Huyền thoại điển hình sinh ra, lớn lên và sống từ đời nọ qua đời kia trong dân gian. Huyền thoại không cần chữ viết. Nhưng chữ viết, sau khi bắt đầu được dùng, thể nào sớm muộn cũng đòi “chép” huyền thoại.

Chép vào đâu? Có hai chỗ: truyện và sử.

Ai cũng biết huyền thoại Hùng Vương được Lý Tế Xuyên đưa vào truyện
Việt điện u linh năm 1329. Theo đa số nhà nghiên cứu, Ngô Sĩ Liên là sử gia đầu tiên nhắc đến huyền thoại ấy, trong Sử ký toàn thư (1479).(1) Nhưng theo Tạ Chí Ðại Trường, thì Hồ Tông Thốc mới chính là người “sáng kiến” ra việc đưa Hùng Vương vào chính sử.

(Thu Tứ)

(1) Xem Hoàng Hưng, “Ghi chép về Hùng Vương”.



Tạ Chí Đại Trường, “Ai đưa Hùng Vương vào sử”




Thư tịch Việt nhắc đến Hùng Vương sớm nhất là Việt điện u linh tập (1329) (...)

(...) Hồ Tông Thốc / Xác (hiện diện năm 1372 với chức Hàn lâm viện học sĩ) là người đã có công nâng cấp Hùng Vương, đưa vào chính sử các ông Hùng Vương (...)

(...) Hồ Tông Thốc / Xác (...) thu thập “những tài liệu cố lão di truyền” vào sách Việt nam thế chí của ông.

Sách không còn nữa, nhưng tựa đề sách cho thấy ông muốn tác phẩm mang tính chất nghiêm túc: “Ghi chép về những đời (vua) của vùng đất phía nam nước Việt (tức phía nam nước Nam Việt của Triệu Ðà - TT)” (...) theo Phan Huy Chú (1) thì sách này có quyển I chép thế phổ 18 đời Hùng Vương, quyển II mới chép về nhà Triệu. Việc ghép Hùng Vương vào chung sách với nhà Triệu lịch sử, việc xếp Hùng Vương có trước nhà Triệu (ta phỏng đoán, theo thứ tự xếp đặt sách), việc đưa ra con số 18 đời rành rẽ (không thấy trong LNCQ) chứng tỏ một công trình muốn đòi hỏi sự nghiêm túc.

(...) năm 1479 (...) Ngô Sĩ Liên (...) đưa họ Hồng Bàng vào chính sử (tức vào Sử ký toàn thư - TT) (...) đi nốt chặng đường mà Hồ Tông Thốc mở ra (...)


(Tạ Chí Ðại Trường,
Thần, người và đất Việt (bản mới), nxb. Văn Học, California, Mỹ, 2000, tr. 136-149)





_________________
Nhan đề phần trích tạm đặt.
(1) Phan Huy Chú,
Lịch triều hiến chương loại chí, t. IX, Văn tịch chí, q. 42-45 (Nguyễn Thọ Dực dịch, Sài Gòn 1974), tr. 208-210. (TCÐT)