Nhạc diễn cảm xúc. Diễn thế nào là tùy cảm xúc thế nào. Cảm xúc vô số loại. Vậy nhạc cũng phải vô số loại. Bảo nhạc mau hay hơn nhạc chậm, tức bảo cảm xúc cũng có hơn kém! Mau không hay hơn chậm, mà đại hợp tấu hàng trăm thứ nhạc cụ cũng không hề hay hơn độc tấu đúng một nhạc cụ: những cảm xúc của người Việt xưa diễn lên bằng một cây đàn bầu hay đàn tranh thì chắc chắn hay hơn bằng một trăm cây đàn bầu hay đàn tranh! Ấy thế mà có những người Việt đang hì hục xây thứ dàn nhạc giao hưởng trăm bầu, trăm tranh. Có cả những người vất luôn bầu với tranh đi mà rước cả đống vĩ cầm về để tấu bài Cò Lả! Rõ chán mớ đời. (Thu Tứ)



Trần Văn Khê, “Ðâu phải mau là hay”




Vừa trở về Pháp, tôi phải lên đường sang Liên Xô tham dự Diễn đàn Âm nhạc châu Á (...) tổ chức tại Alma Ata, thủ đô nước (...) Kazakhstan (...)

(...) Ðặc biệt nhứt của vùng này là cây đờn dombra truyền thống, có thùng hình bầu dục, cần rất dài, phím không phải bằng tre hay kim loại mà bằng gân con trừu, có thể xê dịch được thành những quãng không cố định, hoặc thấp hơn hoặc cao hơn các quãng thông thường một chút, nhờ vậy màu sắc thang âm hết sức phong phú. Tôi đã được nghe tiếng đờn dombra trong một dĩa hát nên khi qua Kazakhstan tôi háo hức chờ nghe (...) Nhưng khi quan sát cây đờn tôi bất ngờ thấy nó đã bị chỉnh lại, phím gân trước kia xê dịch được (...) nay bị cột chặt lại. Tôi rất thất vọng bởi giờ đây khi đánh lên âm thanh nghe như tiếng đờn mandoline, với thang âm bình quân như đờn piano chứ không còn đầy màu sắc như ngày trước.

Trong hội nghị này đoàn Kazakhstan giới thiệu chương trình đại qui mô với dàn nhạc dân tộc gồm hàng trăm cây đờn dombra (...)

(...)

- Dàn nhạc có cả trăm cây đờn, nếu để như cũ thì mỗi đờn âm thanh mỗi khác sẽ không hòa được với nhau.

- Tại sao phải cần đến cả trăm cây (...) Các anh sửa (...) như vậy có hơn được cái cũ không?

- Có chớ, có điểm hay hơn là đờn hòa với nhau không lạc giọng, lại có cái lợi là khi đờn thiệt mau không bị lạc phím.

- Tuy hòa đờn không bị lạc phím nhưng lại thành đơn điệu. Thang âm của nhạc dân tộc Kazakh rất độc đáo, muốn đờn mau như thang âm bình quân của piano thì không còn bản sắc dân tộc nữa. Ðối với nghệ thuật không nên chú trọng tới chuyện nhanh hay chậm mà quan trọng là có đi vào lòng người hay không. Âm nhạc là tiếng nói. Ðâu phải nói mau là hay.


(
Hồi ký Trần Văn Khê, nxb. Trẻ, 2001 (5 quyển), q. 2, tr. 226-232. Nhan đề phần trích tạm đặt.)