“Hà Nội phố”, ta đã quen thấy từ bên ngoài, qua tranh Bùi Xuân Phái. Ðể biết chút đỉnh về bên trong, ta có thể thử bước vào đoạn văn sau đây. Hà Nội nổi tiếng là thành phố xanh. Không phải chỉ xanh “vỏ”, mà xanh cả đến tận “lòng”! (Thu Tứ)



Nguyễn Đình Toàn, “Hà Nội... sân”




Những căn nhà (...) gần như quanh năm không có ánh nắng chiếu lọt, bước chân vào căn nhà như bước vào một thế giới riêng biệt, cái không khí mát lạnh tẩm ngay vào da thịt, cả nhà chỉ có một chiếc sân nhỏ nối liền nhà trước với nhà sau, nhưng cả cái sân lại được phủ kín bằng một giàn hoa, một giàn trầu không, nắng chiếu qua cái giàn lá xanh tươi đó, chỉ còn là một làn ánh sáng vàng nhạt, cái màu vàng được làm dịu đi bằng chất diệp lục tố, khiến cho da người cũng trở nên trắng xanh mỗi lúc đi qua, cái màu xanh bám trên da mặt những người con gái sống trong các gia đình đó, bởi vì họ ít khi ra đường và dưới bóng mát của giàn hoa là chỗ họ ngồi chơi ngó nhìn trời đất mỗi ngày, năm này qua năm khác, đó cũng là nơi mỗi tiếng động trở nên xa lạ, lạc lõng, những người trẻ tuổi ồn ào nhất đến nơi tự nhiên cũng cảm thấy e ngại không dám nói to, dưới giàn cây, trong các gia đình có những người già, những người này thường trồng thêm những chậu hoa, những cây cảnh, hàng ngày họ cặm cụi chăm bón, tưới nước, tỉa hoa cắt bỏ từng chiếc lá bị sâu, vàng hay cớm nắng, những người già nhiều khi không tin vào đôi mắt của mình nữa, họ đã bị cái màu xanh dịu dàng lưu cữu che đỡ cho thị giác và khi nhìn vào nắng chói họ cảm thấy đau nhức hai bên thái dương, họ ra đường và vội vàng trở về cái thế giới khép kín của họ, và hình như chỉ trong cái thế giới đó họ mới thật sự có thể yên tâm, những người, đối với họ bầu trời thực sự bao giờ cũng có vẻ được thoa dịu bằng một lớp khói mây hay sương mù, dù đó là bầu trời nhìn thấy bất cứ lúc nào trong ngày, bởi vì đó cũng chỉ là những lúc hiếm hoi, một khoảng lá cây bị những trận gió ban đêm thổi dạt ra một góc hoặc đã rụng, và qua cái khe hở đó, họ đã ngửng lên trông thấy bầu trời, cũng qua các kẽ hở đó mặt trời rọi những tia nắng xuống bể nước, xuyên thẳng cái ánh vàng có vẩn bụi xuống mặt nước soi rõ những chiếc lá rơi rớt từ bao giờ nằm ép sát dưới đáy bể, mặc dầu bể nước bao giờ cũng được đậy kín, bao giờ nước cũng mát lạnh như được ướp đá, nước sẽ chỉ được dùng để pha trà, múc ra bát, thả vào đó một bông hoa nhài uống vào những buổi trưa hay buổi tối mùa hè nóng nực, những chiếc lá bị ngâm lâu trong nước đã biến thành màu rêu của lớp rêu mỏng dưới đáy bể, cái bể mà trẻ con rất thích được mở nắp soi bóng mình và la hét để nghe tiếng âm vang mỗi khi đùa nghịch.


(Trích từ
Áo mơ phai (Sài Gòn, 1973) của Nguyễn Đình Toàn. Nhan đề phần trích tạm đặt.)