Theo Hà Văn Phùng, “Thành tựu lớn nhất (...) của ngành khảo cổ học, sử học Việt Nam từ (...) (1954) đến nay là đã chứng minh được (...) nguồn gốc bản địa của văn hóa Ðông Sơn”. Việc chứng minh “dựa chủ yếu vào tài liệu vật chất mà khảo cổ học đã phát hiện được (...) đó là cơ sở chắc chắn nhất”.

Trong phần trích sau đây Hà Văn Phùng cho biết ở trung du và đồng bằng Bắc bộ, trước Ðông Sơn đã có ba nền văn hóa kế tiếp nhau là Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu và Gò Mun. Phùng Nguyên còn cơ bản thuộc thời đá mới, nhưng đến Gò Mun thì đồ đồng đã trở nên phổ biến hơn hẳn đồ đá.

Rõ ràng cư dân Bắc bộ trước Ðông Sơn không phải là những người chậm tiến, lạc hậu. Mối liên hệ giữa họ và chủ nhân văn hóa Ðông Sơn sẽ được trình bày tiếp theo...
(Thu Tứ)



“Nguồn gốc văn hóa Đông Sơn” (1)

Hà Văn Phùng




Các học giả nước ngoài trước đây khi nghiên cứu về nguồn gốc văn hóa Ðông Sơn (...) do hạn chế về mặt tư liệu và cả quan điểm lịch sử đã (...) nhận định phiến diện, vội vàng (...)

Những luận điểm đó về sau đã bị phủ nhận (...) Nhiều công trình của các học giả Việt Nam và nước ngoài dựa trên những (...) tư liệu mới trong những năm gần đây đã chỉ ra rằng, nguồn gốc của nền văn hóa Ðông Sơn nổi tiếng ở Việt Nam là sự phát triển nội tại, bản địa từ chính những nền văn hóa tiền Ðông Sơn ở ngay trên mảnh đất này (…)

Thành tựu lớn nhất (...) của ngành khảo cổ học, sử học Việt Nam từ (...) (1954) đến nay là đã chứng minh được một cách chắc chắn nguồn gốc bản địa của văn hóa Ðông Sơn (...)

Văn hóa Ðông Sơn là (...) văn hóa (...) sơ kỳ sắt (...) phân bố trên toàn bộ lãnh thổ phía bắc Việt Nam (...) ảnh hưởng của nó đã lan rộng khắp vùng Ðông Nam Á (...) Văn hóa Ðông Sơn (...) đa dạng, không thể chỉ xuất phát từ một nền gốc (...)

Văn hóa Ðông Sơn theo (...) nhiều học giả (...) đã hình thành trực tiếp từ ba nền văn hóa thuộc ba vùng khác nhau (...) Ở lưu vực sông Hồng là văn hóa Gò Mun; lưu vực sông Mã là văn hóa Quỳ Chữ và lưu vực sông Cả là văn hóa Rú Trăn (...) Ba nền văn hóa nói trên nằm trong hệ thống các nền văn hóa tiền Ðông Sơn thuộc thời đại đồng thau Việt Nam.

Ðể thấy được mối liên hệ nguồn gốc giữa các văn hóa tiền Ðông Sơn và Ðông Sơn, chúng tôi dựa chủ yếu vào tài liệu vật chất mà khảo cổ học đã phát hiện được như các di tích, di vật, sự diễn biến về mặt địa tầng v.v. (...) đó là cơ sở chắc chắn nhất (...)

Do (giới hạn) khuôn khổ của một chương trong cuốn sách (...) chúng tôi không thể trình bày tất cả những gì mà các văn hóa tiền Ðông Sơn đã có để tạo nên văn hóa Ðông Sơn. Ở đây chúng tôi chỉ xin giới thiệu một cách khái quát, nêu lên những mối liên hệ nội tại (...)

A - Mối liên hệ nguồn gốc giữa các văn hóa Tiền Ðông Sơn và Ðông Sơn ở lưu vực sông Hồng

Cư dân Phùng Nguyên là một cư dân nông nghiệp, lấy trồng trọt, chăn nuôi gia súc nhỏ và săn bắt, đánh cá làm nguồn sống chính. Cây lúa nước được cư dân Phùng Nguyên coi trọng và trở thành cây lương thực chính. Công cụ dùng cho sản xuất nông nghiệp phổ biến vẫn là công cụ đá, là những chiếc rìu tứ diện nhỏ, sắc. Ðồ trang sức (...) đã đạt tới trình độ chế tác điêu luyện (...) Ðồ gốm được làm bằng bàn xoay, loại hình đa dạng, kiểu dáng cân đối, đặc biệt là nghệ thuật trang trí hoa văn đã thể hiện trình độ tư duy và khiếu thẩm mỹ rất cao. Người Phùng Nguyên đã nắm vững quy luật đối xứng trong khi thể hiện các đồ án trang trí hoa văn trên gốm (…) Những đồ án trang trí hoa văn của người Phùng Nguyên về sau đã được người Ðông Sơn kế thừa, tiếp thu một cách tinh tế (…)

