“Oai như gái Việt”




Hẳn vốn khác xa, nên mới...

Văn hóa Trung Quốc xưa nổi tiếng trọng nam khinh nữ, đẻ con “một trai là có, mười gái là không”! Ðào Duy Anh nhận xét gia tộc chủ nghĩa phương Bắc về địa vị của đàn bà con gái thì “luân lý (…) rất là tàn nhẫn”.(ĐDA)

Văn hóa Việt Nam có tiếp thu văn hóa Trung Quốc, vậy tổ tiên ta cũng xem thường, cũng đối xử khắc nghiệt với phụ nữ chăng? Không đâu. Vẫn Ðào Duy Anh: “(về địa vị của đàn bà con gái) pháp luật và phong tục nước ta (...) thể tất nhân tình hơn”. Phan Ngọc, Trần Ngọc Thêm tìm hiểu văn hóa dân tộc, cũng kết luận: người Việt ngay trong thời cực thịnh của Nho giáo vẫn không hề xem thường phụ nữ như người Tàu.(PN, TNT)

Họ thế, ta tiếp xúc lâu dài với họ mà không... Thế thì hẳn trước khi tiếp xúc, ta đã không khinh nữ chút nào.

Xem lại một số bằng chứng, thấy trong xã hội Việt Nam truyền thống người phụ nữ quả thực có một địa vị rất đặc biệt. Ðàn bà con gái ta từng oai nhất thế giới!

Những chuôi dao găm…

Đã xem ảnh trong sách từ lâu, vậy mà lần đầu tiên đến thăm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, tận mắt ngắm những chuôi dao găm Ðông Sơn, vẫn kinh ngạc. Rõ ràng đó là những tượng phụ nữ…

Đàn ông vẫn có lối ưa thấy hình nữ giới trên vũ khí của mình, chuôi dao găm thế thì có gì… Lạ đấy, vì “hình” đây không hề lãng mạn hay khêu gợi. Đó là những phụ nữ chống nạnh, mắt trợn tròn xoe, oai phong lẫm liệt. Ngẫm nghĩ, rồi thử gạt ra khỏi óc cái thành kiến chỉ đàn ông mới cầm vũ khí. Biết đâu những chuôi dao độc đáo ấy chính đã nằm trong lòng bàn tay những người giống hệt tượng chuôi!

Lại thử nghĩ về món vũ khí ấy. Nó có tầm đánh rất ngắn, khó bề là trang bị của chiến sĩ, chắc cơ bản đã tượng trưng cho quyền chỉ huy, như khẩu súng lục bây giờ. Tức những phụ nữ Ðông Sơn cầm dao găm không phải những chiến sĩ bình thường, mà là những cấp chỉ huy. Những nữ tướng!

Trong số những dao găm Ðông Sơn đã tìm được, loại dao có chuôi là tượng phụ nữ chiếm đa số.(TQV-1) Thế nghĩa là trong văn hóa Ðông Sơn phụ nữ chẳng những có làm tướng mà còn chiếm đa số trong hàng tướng lĩnh?!

“Cho Ngô biết mặt…”

Mấy trăm năm sau Hùng Vương thứ 18, đến thời Hai Bà Trưng, Đông Sơn vẫn còn đông nữ tướng:

“Chỉ mới (...) kiểm kê các di tích lịch sử ở bốn tỉnh lớn đồng bằng Bắc Bộ là Hà Sơn Bình, Hà Nội, Vĩnh Phú, Hà Bắc, ta đã thấy khoảng hai trăm đền được dựng lên từ ngàn xưa để thờ phụng, tưởng nhớ Hai Bà Trưng và các tướng tá, đặc biệt là các nữ tướng (...) Trong đội ngũ phụ nữ đông đảo được suy tôn (...) ấy (...) có những bà mẹ già như Man Thiện, Diệu Tiên, có những người vợ như Bát Nàn, Ðào Kỳ, Lê Thị Hoa, những cô gái như Lê Chân, Thánh Thiên, Thiều Hoa, Xuân Nương, Liễu Giáp, Việt Huy, Ả Di, Ả Tắc, Ả Lã, Nàng Ðê (...) Vẫn hay rằng đó phần nhiều là những tên đẹp (...) sau này gắn cho các vị ấy (...) Vẫn hay rằng ở trong số đó có nhiều vị vốn là những nữ thần nông nghiệp (...) được lịch sử hóa (...) Song chắc chắn vẫn có một cái nền lịch sử”. Hai Bà Vua và các cụ tướng, bà tướng, cô tướng đã chỉ huy kháng chiến xuất sắc đến nỗi “thứ sử Giao Chỉ và các thái thú chỉ còn giữ được thân mình mà thôi”!(TQV-2)

Hơn hai trăm năm sau khởi nghĩa Mê Linh, một phụ nữ Đông Sơn khác lại ngồi sừng sững trên bành voi tổng chỉ huy một cuộc khởi nghĩa giành độc lập khác:

