Võ Phiến nhận xét: “Mặc dù Hoàng Ngọc Tuấn không gieo vần, hầu hết các tác phẩm của ông đều có hoặc ít nhiều hoặc rất nhiều tính chất thơ (...) Từ tác phẩm này đến tác phẩm khác - những tác phẩm “hình như là tiểu thuyết” - Hoàng Ngọc Tuấn mải mê làm thơ về hai đề tài: Tình Yêu và Thiên Nhiên”.

Cõi thơ HNT hai đề tài chính, nhưng không phải mỗi bài thơ một đề, mà thường mỗi bài thơ đều có đủ hai đề: Thiên Nhiên quấn quít với Tình Yêu, Thiên Nhiên là “nhà” của Tình Yêu. Hai đề tài thường ở trong cùng một bài “văn thơ”. Hai đề tài có khi ở trong cùng một đoạn “văn thơ”:
“Thấp thoáng ở đàng trước mặt hay bên cạnh chúng tôi, những thân cây và dãy núi khi ẩn khi hiện, một giây lát trông thật rõ ràng rồi một giây lát nữa bỗng biến mất trong vùng sương trắng xám. Tôi không thể nắm lớp sương trong tay, không thể sờ nhẹ lên chúng nhưng màn sương như một tấm áo mềm vô hình bao bọc chung quanh. Thùy thả bàn tay tôi ra, cô bé khẽ nhẹ nhàng lách sang một bên và bỗng dưng tan biến đi đâu mất. Tôi đứng một mình giữa rừng cây. Trước tôi chừng hai thước, mái tóc đen của Thùy chợt hiện ra, thân hình của cô bé chìm mất gần hết trong đám sương bồng bềnh như khói. Khi cô bé biến mất trở lại, tôi nghe mơ hồ tiếng cười tinh nghịch của nó văng vẳng như hồi chuông. Thùy trở nên một ảnh tượng mơ hồ không thực, mảnh mai và dễ tan biến như một hạt bong bóng nước”. Lời giản dị mà vẽ nên cảnh đẹp. (Thu Tứ)



Hoàng Ngọc Tuấn, “Mùa xuân cuối cùng” (1)




Ðồn điền cao su của ông bà Trân ở cách thị trấn Ban Mê Thuột khoảng mười cây số, gần phi trường Phụng Dực. Khi máy bay sà thấp sửa soạn xuống phi đạo, tôi nhìn thấy đồn điền ở xa xa, hàng cây cao su trồng thẳng tắp với nhau, từ trên cao nhìn xuống những chóp lá trông như những cây nấm.

Từ một nơi nắng cháy người như Sài Gòn, chỉ trong hai giờ bay ngắn ngủi là đến Ban Mê Thuột, đột ngột như rơi vào một ngọn núi tuyết, lạnh ngắt, không khí trong trắng mát rượi ùa vào cơ thể, chung quanh mình chỉ toàn màu xám xanh trùng điệp của núi rừng. Nụ cười thật xinh của cô tiếp viên hàng không mặc áo xanh bỏ dần sau lưng. Từ trên bực thang bước ra khỏi chiếc máy bay bốn động cơ đã tắt máy, tôi nhận ra Thùy rất dễ dàng. Cô bé dầu đã lớn nhanh và cao lêu nghêu như cây sào, nhưng khuôn mặt hồng hào đang tươi tắn với nụ cười vẫn không thay đổi. Quần jean xanh, áo len cao cổ màu đen rộng phùng phình và tóc rơi lòa xòa ít sợi trước ngực, cả mái tóc thả tung bay phía sau vì những ngọn gió miền núi. Cô bé vẫn ồn ào như con chim két, nó chạy sà xuống nắm cả hai bàn tay tôi, vừa nói vừa cười ầm ĩ, nhưng tôi không nghe gì hết vì tiếng loa từ phòng khách đang phát ra những tiếng nói rè rè loan báo chuyến bay từ Sài Gòn vừa đến Ban Mê Thuột, và mời hành khách đi Huế sửa soạn lên phi cơ. Thùy lôi tôi chạy nhanh theo nó vào phòng khách phi cảng.

- Chạy mau vào trong này, anh. Nhìn anh run lập cập trông buồn cười lắm, lạnh ghê hả? Coi chừng anh bị cảm thì Tết này có gì vui nữa.

Tôi định nói vài lời hỏi thăm Thùy và ba má của Thùy là ông bà Trân, nhưng cô bé gạt phăng đi, nó giật lấy chiếc xắc tay trên tay tôi, rồi một tay nắm chặt lấy cổ tay của tôi, hai chân nó thoăn thoắt như một con thỏ.

- Về nhà rồi nói chuyện, anh. Vô đây, em kêu cho anh một ly cà-phê uống cho ấm bụng đã.

Ðến khi đã ngồi vào chiếc ghế bành êm ái, trong căn phòng ấm hơi người và đông đảo hành khách qua lại trò chuyện nhốn nháo, tôi mới có dịp quan sát Thùy. Nhưng cô bé đã không cho tôi ngồi nhìn, nó cầm tách cà-phê đen bốc khói ấn vào tay tôi. Ban Mê Thuột là một miền cao nguyên đầy dẫy những đồn điền cà-phê, tách cà-phê đậm đặc màu đen lóng lánh như hạt nhãn, có lẽ được pha bằng thứ cà-phê thượng hạng. Tôi mường tượng như thấy những trái cà-phê chín vừa hái trên cây, xay nhỏ thành bột mịn và giờ đây cho tôi một tách cà-phê nóng hổi thơm ngát mùi hương hoang dã của núi rừng.

- Tuyệt ngon.

Thùy cười hớn hở, nó uống một chai cam vàng, nhưng nuốt nước miếng có vẻ ngon lành nhìn tôi hớp từng chút cà-phê. Cô bé thích thú khoe khoang.

- Chốc nữa về nhà anh mới thấy cà-phê bán ở đây chưa ngon tuyệt đâu, ở nhà em còn cho anh uống thứ cà-phê ngon ác liệt hơn nữa.

- Cà-phê ở đây cũng ngon lắm rồi, so với thứ cà-phê “bít-tất” của Ba Tàu anh hay uống ở Sài Gòn.

