Khảo về văn hóa dân tộc, trước Ðào Duy Anh có Phan Kế Bính. Nhưng sách Việt Nam phong tục (1915) của PKB không bao quát bằng sách Việt Nam văn hóa sử cương (1938) của ÐDA, hơn nữa lại chứa một cách nhìn thiên hẳn về phương Tây. Sự thiên lệch ấy gốc ở nhận thức còn hời hợt cả về văn hóa Việt Nam lẫn văn hóa Tây. Nghĩ về mình, so mình với người, từ Phan Kế Bính đến Ðào Duy Anh là một bước tiến quan trọng. Trong cuộc hành trình “tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”(1), VNVHSC có giá trị mở đầu thời kỳ nhận thức sâu sắc. (Thu Tứ) (1) Tên sách của Trần Ngọc Thêm.



Đào Duy Anh, “Thờ cúng ở đình làng”




Làng nào cũng có một cái nhà chung vừa là nơi thờ thần, vừa là nơi tụ hội của dân. Ðối với dân làng, thần Thành hoàng là biểu hiện của lịch sử, phong tục, đạo đức, pháp lệ cùng hy vọng chung của cả làng, lại cũng là một thứ quyền uy siêu việt, một mối liên lạc vô hình, khiến cho hương thôn thành một đoàn thể có tổ chức và hệ thống chặt chịa. Ðình làng lớn thường có một tòa nhà hình chữ T, phần dọc là đình trong (hậu cung hay nội điện) là chỗ thâm nghiêm để thờ thần, phần ngang là đình ngoài (tiền tế hay đại bái) chia làm ba khoảng, giữa gọi là trung đình là nơi tế tự, hai bên gọi là tả gian và hữu gian, ở trong có bàn thờ Thổ địa, hoặc thờ bộ hạ của thần, hoặc thờ Hậu thần. Ở hai bên tả hữu có hai hành lang là chỗ dân làng sửa soạn lễ vật để cúng.

Trong hậu cung có tượng hoặc bài vị của thần an phụng ở trong long ngai hay long khám, trên hương án có hòm sắc chứa sắc phong và kim sách, cùng những đồ thờ như tam sự, ngũ sự, đài rượu, quả trầu v.v. Ở trước thì các đồ nghi trượng và lỗ bộ, như loan giá, long đình, bát bửu, cờ quạt, tàn tán v.v.

Vị thần thờ ở đình có khi là thiên thần, như thần Tản Viên, thần Phù Ðổng, thần Sử Ðồng Tử, có khi là nhân thần hay phúc thần, như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lý Ông Trọng, Phạm Ngũ Lão. Những người sáng lập ra làng, hay những ông quan có công với làng, khi chết thường cũng được thờ làm thần, như Nguyễn Cẩn lập ra làng Ðông Lâm ở Hải Dương (...) Nguyễn Công Trứ lập ra các làng ở hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải ở Ninh Bình và Thái Bình. Lại còn một thứ thần là người thường mà chết bất đắc kỳ tử được giờ thiêng thì cũng được người ta thờ làm thần, vì thế mà có những thần Ăn trộm (Lộng Khê, huyện Phù Dực, tỉnh Thái Bình), thần Trẻ con (làng Ðông Thôn, huyện Hoàng Long, tỉnh Hà Ðông), thần Chết nghẹn, thần Tà dâm v.v.

Sự tích của mỗi vị thần có ghi chép ở trong thần tích (hay kinh sách), dân làng giữ rất kín ở một nơi với thần sắc của vua ban cho. (Thần sắc có ba bực: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần, Hạ đẳng thần.) Thỉnh thoảng có thần không có vị thần nào ở trong các hạng thiên thần và nhân thần kể trên mà thờ, thì thờ tạm vị thổ thần ở bản thổ.

Cũng như gia đình đối với tổ tiên, hương thôn đối với thần làng, gặp những ngày húy cùng các ngày tuần tiết trong một năm thì phải cúng cấp. Thường trong một tháng có hai kỳ lễ sóc và lễ vọng, ngoài ra còn có những lễ Hạ điền ở đầu mùa cày cấy, lễ Thượng điền ở cuối mùa, lễ Thượng tân hay Cơm mới vào tháng chín, lễ Thượng nguyên hay lễ Kỳ yên, lễ Trung nguyên, lễ Hạ nguyên, lễ Hàn thực, lễ Ðoan ngọ, lễ Trung thu, lễ Nguyên đán, và hai kỳ Xuân tế, Thu tế. Mỗi năm, hoặc năm ba năm một lần, người ta làm lễ nhập tịch hay đại hội (vào đám hay vào hội) để kỷ niệm ngày sinh hay ngày kỵ của thần. Lễ này thường làm to, có nhiều nghi tiết long trọng và nhiều cuộc vui chơi, như hát chèo, chạy chữ, đánh cờ, cướp cầu, chọi gà, chọi trâu v.v.

Trong lễ vào đám hay vào hội của ít nhiều làng, có một nghi tiết đặc biệt gọi là hèm, người ta thường bày một trò để nhắc lại tính tình, sự nghiệp hoặc sinh bình của vị thần làng thờ. Ví dụ khi vào đám lễ thần ăn trộm thì ban đêm con trai con gái trong làng đốt đuốc đi xung quanh đình giả tìm kẻ trộm, trong khi ấy người thủ từ lấy tượng thần đưa qua lỗ ngạch, có ông tiên chỉ đứng chực sẵn ở phía ngoài nắm lấy cổ tượng thần đấm ba đấm rồi bỏ lên kiệu rước lại vào đình. Ở làng thờ thần cụt đầu (làng Khắc Niệm thượng, huyện Vũ Giàng, tỉnh Bắc Ninh) thì đến ngày vào đám, người ta lấy một con lợn sống, một người cầm gươm chém đứt đầu lợn lấy bỏ vào nồi nước mắm đương sôi, rồi đặt lên hương án để cúng.


(Đào Duy Anh,
Việt Nam văn hóa sử cương, 1938)