Truyện hay là ký đây? “Tôi” được nhân vật khác gọi là “chú Khải”, còn “tôi” nào nữa.

Dĩ nhiên dù “tôi” không xưng tên thì nhiều bạn đọc chắc cũng nhận ra ngay. Vì vẫn cái lối chịu khó nghe kể chuyện đời để mà thương đời. “Tôi” trông chị Vách mếu máo, rồi “Tôi nôn thốc miếng xôi ra, cổ họng tắc nghẹn lại, chính tôi, tôi cũng muốn bật khóc”...

“Cõi nhân gian bé tí”(1) vẫn còn có người biết thương người chân thành như “chú Khải”, tưởng chưa đến nỗi nào.

(Thu Tứ)

(1) Nguyễn Khải có tác phẩm nhan đề
Một cõi nhân gian bé tí.



Nguyễn Khải, “Ðời khổ”



1

Năm 1961, vợ chồng tôi được quân đội cấp cho một căn nhà mười bốn mét vuông ở khu tập thể Phúc Xá, là một rẻo đất bãi phía ngoài đê sông Hồng. Tôi sinh ra ở Hà Nội, mãi đến năm mười sáu tuổi mới rời Hà Nội đi kháng chiến, trong từng ấy năm chưa bao giờ tôi bén mảng xuống vùng đất bãi của Hà Nội gồm mấy xã Phúc Tân, Phúc Xá, Nghĩa Dũng, An Dương. Đó là vùng đất của dân nghèo, của trộm cướp và những phần tử bất hảo. Nghe các ông bà sống trong phố đồn đại thế nên cũng sợ. Nào ngờ mình sẽ phải sống ở đó những mấy chục năm, đẻ cả loạt con, viết cả loạt sách, thành dân làng Phúc Xá chính cống. Cái năm tôi về Phúc Xá là hai vợ chồng còn rất trẻ, một bà mẹ chưa già lắm và đứa con trai đầu mới lên ba tuổi. Lối vào khu tập thể là con đường đất nhỏ, một bên là hồ, một bên trồng mía, trời mưa dầm phải tụt dép bấm chân mà đi. Những dãy nhà một tầng xây đối nhau, mười hai gian một dãy, như trại lính, là trại vợ lính. Mỗi nhà có hai cửa ra vào, hai cửa sổ, một cái bếp và một nhà tắm chung cho hai hộ, mùi vôi mùi xi-măng còn nồng lên. Mỗi dãy nhà đã có vài bốn gia đình dọn đến ở, chồng xách nước dội, vợ gò người lấy chổi rễ cọ nền, vừa làm vừa cười, rồi mời gọi nhau sang uống nước, hút thuốc, hả hê, khoan khoái vì đã có một mái nhà, đã mất rất nhiều tâm sức để có được một gian nhà.

Buổi tối đầu tiên được về ở nhà mới lại không có điện, các nhà đều thắp đèn dầu, chúng tôi không có đèn vì không nghĩ rằng còn phải thắp đèn, dọn cơm ra đầu hè ăn nhờ ánh sáng đèn nhà hàng xóm. Bữa cơm đầu tiên nấu bằng nồi của mình, củi của mình, bếp của mình và dọn ăn bằng mâm, mẹ ngồi giữa, vợ chồng ngồi hai bên, thằng con vác bát chạy ra chạy vô trong gian nhà của nó, đến vui. Chuyện thường thế mà cũng vui được nhỉ? Một gian nhà trống không, túi quần túi áo rỗng tuếch, mọi thứ còn là trong tính toán, trong dự định, trong hy vọng, mà lại vui! Nhiều năm sau cái niềm vui xốn xang, mơ hồ của chờ đợi và hy vọng cái thuở tay trắng không thể có nữa. Nó đã ở phía sau. Nó đã thuộc về một thời. Tôi còn nhớ rõ đúng vào cái tối ấy, cái tối ăn cơm không đèn, một gương mặt nhìn không rõ ghé vào song cửa, một giọng nói lanh lảnh hỏi với vào: “Cô chú nào vừa đến lại đi rồi à?”. Người hàng xóm có tính tò mò ấy là chị Vách.