Một lát sau, chúng tôi đứng dậy. Thùy cầm chiếc xắc tay của tôi, nó hỏi tại sao nhẹ quá, tôi nói không đem gì nhiều theo, chỉ hai bộ áo quần, một chiếc áo len cũ mua ở Khu Dân Sinh và một cái bàn chải đánh răng. Tôi chỉ sửa soạn được chừng ấy thứ và chạy vôi vàng đến hãng Hàng Không Việt Nam ở Sài Gòn, chen lấn toát mồ hôi để mua một vé máy bay đi Ban Mê Thuột vào ngày hai tám Tết.

- Anh có nhận được thư của em không?

- Có chứ. Anh như bắt được vàng. Anh tưởng Tết năm nay anh đi chơi lang thang với một lũ bạn cũng xa nhà như mình ở Sài Gòn thì buồn quá. May mà ba má em rủ anh lên đây ăn Tết, ở đây chắc vui lắm, anh cũng mê phong cảnh ở cái đồn điền cao-su này nữa.

- Lâu rồi anh không lên Ban Mê Thuột phải không?

Tôi gật đầu, cái thị trấn nhỏ nhoi thật dễ yêu nầy bỗng dưng hiện ra rất rõ trước mắt tôi. Ngày xưa, tôi đã sống được một thời nhỏ vui tươi nhất ở đây, một khoảng thời gian tuyệt đẹp nhưng ngắn ngủi.

- Lâu rồi, từ khi ba anh mất...

Thùy nắm chặt lấy bàn tay tôi.

- Em xin lỗi, đừng nhớ chuyện đó nữa.

- Ừ. Thôi đừng nhớ.

Tôi khoác tay lên vai Thùy, cánh tay nhỏ nhắn của cô bé thật ấm trong vòng tay tôi. Chúng tôi rời xa dần sân phi cảng, đi bộ chậm rãi trên con đường quốc lô dài hun hút. Hai bên đường là hàng cây cao-su trồng đều đặn, song song với nhau và có những cây ở xa nhất chỉ trông thấy được lờ mờ, không biết nó được trồng trong một góc rừng sâu nào đó.

Tôi mở xách tay tìm chiếc áo len mặc vào người và châm một điếu thuốc lá. Da thịt tôi lạnh cóng, khói thuốc chạy một luồng ấm áp như nắng mặt trời tràn vào thân thể. Thùy nói:

- Mình đi bộ khoảng một trăm mét, rồi rẽ sang tay trái một quãng là đến nhà rồi. Anh còn nhớ đường không?

- Nhớ chứ, rẽ sang tay trái, đi qua một đám cây cỏ dại gì đó rồi đến tấm bảng gỗ đóng trên một thân cây cao su to tướng, tấm bảng viết nguệch ngoạc mấy chữ sơn màu nâu “Ðồn Ðiền Y Nol”... phải không?

Thùy nắm lấy cánh tay tôi, cô bé nói với giọng sung sướng.

- Anh nhớ rõ lắm. Tấm bảng đó hồi trước anh vẽ chứ gì, em còn nhớ ba chê anh viết chữ tháu như mèo. Mấy người bạn của ba nói ba nên treo một tấm bảng khác, thuê thợ vẽ sơn đàng hoàng, nhưng đến giờ ba vẫn còn treo tấm bảng viết như... mèo của anh đó.

Tôi cười, lòng nôn nao theo từng bước chân. Lát nữa tôi sẽ vào đồn điền Y Nol và nhớ lại nhiều kỷ niệm thuở nhỏ. Những ngày xuân của tôi sắp tới sẽ ở trong đó. Năm nay tôi đi tìm một chút không khí gia đình trên miền cao nguyên xa, trong nhà ông bà Trân và bên cạnh Thùy.

Mùa Xuân trong mái ấm gia đình là một thế giới thần thánh mà tôi đã đánh mất từ lâu. Vì thế mỗi khi xuân về, tôi đau xót như một con sói rừng cô độc.

*

Ông Trân di cư từ Bắc vào Nam sau ngày hiệp định Genève ra đời. Hồi đó ông là một thanh niên gần ba mươi tuổi, lên Ban Mê Thuột lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Nhờ tánh tháo vát, chăm chỉ và có một lối xử thế làm hài lòng nhiều người, ông Trân được một tay chủ đồn điền người Pháp thu dụng làm thư ký trong đồn điền. Dần dần ông chiếm được cảm tình của chủ nhân. Ít lâu ông Trân trở thành quản lý đồn điền, được người chủ hoàn toàn tin cậy, giao phó hết mọi công chuyện. Rồi lão chủ nhân người Pháp từ giã Việt Nam, trở về nước với một sản nghiệp vĩ đại bằng tiền mặt, sau khi bán hết dãy nhà buôn của lão ở thành phố Ban Mê Thuột. Ðồn điền cao-su của lão cũng bán đi hai phần ba. Còn một khoảng đất nhỏ trồng toàn cây cao-su non, phải đợi năm bảy năm sau mới lấy mủ được, lão chủ biếu không cho ông Trân gọi là để thưởng công mấy năm làm việc đắc lực cho lão. Ðồn điền Michel từ đó đổi chủ, mang một tên mới là Y Nol, tên đứa con trai nuôi người Thượng của ông Trân đã chết lúc lên năm.

Sở dĩ tôi biết rõ về ông Trân vì ông là một người bạn tốt, thân thiết nhứt của cha tôi. Hai người đã từng cộng tác với nhau trong vài cuộc kinh doanh, nhưng chẳng may đều bị thất bại. Từ khi ông Trân làm chủ đồn điền Y Nol, cha tôi thường dẫn tôi đến đồn điền nghỉ ngơi thỏa thích. Có khi vài ba ngày, có khi kéo dài suốt tuần lễ. Và những ngày đó thú vị. Trong khi cha tôi suốt ngày bàn bạc đủ mọi thứ chuyện với ông Trân, tôi cùng dạo chơi khắp đồn điền với Thùy, cô con gái của ông Trân mới mười hai tuổi, thuở đó tôi là một cậu học sinh trung học, mười tám tuổi đầu nhưng không được lớn xác cho mấy. Cứ sau bữa cơm tối, cha tôi và ông Trân khề khà ngồi nhậu thật dai trong phòng khách, cụng ly nhậu nhẹt với nhau cho đến khuya, tôi và Thùy rủ nhau ra khoảng xi-măng trước mái hiên nhà, nhờ một đèn vàng treo trên cao chúng tôi chơi cờ ca-rô, lô-tô, đô-mi-nô với nhau. Thùy là một cô bé dễ thương hoàn toàn. Nó không thích đến trường học, chỉ thích quanh năm suốt tháng rong chơi trong đồn điền, dẫn theo một chú chó đi lên rừng lên rẫy làm quen với mấy người đàn bà Thượng. Cô bé cũng bận tâm với chuồng gà của nó hơn bất cứ thứ gì trên đời, thêm với một hộp giấy nhốt đầy những chú dế lửa đá nhau rất ác liệt, và một vườn bắp sau nhà mà chính tay nó đã gieo hột, vun xới chăm nom cho đến ngày kết trái.

