Quê hương là đồng lúa là lũy tre là bờ đê, quê hương càng là cái thứ tiếng mà người Việt một thời chỉ được nói mà không được dùng để học. Tưởng tượng Huy Cận và các bạn vừa đọc Kiều vừa rơi nước mắt. Lệ rơi không phải cho Thúy Kiều, cũng không phải cho Nguyễn Du, mà cho tiếng Việt. Nhờ các cụ khóc rồi “đứng lên đáp lời sông núi”, thế hệ kế tiếp mới được học bằng tiếng mẹ đẻ. Năm 2022 không ít học sinh Việt Nam, và cả cha mẹ các em, đang say sưa, thiết tha với một thứ tiếng khác. (Thu Tứ)



Huy Cận, “Yêu văn, yêu nước”




Cái tiếng Việt mà chúng tôi yêu một cách tha thiết, da diết (...) Tấm lòng của chúng tôi đối với tiếng Việt là tấm lòng con đối với mẹ. Tiếng Việt càng bị rẻ rúng (...) chúng tôi càng say sưa, thiết tha (...) Trong chương trình của ban học thành chung, mỗi tuần chỉ có một giờ dạy tiếng Việt (...) Chúng tôi yêu quốc văn với tấm lòng người con thương mẹ, yêu thương người mẹ đẻ bị rẻ rúng, bị xem thường. Lòng yêu quốc văn của chúng tôi lúc đó (…) là một biểu hiện của lòng yêu nước (...) Các em học sinh bây giờ học tiếng Việt trong một nước Việt Nam đã độc lập có thể không hiểu hết nỗi lòng chúng tôi yêu tiếng mẹ đẻ lúc bấy giờ như thế nào.


(Huy Cận,
Hồi ký song đôi, tập 2, nxb. Hội Nhà Văn, 2003)