2

Chị Vách hơn tôi một con giáp, răng đen và vấn khăn. Chồng chị là thiếu tá ở một học viện chính trị, hơn tôi khoảng mười lăm tuổi. Cấp thiếu tá ngày ấy là to lắm, là mơ ước gần như viển vông của đám thượng úy lau nhau. Tên ông thiếu tá là gì tôi không rõ, mặt ông tôi cũng quên, chỉ nhớ mang máng một người đàn ông có bộ dạng rất đứng đắn, có thể rất tốt bụng, nhưng không làm một việc gì, nói một lời nào để dãy xóm được nhớ. Mỗi lần gặp tôi ở đường, một năm khoảng đôi ba lần, ông đều chào trước thân thiện và nhạt nhẽo: “Đồng chí khỏe không? Tốt chứ?”.

Với gia đình ấy vợ chồng tôi chỉ biết có chị Vách, ông thiếu tá chồng chị là ông Vách, các con chị một lũ lôi thôi, lốc thốc là con bà Vách. Chị Vách rất hợp chuyện với vợ chồng tôi, chị là người dưới quê mới theo chồng lên sống ở tỉnh, vợ tôi cũng thế. Chị là một cán bộ xã vùng địch hậu thời đánh Pháp, vợ tôi là du kích, rồi là dân công gùi gạo theo bộ đội suốt mấy chiến dịch. Hai chị em mỗi lần được ngồi với nhau là dứt không ra. Chuyện đàn bà không đầu không cuối nhưng chị Vách đã lên tiếng, mình lại chót dại để tai nghe là cứ phải nghe đến cùng. Hết cả đọc, hết cả viết. Vì nó vui lắm, buồn cười lắm, cười đến đau ruột, đến não lòng.

Tôi nói:

- Có một bà vợ vui tính như chị chắc ông ấy được cười cả ngày!

Chị Vách nói:

- Quân tử ẩn hình, tiểu nhân lộ tướng. Ông ấy vẫn phê bình tôi nói năng vô chính trị, không được chín chắn như các bà cán bộ ở tỉnh. Người ta có trình độ cao lỡ lấy phải vợ dại cũng là khổ tâm lắm. Thời trước thì họ đuổi mình ra đường rồi.

Giàu vì bạn, sang vì vợ, có một bà vợ như tôi ông chồng cũng hóa hèn, chị nói thế. Nên không bao giờ chị dám đi cùng chồng ra ngoài, đến thăm ai chồng đạp xe tới trước, vợ đi bộ tới sau, không xem hát, không xem chiếu bóng, chưa bao giờ tôi thấy vợ chồng họ đi sóng đôi cả. Mà chị đâu có xấu, là một phụ nữ xinh đẹp của một thời, gương mặt tươi tắn, cái miêng với hàm răng đen đều đặn khi nói khi cười duyên dáng lạ lùng. Tôi hỏi, làm thế nào mà ông ấy lại vớ được chị nhỉ? Là cái duyên may chú ạ, chị nói, người ta là cán bộ trên tỉnh hoạt động cách mạng từ thời bóng tối, mình chỉ là cô du kích ở làng, cách nhau như trời với đất, lấy được là mừng, có với nhau đã hai mặt con nghĩ lại vẫn còn mừng. Chị nói thêm, huống hồ tôi còn là người có tội, phải người chồng có máu ghen họ thì gọt tóc bôi vôi. Chuyện như sau, làng chị thời đánh Pháp là làng tề, hai đầu hai bốt, lính Tây ít, lính dõng nhiều, đĩ điếm là gái làng lên ngủ với Tây càng nhiều hơn. Chị phải đi phu nhưng vì có chút ít nhan sắc nên được giữ lại quét dọn trong đồn. Lính dõng ra đùa một câu, vào ghẹo một câu, chúng nó hát:

“Mẹ già khắc khoải đêm ngày
Anh đi ai cấy ai cày ruộng hoang
Người ta vì nước vì làng
Anh đi theo Vẹm, ai mang tội này.”

Có một anh cai, người xã dưới, bụng dạ tử tế, biết chị là vợ cán bộ, con lại còn nhỏ liền xui chị giả cách ốm rồi cho về. Lại còn cho tiền và một cân thịt bò nữa. Anh ta đẹp trai, có học, lại mới góa vợ nên trong làng cứ xì xầm chắc anh chị đã có tình ý với nhau, mấy đêm ở lại trên đồn rơm kề lửa lại bảo không bén là khó tin lắm. Người làng thì khó tin, ông chồng về nghe chuyện chỉ cười xòa không nói gì. Chị phục nhất là ông chồng không nói gì, chỉ cười, ăn ở với vợ vẫn như xưa, người có trình độ cao cư xử cũng có khác dân thường thật, chị nói thế. Riêng tôi là người hàng xóm chỉ thấy thương chị thêm, và lấy làm sợ cái ông chồng của chị, bụng bảo dạ: “Phải tránh xa ông này ra, ở gần có ngày mất mạng”.