Nếu không có gì thay đổi thì cho đến bây giờ và có lẽ suốt đời, tôi vẫn chôn chân mãi ở Ban Mê Thuột, tôi rất yêu thành phố này. Những ngày vui của đời học sinh và một cô bạn nhỏ rừng xanh. Thuở đó tôi thật không ao ước gì ngoài những điều tôi có. Nhưng một đêm kia, chiếc xe jeep do cha tôi cầm lái đã đâm đầu vào một tảng đá bên sườn núi, ở giữa ngọn đèo nằm trên quốc lộ 21 đi từ Ban Mê Thuột đến Ninh Hòa. Ngọn đèo ấy không có gì nguy hiểm, cha tôi là một tay lái vững, không bao giờ uống rượu khi lái xe. Thế mà tai nạn đã xảy ra. Ông Trân đến báo cho tôi biết khi tôi ngồi trong lớp học. Cha tôi chết cháy cùng với chiếc xe, lúc ấy đêm khuya đường vắng, mãi đến gần sáng người ta mới khám phá ra tai nạn.

Tôi mất mẹ đã lâu, nay thêm cái chết đột ngột của cha tôi, dĩ nhiên trở thành môt kẻ mồ côi cha mẹ. Một kẻ mồ côi vào năm 18 tuổi, nếu là con gái có lẽ đã đi làm gái điếm, còn trai thì trở thành một thằng đi lang thang.

Tôi trở thành một thằng đi lang thang. Bỏ thành phố Ban Mê Thuột, bỏ đồn điền Y Nol, bỏ lời khẩn khoản mời ở lại của ông Trân, và nhất là bỏ cái hình ảnh rạng rỡ những tiếng cười đùa của Thùy. Tôi xuống Sài Gòn, ở tạm nhà người bà con vài tuần lễ, rồi vất vưởng từ phòng trọ này sang phòng trọ khác, từ nhà người bạn này sang nhà người bạn khác...

Ông Trân đứng đợi trên thềm nhà khi tôi và Thùy về đến. Ông mừng rỡ la lên. Lúc thấy tôi con chó berger trông thật dữ tợn chạy theo ông sủa vang ầm ĩ. Năm nay ông Trân đã trên bốn mươi lăm tuổi rồi nhưng trông vẫn còn khoẻ mạnh, rắn chắc như một thanh niên. Mái tóc có một ít sợi bạc lấm tấm, chiếc áo len màu xám, chiếc quần nỉ màu nâu may bằng một thứ vải đắt tiền và đôi giày trắng làm dáng dấp ông thật trẻ trung. Trên miệng ngậm một ống vố hiệu Chacom và mùi thơm của khói thuốc “79” bay ngào ngạt trong không khí. Ông Trân ôm choàng lấy tôi rồi nắm chặt lấy vai tôi, ông lặng lẽ quan sát tôi chăm bẳm, ánh mắt ông có vẻ gì thật thân yêu làm tôi cảm động.

- Trời ơi cháu mau lớn quá, trông khác hẳn đi. Nếu con Thùy không dẫn cháu về thì tôi đã không nhìn ra.

Tôi quay sang Thùy, cô bé có lẽ đang thích thú nhìn cái cảnh gặp gỡ thật ngộ nghĩnh giữa một ông già và một người trẻ tuổi.

- Hơn bốn năm rồi mà bác, chỉ có bác là không thay đổi, càng ngày lại càng trẻ ra. Thùy nó lớn nhanh như thổi đấy bác.

Ông Trân xoa đầu con gái.

- Ừ Tết này nó được mười sáu tuổi rồi, thế mà vẫn còn nghịch như con nít.

Thùy bĩu môi trêu tôi rồi nó cầm lấy chiếc xắc tay của tôi chạy biến vào trong nhà. Ông Trân ân cần hỏi han về chuyến đi của tôi và về những ngày tôi sống ở Sài Gòn, ông vẫn trách tôi không chịu lên đây ở với ông. Ông nhắc lại tình bạn giữa ông và cha tôi và nói rằng ông đủ sức nuôi nấng cho tôi đến ngày tôi ăn học thành tài. Thật đã quá lâu rồi tôi mới nghe được những lời nói chân tình như thế. Trời cao nguyên lạnh nhưng cảnh đón tiếp của ông Trân làm tôi ấm lòng như vừa uống một cốc rượu quý. Ông Trân dẫn tôi vào nhà.

- Tôi đã dọn sẵn một phòng dành riêng cho cháu. Con Thùy ngày nào nó cũng ra phi trường đón cháu. Tôi tưởng cháu ham vui với bạn bè không lên đây được thì Tết năm nay chúng tôi buồn chết.

- Bác gái đâu rồi bác?

- Chỉ tiếc là nhà tôi năm nay kẹt một vài công chuyện làm ăn ở dưới Sài Gòn. Nhưng không sao, Xuân năm nay, tôi, con Thùy và cháu, ba đứa tụi mình tha hồ ăn cái Tết tưng bừng nhất. Bốn năm rồi, từ khi cháu đi Sài Gòn, chưa có cái Tết nào làm con Thùy quên cháu, nó nhắc cháu mãi.

Tôi lặng yên, bồi hồi nhìn ngôi nhà quen thuộc, nơi tôi đã sống một thời kỳ tươi đẹp, một thời tưởng rằng mùa xuân sẽ đến với mình vĩnh cửu. Ngôi nhà làm bằng những thân cây cổ thụ đen bóng có nhiều đường vân, ngôi nhà trông có vẻ mảnh mai nhưng thật ra đứng vững chải từ biết bao năm tháng. Một kiến trúc sư người Pháp đã coi sóc việc xây cất ngôi nhà này từ hồi đồn điền còn mang cái tên Michel. Tôi còn in trong trí não tầng gác trên, sàn nhà bóng loáng như tảng băng, bộ bàn ghế mây đặt trên bao lơn, trên bàn mấy chai rượu Martel ba sao, cha tôi và ông Trân ngồi đu đưa trên ghế, mỗi người một chiếc cốc thủy tinh lóng lánh rượu vang. Hồi trước tôi vẫn khoái nhìn cha tôi mỗi khi ông nhậu nhẹt, mặt ông tái xanh lấm tấm mồ hôi trông thật buồn cười và ông nói chuyện to tướng gần như la hét.

