Xuân của Tản Ðà cũng không mùa y như xuân của Xuân Diệu. Ðể “cảm” xuân, Tản Ðà đòi ít món hơn cả Xuân Diệu. Bậc tiền bối không cần “một ít nắng”, “vài ba sương” hay “năm bảy sắc yêu yêu” gì hết (1), chỉ cần... cuốc lủi. Hễ có rượu thì sẽ có thơ: “Rượu say, thơ lại khơi nguồn”. Nguồn khơi rồi, thơ chảy ro ro, đến phiên thơ giúp tăng tửu hứng: “Nên thơ, rượu cũng thêm ngon giọng tình”(2). Ngon giọng, mềm môi, cứ thế tì tì nốc mãi. Người khác, rượu vào bất quá lời ra. Còn như “sông Ðà núi Tản”, rượu vào lại thấy thơ ra, xuân ra!

Say như Tản Ðà, Lý Bạch dĩ nhiên đâu phải do buồn vớ vẩn. Nó gốc ở cái sầu mênh mông trước sự vô nghĩa của kiếp người. Ðời nhạt lắm, không gia tí men làm sao sống nổi, mà có sống nổi không men, cũng chỉ “sống như thừa”!
(Thu Tứ)

(1) Xem bài “Xuân không mùa” của XD.
(2) Xem bài “Thơ rượu” của TÐ.




“Ngày xuân thơ rượu”

Tản Đà




Trời đất sinh ta rượu với thơ,
Không thơ không rượu sống như thừa.
Công danh hai chữ mùi men nhạt,
Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ.
Mạch nước sông Ðà tim róc rách,
Ngàn mây non Tản mắt lơ mơ.
Còn thơ còn rượu còn xuân mãi,
Còn mãi xuân còn rượu với thơ.