3

Chị Vách không biết chữ, đã là cán bộ phụ nữ xã mà không biết chữ, chỉ vạch được một chữ V thay chữ ký thôi. Một mình chị suốt những năm tháng đánh Pháp vừa nuôi hai con, vừa nuôi mẹ chồng, mẹ ốm một mình chị chăm sóc, lúc chết một mình chị chôn cất ma chay. Mà vẫn không dám coi là có công, làm dâu, làm vợ, làm mẹ ắt phải thế, từ thời xửa thời xưa vẫn là thế.

Chị đẻ hai đứa con gái đầu, ông chồng vắng nhà vì phải đi đánh giặc. Đẻ hai đứa con trai sau, ông cũng vắng mặt nốt vì phải đi công tác. Chị sanh không được thuận vì đã lớn tuổi, lúc sát nhau, lúc băng huyết, chỉ có bạn bè xóm giềng tới thăm hỏi giúp đỡ, nằm dăm bảy ngày lại bò dậy ôm con ra viện, vài ngày sau đã giặt giũ, cơm nước, da mặt vàng ủng nhưng nụ cười vẫn tươi tắn. Nghe chị nói thì nhà chị có sáu người nhưng ăn hai mâm. Chồng một mâm, năm mẹ con một mâm riêng. Tiền nong chia đôi, tiêu cho chồng một nửa, năm mẹ con một nửa. Chị bảo, anh ấy phải làm việc trí óc nhiều, lại cao tuổi, lại lắm thứ bệnh không bồi dưỡng là nguy ngay. Còn năm mẹ con chị ăn sao cũng được, nông dân vốn nuôi dễ. Tôi nói: “Bà cứ bày vẽ, ông ấy không là nông dân thì là cái gì, là trí thức hả?” Chị cười rất tươi: “Ông ấy học cao lắm chú ạ, một rương vàng không bằng một nang chữ. Một đời chỉ biết đánh giặc với đọc sách thôi”. Tôi hỏi: “Ông ấy cũng được đi học à?”. Chị có vẻ giận: “Con địa chủ không được đi học thì ai được học. May mà ông bố đã phá tan hết cơ nghiệp, nếu không cũng bị đấu hồi cải cách rồi”. Tôi cũng phải phì cười, thì ra lấy con ông địa chủ để được hầu vẫn cứ vinh hạnh hơn là lấy con ông nông dân để được bình đẳng.

Chị Vách không biết chữ nên chị làm cấp dưỡng một bếp ăn tập thể của quân đội. Chị đi làm rất sớm và về rất muộn. Khi đi gánh đôi thùng không, khi về một bên là nước vo gạo, một bên là cơm thừa của bếp ăn tập thể. Cơm nước lợn gà, hầu bố và trông các em trong một ngày chị đều phó mặc cho đứa con gái đầu. Một người vác cày bảy người vác muỗng như chị thường nói. Năm tôi về ở Phúc Xá thì đứa con gái lớn của chị đã mười bốn, mười lăm tuổi. Con bé không được xinh, da đen, chân tay lòng khòng, cả ngày không nghe nó nói một câu, cứ lầm lì làm, hết làm thì lầm lì đứng một góc giương mắt nhìn xung quanh. Giống tính ông bố như hệt, nhưng nó không được học như bố nó, biết đọc biết viết là thôi vì đông em quá. Tôi hỏi chị Vách: “Tại sao chị không cho cháu đi học?”. Chị nói: “Con gái cần gì học nhiều”. “Ông ấy không bắt nó đi học à?”. Lại thêm một dịp để chị được khoe chồng: “Về đến nhà là vùi đầu đọc báo đọc sách, không hỏi đến vợ đến con một câu”. Tôi cười to: “Ông ấy sướng nhỉ, sướng nhất khu đấy”. Chị cũng cười: “Người khôn nhọc lo, người dại ăn no lại nằm. Tôi mới là người sướng chứ chú”.

Nói đến thế là hết.