Tôi được ông Trân đưa vào một căn phòng nhỏ trên gác, có cánh cửa sổ nhìn ra rừng cây. Thùy đang ngồi trên một chiếc ghế mây, cô bé lục tung quần áo của tôi trong chiếc xắc tay rồi làm ra vẻ hờn giận.

- Anh không đem gì cho em cả, ở Sài Gòn có thiếu khối gì đồ đẹp.

Ông Trân mắng yêu cô gái rồi la lên khi thấy mấy bộ áo quần của tôi.

- Trời ơi, cháu chỉ đem chừng ấy thôi sao, mấy cậu con trai bây giờ thật lười biếng. Thôi được rồi, cháu tha hồ chọn quần áo của tôi để dưới nhà, toàn là thứ mới may mà tôi chưa có dịp nào mặc hết.

Tôi định nói với ông Trân là không phải tôi làm biếng nhưng quả thật vặt vãnh mấy bộ quần áo đó. Nhưng tôi im lặng. Căn phòng nhỏ nhắn, ấm cúng thật thích hợp với tôi. Tấm lịch tài tử màn bạc treo trên tường, bên cạnh bức hình chụp tòa lâu đài cổ nước Ðức màu sắc tuyệt mỹ, có lẽ cắt từ một tờ báo ngoại quốc. Một chiếc giường nệm mới trong thấy đã muốn lăn ra làm một giấc say sưa. Thùy có vẻ đang thích chí nhìn bộ mặt ngớ ngẩn của tôi, cô bé nói:

- Em phải nhường phòng của em cho anh đó.

Tôi mỉm cười nhìn cô bé, nó không còn là trẻ con nữa nhưng dầu sao tôi vẫn nhìn thấy nó dưới một hình bóng nhỏ dại vô cùng. Ông Trân vỗ vai tôi.

- Cháu xuống nhà tắm nước nóng cho khoẻ, nghỉ ngơi một lát rồi dùng cơm tối. Trời cũng bắt đầu chiều rồi.

Ông Trân bắt tay tôi rồi trở xuống dưới sau khi nói đùa với Thùy và tôi.

- Tết này, cho cháu “trưng dụng” con Thùy, cháu cần gì cứ “sai bảo” nó làm cho.

- Tuân lệnh ba. Nhưng ông Xếp mới của con trông hiền quá, con chẳng sợ đâu.

Tôi khoan khoái nằm dài ra giường, hai tay vòng sau gáy, tôi nhìn qua cánh cửa sổ. Hình như trời đang mưa nhẹ, ngày mùa Xuân trời sớm u tối buồn hơn thường lệ, rừng cây đang xanh bỗng dần dần chìm trong một màu xám tro trông thật buồn bã. Tôi trùm chăn lại che kín người, chỉ có chiếc đầu thò ra ngoài, thân thể tôi co ro trong chăn như một con sâu cuốn chiếu.

Thùy đứng bên cạnh, khuôn mặt cô bé lo lắng.

- Chết cha. Không khéo anh bị cảm lạnh, rồi sốt rét cho mà xem. Ráng đừng bệnh đi anh, để Tết này em dẫn anh đi chơi khắp đồn điền, em cho anh xem khu vườn em mới trồng đủ trái cây.

- Yên trí. Anh không bệnh tật gì đâu, nhưng anh buồn ngủ quá. Lâu rồi không được vừa nhìn trời mưa ngoài cửa sổ vừa ngủ. Lạnh quá, ngủ lúc này là tuyệt... thật tuyệt.

Mắt tôi dần dần nhắm lại. Tôi mơ màng nhìn thấy hình bóng Thùy mỗi lúc mỗi mờ nhạt, chao động như lớp sóng biển. Hình như Thùy nói nhỏ bên tai tôi là nó sẽ xuống nhà pha cho tôi một tách cà-phê đậm như đã hứa. Hình như cô bé hỏi tôi hút thuốc lá gì để nó nhờ người giúp việc đi xuống phố mua. Hình như nó bảo cứ ngủ ngon đi, chốc nữa đến giờ cơm sẽ thức tôi dậy, tối hôm nay có thịt heo rừng nướng thơm ghê lắm và có cả rượu chát thứ ngon nhất sẽ dành cho tôi trong bữa ăn. Hình như... Tôi không còn nghe rõ hết.

Tôi thiếp đi trong giấc ngủ vắng lặng bình an mà lâu nay không hề tìm thấy. Tất cả, tất cả đều hứa hẹn những ngày xuân tràn đầy diễm ảo sắp đến với tôi. Tất cả đều tươi đẹp quá làm tôi bỗng muốn kh6c vì quá đỗi xót xa. Tại sao tôi phải tìm kiếm mùa xuân nơi gia đình của người khác. Tại sao tôi chỉ tìm được một chút hạnh phúc trong nỗi hạnh phúc lớn lao của người khác.

Phải chăng mùa Xuân trong tôi đã chết.

*

Sáng mồng một Tết, phong pháo dài loằng ngoằng treo lên cành cây phát nổ từng loạt giòn tan, khói thuốc tỏa ra xanh ngắt như một đám mây nhỏ, mùi thơm làm rộn ràng mọi người. Thùy đập cửa phòng tôi ầm ĩ rồi chạy ào vào. Cô bé mặc chiếc áo đầm trắng xếp từng nếp và một chiếc áo len màu hồng. Không cần đi đâu xa, tôi nhìn thấy cả một mùa xuân trên khuôn mặt hồng hào của nó, đôi môi tái xanh nhưng khi cười trông rực rỡ như có thoa son môi.

- Ðầu năm mới chúc anh được mọi chuyện như ý, có vợ đẹp con khôn làm ăn phát tài ạ...

Tôi bật cười, nhìn cái dáng làm ra vẻ nghiêm trang của cô bé.

- Trời ơi, để dành mấy câu đó mà chúc Tết ba. Em nên chúc anh mỗi tuần đều trúng số độc đắc là anh khoái nhất.

Thùy trề môi, nó ngồi xuống ghế, lấy một chiếc gối ôm vào ngực.

