Có thể xem Man Nương là tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ, Khâu-đà-la là Phật giáo Ấn-độ. Khâu-đà-la “bước qua mình” Man Nương, ấy là hai niềm tin giao lưu, mà kết quả là việc các Bà Mây, Mưa, Sấm, Chớp, và cả Bà Ðá, được rước vào chùa thờ chung với Phật. Trong dòng “Phật giáo dân gian” này, “hình tượng Phật giáo là cái vỏ bề ngoài mà tín ngưỡng dân gian là nội dung chủ yếu”. Tức đứa con của Man Nương và Khâu-đà-la mặt mũi giống cha nhưng tính tình giống mẹ. “Diện Phật tâm Bà”! (Thu Tứ)



Phan Đại Doãn, “Phật giáo dân gian”




Vào cuối thế kỷ I đầu thế kỷ II, Phật giáo từ Ấn-độ do các thương nhân và tăng sĩ truyền vào (...) Đầu tiên ở Luy Lâu, do Khâu-đà-la (Ksuđra) và Ma-ha-kỳ-vực (Mahajivaka) (…)

Phật giáo này dung hợp với tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ (tục thờ cúng các hiện tượng tự nhiên có liên quan đến nông nghiệp), mặt khác tín ngưỡng dân gian lại hóa thân vào Phật. Hình tượng Phật giáo là cái vỏ bề ngoài mà tín ngưỡng dân gian là nội dung chủ yếu. Những thần mây, mưa, sấm, chớp vốn là biểu tượng của các lực lượng tự nhiên trong tín ngưỡng Việt cổ trở thành Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Ðiện là những Phật đầu tiên của Việt Nam. Người “đẻ” ra bốn Phật trên cũng không phải là dân Ấn-độ mà là bà Man Nương bản địa, người làng Mèn, còn gọi là làng Mẫn Xá (Thuận Thành, Hà Bắc), được gọi là Phật Mẫu. Bên cạnh tượng Pháp Vân và các tượng Phật Thích-ca, bồ tát, chùa Dâu còn thờ cả “đức Thạch Quang” là thần đá. Cho đến ngày nay, dân gian vẫn gọi cách bố trí các tượng thờ của chùa này là tiền Phật hậu thánh. Phật đản mồng 8 tháng 4 (âm lịch) của vùng Dâu là ngày hội tổ chức các lễ nghi nông nghiệp cầu mưa, cầu mùa màng tươi tốt (…)


(Phan Ðại Doãn, “Phật giáo thời Ðinh Lê”, trong
Thế kỷ X - Những vấn đề lịch sử (nhiều tác giả), nxb. Khoa Học Xã Hội, 1984)