4

Năm 1965, Mỹ ném bom miền bắc, dân Hà Nội phải sơ tán về nông thôn. Các con tôi và các con chị Vách đều ở cùng một trại trẻ của quân đội. Chúng tôi mới có hai con, lại có mẹ tôi đi cùng, tiền tiêu cũng dư dật. Chị Vách những bốn con, mỗi con phải nộp một suất tiền cho trại, ông chồng lấy một phần lương để đi theo cơ quan, chị ở Hà Nội cũng phải có phần chi tiêu của mình nên tốn quá. Và túng quá. Về sau chị phải xin với trại cho các con được ăn riêng, con chị thổi nấu cho các em ăn, gạo chị đưa lên, dầu đốt đưa lên, thức ăn khô làm sẵn đưa lên, lấy cái vất vả của mình để bù vào sự thiếu thốn. Và chị vẫn nuôi hai con lợn. Chỉ nhìn chị đi lại vợ chồng tôi cũng chóng cả mặt. Mỗi năm qua đi người chị càng sắt lại, da xạm lại nhưng vẫn rất khỏe, suốt mười mấy năm ở cùng một dãy chưa bao giờ nghe nói chị đau mệt hoặc cảm cúm. Có điều chị nói ít hơn, thời giờ rỗi để trò chuyện vui vẻ với các cô em hầu như không có, vừa làm vừa nói, vừa chạy vừa nói. Trong một lần vừa chạy vừa nói chị báo tin cho tôi biết ông chồng chị phải nằm bệnh viện vì huyết áp lên cao. Bệnh huyết áp là bệnh của trí thức chứ mấy khi là bệnh của nông dân. Người ngoài nhìn vào gia đình chị đều lấy làm lo mà chị lại như không hề lo. Chồng thì như ông thánh ông thần, hai đứa con gái mỗi đứa một tật, hai thằng con trai càng lớn càng lêu lổng, học đã không ra gì lại có tính ăn cắp vặt. Vậy mà người mẹ cứ thản nhiên như không. Đàn bà gì lại vô lo vô nghĩ đến thế. Tôi hỏi chị: “Ông bà nuôi con như cỏ dại, cứ mặc nó tự ăn tự lớn không dạy dỗ gì cả sao?” Chị nói: “Làm có chúa, múa có trống, một mình tôi dạy con ở quê thì được, chứ dạy con ở tỉnh biết dạy những gì”. Tôi nói: “Dạy con ở quê mà dễ à?” Chị nói: “Dễ lắm chú ạ, cổ lệ đã sẵn có, cứ theo thế mà làm”.

Chiến tranh ngày một gay gắt, các gia đình trong dãy tôi ở mỗi nhà mỗi phương, thi thoảng mới có người về quét dọn qua quýt, ngủ lại một đêm, sáng hôm sau lại đạp xe đi sớm. Lần nào tôi về đi qua nhà chị Vách đều thấy sáng đèn, ngủ được một giấc dậy đi tiểu, nhìn ra cái sân chung phía sau vẫn thấy chị cầm cái đèn con bước ra bước vào như không hề ngủ. Với chị chẳng có chiến tranh, chẳng có bom đạn, mọi tâm trí đều hướng về ông chồng đau yếu ở một nơi, và sự chi tiêu cho lũ trẻ ở một nơi. Chị không có ý thức về sự tồn tại của chính mình, chị quen sống trong phục tùng, trong phụ thuộc. Chồng không tính được thì trời tính, còn chị chỉ làm thôi, làm không biết đến mệt nhọc, đến đau ốm, đến nguy hiểm. Có hai năm tôi dọn tạm về Lò Đúc ở nhờ nhà thằng em, không về Phúc Xá một lần nào. Đầu năm 73, đất nước tạm thời ngưng bom đạn, tôi lại trở về nơi ở cũ, mới được biết ông trung tá chồng chị Vách đã mất. Ông bị tai biến mạch máu não phải nằm liệt tới một năm mới mất.


