Cái không gian 14 chữ mà Nguyễn Hưng Quốc nói đó dĩ nhiên là câu lục và câu bát trong bài thơ lục bát. Nói câu và câu, chứ thực chỉ là hai phần của một câu.

Câu thơ ta dài gấp đôi câu thơ Tàu, nên có thể chứa nhiều từ kép hơn: câu Xuân Diệu có 3 (“êm êm”, “ngẩn ngơ”, “hiu hiu”), trong khi câu Bà Huyện Thanh Quan chỉ có 1 (“bảng lảng”). Từ kép nói chung “mềm mại và ngân nga” hơn từ đơn...

Dĩ nhiên thơ lục bát có thể mềm mà không dùng đến từ kép.(1)

(Thu Tứ)

(1) Xem bài Mềm Như Nước của TT.



Nguyễn Hưng Quốc, “Mềm mại, ngân nga”




Thơ lục bát (...) nhà thơ có (...) đến những mười bốn chữ để tha hồ diễn tả. Nhà thơ có thể đem vào thơ vô số những từ có chức năng phi ngữ pháp để câu thơ hóa ra mềm mại và ngân nga. Cái mà bà huyện Thanh Quan chỉ có thể gói gọn trong bảy chữ “Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn” thì Xuân Diệu lại có thể bay lượn trong mười bốn chữ, một không gian rộng gấp đôi: “Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều. Lòng không sao cả hiu hiu khẽ buồn.”


(Nguyễn Hưng Quốc,
Nghĩ về thơ, nxb. Văn Nghệ, Mỹ, 1989. Nhan đề phần trích tạm đặt.)