Lê Văn Kỳ, “Cơ cấu và việc tổ chức lễ hội”




“Lễ” trong lễ hội không phải là chữ lễ của đạo Khổng, mà là một hệ thống các hành vi, động tác nhằm biểu hiện lòng tôn kính của dân làng đối với các thần linh, lực lượng siêu nhiên nói chung, với thần thành hoàng nói riêng. Ðồng thời lễ cũng phản ánh những nguyện vọng, ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống đầy rẫy những khó khăn mà bản thân họ chưa có khả năng cải tạo (…) Lễ là một hệ thống tĩnh có tính quy phạm nghiêm ngặt được cử hành tại chốn đình trung (...)

“Hội” là một sinh hoạt dân dã phóng khoáng diễn ra trên bãi, sân để dân làng cùng bình đẳng vui chơi, không bị ràng buộc bởi lễ nghi, tôn giáo, đẳng cấp, tuổi tác (...) Là một hệ thống trò chơi, trò diễn phong phú và đa dạng (…)

Có thể kể các loại trò sau đây theo đặc trưng tương đối:

- Trò chơi thượng võ (…) đấu vật, đua thuyền, đánh đu, tung cầu, hất phết, kéo co v.v.
- Trò chơi thi tài (…) thổi cơm, đồ xôi, làm bánh, dệt vải, bện thừng v.v.
- Trò chơi nghề nghiệp (…) trình nghề, cướp kén, săn cuốc, đánh cá, đốn củi, đốt pháo v.v.
- Trò chơi luyến ái (…) bắt chạch, múa mo, chen nhau, hát nõ nường v.v.
- Trò chơi giải trí (…) cờ người, tổ tôm, đáo cọc, đáo đĩa, thi thơ, ca hát v.v.
- Trò chơi chiến đấu (…) diễn trận, ném đá, múa cờ lau v.v.
- Trò chơi phong tục (…) ôm cột, chạy hồi loan, chém chữ v.v.

Trong thực tế, một trò chơi thường không mang chỉ một ý nghĩa (mà) có thể có sự đan xen, thâm nhập khá phức tạp (của) nhiều ý nghĩa, tùy theo hoàn cảnh, môi trường (…)

Hội tuy ồn ào, náo nhiệt, giẫm đạp, chen chúc, nhưng không hề hỗn độn, sa đà... Phải chăng vì trong hội có lễ (...)

Có sự kết hợp uyển chuyển giữa lễ và hội, giữa đóng và mở, giữa tĩnh và động, để tạo nên một hệ thống hành động phức hợp nhưng vẫn hài hòa (...)

Bên linh thiêng / bên trần tục
Bên cung đình / bên dân dã
Bên thờ cúng / bên vui chơi
Bên thầm lặng / bên ồn ào
Bên chức sắc / bên dân thường
Bên già / bên trẻ (…)

Quan hệ giữa lễ và hội, trong nhiều trường hợp, không đơn giản (...) Trong quá trình vận động, hai yếu tố lễ và hội đã thâm nhập vào nhau khá chặt chẽ, thiết tưởng rằng gọi là lễ cũng đúng mà gọi là hội thì cũng không sai (…) Có thể lấy đám rước làm ví dụ. Ở đấy phần nghi lễ rất nhiều mà phần tham gia biểu diễn của đám đông cũng không phải là ít. Rước bát kiệu trong hội đền Ðình Bảng (Tiên Sơn, Hà Bắc) là một đám rước khổng lồ, hoành tráng do dân hàng tổng tham gia. Có thể nói đó là một cuộc diễn hành để biểu dương sức mạnh cộng đồng. Nếu nhìn vào phía sau của đám rước ấy thì ai cũng có cảm tưởng là một ngày hội (…) Rồi những lễ đặc biệt trong hội vật võ Liễu Ðôi (...) Hội đấy, nhưng nó lại là lễ với đầy đủ nghi thức và tính trang nghiêm (...) Như vậy, có lúc, ngay trong lễ đã có hội và ngay trong hội đã có lễ.


(Lê Văn Kỳ, chương IV trong sách
Lễ hội cổ truyền (Viện Văn hóa Dân gian, nhiều tác giả), nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1992)