- Anh tham lam lắm. Như thế thì anh thành triệu phú rồi còn gì, anh mà giàu thì anh ham chơi mãi ở Sài Gòn, đâu có thèm lên chơi ở xứ mọi nầy nữa. Nghe cho rõ đây: Em chúc cho anh nghèo suốt đời, buồn suốt đời. Nếu anh không lên Ban Mê Thuột thăm em một lần, em chúc anh bị cảnh sát bắt bỏ tù cho bỏ ghét.

Quả đó là những lời chúc dễ sợ làm tôi thấy hơi ngại ngại trong bụng. Biết đâu những lời chúc đâu năm nầy lại trở thành sự thực. Tôi nổi cáu.

- Chúc gì ghe vậy, đầu năm mà ăn nói gì kỳ cục, độc địa thế?

Tôi nạt Thùy với giọng nóng nảy, tôi cảm thấy giận cô bé này ghê gớm vì tôi vốn là một thằng hay tin dị đoan. Thùy ngồi lặng im, mặt buồn xo, cuối cùng cô bé làm hòa.

- Thôi em xin lỗi, đừng giận em nữa. Này, đem đủ đồ để diện cho anh đây. Một bộ complet của ba may ở Sài Gòn, hàng Pháp may ở tiệm sang nhất đấy. Giày da đánh bóng loáng, đi kêu cộp cộp nghe oai lắm. Còn cà-vạt, măng-sét nữa này. Tôi bối rối nhìn bộ quần áo sang trọng mới toanh đặt trên giường. Tôi nói với Thùy hãy đem trả lại cho ba kèm theo lời cám ơn của tôi, vì tôi không quen mặc những đồ trịnh trọng này. Trong bộ quần áo quen thuộc của tôi, tôi cảm thấy dễ chịu, nó cứ nì nài tôi phải mặc đồ Tết, làm như tôi là một cậu bé con. Giằng co mãi một lúc lâu, cuối cùng tôi chỉ mượn tạm chiếc áo vét để mặc cho ấm. Bộ dạng tôi trông thật buồn cười vì lạ mắt. Giày da đã sờn trầy trụa, đế mòn mỏng vì những ngày lê la ngoài phố. Chiếc quần velour màu nâu bạc màu, nhất là ở chỗ hai đầu gối, mình mặc chiếc áo len dày cộm cũ mèm, bên ngoài lại quàng một chiếc áo vét đắt tiền mầu tím sẫm. Thùy bụm miệng nín cười nhìn tôi, chắc bộ dạng tôi lúc này chẳng ra cái gì cả, trông quái gỡ ghê lắm.

- Chê anh xấu phải không. Anh cóc thèm đi chơi đâu nữa, anh nằm ngủ lì trên này suốt ba ngày Tết.

Thùy lắc đầu lia lịa, những lọn tóc óng ả của nó trông dễ thương làm sao. Cô bé cầm lấy tay tôi gần như lôi ra khỏi phòng chạy vội xuống cầu thang.

- Không, anh độc đáo nhất nhà rồi. Xuống chúc Tết ba đi rồi đi chơi với em.

Trong phòng khách, một đám người đang kép nhau đến chúc Tết ông Trân. Ông tươi cười cám ơn, chúc Tết lại họ và lì xì tiền cho những đứa trẻ con. Ðám khách phần đông là nhân dân trong đồn điền: một vài người Việt làm thư ký, tài xế nhân viên lo giao dịch mua bán, những người đàn ông đàn bà Thượng làm thợ cạo mủ cao-su. Trông mọi người đều bảnh bao trong ngững bộ quần áo nhiều màu sắc. Nhất là những anh chàng người Thượng, đầu tóc chải bằng nước hoa bóng láng, áo ny-lông màu đỏ hoặc vàng, bên ngoài đóng một bộ veston láng mượt, người ngợm trông như những khúc gỗ.

Khi nhìn thấy tôi, ông Trân đứng dậy rời đám khách, đi lại bắt tay tôi và nói những lời chúc Tết nồng nhiệt nhất. Tôi lúng túng tìm những câu chúc và thành thật mong rằng tất cả những điều tốt đẹp nhất đều dành riêng cho ông Trân vì ông là người xứng đáng được hưởng. Khi những “thủ tục” đầu xuân vừa xong, tôi xin phép với ông Trân cho tôi dẫn Thùy đi dạo chơi một lát trong vườn cây. Ông Trân mỉm cười nhìn bộ y phục của tôi.

- Cháu thật khác với ba cháu. Ba cháu là một nhà kinh doanh, còn cháu thì có dáng của một nghệ sĩ.

Tôi đỏ mặt sung sướng. Tôi cũng khoái làm một gã nghệ sĩ nhưng hình như tôi chỉ có được bộ vó bên ngoài, còn ngoài ra tôi không có một tài năng gì về nghệ thuật cả.

Tôi nắm tay Thùy dẫn ra khỏi nhà. Cô bé dụi đầu vào vai tôi, nó thấp hơn tôi một cái đầu nên khi nói chuyện với tôi, nó phải ngước đôi mắt to tròn trong vắt của nó nhìn lên.

- Này anh, anh đừng làm nghệ sĩ. Em ghét mấy ông nghệ sĩ lắm. Tháng trước, em về Sài Gòn, có một bà chị bà con dẫn em đi nghe ngâm thơ. Ðó là lần đầu tiên em thấy mấy ông thi sĩ, họ cũng là một... loại nghệ sĩ phải không anh?

Tôi gật đầu. Không ngờ cô bé này lại biết nhiều chuyện ở ngoài cái đồi rừng xanh của nó.

- Thấy mà khiếp... mấy ông nghệ sĩ. Tướng nào trông cũng có vẻ lừ đừ, khật khùng, có vẻ tàng tàng như người khùng, tóc tai dài bù xù thấy mà ghê, lại gân cổ đọc thơ gì nghe chán muốn chết.

- Ðừng nói bậy, em còn nhỏ. Nghệ thuật là dành riêng cho người lớn.


Thùy đành phải im lặng trước bộ mặt làm ra vẻ nghiêm nghị của tôi.

Ði xuống hết những bực thềm của ngôi nhà gỗ, băng qua khoảng sân ngắn được bao quanh bằng một hàng rào cây, chúng tôi bắt đầu đi vào vườn cây cao-su.

