“Nguyễn Du theo một số tác giả”




Sinh năm 1765, mất năm 1820.

Theo Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973:

Theo Gia phả, là "dòng dõi một nhà thế phiệt trâm anh đệ nhất trong nước lúc bấy giờ", "cả nhà, cha con, chú bác, anh em đều là người khoa giáp, làm quan to đời nhà Lê". Cha là Nguyễn Nghiễm (1707-1775), đỗ tiến sĩ, làm tới chức đại tư đồ bình nam tả tướng quân, tước Xuân quận công, đứng đầu các quan. Mẹ là Trần Thị Tần (1740-1778), đẹp nổi tiếng đất Kinh Bắc. Anh khác mẹ là Nguyễn Khản đỗ tiến sĩ, làm tới chức Thượng thư bộ Lại, tước Toản quận công, tài hoa, phong lưu rất mực, hát xướng ăn chơi có tiếng. Lớn lên tại Thăng Long. (Không biết mấy năm sau khi mẹ mất) Ở với anh là Nguyễn Khản lúc đó đang làm hiệp trấn Sơn Tây. Sống phong lưu, khi về quê hương Tiên Ðiền sang Trường Lưu hát phường vải, khi về quê mẹ dự hát quan họ. Năm 18 tuổi, đỗ tam trường (tú tài). Không bao lâu, do loạn kiêu binh Nguyễn Khản phải lui về Hà Tĩnh, Nguyễn Du được tập phong một chức quan võ nhỏ tại Thái Nguyên (do có người cha nuôi họ Hà), lĩnh chức đó cho đến 1786 (Nguyễn Huệ ra bắc lần thứ nhất). Sau 1789 (Quang Trung đại phá quân Thanh), Nguyễn Du về quê vợ ở xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, bắt đầu "mười năm gió bụi", ăn nhờ ở đậu. Năm 1796 về Hồng Lĩnh quê cha, sống tiếp sáu năm nghèo khó. Năm 1802, bất đắc dĩ vâng lệnh Gia Long ra làm tri huyện ở Hải Hưng. Ba lần xin về: năm 1804, 1808, 1812. Lần nào, chỉ sau vài tháng lại có chỉ triệu vào kinh, thăng chức. Chức vụ tuy cũng khá, nhưng đều ít quyền. Năm 1813 làm chánh sứ sang Trung Quốc. Ðại Nam chính biên liệt truyện chép: "Ðối với nhà vua thì ông chỉ giữ hết bổn phận, chứ không hay nói năng điều gì", và "đến khi ốm nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ nói với ông đã lạnh rồi, ông nói "Ðược" rồi mất không trối lại một điều gì."

(Về nhà Tây Sơn, Nguyễn Du ghi trong Gia phả: "Dầu có bậc thánh nhân ra đời ở đất Kỳ Sơn / Nhưng Bá Di tuy có chết cũng chẳng chịu làm tôi nhà Chu". Năm 1796 toan vào Gia Ðịnh giúp Nguyễn Ánh. Việc bại lộ, bị tướng Tây Sơn là Nguyễn Thận bắt. May Thận là bạn thân của Nguyễn Nễ (anh ND) nên ông chỉ bị giam mấy tháng rồi được tha.)

Theo Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ:

Nguyễn Du thuộc về một gia đình khoa hoạn nổi danh ở làng Tiên Ðiền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh về thời Lê mạt. Sinh năm 1765, con một bà thứ thất người Ðông Ngàn (Bắc Ninh), đứng thứ bảy trong 18 anh em. Năm 17 tuổi (1782), do loạn Kiêu binh, anh cả là Tham tụng Nguyễn Khản phải bỏ Hà Nội chạy lên Sơn Tây với em là Nguyễn Ðiều (một người anh khác của ND). Hai năm sau, ND đậu tam trường. Làm thủ hiệu (tựa như lãnh binh) ở Thái Nguyên. Năm 1789 Quang Trung ra bắc, không kịp theo Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu, ND về quê vợ ở Thái Bình, cùng người anh vợ là Ðoàn Nguyên Tuấn mưu khởi nghĩa nhưng bị dẹp tan. Nghe tin Nguyễn Ánh lấy lại được đất Gia Ðịnh, ND tìm đường vô nam, nhưng đi đến Vinh thì bị bắt. Nhờ Trấn thủ Tây Sơn ở Nghệ An là bạn của một người anh (Nguyễn Nhĩ) nên được tha. Trở về làng, sống nghèo, tự hiệu "Hồng Sơn liệp hộ" (...) Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), lại có chỉ sai ông đi sứ Tàu nữa, nhưng chưa kịp đi thì mất, ngay tại Huế.

Thơ Hán văn: Thanh Hiên tiền hậu thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành thi tập. Thơ Việt văn: Bài thác lời trai phường nón, Bài văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, Bài văn cúng Thập loại chúng sinh (Chiêu hồn ca), Ðoạn trường tân thanh (Truyện Kiều). Hai bài Việt văn đầu làm ra lúc ND khoảng 20 tuổi, một để tạ lòng một cô phường vải, một để tỏ nỗi uất hận vì mối tình đầu với hai cô gái phường vải khác.

Theo Loạn kiêu binh của Nguyễn Triệu Luật:

Người con cả của Nguyễn Nghiễm còn có tên là Nguyễn Lệ (ngoài tên Nguyễn Khản). Nguyễn Lệ lúc đầu giữ chức Trấn thủ Sơn Tây, sau về kinh làm đến Lại bộ thượng thư, nhập thị tham tụng, tức như tể tướng. Chức Trấn thủ Sơn Tây để lại cho người em kế là Nguyễn Điều. Khi loạn kiêu binh xảy ra, Nguyễn Lệ chạy sang chỗ em lánh nạn. Sau khi mẹ mất, Nguyễn Du sống với người anh cả, nên khi thì ở Sơn Tây, khi về Thăng Long, rồi lại trở lại Sơn Tây một thời gian ngắn. (tr. 63, 120)