“Một thiếu nữ lặng lẽ khoan thai bước ra, khẽ gật đầu chào chúng tôi (...) Khoảng hai mươi tuổi, nước da trắng mịn, mớ tóc đen búi ra sau (…) thân hình mảnh khảnh (…) Anh Cảnh (...) dạo xong (...) vô bài (…) Nàng cất tiếng hòa theo (...) giọng thanh, ấm, ngân nga, rõ từng tiếng (…) ngước mắt lên ca, cặp mắt bồ câu long lanh tuyệt đẹp, hai bàn tay búp măng đặt lên đùi, móng tay hồng hồng (...) - Phải nhìn nàng bận áo dài đen ngồi dưới ánh đèn viết thư, hoặc toàn đồ trắng ngồi ở mũi ghe hầu dưới ánh trăng mới thấy hết nét đẹp thùy mị, nền nếp”. “Cô Bảy” rồi “bị Pháp giết trong khi chạy loạn”. Chắc không phải giết liền đâu, phụ nữ nhan sắc bình thường còn bị, nữa là giai nhân hiếm có. “Tôi hiểu vì lẽ gì cậu (Bảy) đã vô bộ đội”. (TT)



Nguyễn Hiến Lê, “Mối tình nghệ sĩ”




Một đêm nọ bọn chúng tôi ba người ghé một làng phong túc trên một bờ rạch miền Sóc Trăng. Tôi mệt nên đi ngủ trước một mình trên một bộ ngựa trong một căn nhà vách ván ba gian, chung quanh là một khu vườn rộng. Tôi ngủ được một giấc dài, bỗng tỉnh dậy, nhưng vẫn chập chờn, không tỉnh hẳn. Văng vẳng có tiếng đàn Tứ Ðại Oán lúc hiện, lúc tắt. Tôi mở mắt, nhìn qua cửa sổ nhỏ khép hờ ở bên cạnh giường, thấy ngoài có ánh trăng. Tôi nghĩ bụng: “Thời này, làm gì có người đàn bản đó”, ngờ rằng mình mê ngủ. Tôi lại nhắm mắt lại, nửa thức nửa tỉnh, nằm yên lắng bắt tiếng đàn kìm, không dám nhúc nhích. Sợ tiếng đàn như ở Thiên Thai đó tắt mất. Trong không khí phảng phất có một thứ hương gì ngọt ngọt, mát mát. Tôi thấy du dương lạ lùng, thân thể nhẹ nhàng như không chạm vào ngựa nữa, tâm hồn muốn chơi vơi với tiếng nhạc. Rồi tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Sáng hôm sau tôi dậy sớm, không dám hỏi chủ nhân có ai đàn ban đêm không sợ cảm giác huyền ảo của tôi tan mất. Chủ nhân cho hay đêm trước, một toán bộ đội tấn công một đồn trên đường lộ Sóc Trăng - Cần Thơ cách làng năm sáu cây số. Toàn thắng, nhờ có nội công, giết được hai tên địch, thu được nhiều khí giới, mà bên mình chỉ mỗi một thanh niên bị một vết thương ở bắp vế. Tôi lại thăm bộ đội, hầu hết anh em còn ngủ, chỉ có một người đương rửa mặt ở dưới rạch. Thấy nét mặt quen quen tôi đánh bạo hỏi:

-- Phải cậu Bảy có hồi ở Bình Thủy đó không?

Người đó ngạc nhiên, chăm chú nhìn tôi, cười:

-- À, thầy Hai

rồi lên bờ nắm chặt lấy tay tôi.



Hai ba năm trước, có lần đi kinh lí ở Cần Thơ tôi lại thăm một ông bạn làm hiệu trưởng trường Nam ở đó, tên là Cảnh. Anh gốc ở Bạc Liêu, có ruộng đất, mỗi năm thu được ngàn giạ, chỉ cũng có của riêng, nên sống một đời rất phong lưu. Trưa hôm ấy anh mời tôi lại ăn tại một tửu lâu Huê kiều gần cầu tàu.

Ăn xong, anh bao một chiếc xe hơi đi Bình Thủy, cách Cần Thơ 5 cây số, trên đường đi Long Xuyên. Tôi gạt đi.

-- Trời nắng gắt như vầy mà đi chơi!

Anh cười:

-- Nơi này đặc biệt lắm. Vì chiều anh đã rời Cần Thơ rồi, không thể ở lại đến tối nên phải đi giờ nầy. Dịp này bỏ uổng.

