Hoài Thanh nói khéo đấy. “Sợ” đây là không muốn thấy sự có mặt của một cái mà ông nhận rõ là không có ăn nhập gì với nghệ thuật. Lý thuyết giúp soi sáng vũ trụ vật chất, nhưng đem vào cái vũ trụ chỉ có tâm hồn cảm thấy được thì hoàn toàn vô dụng bởi, nói như Thái Bá Vân, nó thiếu hẳn “khả năng xa lắng diệu kỳ của nghệ thuật”. Tất nhiên cũng vậy, nếu ta đem nghệ thuật đi tìm hiểu tự nhiên thì kết quả khả dĩ duy nhất sẽ là làm cho một nhà bác học “nhát gan” nào đó cũng “sợ” như Hoài Thanh! Then chốt là dùng cho đúng chỗ. Cao Xuân Huy có lần phát biểu về mỹ cảm: “(Đó) là sự cảm thụ trực giác về sự hài hòa giữa tính nhất thể và tính đa dạng, giữa tính đồng nhất và tính dị biệt, giữa động và tĩnh, giữa sự hợp nhất và sự phân hóa (...) niềm khát khao da diết của con người vươn tới cái đẹp chính là nỗi nhớ nhung (...) không phút nào nguôi đối với sự hài hòa nguyên thủy”. Lý luận không mảy may có ích cho cảm thụ hay “khát khao (…) vươn tới”. Loài người bây giờ ngày càng say sưa lý luận, say đến nỗi vớ được cái gì là “lý” cái ấy. Vì cả hai, xin hãy hướng óc khoa học về “Luật Tự Nhiên Cuối Cùng” mà để yên cho “Sự Hài Hòa Nguyên Thủy”! (Thu Tứ)



Hoài Thanh, “Thấy lý thuyết là sợ”




Hoài Thanh (...) tự thú: “Tôi nhát gan lắm, thấy bóng lý thuyết là sợ”.


(Dẫn theo Hồ Chí Vịnh trong bài viết về Hoài Thanh in trong
99 Góc nhìn văn hiến Việt Nam (nhiều tác giả), nxb. Thông Tấn, 2006)