Tín ngưỡng phồn thực phát triển mạnh trong thời nông nghiệp, nhưng vốn đã có từ trước. Phồn thực là “nẩy nở ra nhiều”. Người đi săn phải cầu cho trong rừng có nhiều thú. Ðể động viên thú rừng sinh đẻ, mỗi năm đến giờ thiêng ta diễn một vở kịch “giao phối”. Có nơi, không phải là kịch! Sang năm mới, chưa biết số con mồi tăng giảm thế nào, chỉ biết số thợ săn tương lai chắc chắn sẽ tăng! (TT)



Lê Trung Vũ, “Tục múa gà phủ”




Xã Phú Lộc huyện Phong Châu (Vĩnh Phú) ở gần khu rừng Trám. Bìa rừng có cái gò, cạnh gò có ngôi đền nhỏ thờ Tản Viên sơn thánh và bộ hạ của ngài là thần hổ. Ngoài ra, tại đây cũng thờ cả thổ thần.

Mồng ba Tết cụ từ và chủ tế hội đám lên đền làm lễ mật khẩu tại hậu cung, lễ trình sơn thánh và bộ hạ.

Vào đêm mồng sáu, cụ từ lại cùng chủ tế lên đền rừng Trám làm lễ mở cửa rừng, cầu một năm săn bắt mới thịnh vượng. Cụ từ mang theo một đôi gà trống, mái đều đang tơ. Ði theo cụ là một tốp trai gái làng, số lượng nam nữ bằng nhau. Nam đóng khố cởi trần, mang mỗi người một cây cung và ba mũi tên. Nữ mặc váy và yếm (không có áo) đi tay không.

Tới nơi, khi thắp hương xong thì tốp trai làng đặt cung tên lên trên bàn thờ. Cụ từ và chủ tế mang đôi gà vào hậu cung cúng và lễ mật khẩu, rồi đặt cặp gà trống, mái trói sẵn ở cạnh đền. Tàn hương, trai làng nhận cung tên, lúc này đã thành vũ khí thiêng, bắn trăm phát trăm trúng. Mỗi trai làng bắn vào cặp gà. Người ta cắt tiết đôi gà, hòa trộn tiết của chúng rồi đổ xuống đất.

Cuộc múa của người thợ săn bắt đầu. Nam là những nhà thiện xạ, nữ là con mồi. Họ cùng múa bằng những động tác đơn giản mô phỏng các hoạt động săn thú, bủa lưới vây con mồi. Lúc này không ai hát mà chỉ có những tiếng hú khẽ. Nam hú trước, nữ hú đáp tiếp theo. Ðiệu quần vũ thể hiện cuộc săn lớn, tập thể, của cả cộng đồng. Chưa hết tuần hương, thanh niên nam nữ tản ra, từng đôi trai gái múa với nhau mô phỏng đôi gà trống mái vờn nhau, thỉnh thoảng nam cất tiếng hú khẽ, nữ đáp theo. Cuối cùng, từng cặp, từng cặp tìm chỗ khuất để thực hiện yêu cầu giao phối bắt buộc của nghi lễ, gọi là “gà phủ”.


(Lê Trung Vũ, “Hội làng tái hiện những sinh hoạt tiền nông nghiệp: săn bắt, đánh cá”, tức chương VI trong sách
Lễ hội cổ truyền (Viện Văn hóa Dân gian, nhiều tác giả), nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1992)