Tôi miễn cưỡng theo, nhưng ngồi xe gió mát, buồn ngủ quá. Tới cầu Bình Thủy, chúng tôi xuống xe, quẹo qua tay trái, đi bộ theo bờ rạch.

Con rạch này rất đẹp, tại vàm nổi lên một cái bãi như miệng con rồng uốn khúc ngậm châu. Chỉ rộng khoảng ba bốn chục thước, đứng bên này nói chuyện với người bên kia được, thành thử tuy cách biệt mà vẫn thân mật như sát rào. Nước lúc đó đương ròng, vài chiếc xuồng và tam bản thả xuôi, và con rạch như một tấm thảm di chuyển trong truyện Ả-rập. Hai bên bờ có một đường đất rộng rợp bóng dừa, bóng xoài, mận, bằng lăng. Một dãy nhà lợp ngói, vách ván hoặc tường gạch nằm theo đường, trông ra rạch. Nhà nào cũng có vườn sạch sẽ, cửa sổ nào cũng phấp phới tấm màn ren. Dăm ba thiếu nữ đi xóm hoặc xuống rạch giặt dịa, cô nào cũng bận đồ lụa, đeo vàng, cổ trắng trẻo, tóc đen nhánh. Tôi bảo anh Cảnh:

-- Chỗ nào có nước trong là y như có gái đẹp. Hai “vưu vật” đó cơ hồ không rời nhau. Cổ nhân cũng tinh lắm, hễ tả một nữ nhân là mượn một dòng nước: nàng Tây Thi ở Trữ La, nàng Kiều ở bên một dòng “nước chảy trong veo”.

-- Rất đúng. Và chính vì một mĩ nhân mà hôm nay tôi bắt anh bỏ giấc ngủ trưa đây.

Chúng tôi theo bờ rạch, tiến vô độ năm sáu trăm thước, khi gần tới chợ Bình Thủy thì anh Cảnh ngừng lại trước một căn nhà lá nhỏ, rộng chừng ba thước, coi bộ nghèo nàn ở giữa một khu đất hoang hãy còn lau sậy. Tôi ngạc nhiên vì ở sân thấy phơi ba bốn bộ quần áo đàn bà toàn là thứ hàng tốt: áo màu tươi, quần lãnh đen hoặc lụa trắng, không phải là của hạng người nghèo.

Bạn tôi đứng ở cửa gọi.

-- Cậu Bảy có nhà không?

Ở trong có tiếng “Dạ”. Hình như chủ nhân và khách đã quen gọi nhau. Một phút sau, một thanh niên bước ra, bận bộ bi-gia-ma lụa, tầm thước, nhanh nhẹn, lông mày hơi rậm. Chúng tôi bước vào. Anh bạn tôi giới thiệu qua loa rồi thanh niên đó từ vô nhà trong.

Phòng mỗi chiều ba thước, có một vách lá ngăn với phòng trong, một lối đi ở bên phải, hẹp, tối tăm, đưa ra phía sau. Nền nhà đất nện. Trên vách treo một cây đàn kìm. Ðồ đạc chỉ có mỗi một bộ ngựa trải chiếu, hẹp, kê sát vách, và một bộ xa-lông: bốn chiếc ghế và một chiếc bàn nhỏ, trên có mặt kính mỏng, dưới kính là hai ba chục tấm hình nam nữ, đa số bán thân, khổ hình căn cước hoặc bưu thiếp; tôi đoán là hình các tài tử trong giới đàn ca, vì người nào cũng bảnh bao, điệu bộ, có người ôm đàn kìm, đàn ghi-ta.

Tôi để ý nhất tới 5, 6 ngọn sậy xuyên qua vách lá hở, đâm tua tủa ở một góc phòng, ngọn nào cũng vàng nhưng không úa, vì thiếu ánh sáng. Tôi nghĩ bụng: “Chủ nhân hoặc là rất nghệ sĩ, hoặc rất làm biếng”.