“... Vú dài ba thước vắt lưng
Cưỡi voi gióng trống bên rừng trẩy ra
Cũng toan cất gánh sơn hà
Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam”
!(LNC)

Chắc chắn “Ngô” đã “biết mặt”, vì quân Bà Triệu đánh dữ đến nỗi “thứ sử Giao Châu mất tích”!(TQV-2)

“Đã mất nhưng đang còn”(HVT)

Cổ vật và sự kiện lịch sử cùng nhau làm ta nghĩ ngợi thêm về địa vị xã hội của phụ nữ Việt xưa kia. “Vua Hùng (...) chỉ là nét vẽ muộn màng của (...) thời Lý - Trần - Lê”.(TQV-1) Vì người “vẽ” là các nho sĩ, cổ sử Việt mà hao hao giống cổ sử Tàu, chẳng hạn cứ hễ vua thì nhất định phải là đàn ông. Sự thực, trong mười tám vua Hùng, biết đâu chẳng có nữ vương…

Dù sao, sau Bà Triệu, cách tổ chức xã hội trong đó người phụ nữ có địa vị rất cao, nếu không tối cao, đành chấp nhận giải thể. Vì tối hậu thất bại về quân sự, không đánh đuổi được ngoại xâm, để cho giặc tiếp tục cai trị đất nước, xã hội Đông Sơn truyền thống rút cuộc phải chịu mất cấu trúc đặc thù của nó.

Khung Đông Sơn tan, nhưng chất Đông Sơn vẫn còn rất đậm. “Ðàn bà nước Nam” thôi “cưỡi voi gióng trống” không hề có nghĩa là người Việt biến thành người Tàu. Với đại đa số nhân dân vẫn tiếp tục sống trong các làng quê, xa ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa Tàu, trong đêm dài Bắc thuộc tổ tiên ta âm thầm xây dựng một văn hóa mới, vừa tiếp thu hạn chế văn hóa phương Bắc, vừa tự lực sáng tạo, vừa dai dẳng duy trì một số yếu tố căn bản của nền văn hóa thời Hùng Vương. Trong số những nét Hùng Vương cứ còn mãi, có thái độ đặc biệt nể vì đối với phụ nữ. Thái độ này dễ dàng thấy trong vô số biểu hiện văn hóa.

Vai trò trong gia đình

Về vai trò của người vợ trong gia đình Việt Nam truyền thống, có thật nhiều lời để lại.

Ca dao: “Có con phải khổ về con, có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng”. Phạm Quỳnh: “Chồng trị vì, vợ cai quản”(PQ), Nguyễn Văn Huyên: “Vợ là người chỉ huy việc nhà (...) Hầu như bao giờ vợ cũng giữ tiền bạc, quản lý của cải, giải quyết các khoản chi tiêu, thu lợi tức (...) Người vợ Việt Nam được chồng trân trọng, được con cái kính nể, chiếm một chỗ đứng cao trong gia đình (...) nhiều khi có vai trò gây dựng cơ nghiệp cho gia đình”(NVH), Toan Ánh: “Mẹ tôi được cả nhà quý trọng (…) làng nước ai ai cũng ngợi khen (...) Mọi việc trong nhà (…) đều do người đảm đang (...) quán xuyến”(TA-1), Nguyễn Hiến Lê: “Mẹ tôi (…) hy sinh cho chồng con, gây được sự nghiệp cho gia đình chồng (…) chẳng những con cháu, họ hàng, mà đến làng xóm, xã hội cũng đều kính nể”(NHL), Trần Thị Sen (vợ nhà văn Nam Cao: “Mọi việc lớn trong nhà như tậu ruộng, làm nhà anh thường bảo tôi cứ việc quyết định, chỉ cần bảo qua với anh thôi”(TTS)…

Rõ ràng, “chồng vua vợ tể tướng” mới là chủ đạo, điển hình, “chồng chúa vợ tôi” bất quá hiện tượng tiêu cực lẻ tẻ.

Ai quý tể tướng bằng vua. Nho sĩ chuyên thi rớt như Tú Xương dĩ nhiên trân trọng người vợ “quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một… ông Tú. Nho sĩ cực thành đạt như Nghè Khuyến cũng thấy bà Nghè thật là… vĩ đại: “Giời nào hơn vợ, vợ hơn giời”! Học trò Nguyễn Khuyến học kỹ lời thày Tàu Khổng Tử nên đi thi “cưỡi đầu người kể đã ba phen”, nhưng nên ông Tam Nguyên rồi thì vẫn nhìn vợ mình theo đúng tinh thần Việt xa xưa. Bao nhiêu công phu “xôi, nấu” chữ nghĩa thánh hiền không sao xóa nổi một cái nếp cũ tận thời Hùng Vương!

