“Xách làn (…) lẽo đẽo”, giá phải ngày thường thì... lạy mợ cho tôi ở nhà, nhưng đây lại là chợ Tết. Phải đi để xem... thơ Ðoàn Văn Cừ. Ngày ấy Hà Nội còn nhiều nét quê. Mơ màng chợ trong thơ xong, “người chồng” mới ngắm kỹ cái chợ thật quanh mình: này ông, này ông, này ông, này bà..., và ô kìa, “hai chị em”. Lạ chưa, chị em người ta chỉ ngồi bán chiếu cạp điều, cớ sao người ấy “lại thấy như có hoa nở ở chung quanh”, lại muốn “mua luôn đem về vì ngộ quá, y như thể một cặp búp-bê Nhật Bản”?! Ấy, chớ ai phải ngại. “Mình” chỉ trông hoa biết nói “mà nghĩ một cách tội lỗi thế thôi, và chỉ tán láo tán lếu tí ti thôi, chớ đâu dám đi sâu quá...”. Hễ “quá” thì phải buông làn xuống, thôi lẽo đẽo, khó lắm, “búp-bê” ơi. (Thu Tứ)



“Tháng chạp, nhớ ơi chợ Tết”

Vũ Bằng




Chẳng lẽ em của anh yêu tết, thích tết, ham sắm tết và trưng bày ngày tết, anh yêu lại ngăn cấm em sao?

*

Nghe vợ nói như thế, người chồng ớ người ra, không còn biết nói năng sao. Ờ thôi, em muốn làm gì mặc, nhưng có mệt mỏi, đừng than phiền đấy! Nhưng cùng lúc nói câu ấy, người chồng thấy vợ đột nhiên đẹp trội hẳn lên, y như thể một thiên thần. Nghĩ cũng kì: ăn thì khểnh, ngủ thì ít, mà làm sao trong những ngày gần tết, vợ mình lại nhanh nhẹn hơn, đôi mắt sáng hơn mà má cũng hồng hơn? Người chồng cảm thấy rõ rệt như thế; hơn nữa, trong những buổi theo vợ đi chợ Mơ, chợ Bằng, chợ Ô Cầu Dền, chợ Đồng Xuân, chợ Đần, chợ Ngăm, chợ Ðệp… đông quá, chen chân không được mà sao vợ mình cứ đi dẻo quẹo, không tỏ vẻ gì mệt mỏi, dừng chỗ này mua một thứ, rẽ ra dãy kia mua thứ khác, ôm đồm trăm thứ mà vẫn cứ tươi như thường.

Đất thì lầy lội, người thì đông, chen chúc xô đẩy ồn ào, mình mệt muốn đứt hơi, đứt ruột mà cứ phải đi theo xách làn mây lẽo đẽo, lắm lúc muốn thở hắt ra đi về; nhưng nghĩ thế mà thôi, chớ chợ tết có một sức hấp dẫn hết sức kì lạ, muốn về nhưng lại cứ muốn đi, đi để xem thiên hạ mua bán, đi để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, đi để xem… chợ tết.

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc,
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đâu.
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau,
Sương trắng đổ đầu cành như giọt sữa;
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh;
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh,
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ,
Để lắng nghe người khách nói bô bô,
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán.
Mấy thầy khoá gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân;
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng lẩm nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ;
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cỏ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu;
Áo cụ lý bị người chen sau kéo,
Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra.
Lũ trẻ con mãi ngắm bức tranh gà,
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi.
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi,
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.
Những mẹt cam đỏ chói tựa son pha,
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết.
Con gà trống mào thâm như cục tiết,
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem…
Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm…


Không nhớ nhà thơ nào đã tả chợ tết như thế nhỉ! Mệt quá, anh ta cũng chẳng buồn nghĩ xem là ai nữa, thì vừa lúc ấy vợ lại từ dãy hàng hoa quả xách một cặp gà sống thiến bảo mình ngồi canh để còn đi mua thêm mấy chục cam sành nữa rồi về.

Ngồi trên cái ghế dài thấp lè tè, làm một khói thuốc hãm với nước trà tươi nóng, người chồng lại lim dim con mắt nhìn qua làn khói thì thấy người lố nhố đi lại y như trong một bức phim màu vậy. Cái yếm sồi của cô gái quê khéo đa tình lại đeo một lá bùa vàng; chiếc quần là ống sớ của chàng trai chống chiếc gậy tre làm nổi bật cái áo tam giang của cô gái bán dừa; ông thầy bói chít khăn nhiễu nước dưa có nhìn thấy quái gì đâu mà sao cứ nghển nghển trông vào những bức câu đối đỏ của ông đồ bán chữ? Đây là tiếng ới, đó nọ câu cười; mấy ông lái trâu nói thứ tiếng gì mà nghe như tiếng xạ phang, còn các bà bán cây sao hôm nay ăn trầu tươi thế? Nhưng tất cả… tất cả đều thua hai chị em cô hàng bán chiếu cạp điều cười đã xinh, ăn nói lại tình, ô hay, sao chiếu chất cao gần nóc chợ mà mình lại thấy như có hoa nở ở chung quanh?

Thì ra chợ tết có một sức hấp dẫn kì lạ thật: nhìn vào cái gì mình cũng thấy đẹp, trông người nào mình cũng thấy tươi, thấy cái gì mình cũng muốn mua. Cái ống bương cắt chéo góc, ngày thường ai mà thèm để ý, ấy thế mà mình cũng muốn mua để về trồng mấy giò lan “đồng tiền”; cái chút chít bằng đất ra cái chết gì, ấy thế mà mình cũng muốn mua cho trẻ vì bây giờ ở phố phường không có bán; mà cả đến hai chị em cô bán chiếu nọ mình cũng muốn mua luôn đem về vì ngộ quá, y như thể một cặp búp bê Nhật Bản. Nhưng mà nghĩ một cách tội lỗi thế thôi, và chỉ tán láo tán lếu tí ti thôi, chớ đâu dám đi sâu quá…


(Trong
Thương nhớ mười hai)