Xưa kia ở Tàu và ở châu Âu, cầm quyền là làm chủ. Ở ta, cầm quyền chỉ là cầm quyền. Về khái niệm nước, ta đã đi trước Tàu, Tây!

Nếu nước do một dòng họ làm chủ, khi dòng họ ấy hết làm chủ thì nước mất. Nếu nước do toàn dân cùng làm chủ, thì chỉ khi nào chủ là người ngoài, nước mới mất.
(Thu Tứ)



Phan Ngọc, “Khái niệm nước của ta khác...”




Khái niệm trung tâm của tâm thức Việt Nam là khái niệm nước (...) (Nó) không giống (...) của Trung Quốc (...) của châu Âu (…)

(Đối với người Việt), đất nước là do dân tộc giành lấy từ biển cả (...) là của dân, không phải của vua (…) Vua (…) thay mặt dân cai quản đất nước (chứ) không sở hữu đất nước (…) Ở Việt Nam tên nước (...) độc lập với tên triều đại (…)

(Đối với người Tàu), đất nước chỉ là vật sở hữu của một dòng họ (…) Không phải ngẫu nhiên mà các tên nước của Trung Hoa trước đây (là) (…) Hán, Ðường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh (...) Dòng họ (...) đồng nhất với nước (…) Không phải ngẫu nhiên mà Hàn Phi nói: “Người ta nói nước Tề mất không phải là vì đất đai, thành quách của nó bị mất, mà vì họ Lữ không cầm quyền (nữa) (…) Sở dĩ người ta gọi nước Tấn mất, cũng không phải vì đất đai của nó đã mất, mà vì họ Cơ không cầm quyền (nữa)”.


(Phan Ngọc,
Bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 1998. Nhan đề tạm đặt.)