Sinh hoạt xã hội

Người Tàu xưa chủ trương “nam nữ thụ thụ bất thân” và thi hành chủ trương ấy triệt để tới mức đàn bà con gái gần như không được ra khỏi nhà (để khỏi “thân” với đàn ông). Hồi đầu thế kỷ 20, Nguyễn Bá Trác đi Tàu về kể chuyện: “Người mấy tỉnh về đàng bắc (...) Ðàn bà con gái (...) con nhà thượng lưu ít khi ra đến cửa”.(NBT) Bình Nguyên Lộc cho biết đến năm 1911 mà bên Tàu việc đi chợ mua đồ ăn vẫn là việc của đàn ông. Thậm chí, đến thập kỷ 1960 ở Chợ Lớn phụ nữ Hoa kiều vẫn chưa được đi chợ!(BNL)

Ở ta đã không hề có chuyện thế đâu. Phụ nữ Việt xưa không chịu ru rú trong buồng, lẩn quẩn xó bếp, mà đều đều đi chợ, đi hát, đi hội...

Dân ca quan họ rất lâu đời. Hoàng Cầm có mẹ là một liền chị nên biết rất rõ và từng kể lại khá tỉ mỉ sinh hoạt của “người quan họ”: “Các phường hát thi xong thì tỏa ngay ra cánh đồng làng và tự do, phường nữ nào thích hát với phường nam nào cứ việc hát”.(HC) Vũ Ngọc Phan cũng biết rõ sinh hoạt ấy và nhận xét rằng nó “trái hẳn với lễ giáo phong kiến, trái hẳn với cái lối bắt buộc nam nữ thụ thụ bất thân”.(VNP)

Ði hát “thân” thế, nhưng vẫn chưa thân bằng đi hội. “Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ, trai chưa vợ nhớ hội Chùa Thầy”. Ở hội Chùa Thầy, trai gái vào hang Cắc Cớ chen qua chen lại. Còn ở hội Nga Hoàng (Bắc Ninh) thì đàn ông con trai bị đàn bà con gái ùa đến chen cho kỳ văng xuống ao xuống ruộng mới thôi!(TA-2) Chen vui đáo để, nhưng “vui thời vui vậy, chẳng tầy rã La”. “La” là hội La Khê (Hà Tây), vui đặc biệt, vì đêm rã đám có một lúc tắt hết đèn đuốc để trai gái tha hồ “tình tự”.

Ca dao và thơ Xuân Hương

Phụ nữ Việt Nam dám chen, dám “rã”, dám tranh nhau cướp nõn, dám cầm nường đưa lên cho nõn “tình phộc” ngay giữa miếu trước mắt dân làng (DĐMS), sao không dám ca dao tục. Trong Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc, có lắm câu lắm bài tục không để đâu cho hết, mà ai biết tác giả không phải những gái quê! Còn thơ Xuân Hương, để ý nó không phải chỉ tục, mà còn rất “ngang”: “Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ, lại đây cho chị dạy làm thơ”, “Này này chị bảo cho mà biết, chốn ấy hang hầm chớ mó tay” v.v. “Hương” không chỉ “chị” với lũ học trò đáng tuổi em, Hương “chị” luôn với anh đồ Chiêu Hổ! Em thì chị dạy, còn anh thì chị “bảo cho mà biết”! Bất kể tác giả thực sự là những ai, việc cái tập hợp thơ ấy được gán cho một phụ nữ chứng tỏ phụ nữ ta hồi thế kỷ 19 không hiếm người có cái phong cách lắm khi “hơn cả bình đẳng” với phái nam!

Điêu khắc dân gian

Ngắm đi ngắm lại những bức chạm ở một số đình làng (LV), làm sao khỏi thấy hẳn các tác giả đã sống trong một không gian văn hóa đặc biệt cởi mở thế nào nên mới chạm ra, trổ ra những tác phẩm độc đáo như thế. Chu Quang Trứ kể: “Có hàng loạt cảnh trai gái tình tự và say sưa ân ái (...) Trong các cảnh ân ái, chính cô gái lại chủ động chèo kéo và cũng luôn được chạm ở tỉ lệ lớn hơn người bạn tình”(CQT) (hóa ra trước khi vào thơ Xuân Hương, những cảnh sinh hoạt nam nữ đã vào đình từ lúc nào rồi!). Phái nữ “chủ động” và “lớn” trong quan hệ nam nữ, thì ngoài quan hệ cũng có nét mặt và dáng vẻ đầy tự tin. Trong bức chạm “Thiếu nữ múa” ở đình Hưng Lộc (Nam Hà), chẳng hạn, cô gái tay chống nạnh tay giơ cao làm ta vừa xem vừa lờ mờ nghĩ đến cái chuôi tượng người tròn xoe mắt phượng của con dao găm Ðông Sơn. Những “cô tướng” quanh Hai Bà nghìn năm cũ hiện về trên gỗ đình làng đây chăng!

