“Văn hóa Sa Huỳnh” đây là gồm cả những giai đoạn tiền - Sa Huỳnh. Gọi thế giống như gọi chung bốn giai đoạn Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu, Gò Mun, Ðông Sơn là “văn hóa Ðông Sơn”.

Sa Huỳnh tiến bộ không kém Ðông Sơn, thậm chí có phương diện đã tiến xa hơn Ðông Sơn. Vậy Ðông Sơn có “vua”, hẳn Sa Huỳnh cũng có “vua”.

Người Việt Nam là hậu duệ của cư dân văn hóa Ðông Sơn, ta có truyền thuyết về vua Ðông Sơn (tức Hùng Vương). Người Chàm có truyền thuyết gì về vua Sa Huỳnh không nhỉ?

(Thu Tứ)



Trần Quốc Vượng (cb), “Văn hóa Sa Huỳnh”



Trung tâm hay đỉnh cao của văn hóa thời đại kim khí Việt Nam ở miền Trung (từ Ðèo Ngang đến Ðồng Nai) (1) được gọi theo tên một địa điểm khảo cổ học ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Ðó là văn hóa Sa Huỳnh.

Nền văn hóa này có quan hệ gốc gác với các nền văn hóa hậu kỳ đá mới, sơ kỳ thời đại đồng thau ven biển như văn hóa Bàu Tró, Hoa Lộc, Hạ Long, nhất là văn hóa Bàu Tró, có không gian phân bố cận kề với văn hóa Sa Huỳnh.

Văn hóa Sa Huỳnh tồn tại từ sơ kỳ thời đại đồng thau (hơn 4000 năm cách ngày nay) cho tới sơ kỳ thời đại sắt sớm (những thế kỷ 7-6 trước công nguyên tới thế kỷ 1-2 (...) sau công nguyên). Dù cho còn nhiều ý kiến về các giai đoạn sớm, muộn của nền văn hóa này, song hầu như các nhà nghiên cứu đều thống nhất là giữa các nhóm di tích của cả ba giai đoạn sơ, trung kỳ (thời đại đồng thau) và hậu kỳ (sơ kỳ thời đại sắt) đều có những đặc trưng chung (...) và theo ý kiến của chúng tôi chắc chắn có sự tham gia và ảnh hưởng của một số yếu tố văn hóa khác.

(...) thời điểm kết thúc của văn hóa Sa Huỳnh, dựa trên những niên đại C14 ở một số khu mộ (...) và những hiện vật văn hóa Hán (...) có thể chấp nhận niên đại muộn nhất của các di tích là thế kỷ I,II sau công nguyên.

(...) Trong quá trình hình thành và phát triển (...) văn hóa Sa Huỳnh còn có những quan hệ cội nguồn hay giao lưu với những văn hóa hậu kỳ đá mới - sơ kỳ đồng thau của miền cao nguyên (...) Ngoài ra còn có những mối giao lưu rộng rãi với các cư dân kim khí Ðông Nam Á hải đảo và lục địa (...)

(...)

Một đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Sa Huỳnh là hình thức mai táng bằng chum gốm suốt từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn (ngoại trừ mộ huyệt đất ở Bình Châu - Quảng Ngãi) (...) nguồn gốc của hình thức mai táng này đòi hỏi phải có nhiều nghiên cứu tiếp (...) đã phát hiện nhiều khu mộ - những bãi mộ chum rộng lớn, nhiều tầng lớp với những loại hình vò (...) hình cầu, hình trứng, hình trụ có kích thước lớn nắp đậy hình nón cụt hay lồng bàn, phân bố lẻ tẻ hay thành cụm (...) Ngoại trừ một vài chum còn vết tích xương răng trẻ em (...) hầu như các chum chỉ có đồ tùy táng, cát trắng và ít than tro (...) có thể do hỏa táng, có thể do hình thức mộ tượng trưng.

Ở những giai đoạn sớm và giữa, đồng thau đã được người Sa Huỳnh sử dụng để chế tác công cụ và vũ khí. Sang tới giai đoạn cuối, đồ sắt chiếm lĩnh về cả số lượng và chất lượng. Nét độc đáo của cư dân Sa Huỳnh là kỹ thuật chế tạo đồ sắt (chủ yếu bằng phương pháp rèn). Nếu thống kê các đồ sắt Sa Huỳnh đã được phát hiện đến nay thì số lượng lên tới hàng trăm chiếc, chủng loại đa dạng gồm rựa, dao quắm, giáo, mai, liềm, thuổng, kiếm ngắn, qua v.v. Ðặt trong tương quan với các trung tâm văn hóa Ðông Sơn ở phía bắc, văn hóa Ðồng Nai ở phía nam, số lượng và sự phổ biến rộng rãi của đồ sắt của văn hóa Sa Huỳnh nhiều hơn hẳn.