5

Ông trung tá mất, gia đình chị Vách hầu như chẳng có gì thay đổi, tuy sự chi tiêu có bị thiếu hụt khoảng năm sáu chục bạc là cái phần lương ông chồng dành cho gia đình. Xưa nay nhà ấy chỉ có người làm người ăn mà không có người chỉ huy. Người chỉ huy luôn luôn là cái hoàn cảnh, cứ tùy thời mà ứng phó. Cái được cái mất hoàn toàn phụ thuộc vào phúc phận của gia đình chị, sự may rủi của từng người và mỗi ngày. Như cây cỏ phụ thuộc vào thời tiết. Chị khoe với tôi: “Tôi vừa được một món tiền lớn chú ạ, nhưng là ăn cắp của chính phủ”. Tôi cười: “Đã ăn cắp lại còn khoe”. Chị kể, cái bữa đến phòng Thương binh - Xã hội của Hà Nội làm lương tử tuất thì anh cán bộ lại đưa luôn cả tiền truy lĩnh hai tháng lương của ông chồng sau khi mất. Số tiền đó chị đã cầm một lần rồi do cơ quan của chồng đưa. Là cầm hai lần tiền, những sáu trăm bạc. Chị nói: “Tự giác trả thì tôi không trả vì nhà túng quá, nhưng tiêu ngay cũng không dám, nhỡ họ nhớ ra đòi lại thì mình vẫn còn tiền”. Đứa con gái lớn đã hăm nhăm tuổi, cao ngỏng cao ngòng, vừa gầy, vừa đen, mặt mũi vẫn lầm lì. Nó xin được làm công nhân cho một tổ hợp dệt ở phố Hàng Quạt. Con em nó mang tật từ nhỏ đi một bước nhảy một bước, người lệch hẳn một bên như con chim sẻ xõa cánh, ở nhà cơm nước lợn gà. Thằng con trai đầu đã mười bảy tuổi, bỏ học nửa chừng, theo bạn đi buôn, vốn liếng của nhà, lúc trở về vốn mất đằng vốn lãi mất đằng lãi, lại nằm dài, ăn bám mẹ. Trong bốn đứa con may ra được thằng út, nó giống với số đông, không giỏi không ngu, đi học mỗi năm lên một lớp. Năm 75, cuộc chiến tranh dài ba mươi năm kết thúc, cả nước hòa bình, chị Vách thay áo cho chồng đưa hài cốt về quê. Đúng một năm sau ngày cất mả bố thì thằng con trai lớn bị chứng động kinh. Đang khỏe mạnh hẳn hoi bỗng dưng nó ngã xoài ra giữa đường mắt trợn trắng, miệng ngầu bọt. Rồi nó tỉnh lại, ăn uống đi lại như thường nhưng không nói nữa. Chỉ cười thôi. Mẹ nó khóc còn nó thì cười. Chỉ trong có một tháng người chị rộc hẳn, già hẳn, chị nhìn nó khóc: “Con thẳng da bụng mẹ chùng da mặt, nuôi con hai chục năm trời mà con trả công cha nghĩa mẹ thế này ư?” Nó nhíu mày như chợt nhớ ra một điều gì rồi da mặt lại dãn ra như đã quên hết, và nó lại cười. Mắt nó nhìn vẫn khôn, cái cười cũng khôn cứ như người giễu, thoạt gặp không thể tin thằng bé bị mất trí. Lại là đứa có gương mặt trí thức nhất nhà, vóc dáng cũng đẹp, hai bàn tay rất đẹp, bàn tay của anh trí thức chứ không phải của ông nông dân, mà lại điên, ông trời chơi khăm quá. Hai năm 76 và 77 các dãy xóm trong khu tập thể xôn xao những tính toán, những dự định để đổi đời, để thoát khỏi những thiếu thốn đã giày vò từng gia đình trong suốt mấy chục năm. Điện vẫn vàng vọt, nước vẫn nhỏ giọt nhưng mặt người đã rạng rỡ vì bao nhiêu hy vọng. Chỉ tội nghiệp chị Vách, chiến tranh hay hòa bình chẳng liên can gì tới số phận riêng của chị. Thằng con mà vợ chồng chị hy vọng nối được nghiệp nhà đã mất trí, đã hóa điên. Năm đầu thằng bé bị bệnh chị bán luôn đôi bông tai hai chỉ vàng để thuốc thang ở nhà. Năm sau bệnh vẫn không khỏi, chị phải đưa con đi trại điên ở Châu Quỳ. Nó ở có một tháng thì trốn về, về đúng nhà. Nó vẫn nhớ đường đi lối lại đâu có điên hoàn toàn. Suốt mấy năm hai mẹ con cứ vật lộn với nhau, con trốn về mẹ lại đưa sang, khóc lên khóc xuống, rồi van lạy, rồi gào thét, nó vẫn mủm mỉm cười, bất thần trở về, bất thần lẻn đi, người mẹ tả tơi như nắm giẻ cứ quay tròn quanh thằng con dại, quay mãi không có cách gì dừng lại được.