Sân khấu dân gian

Người phụ nữ Việt Nam cũng xuất hiện mạnh dạn khác thường trên sân khấu ca kịch truyền thống. “Nói lẳng (nói lệch) là cách nói của các nhân vật có tính thích bỡn cợt, lẳng lơ, nhiều khi bộc lộ một quan niệm sống phóng khoáng, vượt ra khỏi lễ giáo phong kiến, của người bình dân xưa. Cùng với ánh mắt, những cử chỉ õng ẹo, những động tác di chuyển ngang kết hợp với tư thế lắc hông đầy gợi cảm, nhân vật Thị Mầu (...) đã làm náo loạn cả sân chèo”.(NQV) “Lễ giáo phong kiến” là lễ giáo gốc Tàu. Người phụ nữ bình dân Việt xưa không chịu để nó “rọ” mình luôn luôn, cứ hễ có dịp là họ vùng ra khỏi, thoải mái bộc lộ một nét đặc thù cơ bản trong văn hóa dân tộc. Thiết tưởng vai Châu Long trong chèo cổ Lưu Bình, Dương Lễ cũng có ý nghĩa đáng chú ý. Châu Long thì không “lẳng” tí nào, nhưng cái việc nàng làm chẳng phải là phóng khoáng ngoài sức tưởng tượng của… Khổng Tử sao?

Tín ngưỡng dân gian

Phan Ngọc nhận xét về Ðạo giáo Việt Nam: “Thế giới tâm linh (của tổ tiên ta) do nữ giới cai quản”.(PN) Nào Mẹ Trời, Mẹ Rừng, Mẹ Nước, Mẹ Đất, nào Bà Mây, Bà Mưa, Bà Sấm, Bà Chớp v.v., toàn Mẹ với Bà thôi, không Bố không Ông (có phải Ông Trời, Ông Trăng về sau mới gọi?). Thực ra các Mẹ còn trị vì nữa, làm vua luôn, vì đâu có ai ngồi ở phía trên! Đến tận hậu bán thế kỷ 20, tại Bắc Ninh - nơi “đất thép thành đồng” của văn hóa Việt cổ - ta vẫn còn gặp Bà Sấm, Cô Mưa trong thơ Hoàng Cầm… Tại sao đàn bà Việt Nam được làm lãnh đạo ở cõi thiêng nhỉ? Cái thiêng bắt nguồn từ cái tục. Dù huy hoàng, chói lọi đến bậc nào, các cõi thiêng hình như bao giờ về cơ bản cũng giống cái cõi tục nơi con người ta đã hình dung ra cõi thiêng. Nghĩa là xưa kia đàn bà Việt Nam được làm “Mẹ” trong thế giới tâm linh, chắc chính bởi họ đang giữ địa vị hết sức cao quý trong thế giới hiện thực. Sau khi Bắc thuộc bắt đầu, tuy rút cuộc bị tụt chức ở trần gian, họ vẫn cứ tiếp tục ngồi cao chót vót nơi cõi khác…

Luật Hồng Ðức

Cái giá rất cao của phụ nữ trong xã hội Việt Nam truyền thống, nó đã từng được đúc thành luật hẳn hoi. “Luật Hồng Ðức ở thế kỷ XV có một số điều chú ý đến quyền lợi của phụ nữ. Như con gái có quyền hưởng gia tài như con trai, có quyền sở hữu về tài sản; vợ có quyền ly dị chồng nếu chồng bỏ vợ trong năm tháng không đi lại, trường hợp có con, thời hạn ấy tăng lên một năm. Ðó là tập tục cổ truyền còn được giữ lại, và đó cũng là giá trị lớn nhất của luật Hồng Ðức”.(TC) Bộ luật nổi tiếng ấy được làm khi triều đình đang chủ trương bắt chước văn hóa Trung Quốc, thế mà nó vẫn giữ lại nét văn hóa Việt Nam có gốc xưa tận thời Văn Lang. Ðến vua cũng phải nể, đủ biết cái thế lực của phụ nữ ta đến thế kỷ 15 vẫn còn thật lớn (các ông chồng “đi lại” biếng nhác bị đuổi như chơi!).

Đến tận thế kỷ hai mươi vẫn…

Sau Bà Triệu, tuy hiếm khi làm lãnh đạo cấp cao, cứ hễ đất nước bị ngoại xâm là phụ nữ Việt Nam hết sức tích cực tham gia kháng chiến, nên mới có câu: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.

