Nhớ có lần xem một phim Hàn Quốc về nước Hàn xưa (đại khái cuối thời Hùng Vương bên ta). Hàn bị Tàu xâm lược và thua vì quân Tàu mặc giáp sắt và dùng vũ khí bằng sắt, trong khi quân Hàn chỉ có giáp đồng, vũ khí bằng đồng (cứng thua sắt). Một hình ảnh rất ấn tượng trong phim là đội quân thiết kỵ của phía xâm lược: chẳng những người cưỡi mà cả ngựa cũng mặc giáp sắt, trông uy hiếp lạ lùng!

Tưởng thánh Gióng cưỡi “ngựa sắt”, mặc giáp sắt, cầm roi sắt có thể mang ý nghĩa tượng trưng cho ước mơ được có phương tiện chiến tranh “hiện đại” của người Việt cổ. Nghĩa là, có thể người Việt thời Trần đã chép vào sách thần thoại thánh Gióng cơ bản như được kể đi kể lại suốt bao đời, chứ không “vẽ” thêm ngựa, không thay đồng bằng sắt. Nhưng giặc Ân là giặc nào? Thời Hùng Vương, người Tàu chưa đánh ta.
(Thu Tứ)



Trần Quốc Vượng, “Thánh Gióng, ngựa, sắt”




Thời dựng nước của bất cứ quốc gia cổ đại nào cũng bị che phủ bởi một bức màn huyền thoại. Hoàng Ðế, Nghiêu, Thuấn v.v. của Trung Quốc, nữ thần mặt trời Amaterasu của Nhật Bản, hai anh em chúa Ki của nước Kiép-Ruxơ, Lạc Long Quân - Âu Cơ (Rồng Tiên) của Việt Nam v.v. và những triều đại đầu tiên đã khoác bộ áo lịch sử như nhà Hạ, nhà Hùng, nhà Thục v.v. thì vẫn cứ nhuộm màu huyền thoại (...)

Một điều (...) cần lưu ý khi nghiên cứu thần thoại, truyền thuyết (...) là xu hướng “lịch sử hóa”, “thời sự hóa”, “địa phương hóa” thần thoại, truyền thuyết của những thế hệ sau.

Ông Gióng là một nhân vật thần thoại. Phù Ðổng Thiên Vương đánh giặc Ân thời Hùng Vương thứ 6 đã là một nhân vật bị lịch sử hóa. Thời Lý, Trần, Lê, vua quan - bên cạnh voi - thường cưỡi ngựa. Ấy thế là Phù Ðổng Thiên Vương cũng được cho cưỡi ngựa (tuy là ngựa sắt) dù rằng chưa đào đâu ra xương ngựa ở các di chỉ thời đại đồng thau Việt Nam (...)


(Trần Quốc Vượng,
Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2000)