Ðây là ngày đầu tiên của tháng Giêng âm lịch. Những chiếc lá cuối cùng vẫn thường rơi vào mùa thu nay đã rơi xuống đất hết rồi, làm thành một lớp lá chết xào xạc dưới mũi giày. Mùa xuân cao nguyên trời lạnh còn hơn mùa đông ở miền đồng bằng. Rất ít khi được thấy mặt trời toàn vẹn đỏ rực trong bầu trời ảm đạm. Những áng mây xám giăng kín trên bầu trời như thế không biết đã bao lâu, như một tấm chăn êm ấm áp ru ngủ mặt trời, mặt trời hình như không bao giờ thức dậy nữa.

Hạnh phúc cho tôi. Hạnh phúc cho kẻ nào một sớm mai kia, bỗng dưng thấy mình rời xa hết những sinh hoạt ồn ào cuồng nộ, những phiền toái của một đô thị tranh giành hối hả. Một sớm mai bỗng dưng thấy mình đứng co ro trên miền cao nguyên xa xôi ben cạnh cô bé gái thơ ngây, thịt da giá lạnh bên ngoài nhưng sao trong tim nồng ấm. Tâm hồn chợt vô tư như một con chim sơn ca múa hót suốt ngày. Trí óc chợt rảnh rang, yên bình và trắng xóa như một nắm tuyết mùa đông Giáng Sinh.

Một bàn tay trần của tôi dấu kín trong túi quần bàn tay kia bận cầm một điếu thuốc lá. Ðôi môi lạnh run lẩy bẩy của tôi cứ thèm hoài những hơi thuốc lá. Tôi hút điếu này liên tiếp sang điếu kia. Tội nghiệp cho Thùy, cô bé không biết hút thuốc. Tôi phải phà những đám khói xanh bao bọc hơi ấm cho cô bé.

- Em lạnh không, Thùy?

- Không, em quen với mùa lạnh ở đây rồi. Chỉ anh không quen.

- Quen gì nổi. Anh lạnh chết được. Ðáng lẽ đi dạo chơi thế này phải trùm thêm cái chăn bông.

Thùy có vẻ tội nghiệp cho tôi, tay cô bé ôm chặt lấy cánh tay tôi như muốn cho tôi hơi thở nóng ấm. Những lọn tóc mềm của cô bé chảy lòa xòa trên cánh tay tôi quàng qua vai nó.

Chưa thấy mặt trời đâu cả. Bầu trời xám xuống thấp gần như vòm nhà thờ. Những thân cây cao-su màu nâu sù sì, đôi chỗ có một vài vệt mủ trắng chảy dài, đông cứng. Nhìn lên cao, những tàn lá nhỏ xanh ngắt tẩm ướt sương hay nước mưa đêm qua, trông mềm nuột như miếng chè đông sương mát lạnh, ngọt ngào trong miệng.

- Anh biết không, trời lạnh như thế này không thấm gì so với mùa đông. Anh biết không... mùa đông ở đồn điền... nếu anh ôm một ly cà-phê nóng trong người, vài phút sau anh sẽ được uống... một ly cà-phê đá.

Bàn tay tôi nắm lại, cốc nhẹ một cái lên đầu Thùy.

- Em chỉ tổ xạo.

Có tiếng pháo nổ dòn tan xa xa vang lại, từ ngôi nhà của Thùy và có lẽ cũng từ những dãy nhà thấp nằm rải rác trong đồn điền, nơi cư ngụ của nhân công. Bây giờ là ngày xuân, mọi người đều nghỉ việc nên tôi không được trông thấy cái cảnh hoạt động vui mắt mỗi sáng mai khi mặt trời chưa lên. Thùy chạy ào từ nhà ra ngoài sân, trên tay cầm cái kẻng đánh kêu vang rộn rã. Những người thợ cạo mủ cao-su không biết từ trong xó xỉnh bụi rậm nào, bỗng lục tục kép ra nhộn nhàng như một đoàn quân.

Tôi không cần giữ gìn gì đôi giày cũ mèm gần há mõm của tôi, tôi đá tung tóe những cành cây gãy vụn rơi vãi trên đất, những chiếc lá già ngả sang màu nâu, bị dẫm nát dòn tan dưới bước chân tôi và Thùy. Chúng tôi lửng thửng đi từ gốc cây này sang gốc cây khác, thỉnh thoảng rẽ sang một ngã khác rất vô tình, những hàng cây trồng đều đặn tạo ra những con đường mòn thật giống nhau như đoàn lính mặc đồng phục, không tài nào phân biệt được.

Và chúng tôi như muốn nhắm mắt đi trong bãi sa mạc bình yên, không cần biết sẽ đến đâu và cũng chẳng bận tâm quay đầu nhìn lại nơi khởi hành.

Tôi hít đầy vào trong buồng phổi không khí trong lành tươi tắn của một buổi sáng chốn rừng xanh. Không khí của thiên nhiên có một chút hương thơm hoang dại của cây lá và hoa cỏ, có một chút hương thơm cao cả của trời xanh. Tất cả chan hòa với nhau cùng với bàn tay bé thơ ấm áp trong tay, tạo nên một hương thơm tuyệt vời ngây ngất, thật chẳng có thứ nước hoa đắt tiền nào so sánh nổi.

Hình bóng của cha tôi bấy lâu nay chất chứa thật xót xa trong trí não tôi, giờ đây trong một thời khắc ngắn ngủi đã dần dần tan loãng. Nếu cha tôi đọc thấy tâm hồn tôi trong lúc này, chắc người cũng tha thứ cho tôi. Người đâu có muốn đứa con mình cứ bị những ám ảnh khắc nghiệt của quá khứ đè nặng suốt cà thời tuổi trẻ. Rừng cây vẫn còn mờ mịt trong màn sương. Thấp thoáng ở đàng trước mặt hay bên cạnh chúng tôi, những thân cây và dãy núi khi ẩn khi hiện, một giây lát trông thật rõ ràng rồi một giây lát nữa bỗng biến mất trong vùng sương trắng xám. Tôi không thể nắm lớp sương trong tay, không thể sờ nhẹ lên chúng nhưng màn sương như một tấm áo mềm vô hình bao bọc chung quanh. Thùy thả bàn tay tôi ra, cô bé khẽ nhẹ nhàng lách sang một bên và bỗng dưng tan biến đi đâu mất. Tôi đứng một mình giữa rừng cây. Trước tôi chừng hai thước, mái tóc đen của Thùy chợt hiện ra, thân hình của cô bé chìm mất gần hết trong đám sương bồng bềnh như khói. Khi cô bé biến mất trở lại, tôi nghe mơ hồ tiếng cười tinh nghịch của nó văng vẳng như hồi chuông. Thùy trở nên một ảnh tượng mơ hồ không thực, mảnh mai và dễ tan biến như một hạt bong bóng nước. Tôi sợ hãi kêu lên. Bàn tay trần lạnh giá của tôi chợt ấm lại. Thùy đã đứng bên cạnh tôi, cô bé cười thích thú, bàn tay nó nắm chặt lấy bàn tay tôi rồi lại buông thả ra như muốn kéo dài suốt ngày cái trò chơi ú tim trong màn sương dày đặc.