Do sở hữu phương tiện chiến tranh tối tân, giặc Pháp và giặc Mỹ khó đánh hơn hẳn giặc Tàu. Trong cuộc đấu tranh lâu dài và vô cùng gian khổ chống hai giặc ấy, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp không biết bao nhiêu, người bất chấp nguy hiểm kiên trì hoạt động bí mật trong lòng địch, người ngày đêm xông pha dưới bom đạn cực kỳ ác liệt, năm này qua năm khác, cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc… Có những người để lại tên tuổi như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Chiên, Võ Thị Sáu, Đinh Thị Vân, Phan Thị Ràng, Trần Thị Lý (hai người trùng tên), Mai Thị Nương, Nguyễn Thị Suốt, Trần Thị Kim Cúc, Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Thị Vân Liệu, Nguyễn Thị Kim Huế, Nguyễn Thị Nê, La Thị Tám, Lê Thị Hồng Gấm v.v. Vô số người khác mãi mãi khuyết danh. Tất cả đã gây ấn tượng thật sâu đậm nơi những người được gặp, từ đó trở thành nội dung của không biết bao nhiêu thơ văn. Hãy ôn lại một số lời ghi.

Đây một nữ du kích thời đánh Pháp: “Chị tổ trưởng ngồi tiếp chuyện tôi, mới độ mười chín đôi mươi (…) Khăn vuông mỏ quạ, yếm trắng bong, áo nâu dài, hai vạt trước lỏng lẻo bắt chéo nhau bên ngoài hai dải thắt lưng xanh, quần nái đen buông đến tận mắt cá chân. Đấy là lúc nghỉ ngơi, không phải lúc đánh giặc, các chị vẫn duyên dáng lắm. Và cũng thùy mị nữa. Khuôn mặt trái xoan rất dịu dàng. Da nhỏ, mơn mởn, trắng hồng. Mắt bồ câu. Miệng nhỏ xinh xinh. Mỗi khi cười, đôi má bầu bầu lúm đồng tiền (…) Tôi không biết lúc xông vào trại giặc thì chị có dữ dội, ngổ ngáo không. Lúc này đây, chị cũng khép nép như bất cứ cô thôn nữ đẹp nào ngồi trước mặt đàn ông. Trong khi nói chuyện, đôi mắt chị luôn luôn nhìn xuống, đôi bàn tay trắng mịn đặt trên đùi. Những ngón tay búp măng muồn muột chít vào nhau. Những bàn tay nhỏ nhắn này đã từng cầm súng bắn Tây, ném lựu đạn vào Tây, hoa mã tấu lăn xả vào Tây. Nó vẫn không kém mềm mại chút nào. Trước kia, hẳn là nó đưa thoi rất nhẹ nhàng. Và ẵm em rất khéo”.(NC)

Đây một nữ du kích như trên nhưng sa cơ, bị giặc Pháp bắt: “… cùng bác H.T.N. đến thăm mộ (…) sau đó (...) thăm gia đình cô Bưởi (…) nghe khá nhiều chuyện (…) Trong một trận càn, giặc bắt được cô (…) tra tấn rất dã man (…) rồi xẻo hai vú, giết cô ngay tại cầu ao nhà mình (…) “Trưa nay em đến thăm cô / (…) / Cô ơi! / Sông nước gọi tên / Nắng mưa phục kích, trăng lên đánh đồn / Thương cô sóng cuộn quanh cồn / Nhát dao giặc giết... / em còn thấy đau!”.”.(TĐK)

Đây một nữ giao liên bị bắt ở Quảng Nam năm 1956: “Trong những năm khủng khiếp ấy (…) những người (…) sa vào tay địch đều bị chúng tra khảo cực ác hòng phá tan cơ sở ta (…) Trần Thị Lý (…) bị tra tấn bằng nhiều cách rất dã man nhưng kiên cường chịu đựng (…) Một số anh em đã tổ chức cứu (…) đưa chị ra Miền Bắc (…) “Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt / Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt / (…) / Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng / Em đã sống lại rồi, em đã sống! / Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung / Không giết được em, người con gái anh hùng!”.”.(TH)

Sang thời đánh Mỹ. Đây một đội nữ pháo binh ở Long An: “Các em đi / nòng pháo in ráng chiều cháy đỏ / (…) / Ôi những em gái quê hương (…) / Từ sâu thẳm đêm đen / một góc trời bừng chớp lửa / (…) / Đồn giặc cháy rồi! (…) / Đêm nay lại nghe tiếng pháo gầm vang / phía trời xa lắc / (…) / Ôi, có phải gió nổi bốn nghìn năm góp về / một mùa xuân bão táp / đã đưa các em đi / làm ánh chớp giữa trời…”.(NCH)

Đây một đội nữ pháo binh khác ở Quảng Trị: “Ai bảo em không vai sắt chân đồng / Vác pháo em đi mấy mùa chiến dịch / Đêm hò hẹn là những đêm pháo kích / Trăng hạ tuần soi nòng pháo nghiêng nghiêng / Lửa dựng ngút trời Dốc Miếu, Cồn Tiên / Pháo con gái nhưng chẳng hiền với giặc / Tầm hướng chỉnh rồi vén cao mái tóc / Ai biết trận này là trận bao nhiêu?”.(KQT)

