“… dễ lây lắm”, nhưng không phải ai có mặt cũng bị lây đâu. Chính Thạch Lam chẳng hạn. Chắc chắn ông không dùng bao nhiêu bất cứ thứ thức ăn thức uống nào, mà đứng ở phố hàng Khoai có lẽ khá lâu là chỉ cốt để quan sát cái ăn uống của người khác cho thực kỹ, thu lấy nhiều vật liệu, để về nhà bên hồ Tây cặm cụi “nấu nướng” ra món ăn tinh thần riêng của mình... Cái món ấy của ông lần này, nó như một bức tranh ẩm thực linh động mà trong đó nét nổi bật nhất là chính bà hàng!

(Thu Tứ)



Thạch Lam, “Bà cụ bán xôi”




Trong khi chợ xanh đang họp, tuy đêm khuya, mà quang cảnh cũng không thiếu phần tấp nập. Những người bán gọi thêm một số người mua, cả người bán lẫn người mua lại gọi thêm một số hàng quà. Gánh hàng phở nóng trước chợ Ðồng Xuân lúc ba giờ đêm cũng là một gánh phở ngon, có lẽ trong không khí mát và lặng ban đêm, mùi phở thơm quyến rũ người ta hơn. Rồi hàng xôi, hàng bánh cuốn nóng, hàng bánh tây chả, vân vân, cũng tụ họp nhau vào để lập thành cho đầy đủ một dãy quà ngon, nhiều hương vị.

Nhưng các hàng quà đó chỉ có bán những buổi phiên chợ mà thôi. Ngoài ra, có một hai hàng quà bán quanh đêm, dù phiên chợ xanh có họp hay không. Vì trước chợ Ðồng Xuân không bao giờ lâm vào cảnh vắng lặng và tịch mịch. Bao giờ cũng có người: một vài thày đội xếp đến “tua” đi tuần đêm, một vài người đi bán vé, một số đông các bác kéo xe... và một vài người thích chơi khuya, hoặc ở các rạp hát hay nhà chớp bóng về, còn vui chân lang thang mãi trên các vỉa hè Hà Nội để nghe tiếng gót giầy của mình vang động; hoặc ở cao lâu ra, muốn đi hóng mát cho tiêu, hoặc ở các tiệm thuốc phiện ra - cái này thì phần nhiều - đã có một vài điệu chếnh choáng trong chân, muốn đi đây, đó, không mục đích, không cần nghĩ trở về, và thấy đời lúc ấy dung dị dễ chịu và tàm tạm sống được...

Muốn thức quà no, thì lại hàng xôi, cơm của bà cụ phố hàng Khoai. Bà dọn hàng trước cửa chợ đã từ lâu lắm, không biết đã mấy năm rồi, và chỉ dọn từ lúc chín, mười giờ tối trở đi cho đến sáng. Bà bán đủ các thức xôi: xôi vò, ăn bùi và béo, xôi đỗ ăn đậm vị, xôi lạc ăn vui miệng, đôi khi cả xôi gấc đỏ tươi, lúc xới ra, khói bốc thơm phức... Ăn với những miếng đậu thái vuông to, rán phồng (tuy rất ít mỡ) và mắm muối sẵn sàng; hay những miếng chả trâu không ngon lành lắm - người nghèo có kỳ quản đâu! Ðã lâu, bà có làm một thứ giò sỏ, mỡ ròn và mộc nhĩ, ăn cũng thú vị.

Khi nào đồ chừng khách hàng đã ngấy xôi, thì bà bán cả cơm, với cá giếc rán, với trứng gà “om-lết” (mà tôi ngờ là trứng vịt) với vó bò hay giò lợn, và cả một nồi mộc đông quánh như keo sơn, béo ngậy như thịt đông.

Ở đây, không có gì đáng quyến rũ một người sành thưởng thức, quả vậy. Nhưng phải trông các bác xe, các người phu ngồi ăn, mới hiểu cái ngon lành có thể đến bực nào!

Nhắp một vài chén rượu, thong thả gặm một mảnh vó bò may còn dính nhiều thịt, vo tròn nắm xôi trong tay trước khi đưa lên miệng, họ có cái sung sướng của nhà nghệ sĩ thưởng thức áng văn hay, ( có lẽ họ là những nghệ sĩ mà không biết). Mà nếu hôm ấy buổi xe lại có lãi, thừa được vài hào, thì cái thú của họ thực là vô cùng vô tận.

Cho nên quanh mẹt hàng của bà cụ phố Hàng Khoai, bao giờ cũng vây một hai vòng người. Thỉnh thoảng chúng ta được thấy một vài nhân vật lạ: một vài người, không biết ở đâu, và sống bằng cách gì, gầy gò và rách rưới, nhưng quần áo rách là những thứ quần áo sang trọng trước kia. Nhìn kỹ thì biết là những người nghiện; phải, mà chỉ có những người nghiện mới biết đưa miếng giò lợn lên ngắm nghía một cách âu yếm và thiết tha nhường ấy, mới biết khà hớp rượu một cách ngon lành như vậy, mới biết đưa tay có móng đen véo đĩa xôi một cách chắt chiu thế kia; họ tính từng xu, thêm bớt từng tí mỡ, và mặc cả từng khoanh giò; nhưng cái nhắm nhía, cái lờ đờ mắt ngẫm nghĩ đến vị miếng ăn, đủ tỏ một tâm hồn cảm giác không thường, cùng với một sự từng trải đã qua nhiều đau đớn.

Cái ngon ấy cũng dễ lây lắm. Cả đến chính bà hàng cũng theo được cái nên thưởng thức. Những lúc vắng khách, bà cũng rót một chén rượu to để cạnh, và thong thả nhắm những thức ăn tự tay mình làm ra. Có lẽ bà tự lấy làm bằng lòng: vì mắt bà lâu dần mờ say đi, tay bà dính thêm nhiều mỡ, và bên thúng thêm một đống xương con... Ít ra ở đâu mà được người bán cùng với người mua cùng là tri kỷ, hiểu các vị một cách thấu đáo như thế, và cùng bàn luận về xôi, giò chả với cái dễ dàng thân mật của những người kính phục lẫn nhau. - Ở đâu, nếu không ở chốn Hà Nội 36 phố phường?

................................................................

*

Giờ ăn đã no rồi, rượu đã làm cháy khô cuống họng. Còn gì bằng một chén nước chè nóng, một lá trầu tươi, một điếu thuốc lào ở cái điếu rõ kêu? Vậy xin mời các ông sang bên “Hàng nước cô Dần”...


(Trong
Hà Nội 36 phố phường)