6

Đã nhiều năm trôi qua, gia đình tôi không còn ở bãi Phúc Xá nữa, đôi ba năm có dịp về Hà Nội tôi lại xuống làng bãi thăm bạn bè và thăm chị Vách. Chị đã già nhiều, bảy chục tuổi còn gì, nhưng tóc vẫn đen, răng chưa rụng cái nào, đi lại nhon nhón. Người thế là khổ, các cụ vẫn nói thế. Thằng út đã lấy vợ, đã có một đứa con trai, vợ chồng nó lên một tầng lầu, còn nhà dưới dành cho mẹ và hai chị. Và một ông anh điên dại nữa. Tôi hỏi: “Chị chưa gả chồng cho cô nào à?” Chị cười: "Một con sếu vườn, một con chích chòe có chó nó lấy. Làm bà cô thôi chú ạ, hai con bà cô, một thằng dở người, phúc phận nhà tôi to quá”. Tôi ngồi trên giường, lưng quay ra cửa, cứ nhột nhột như có ai đang nhòm mình, nhòm từ đỉnh đầu xuống. Tôi quay người, ngước mắt lên, cách đã mươi năm không gặp nhưng tôi vẫn nhận ra là nó. Nó nhìn tôi mỉm cười, nụ cười trắng ướt thật đẹp. Một chút ria hai bên mép. Tôi hỏi nó: “Còn nhớ chú Khải không?”. Nó cười nụ: “Nhớ”. Bà mẹ nói: “Lắm lúc nó ăn nói đến là khôn, được vài câu lại dại rồi!” Tôi lấy bao thuốc mời: “Cháu hút nhé?” Nó cười, bước vào ngồi trên cái ghế thấp vừa hút thuốc vừa nhìn tôi đăm đắm, cái nhìn rất âu yếm làm tôi muốn chảy nước mắt. Tôi nói : “Bệnh tình của nó xem như đỡ nhiều, chị nhỉ?” Chị thở dài sườn sượt: “Nặng hơn nhiều chú ạ, những năm trước chỉ ngớ ngẩn chứ không lên cơn, năm nay mỗi lần lên cơn xé cả quần cả áo, chạy nhông nhông ở ngoài đường. Thằng em nó phải lấy dây xích khóa chân khóa tay lại”. Chị nói, cả nhà này nó chỉ sợ có thằng em, thằng em bảo sao là nghe vậy, không nghe nó đánh, nó có võ mà.

Đêm đó tôi ngủ lại đất bãi, làng quê thứ hai của tôi. Sáng hôm sau tôi đạp xe đi từ rất sớm. Những ngày cuối chạp vừa mưa vừa rét, nhầy nhụa, tối đen. Tới khúc ngoặt một bên là hồ nước, một bên là rẻo đất trồng mía ven sông, gió lạnh quất vào mặt rát như roi đánh, thì có tiếng gọi giật: “Chú Khải đã đi sớm thế!” Chị Vách ngồi bán xôi ngay ở rìa đường, dựa lưng vào tấm liếp che cửa của cái quán bán nước. Tôi dựng xe ngồi sụp xuống, nói: “Chị cho em một bát”. Gạo rất thơm, hạt lạc tròn mẩy, vừng rang nhạt và ngậy, bát xôi năm trăm bạc đơm đầy đặn thế thì lời lãi bao nhiêu. Chị nói: “Cũng có lời chút ít thì hai mẹ con mới nuôi nổi nhau. Lương hưu tôi một tháng chỉ có hai chục ngàn”. Tôi hỏi: “Còn chúng nó?” Chị nói: “Anh em kiến giả nhất phận, thân ai nấy lo chú ạ”. Tôi lại hỏi: “Một mai chị đi theo anh thì ai nuôi nó?” Chị lại thở dài: “Nếu cái nghiệp nó nhẹ thì nó chết trước tôi, tôi còn chôn cất ma chay được, còn nó chết sau tôi thì chiếu bó thây vùi thôi”. Rồi chị òa khóc, chị gục đầu lên gối mà khóc, khóc tấm tức, khóc ai oán. Chị đã yếu thật rồi, đã nản thật rồi, đã muốn buông xuôi tất cả. Chị lấy gấu quần lau nước mắt, nói mếu máo: “Chung quy là tại tôi cả chú ạ, tôi ngu đần, vụng dại nên con cái mới ra nông nỗi này, nếu như ông ấy còn sống...”. Vâng, tại chị cả, trăm tội, ngàn tội phải đổ lên đầu chị, nếu ông chồng siêu đẳng của chị còn sống thì chúng nó đâu đến nỗi... Tôi nôn thốc miếng xôi ra, cổ họng tắc nghẹn lại, chính tôi, tôi cũng muốn bật khóc.


Mùng 2 Tết Canh Ngọ