Đây nữ chiến sĩ cũng ở vùng “Đất lửa”, người ngắm bắn bộ binh Mỹ, người chờ đánh máy bay Mỹ: “Có những o trẻ tuổi vai đeo K-52 cùng kính ngắm, lẫn lộn với bộ đội, lách mình trong chiến hào bắn tỉa từng tên giặc, mặt tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra cả (…) những o dân quân đầu đội mũ sắt, ngồi đàng hoàng trong bệ súng cao xạ (…) Mình vô cùng cảm phục những người con gái Vĩnh Linh này”.(HTL)

Đây nữ thanh niên xung phong đang sẵn sàng lấp hố bom sửa đường: “... trông vẻ dịu dàng ánh chút tinh nghịch của tuổi trẻ, xen nét dạn dày bom đạn, sương gió Trường Sơn (…) nụ cười hồn nhiên (…) đôi mắt (…) hiền hậu, nhìn sâu đọng của các cô (…) chúng tôi thấy lòng mình lâng lâng một tình cảm thiết tha thương mến, cảm phục”.(HTL)

Đây vẫn “những cô gái Trường Sơn”: “Tôi viết ngợi ca những người con gái / Thuở đạn bom đã đến với chiến trường / (…) / Cái chết rập rình vẫn cứ hát ca / Cũng gốc cây chiếc võng mắc làm nhà / Nắm gạo sấy miếng lương khô làm bữa / (…) / Tranh cướp từng giây với máy bay thù / Dám lao vào nơi bom đạn mịt mù / Làm cọc tiêu chỉ đường cho xe chạy / Ai đã đi qua Trường Sơn thuở ấy / Đến nơi đâu cũng nghe thấy tiếng cười / Nét dịu dàng tuổi mười tám đôi mươi / Mảnh mai thế mà cứng hơn sỏi đá...”.(ĐC)

“Cọc tiêu” tự trồng xuống đất ven đường, và có khi tự trồng xuống nước: “Ta còn nợ một chiều (…) / Em làm cọc tiêu ngập nước giữa ngầm / Máy bay thù rít như xé vải / Bình thản giăng hàng, cười nói cứ như không…”.(PVĐ)

Đây một “cọc tiêu” không bao giờ còn trồng ở đâu nữa, ngoại trừ trong tim người: “Ngày nào tôi cũng gặp em / Trên con đường ấy thân quen đã từng / (…) / Trên đường ra trận đất cày đạn bom / Nhạt nhòa nắng quái hoàng hôn / Xe như hụt hẫng: không còn dáng em! / Xuống xe đưa mắt tôi tìm / Hai dòng nước mắt chị em chảy dài: / - Nó vừa đi buổi sớm mai! / Bên trên nấm mộ còn đài xuyến chi / Lắc lư chao chát xe đi / Còn tôi chao chát mất đi dáng người…”.(TS)

“Em” đi có khi hóa thành “một khoảng trời”: “Chuyện kể rằng (…) / Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương / Cho đoàn xe kịp giờ ra trận / Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa / Ðánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom... / Ðơn vị tôi hành quân qua con đường mòn / Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái / (…) / Tôi nhìn xuống (…) / (…) / Em (…) / Như khoảng trời đã nằm yên trong đất / Ðêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng / Những vì sao ngời chói, lung linh / Có phải thịt da em mềm mại (…) / Ðã hóa thành những làn mây trắng / (…)”.(LTMD)

Những gương hy sinh phi thường ấy làm sao ai quên được: “Người lái xe đi suốt đời còn lanh lảnh trong tai tiếng còi gọi dừng xe đêm ấy / Nghìn tấn bom dội xuống người con gái giao thông toàn thân thành đuốc cháy / Chị vẫn đứng sững bên đường điều khiển chuyến xe đi…”.(CLV)

Chị em có khi đi một lúc ba người: “anh qua cây số mười năm / không ai chặn xe đòi thư như ngày trước / ba ngôi mộ đội hình hàng dọc / tán cây che chưa kín chỗ em nằm / vẫn nhớ chỉ là những nấm đất không / chúng anh đắp vội vàng sau trận bom toạ độ / (…) / như có tiếng hát thì thào trong gió / như có tiếng chân khoả nước dưới khe / anh ngồi lặng kề ba nấm cỏ / biết gọi thế nào gửi chút gió hương…”.(NHH)

Có khi đến mười người như ở ngã ba Đồng Lộc: “Khi con về quê con nhớ viếng thăm / Mộ người cô kề bên đường đỏ / Các cô như còn đứng đó / Chờ lấp hố bom / Đường thông xe các cô mới đi nằm / Các cô để lại tuổi thanh niên / Mười chín, hai mươi, hăm hai tuổi / Cho đất nước, quê hương / Hồn trong như suối / Bình minh đời sáng rực vừng dương...”.(HCN)