Tôi giữ chặt lấy bàn tay Thùy, không bao giờ muốn bỏ ra nữa như sợ rằng sẽ đánh mất nó đi. Tôi cũng sợ mùa xuân vừa đến với tôi trong một hai ngày thật thần tiên nhưng biết đâu sẽ chết non vội vàng.

Trong đầu óc tôi văng vẳng những điệu nhạc rộn ràng mê đắm làm tôi lặng người, nghe rõ ràng từng giọt âm thanh ngân vang nhè nhẹ trong tâm hồn. Bài hát một đôi làn tôi đã nghe trong những quán vắng ở Sài Gòn. Tôi vô tình khẽ hát những lời ca không còn nhớ toàn vẹn, nghe đứt đoạn như hơi thở bồi hồi vì cơn giá lạnh miền rừng núi.

Một đàn chim tóc trắng bay về qua trần gian...
báo tin rằng có nàng Giáng Hương.
Nàng ngồi trên cung vắng, trong một đêm đầu
trăng, phá then vàng bước vào vườn hoang...


Thùy ngước mặt:

- Một bài hát?

- Dĩ nhiên rồi.

- Nghe “được” lắm đấy, ai làm ra nó thế?

Phạm Duy là một nhạc sĩ danh tiếng từ thời tiền chiến, nhưng cái tên này hoàn toàn vô nghĩa đối với Thùy. Tôi gật đầu bừa.

- Của anh. Anh viết bài hát đó đấy.

Thùy gật gù, cô bé sung sướng thưởng cho tôi nắm mứt gừng. Tôi nhai ngấu nghiến những miếng mứt cay thơm, ngọt ngào tan trong miệng.

- Anh số một đấy. Tướng anh lừ đừ thế mà giỏi thật. Chốc nữa em sẽ về khoe với ba, ba sẽ rất hân hạnh được quen biết với một nhạc sĩ.

- Ðừng, em. Ba không thích âm nhạc đâu.

- Ba thích lắm chứ. Anh chưa nghe ba đàn dương cầm, hay không thua gì mẹ.

- Anh đã bảo là đừng. Em nghe không?

Thùy buồn rầu gật đầu: em nghe. Tôi thoáng một chút hối hận vì đã nói dối. Những bước chân của tôi chợt nhẹ thênh thang như đi trong một cơn mộng du. Bài hát từ một nơi nào sâu kín trong người, chợt nổ bùng ra như một bông hoa mai vàng nở trong đêm giao thừa. Bài hát tuôn trào mỗi lúc một vang vọng, khắp nơi hình như có tiếng dương cầm lướt theo thánh thót.

Bỗng có tiếng chuông xe đạp reo vang ở đâu đây làm tôi giật mình. Từ trong vùng sương mù mịt hai thằng bé người Rhadé đèo nhau trên một chiếc xe đạp phóng ngang trước mặt chúng tôi dường như chúng mới ở rừng xanh chui ra. Thùy kêu lên:

- Ê!

Chiếc xe đạp dừng lại. Hai thằng bé đen đủi như than hầm, bốn con mắt to mở ra sáng quắc, chúng nhe hàm răng trắng toát cười với Thùy rồi bỗng ngậm ngay miệng lại e dè nhìn tôi với những ánh mắt sợ sệt, không có chút cảm tình nào cả.

Thùy tiến lại nói với chúng một tràng tiếng Thượng, nghe lơ lớ thật kỳ quái, hai tay cô bé múa ra dấu phụ thêm cho lời nói. Thằng bé nhỏ nhất đưa chiếc cần câu cá làm bằng tre và chiếc giỏ mây khoe với Thùy. Thùy nói lắp bắp thêm vài tiếng gì nữa rồi thằng bé lớn nhất gật đầu, nó xuống xe đưa ghi-đông cho Thùy. Thằng nhỏ nhất đưa luôn cho Thùy cả chiếc cần câu và giỏ mây. Thùy dúi vào tay thằng bé mấy tờ giấy bạc mới tinh, nhưng thằng bé lắc đầu, nó chỉ chớp lấy gói mứt trên tay Thùy bỏ vào miệng nhai ngon lành như một tay thỏ rừng. Chúng bỗng chỉ tay vào tôi, thi nhau nói những tràng tiếng bí mật rồi lủi đi, mất dần hẳn sau những thân cây cao-su.

Thùy cười vui thích, cô bé đưa cho tôi chiếc xe đạp.

- Em mượn của chúng nó, sáng nay tụi mình xuống hồ câu cá, mình ráng trưa nay cho ba ăn món cá nướng dầm nước mắm ớt.

- Thằng nhóc đó nói gì anh thế?

Thùy bật cười. Cô bé leo lên ngồi trên yên sau của chiếc xe đạp. Tay tôi nắm chặt ghi-đông, chân ấn mạnh vào bàn đạp và bánh xe bắt đầu lăn chậm chạp trên nền đất gồ ghề những đám lá, cành cây gãy và lỗ trũng đầy nước bùn.

- Tụi nó nói em phải coi chừng anh ăn cắp chiếc xe đạp của tụi nó. Ba má chúng làm trong đồn điền, phải dành dụm cả năm mới mua được chiếc xe đó.

Tôi chửi thề.

- Mẹ tụi nó! Ðã nói thế lát nữa mình ném cha chiếc xe cà tàng này chìm xuống hồ luôn. Mặt mũi anh thế này mà thèm ăn cắp xe đạp hả?

- Ðừng đùa, anh. Ngày Tết chúng kéo nhau đến nhà mình đòi tiền, khóc ròng thì mình xui cả năm.

