyên lạc lối đâu mà đến đây?”
Thưa rằng: “Thanh khí xưa nay,
Mới cùng nhau lúc ban ngày đã quên?
Hàn gia ở mé tây thiên, (195)
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu.
Mấy lòng hạ cố đến nhau,
Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng.
Vâng trình hội chủ xem tường,
Mà sao trong sổ đoạn trường có tên. (200)
Âu đành quả kiếp nhân duyên,
Cũng người một hội một thuyền đâu xa!
Này mười bài mới, mới ra,
Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời.”
Kiều vâng lĩnh ý đề bài, (205)
Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm.
Xem thơ nấc nở khen thầm:
“Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường!
Ví đem vào tập đoạn trường,
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai!” (210)
Thềm hoa khách đã trở hài,
Nàng còn cầm lại một hai tự tình.
Gió đâu sịch bức mành mành,
Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao.
Trông theo nào thấy đâu nào, (215)
Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây.
Một mình lưỡng lự canh chầy,
Ðường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!
Hoa trôi bèo giạt đã đành,
Biết duyên mình biết phận mình, thế thôi! (220)
Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi,
Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn.
Giọng Kiều rền rĩ trướng loan,
Nhà huyên chợt tỉnh hỏi cơn cớ gì:
“Cớ sao trằn trọc canh khuya, (225)
Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa?”
Thưa rằng: “Chút phận ngây thơ,
Dưỡng sinh đôi nợ tóc tơ chưa đền.
Buổi ngày chơi mả Ðạm Tiên,
Nhắp đi thoắt thấy ứng liền chiêm bao. (230)
Ðoạn trường là số thế nào,
Bài ra thế ấy vịnh vào thế kia.
Cứ trong mộng triệu mà suy,
Thân con thôi có ra gì mai sau!”
Dạy rằng: “Mộng huyễn chắc đâu, (235)
Bỗng không mua não chuốc sầu, nghĩ nao!”
Vâng lời khuyên giải thấp cao,
Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch Tương.
Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng,
Nách tường bông liễu bay ngang trước mành. (240)
Hiên tà gác bóng chênh chênh,
Nỗi riêng, riêng chạnh tấc riêng một mình.


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)















_____________________
Trừ chỗ nào có ghi khác, các chú thích dưới đây là dựa theo
Từ điển Truyện Kiều của Ðào Duy Anh.
Trướng hoa: Bức trướng thêu hoa, chỉ buồng của phụ nữ.
Thu không: Ở các lầu canh như cửa thành, cứ đến chập tối thì đánh một hồi trống hay hồi chiêng gọi là thu không, sau khi đã xét trong thành không còn có người lạ mặt khả nghi ở nữa, ý là thu thập mọi việc sau khi đã xét là không còn vấn đề.
Gương nga: Mặt trăng.
Ðông lân: hàng xóm phía đông.
Phồn hoa: Chỉ tình hình sinh hoạt xa xỉ náo nhiệt.
Triện: Chỉ cái cửa sổ có chấn song làm hình chữ triện.
Tiểu kiều: Chỉ người đàn bà đẹp, nhỏ nhắn, xinh xắn.
Phong vận: Phong lưu tao nhã.
Thanh tân: Trong trẻo mới mẻ, chỉ người con gái non trẻ.
Sen vàng: Tức là bước chân người đẹp. Theo điển Hậu chúa nhà Trần thời Ngũ Ðại yêu Phan phi, đúc hoa sen vàng lát xuống đất, bảo đi rồi cười nói rằng: “Mỗi bước chân sinh ra hoa sen”.
Ðào Nguyên: Bài “Ðào hoa nguyên ký” của Ðào Tiềm nói có người đánh cá chèo thuyền lạc vào chỗ động tiên, do đó Ðào Nguyên dùng để chỉ động tiên.
Thanh khí: Chỉ người có đồng tình đồng điệu, do câu Kinh Dịch “Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nghĩa là những vật cùng một loại tiếng thì ứng nhau, ví như con gà này gáy thì con gà khác gáy theo, những vật cùng một loại khí thì tìm nhau, ví như đá nam châm hút sắt.
Hàn gia: Nhà nghèo, lời khiêm tốn để nói nhà tôi.
Tây thiên: Ðường đi ở ngoài đồng nội về phía tây.
Hạ cố: Người trên đoái nhìn, để ý đến người dưới, lời khiêm tốn.
Hạ tứ: Người trên cho người dưới, lời khiêm tốn.
Tú khẩu cẩm tâm: Miệng thêu lòng gấm, tức là lời hay ý đẹp.
Tự tình: Bày tỏ tình ý.
Canh chầy: Canh muộn, canh khuya.
Ðòi cơn: Nhiều cơn.
Nhà huyên: Tức là mẹ.
Mộng triệu: Cái điều chiêm bao cho thấy trước.
Mạch Tương: Nước sông Tương, chỉ nước mắt, theo điển hai vợ vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh nghe tin vua Thuấn chết ở miền sông Tương, hai bà đến đấy khóc rồi tự trầm ở sông ấy.
Tấc riêng: Vì chỗ của tim (lòng) chiếm chỉ chừng một tấc nên nói là tấc lòng. Tấc riêng là tấm lòng riêng.