Lại có khi đến mười một, như ở Truông Bồn ngày 31-10-1968. Ngẫu nhiên, cũng như các cô Đồng Lộc đã in bóng toàn đội vào một tấm ảnh nổi tiếng, khoảng năm tháng trước ngày hy sinh, chị em Truông Bồn đã in bóng mình vào thơ: “Ngoằn ngoèo, lượn những đường bom / Đoàn xe lao đỉnh Truông Bồn giữa khuya / Hố sâu hun hút bốn bề / Màn đêm thăm thẳm như che mắt nhìn / Bỗng từ đâu vụt hiện lên / Một hàng tiêu mọc đường đêm trắng loà / (…) / Sững sờ tay vẫy trong đêm / Áo em trắng quá anh nhìn thêm thương / (…) / Giọng cười vang đỉnh truông khuya / Tên dù chưa biết lòng nghe bồi hồi / Xe đi giục vội cuối trời / Chào nhau không tỏ mặt người giữa đêm…”.(QH)

Nữ thanh niên xung phong ngay cả khi không làm nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm vẫn dễ dàng khiến “các anh” phải nể vì. Đây một “em” đang tải đạn dưới mắt một “anh” cùng làm: “Tôi đặt lên đó hòm đạn bốn mươi cân / Hình cánh hoa lan trên vai áo trắng ngần / Là vết xước đinh hòm vừa mới xẻ / Ôi vai em, có phải vai bà Nữ Oa không nhỉ / Dẫu chẳng vá trời cũng đắp được Trường Sơn”.(PTD)

Về những năm tháng không bao giờ quên được, chính “các chị”, “các em” cũng có người ghi lại chút ít .

Đây một cựu nữ thanh niên xung phong thơ kể chuyện cùng chị em “đuổi theo” bộ đội: “Giặc đến nhà gái trai đều ra trận / Em theo anh nối bước dặm Trường Sơn / (…) / Phía Trường Sơn chân nối chân bước gấp / (…) / Em áo lính cùng anh áo lính / (…) / Em ra trận đuổi theo anh phía trước / (…) / Em đi sau em nối bước mỗi ngày / Cuốn sổ nhỏ ghi từng dòng nhật ký / (…) / Sông đổ sóng quân đi như nước chảy / Bàn chân ướm bàn chân bàng hoàng trang giấy / (…) / Em theo anh xẻ dọc Trường Sơn…”.(LTM)

Vẫn nữ thanh niên xung phong có tài làm thơ ấy vô cùng xúc động hồi tưởng người bạn đã thành huyền thoại: “Lần ấy chị hong áo cưới nguyên hồ / Áo mặc khi phá bom cảm tử / (...) anh chưa lần ngắm yêu thương / (...) / Trong mộ chị có gì đâu / thân thể chị đã hòa trong núi sông”.(LTM) Những người tình nguyện làm cái việc cực kỳ nguy hiểm đều được đơn vị tổ chức “truy điệu” trước khi đi. Có người mặc chiếc áo mới cất trong ba-lô cho ngày cưới chưa đến mà đi.

Đây lời một cựu nữ lái xe Trường Sơn: “Những lúc lái xe qua ngầm vào mùa mưa, nước từ trên thác tràn xuống cuồn cuộn, nhìn đã thấy chóng cả mặt (…) Tuyến đường 12 (…) đoạn Cổng Trời vượt sang Lào (…) những cua dựng đứng (…) một bên là núi cao, một bên là vực sâu (thế mà) xe đi ban đêm bằng “đèn rùa” lắp dưới gầm (…) Chị Phạm Thị Phàn dẫn đầu đoàn xe hơn chục chiếc của các lái xe nam thẳng tiến về Cổng Trời trong ánh sáng hỏa pháo và tiếng động cơ máy bay địch gầm rú trên đầu, những ánh chớp dài lóe sáng, những tiếng nổ kinh hoàng của bom, rốc-két, những làn đạn xối xả”.(VTKD)

Đây một nữ bác sĩ quân y đang ở tiền tuyến thơ lên tâm sự mình: “Tôi đứng đây giữa núi rừng lộng gió / Mưa đan dày trùm cả rừng cây / (…) / Ai biết chăng dù ta có chết / Cho ngày mai cho đất nước tự do / Thì trong ta vẫn trọn niềm mơ / (…) / Đường đi bao nỗi gian nan / Bàn chân lội suối băng ngàn ta đi / Chông gai nào có sá gì / Mắt nhìn vẫn một hướng về ngày mai…”.(ĐTT) Chị rồi không bao giờ về nhà, nhưng sẽ sống mãi trong lòng dân tộc.

*

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng biểu dương: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất (…) cho đến ngày nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”.(HCM)

“Ngày nay”… Trong thế kỷ 20 trên mặt địa cầu thiếu gì nơi khói lửa tơi bời. Chẳng có ở đâu người phụ nữ đóng góp trực tiếp vào nỗ lực quân sự đáng kể gần bằng ở Việt Nam. Gái Việt không chỉ đặc biệt oai phong vào thời xa xưa, mà mới cách nay chưa lâu vẫn hãy còn oai nhất thế giới!

