Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh viết: “Xem thơ Yến Lan tôi mơ màng như đi trong mây mù. Khi đầu thì cũng hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở. Chỉ thấy mờ mờ những con đường chảy, êm như những dòng sông, và nhất là cái vừng trăng vẫn thường ám ảnh các nhà thơ Bình Ðịnh. Ngoài ra chịu không biết sau màn mây mù ấy có gì không”.

E không có gì đâu. Vì mây mù chính là “gì” rồi. Mà thực ra nào có mây với mù. Chỉ có “... đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch”.

Thơ Yến Lan là tiếng kêu của một tâm hồn đặc biệt nhạy cảm khi đứng dưới trời Bình Ðịnh. Trước ông, đã có tâm hồn Bình Ðịnh kêu như thế, rồi sau ông lại có thêm mấy tâm hồn Bình Ðịnh cũng kêu như thế...
(Thu Tứ)



Yến Lan, “Bến My Lăng”




Bến My Lăng, nằm không, thuyền đợi khách
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buồn câu
Trăng thì vàng rơi đầy trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu

Ông không muốn run người ra tiếng địch
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng sao
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao

Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng trăng
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh
Ðể đêm buồn vây phủ bến My Lăng

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách
Ðể thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.