Cùng với việc đạt đến trình độ cao của kỹ thuật chế tạo sắt (cả việc đúc gang), cư dân văn hóa Sa Huỳnh còn đạt đến bước phát triển cao với các nghề se sợi, dệt vải, chế tạo gốm, làm đồ trang sức (...) Cư dân văn hóa Sa Huỳnh (...) ưa dùng đồ trang sức (vòng, nhẫn, khuyên tai v.v.) bằng thủy tinh, mã não, đá, gốm, nephrit. Chất liệu được ưa thích nhất là mã não (mã não được nhập từ nơi khác đến vì (trên địa bàn phân bố của văn hóa Sa Huỳnh) (...) không có nguyên liệu này). Khuyên tai (hay bùa đeo) hai đầu thú và ba mấu là một chế phẩm Sa Huỳnh đặc thù (...) Trong một số di tích đương đại của văn hóa Ðông Sơn (...) (và trên những đất nay là) Phi-lip-pin, Thái Lan v.v. cũng tìm thấy những khuyên tai này. Ðó là bằng chứng của sự lan tỏa ảnh hưởng của văn hóa Sa Huỳnh. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh còn biết nấu cát làm thủy tinh và dùng thủy tinh để chế tạo đồ trang sức (hạt cườm, hạt chuỗi, vòng tay, khuyên tai ba mấu hai đầu thú v.v.). Từ đây đồ trang sức thủy tinh lan ra cả phía bắc và vào phương nam.

Văn hóa Sa Huỳnh là sản phẩm của những cư dân nông nghiệp trồng lúa ở những đồng bằng ven biển cồn bàu. Tuy vậy nền kinh tế của họ là nền kinh tế đa thành phần, họ sớm biết khai thác những nguồn lợi của biển, của rừng, biết phát triển các nghề thủ công, từng bước họ đã mở rộng quan hệ trao đổi buôn bán với các cư dân trong khu vực Ðông Nam Á lục địa, hải đảo và rộng hơn với Ấn Ðộ, với Trung Hoa. Ðặc biệt ở giai đoạn cuối, nghề buôn bán bằng đường biển rất phát triển. Ở ven biển miền Trung (2), vào những thế kỷ trước, sau công nguyên đã hình thành một số tiền cảng thị hay cảng thị sơ khai.

Mật độ phân bố di tích cũng như quy mô lớn của các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh là chứng cớ của sự quần tụ đông đúc dân cư; sự phong phú về kiểu loại, số lượng của các loại hình hiện vật từ nhiều chất liệu là dấu hiệu về sức sản xuất mạnh mẽ của cư dân văn hóa này, đều chứng tỏ ở giai đoạn cuối đã hình thành một nhà nước sơ khai. Sự trùng hợp về địa bàn phân bố, của niên đại kết thúc của văn hóa Sa Huỳnh và niên đại mở đầu của văn minh Chămpa cũng như sự nối tiếp của một số loại hình hiện vật đặc biệt là đồ gốm và đồ trang sức, của táng thức, của các ngành nghề kinh tế cho thấy nhà nước Chămpa là sự tiếp nối của nhà nước Sa Huỳnh. Nhà nước Chămpa được hình thành trên cốt lõi của văn hóa Sa Huỳnh dưới ảnh hưởng của những yếu tố văn hóa ngoại sinh (...) sự “Ấn Ðộ hóa” ban đầu chỉ xảy ra ở lớp mặt của văn hóa (tôn giáo) ở tầng lớp trên của xã hội.


(Trần Quốc Vượng (chủ biên), Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Chí Bền, Lâm Mỹ Dung, Trần Thúy Anh,
Cơ sở văn hóa Việt Nam, nxb. Giáo Dục, VN, tái bản lần thứ sáu, năm 2005, tr. 125-128)





________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.
(1) Miền Trung bắt đầu từ đèo Tam Ðiệp. Từ đèo Tam Ðiệp tới Ðèo Ngang là Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh, là bắc Trung bộ. “Miền Trung” nói ở đây chỉ gồm trung Trung bộ và nam Trung bộ mà thôi. (TT)
(2) Xem trên.