Đồng nguyên chất khá mềm. Thiếc nguyên chất lại còn mềm hơn. Thế mà pha tí thiếc vào đồng thì lại được một hợp kim cứng hơn đồng! Đồng nguyên chất hay gọi là đồng đỏ. Hợp kim vừa nói gọi là đồng thau. Để bước vào Thời đại Ðồng thau, ta cần cả thiếc, nếu không sẵn có thì phải “trao đổi” với ai đó cho có...



Phan Ngọc Liên, “Thời đại đồng ở Ðông Nam Á”




Từ khoảng đầu thiên niên kỷ II TCN, cư dân Ðông Nam Á, mà trước hết là cư dân ở vùng đồng bằng sông Hồng và ở Thái Lan đã biết đến công cụ bằng đồng thau. Ðông Nam Á hầu như không có một giai đoạn (...) đồng đỏ riêng biệt. Ðồng thau được sử dụng ngay từ đầu cùng với các công cụ bằng đá và tre gỗ... (...) các nền văn hóa Ðồng Ðậu, Gò Mun và Ðông Sơn của Việt Nam (...) các di chỉ đồng thau ở Non Nok Thà, Ban Chiang, Bản Nadi (Thái Lan) (...) khẳng định tính chất bản địa của nghề đúc đồng ở nơi đây. Như thế, Ðông Nam Á có một nền văn minh đồng thau phát triển sớm và rực rỡ không thua kém các nền văn minh cổ đại khác.

Trong bộ sưu tập về đồ đồng, những nét tương đồng khu vực càng thể hiện phong phú và rõ rệt hơn. Căn cứ vào các chế phẩm kim loại tìm được trong các di chỉ khảo cổ, có thể nghĩ rằng kỹ thuật đúc và luyện kim trong khu vực Ðông Nam Á có những đặc điểm riêng khá giống nhau. Ðồng thời đồ đồng ở đây cũng rất giống bộ hiện vật đồng thau của vùng tây nam và đông nam Trung Quốc, từ công cụ sản xuất như lưỡi cày, rìu, cho đến nhạc khí như trống đồng. Bộ hiện vật đó chỉ phân bổ trong khu vực bắc Việt Nam và Quảng Tây - Quảng Ðông - Vân Nam của Trung Quốc với mật độ đậm nhất, tập trung nhất là vùng châu thổ phì nhiêu của sông Hồng, sông Mã, mà không thấy có trong các nền văn minh khác.(1)

Tuy nhiên do tình trạng không có nhiều đồng và do điều kiện tự nhiên ở đây khiến cho thời đại đồ đồng không thể xuất hiện sớm hơn và công cụ bằng đồng cũng không thể phát huy được tác dụng trên một địa bàn đa dạng. Cho nên trong khoảng hai thiên niên kỷ cuối TCN chỉ có cư dân đồng bằng sông Hồng là sớm phát triển nghề đúc đồng, phát huy được tác dụng của kim loại này và có điều kiện tiến nhanh hơn trên quá trình hình thành xã hội có giai cấp và nhà nước. Năm thế kỷ cuối trước CN, với giai đoạn Ðông Sơn - giai đoạn đồng thau cực thịnh và sơ kỳ đồ sắt, sự hình thành nhà nước và xã hội có giai cấp của người Việt đã có những biểu hiện rõ ràng. Trong khi đó, một số vùng Ðông Nam Á khác mới bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển của đồ đồng và vẫn ở trong thời tiền sử, còn một số vùng khác lại chưa có dấu hiệu của sự phát triển cao hơn.


(Phan Ngọc Liên (chủ biên) - Nghiêm Ðình Vỳ - Ðinh Ngọc Bảo - Trần Thị Vinh,
Lược sử Ðông Nam Á, nxb. Giáo Dục, 2003)














_______________
(1) Nguyễn Duy Hinh, “Ðồ đồng vùng tây nam Trung Quốc”,
Khảo cổ học, số 1, 1982; “Ðồ đồng vùng đông nam Trung Quốc”, Khảo cổ học, số 2, 1982.