(Sang thế kỷ 21, dân tộc phải chống một thứ giặc khác cũng rất nguy hiểm. Trong cuộc chiến đấu với Cô-vít 19, phụ nữ Việt Nam một lần nữa lại tỏ ra xuất sắc.)



Thu Tứ
Viết năm 2008
Sửa tháng 10-2022











_________
BNL: Bình Nguyên Lộc,
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1971;
CLV: Chế Lan Viên, bài thơ “Nghĩ suy 68”;
CQT: Chu Quang Trứ,
Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, nxb. Mỹ Thuật, 2002;
DĐMS: Dương Đình Minh Sơn,
Văn hóa nõ nường, nxb. Khoa Học Xã Hội, 2008;
ÐDA: Đào Duy Anh,
Việt Nam văn hóa sử cương, 1938;
ĐTT: Trong
Nhật ký Đặng Thùy Trâm, nxb. Hội Nhà Văn, 2005.
ĐC: Đức Chính, bài thơ “Những người con gái tiền phương”;
HVT: Hà Văn Tấn, “Lời cuối sách”,
Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, nxb. Khoa Học Xã Hội, 1994;
HC:
Hoàng Cầm tác phẩm – Văn xuôi, nxb. Hội Nhà Văn, 2004;
HTL:
Nhật ký Hoàng Thượng Lân, nxb. Hội Nhà Văn, 2005;
HCM:
Hồ Chí Minh toàn tập, nxb. Chính Trị Quốc Gia, tập 12, 2000;
HCN: Huy Cận, bài thơ “Ngã ba Đồng Lộc;
KQT: Khuất Quang Thụy, bài thơ “Qua cầu treo”;
LTMD: Lâm Thị Mỹ Dạ, bài thơ “Khoảng trời hố bom”;
LNC: Lê Ngô Cát và Phạm Ðình Toái,
Ðại Nam quốc sử diễn ca, thế kỷ 19;
LTM: Lê Thị Mây,
Lửa mùa hong áo, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2003;
LV: Lê Vượng chụp ảnh,
Việt Nam điêu khắc dân gian thế kỷ XVI-XVII-XVIII, nxb. Ngoại Văn, 1975;
NBT: Nguyễn Bá Trác,
Hạn mạn du ký, 1921;
NC:
Nam Cao tác phẩm, tập 2, nxb. Văn Học, 1977;
NCH: Nguyễn Chí Hiếu, bài thơ “Các em đi”;
NHH: Nguyễn Hữu Hà, bài thơ “Tưởng niệm”;
NHL:
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Học, 1992;
NQV: Nguyễn Quốc Văn, “Một đêm chèo nghiêng ngả”, trên trang Mạng không nhớ tên;
NVH: Nguyễn Văn Huyên,
Văn minh Việt Nam, 1944, nguyên tác tiếng Pháp, bản dịch Ðỗ Trọng Quang, nxb. Hội Nhà Văn, 2005;
PN: Phan Ngọc,
Bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 1998;
PTD: Phạm Tiến Duật, bài thơ “Nghe hò đêm bốc vác”;
PVĐ: Phạm Văn Đoan, bài thơ “Nợ Trường Sơn”;
QH: Quang Huy, bài thơ “Mười hai cô gái Truông Bồn” làm tháng 5-1968. Chính xác là 11, vì chị Trần Thị Thông sống sót;
TA-1: Toan Ánh,
Gái đẹp xứ Bắc, Sài Gòn, không biết năm in.
TA-2: Toan Ánh,
Hội hè đình đám, Sài Gòn, 1974.
TC: Trương Chính và Đặng Đức Siêu,
Sổ tay văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa, 1978;
TĐK: Trần Đăng Khoa, bài thơ “Em dâng cô một vòng hoa” và sách
Hầu chuyện Thượng Đế;
TH: Tố Hữu, bài thơ “Người con gái Việt Nam” và hồi ký
Nhớ lại một thời;
TQV-1: Trần Quốc Vượng,
Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2000;
TQV-2: Trần Quốc Vượng,
Lịch sử Việt Nam, tập I, nxb. Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1983 (nhiều tác giả);
TNT: Trần Ngọc Thêm,
Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. TPHCM, 2001;
TS: Thanh Sơn, bài thơ “Hoa xuyến chi”;
TTS: Trần Thị Sen, hồi ký
Những dòng kỷ niệm…, không biết nơi in, năm in;
VNP: Vũ Ngọc Phan, “Mấy ý kiến sơ bộ về dân ca quan họ Bắc Ninh”,
Qua những trang văn, nxb. Văn
Học, 1976;
VTKD: Vũ Thị Kim Dung, trang
qdnd.vn ngày 16-12-2014.