Một thiếu nữ lặng lẽ khoan thai bước ra, khẽ gật đầu chào chúng tôi, không ra vẻ quí phái, nhưng rất nền nếp. Mặt anh bạn tôi tươi hẳn lên. Nàng khẽ vén áo ngồi xuống bộ ngựa, đối diện với anh Cảnh. Khoảng hai mươi tuổi, nước da trắng mịn, mớ tóc đen búi ra sau. Tôi có một cảm giác mát mẻ, dịu dàng, thanh thoát: y phục bằng lụa màu xanh nhạt và trắng ngà, thân hình mảnh khảnh, nụ cười, ngôn ngữ, cử chỉ của nàng khiến tôi tưởng như một bức tranh tố nữ linh động.

Nàng hỏi thăm tôi vài câu rồi nói chuyện với anh Cảnh về những bạn chung của họ, về những buổi họp tuần trước. Có khói ở nhà sau bay ra, một lát cậu Bảy xách ra một ấm nước sôi, nàng pha trà mời chúng tôi. Trà Thiết Quan Âm, rất ngon. Cậu Bảy cũng ngồi trên bộ ngựa ở đầu kia, lên dây cây đàn kìm rồi gảy một bản Văn Thiên Tường. Giờ đó tĩnh mịch, chỉ có tiếng xào xạc của bụi sậy ở ngoài vườn và tiếng ru em ở xa vẳng lại. Giọng đàn của cậu Bảy buồn nhưng mạnh, như hùng nữa.

Hết bài, cậu hai tay đưa cây đàn cho anh Cảnh. Hai người đổi chỗ cho nhau vì ngồi ở ghế xa-lông không đàn được. Lên dây lại rồi, anh Cảnh sửa lại tư thế, xốc lại áo, mỉm cười liếc thiếu nữ, nàng mỉm cười gật đầu. Dạo xong một khúc, anh gõ “cắc” vào mặt đàn, vô bài “Phụng cầu hoàng”. Nàng cất tiếng hòa theo. Ngón đàn anh khác ngón cậu Bảy, rất mùi mà giọng nàng thanh, ấm, ngân nga, rõ từng tiếng. Nàng ngước mắt lên ca, cặp mắt bồ câu long lanh tuyệt đẹp, hai bàn tay búp măng đặt lên đùi, móng tay hồng hồng; lúc này tôi mới nhận thấy nét mặt nàng phảng phất buồn. Bạn tôi vừa đàn vừa đăm đắm nhìn nàng và mỗi khi xuống một nhịp nào, giọng đàn giọng ca rất hòa nhịp nhau thì hai người cùng mỉm cười ngó nhau, cậu Bảy cũng mỉm cười. Sự hân hoan tâm đắc đó chỉ hạng nghệ sĩ mới cảm được. Tôi thấy mình là người ngoại cuộc. Rồi (anh Cảnh) lại gõ vào mặt đàn “cắc”, dòng nhạc lại tiếp tục.

Xong bài, anh Cảnh trả cây đàn, chủ nhân đem treo lên vách. Chúng tôi uống thêm một chén trà nữa, nói dăm ba câu chuyện về đàn rồi cảm ơn chủ nhân ra về.

Ra tới đường lộ, tôi nói:

-- Quả là một giai nhân ít khi gặp được.

Anh Cảnh gật đầu:

-- Phải nhìn nàng bận áo dài đen ngồi dưới ánh đèn viết thư, hoặc toàn đồ trắng ngồi ở mũi ghe hầu dưới ánh trăng mới thấy hết nét đẹp thùy mị, nền nếp của nàng. Biết đàn tranh nhưng nghệ thuật chưa cao, trái lại ca rất hay.

-- Họ là hạng người ra sao? Lối sống có vẻ nghệ sĩ lắm.

-- Thì đúng là nghệ sĩ rồi. Chàng là con út và con trai duy nhất của một điền chủ lớn làm Hội đồng ở Châu Ðốc, không ham học, cũng chẳng coi sóc vườn ruộng, chỉ đờn ca, còn nàng là con một hương chức đủ ăn thôi, học tới lớp nhất rồi bỏ, nổi tiếng là hoa khôi trong miền. Ông Hội đồng góa vợ, đã gần lục tuần, muốn cưới nàng làm vợ kế, thường giúp đỡ cho gia đình nàng, nàng không ưng nhưng không nỡ hay không dám từ chối, khất lần. Trong khi đó, cậu con ông Hội đồng cũng mê nàng. Rồi một hôm cặp thanh niên bỏ gia đình, dắt nhau đi. Họ sống nhờ vả một số bạn thân hay bà con, mỗi nơi dăm bữa nửa tháng, sau cùng tới đây, cất căn nhà lá đó. Ông Hội đồng nhắn người gọi chàng về mấy lần nhưng họ nghĩ về không tiện, chịu sống cuộc đời trôi dạt này. Tình cảnh họ éo le, họ lại có tài, đứng đắn, lễ độ nên được nhiều người giúp đỡ. Ở Cần Thơ này gia đình giàu sang nào cũng biết họ, gặp đám tiệc đám cưới, hoặc chỉ một cuộc họp bạn, người ta cũng mời họ lại giúp vui và đưa họ một số tiền khá hậu. Tôi cũng thường rủ bạn thân lại đây nghe đàn ca và lâu lâu giúp họ một số tiền. Họ coi tôi như anh. Họ tự trọng và biết người.