Vào thời điểm này, ở đồng bằng và trung du Bắc bộ, còn có một nhóm cư dân khác sống xen kẽ với cư dân Phùng Nguyên. Ðó là nhóm cư dân Mả Ðống - Gò Con Lợn. Ðây là nhóm cư dân mang sắc thái văn hóa khác với Phùng Nguyên, được thể hiện trên đặc trưng hình dáng công cụ đồ gốm. Về công cụ sản xuất chủ yếu vẫn là công cụ đá. Song đồ đá (...) không tinh xảo như (...) (đồ đá) Phùng Nguyên. Rìu đá chủ yếu là loại có vai với các kích cỡ khác nhau. Chất liệu đá cứng và quý ít được sử dụng. Ðồ gốm thô, tỉ lệ gốm xốp cao. Xét về loại hình công cụ cũng như vị trí cư trú thì cư dân Mả Ðống - Gò Con Lợn cũng là cư dân nông nghiệp, song họ mang nhiều đặc trưng mà các văn hóa ven biển như Hạ Long, Hoa Lộc thường có. Một số nhà nghiên cứu coi nhóm cư dân Mả Ðống - Gò Con Lợn (...) (là dân) di cư từ vùng ven biển (...)

Trải qua nhiều thế kỷ, cư dân Phùng Nguyên cùng với các nhóm cư dân khác như (nhóm) Mả Ðống - Gò Con Lợn đã hòa nhập với nhau tạo nên văn hóa Ðồng Ðậu (...) ở đồng bằng và trung du Bắc bộ (...)

Người Ðồng Ðậu ở vào trình độ phát triển cao hơn so với (người) Phùng Nguyên, song địa bàn cư trú của họ vẫn ở ngay trên mảnh đất (của) cha ông họ (...)

Đồng thau lần đầu tiên được dùng vào sản xuất, săn bắt. Kỹ thuật chế tác đồ gốm cũng có bước tiến mới. Về lọai hình, kiểu dáng, người Ðồng Ðậu vẫn giữ phong cách (...) Phùng Nguyên, song về chất liệu, trang trí hoa văn, gốm (...) Ðồng Ðậu đã khác so với (...) Phùng Nguyên (...)

Văn hóa Ðồng Ðậu (...) một sự bùng nổ và một bước ngoặt trong kỹ thuật luyện kim. Người Ðồng Ðậu nắm vững kỹ thuật nấu kim loại, đổ khuôn, rèn, giũa, tạo ra nhiều loại hình công cụ hoàn chỉnh như: rìu, giáo, lao, mũi tên, lưỡi câu, búa, giũa v.v. Hình dáng một số đồ đồng giai đoạn này mang hình dáng của công cụ đá từ thời Phùng Nguyên như: rìu xòe cân, giáo, lao, tên v.v. (...)

Không còn nghi ngờ gì về nguồn gốc của văn hóa Gò Mun. Văn hóa Gò Mun đã ra đời và phát triển từ văn hóa Ðồng Ðậu (...) Chúng ta đã phát hiện được những địa điểm có tầng văn hóa kế tiếp nhau (...) Trong lớp văn hóa giáp ranh giữa Ðồng Ðậu và Gò Mun, chúng ta đã phát hiện được nhiều loại di vật, đặc biệt là gốm thể hiện tính hỗn hợp, kế thừa phản ánh bước chuyển từ văn hóa Ðồng Ðậu lên văn hóa Gò Mun (...)

Đến văn hóa Gò Mun, công cụ bằng đồng đã chiếm ưu thế tuyệt đối trong đời sống sản xuất và săn bắn. Về loại hình (...) đồ đồng (...) Gò Mun (chủ yếu) vẫn mang phong cách (...) Ðồng Ðậu (...) rìu tứ giác, rìu xéo hay rìu xòe cân, giáo hình búp đa, lao hình lá hay lao mũi nhọn, tên cánh én v.v. Song người Gò Mun đã sáng tạo ra một số loại hình mới như liềm đồng, búa cỡ lớn v.v. (...) (Họ) cũng đã làm (...) tượng người, tượng gà v.v. Lần đầu tiên (...) tác phẩm nghệ thuật được (...) sử dụng chất liệu đồng để tạo tác (...)

Văn hóa Gò Mun (...) ra đời (...) vào khoảng thế kỷ XI - X trước Công nguyên (...)


Sự phân định các giai đoạn văn hóa chủ yếu dựa trên trình độ phát triển về mặt kỹ thuật, tạo nên những đặc trưng văn hóa thể hiện trên các di tích và di vật (...)

Ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ, nhiều di tích văn hóa Ðông Sơn tồn tại với (di tích) văn hóa Gò Mun trên cùng một địa điểm (...)

Văn hóa Ðông Sơn là (...) giai đoạn cuối cùng của thời đại đồng thau, một phần đã chuyển sang sơ kỳ thời đại sắt (...) Văn hóa Ðông Sơn có nhiều loại hình (...) Loại hình Ðường Cồ (...) phân bố chủ yếu ở vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ (...) các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Tây, Hà Nội, Hà Bắc. Ðây cũng là địa bàn sinh sống của cư dân Gò Mun trước đó (...) Loại hình văn hóa Ðường Cồ được hình thành và phát triển trực tiếp từ văn hóa Gò Mun (...)

Ðể thấy được mối liên hệ trực tiếp giữa hai nền văn hóa Gò Mun và Ðông Sơn, chúng ta không thể không đề cập đến một số di tích tiêu biểu.


(Hà Văn Phùng, “Nguồn gốc văn hóa Ðông Sơn”, chương VI của
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994)