Theo bàn tay chỉ đường của Thùy, tôi đạp xe đi băng qua rừng cao-su, rẽ sang trái, sang phải, leo lên dốc rồi lại xuống dốc, đi trên những con đường mòn lằng ngoằng chẳng biết sẽ đưa đến đâu. Một lúc sau tôi như lạc hẳn đi trong rừng. Chung quanh chỗ nào cũng là những thân cây, khóm lá, những bông hoa màu tím lấm tấm khắp nơi trên cỏ dại. Tôi mù mịt lối đi, chỉ mong Thùy còn nhớ được lối trở về. Hai chân tôi hoạt động không ngừng trên bàn đạp nên tôi cảm thấy mạch máu bắt đầu chảy ấm áp trong thân thể. Miệng tôi phì phà một điếu thuốc lá. Thùy ngồi ôm quàng cánh tay vòng quanh bụng tôi, cô bé cắn hạt dưa luôn mồm. Ðôi môi của chúng tôi cử động liên hồi nên bớt lạnh phần nào.

Thùy bỗng kêu lên: Sắp tới rồi. Tôi đạp xe lên một con dốc thật cao, hơi thở từ miệng tôi bay ra như khói. Từ trên cao tôi nhìn thấy hồ nước nhỏ dưới thấp. Những cây cổ thụ nằm bên cạnh hồ, vươn những cành cây và tàn lá rậm rạp che gần kín hết mặt hồ nước. Tôi hăng hái ấn mạnh chân vào bàn đạp, chiếc xe chạy bay xuống dốc, nhanh nhẹn lách qua lách lại để khỏi đâm đầu vào một gốc cây to tướng nào đó. Thùy chợt ôm chặt lấy tôi, cô bé kêu lên.

- Trời ơi! Em quên nói với anh là hồi nãy thằng bé bảo xe chúng nó không có thắng.

Tôi hoảng hồn đưa hai chân rà trên đất để kìm bớt tốc độ lại, nhưng vô ích. Con đường dốc quá cao nên những bánh xe vẫn lăn vun vút, thỉnh thoảng trúng vài mô đất, chiếc xe nhảy lên nhảy xuống lóc cóc, như ngựa phi nhưng là một con ngựa rừng không còn biết nghe lời chủ. Chiếc xe nhắm thẳng hồ nước lao đầu xuống, tôi đã nghĩ đến cái cảnh tôi và Thùy rơi tõm xuống mặt nước lạnh chết người. Tôi đảo mắt tìm một thân cây nào có vỏ mềm mại nhất để húc vào đó nhưng rồi ngần ngại không dám. Bỗng bánh xe vấp phải một cây rừng nằm chắn ngang lối đi, tôi văng ra khỏi xe. Tôi nằm dài trên đất, chiếc xe đạp quái quỉ đè trên bụng. Tôi sợ hãi nhìn tìm Thùy nhưng cô bé đang đứng cười sặc sụa, tỉnh táo như không có gì xảy ra cả.

- Em nhảy khỏi xe liền. Anh có bị sao không?

Tôi mỉm cười lồm cồm ngồi dậy, phủi đất ướt và lá bám đầy người.

- Không sao. May mà không nhào xuống hồ hay vào vũng bùn.

Lát sau chúng tôi ngồi trên một tảng đá nằm bên bờ suối. Thùy cầm chiếc giỏ mây, vẻ mặt háo hức như tin chắc rằng chốc nữa sẽ đem về nhà một đống cá tươi lăn lóc. Tôi ngồi nhìn chiếc phao câu nổi vật vờ trên mặt hồ, cạnh những xác lá. Ðôi giày và ống quần của tôi bây giờ đã thấm ướt nước suối và những hoa cỏ may lấm tấm đeo đầy trên lớp vải.

Trời lạnh như thế này chắc cá đi ngủ hết trơn rồi. Nhưng chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi. Mùa xuân đôi khi vẫn đem lại bất hạnh cho một ai đó. Biết đâu sẽ có những chú cá tung tăng dạo chơi mừng xuân dưới giòng nước, sẽ có một vài chú tham ăn đớp lấy con tôm ngon lành dấu kín bên trong chiếc lưỡi câu sắc nhọn. Và bữa nay đây, không chừng trong ngọn lửa hồng dưới bếp, tôi và Thùy sẽ chảy nước miếng hít thở mùi cá nướng thơm phức.

Giọng của Thùy đột ngột reo lên.

- Trời ơi! Có rồi kìa...

Tôi giựt mình, giật mạnh cần câu lên cao nhưng con tôm làm mồi vẫn còn nguyên vẹn trên lưỡi câu, chẳng thấy một con cá nào dính mồi cả.

Thùy ngước mắt lên.

- Không, em không nói có cá. Có mặt trời... mặt trời bây giờ lên rồi kìa.

Tôi cầm hờ hững chiếc cần câu, nhìn lên trời cao. Mặt trời cố gắng lan những tia nắng đỏ hồng ra khỏi đám mây nhưng ánh nắng vẫn còn yếu ớt. Rồi phút chốc, đám mây xám như rã tan trốn chạy. Mặt trời đỏ ối hồng hào, chiếu sáng hùng vĩ trên nền trời xanh. Làn nắng ấm khoẻ mạnh cũng rơi chan hòa như cơn mưa giông. Tắm đẫm rực rỡ trong rừng cây, reo vui trên bọt nước hồ, xuyên qua những kẽ lá trên cành cây xanh làm thành những đốm sáng rọi xuống nặt đất. Những giọt sương rơi đêm qua còn đọng trên lớp cỏ dại, trên lá cây rừng như những hạt kim cương nay đã dần dần lấp lánh thêm một giây phút ngắn ngủi rồi tan biến.

Thùy bỗng giằng mạnh chiếc cần câu trên tay tôi, sợi giây cước rút nhanh lên cao. Một con cá vảy bạc trắng xóa nhảy nhót dưới ánh nắng, vùng vẫy trên chiếc lưỡi câu. Tôi chạy ào xuống hồ chụp bắt trong tay con cá tươi lạnh ngắt. Thùy chợt không còn thích thú như tôi tưởng, đôi mắt cô bé buồn rầu có vẻ tội nghiệp cho chú cá. Tôi cũng thấy buồn theo.

Và đó là con cá duy nhất mà chúng tôi câu được trong suốt buổi sáng ngày đầu xuân. Một cuộc đi câu cá mà có lẽ trong lòng hai người thợ câu, kẻ nào cũng thầm mong chẳng có cá nào mắc nạn.

Tôi, và có lẽ cả Thùy, chúng tôi không muốn hạnh phúc ngày xuân chỉ đến cho người, mà cho cả đàn cá dưới lòng suối, côn trùng trong những gốc cây mục và cho bầy chim rừng đang hót vang trên khóm lá.

Buổi sáng mồng một Tết chấm dứt khi con cá bạc được Thùy thả xuống hồ nước.


(còn tiếp)