Tôi nhớ lại rõ buổi trưa đó trong khi bắt tay cậu Bảy. Tôi hơi ngạc nhiên, một nghệ sĩ lãng mạn như vậy mà theo bộ đội tác chiến. Tôi hỏi:

-- Cậu vô bộ đội lâu chưa? Có dự cuộc phá đồn hồi hôm hả?

-- Dạ, tôi đi kháng chiến hơn một năm rồi (mắt cậu sáng lên), hồi hôm phá được một đồn địch.

Tôi rủ cậu lại chợ uống cà-phê. Chợ chỉ có vài quán lèo tèo, sáng hôm đó đông nghẹt người. Người ta bu chung quanh một anh bộ đội nghe anh kể trận đánh đêm trước. Một cụ già vừa nghe vừa mỉm cười, vuốt chòm râu bạc. Năm sáu thiếu nữ nép vào nhau dưới một gốc xoài nhìn anh bộ đội. Vì có nội công, hai tên lính Pháp, một thượng sĩ, một binh nhì chỉ kịp ria ra một loạt liên thinh rồi bị hạ sát liền. Lính Việt trong đồn đầu hàng hết. Thu được bốn khẩu liên thinh, mười cây súng mút, rất nhiều đạn và thực phẩm. Ðồn bị đặt chất nổ cho sập. Bên mình một người bị thương ở bắp vế.

Cậu Bảy ngồi vào bàn, hỏi thăm anh Cảnh. Tôi đáp:

-- Từ hồi cách mạng, không gặp lại. Còn cô Bảy lúc này ở đâu?

Mặt cậu rầu rầu:

-- Nhà tôi mất rồi, bị Pháp giết trong khi chạy loạn ở gần Ngã Bảy Phụng Hiệp.

-- Tội nghiệp! Cậu có ở đó không?

-- Dạ có, tôi chôn cất nhà tôi rồi đánh dấu để khi đuổi bọn Pháp đi rồi sẽ xây mộ cho nàng. Mỗi lần đi công tác lại gần miền đó, tôi đều ghé thăm.

Tôi an ủi một câu:

-- Giai nhân thường bạc mệnh. Hôm đó, ở nhà cậu ra về, ông Cảnh khen cô lắm, vừa có tài, vừa nết na.

Tôi uống với cậu một li “cà-phê” bằng gạo rang, cả hai đều lặng thinh nhìn khói thuốc và nhìn nước đục dưới rạch. Nhớ lại những nét thanh tú và giọng ca của cô Bảy, tôi bâng khuâng như mất một bảo vật.

Rồi có việc phải đi ngay, tôi từ biệt cậu ở chợ. Sau này hỏi thăm, biết cậu biệt danh là Hồng Phong, là một chiến sĩ gan dạ bậc nhất. Ra trận lần nào cũng vui vẻ như đi dự tiệc, xung phong, bắn giỏi và chỉ nhắm Pháp mà bắn. Hạ được giặc Pháp nào, cậu la lớn: Một mạng, hai mạng... Cậu tự nguyện phải hạ được mười tên Pháp mới hả dạ. Tôi hiểu vì lẽ gì cậu đã vô bộ đội.

Ði được vài bước, tôi sực nhớ ra, quay lại hỏi:

-- Phải hồi khuya cậu đàn Tứ Ðại Oán không?

-- Phải, lâu quá nhớ. Nhân chủ nhà có cây đờn kìm, tôi mượn gảy chơi. Cầm súng lâu rồi, nhấn hơi ngượng nghịu.

-- Hèn nào... Nhưng vẫn hay lắm.


(Trong
Ðể tôi đọc lại, nxb. Văn Học, 2001)