Nhượng Tống chắc là người đầu tiên dịch Kinh Thư ra tiếng Việt. Ở đầu bản dịch của mình, ông có lời trình bày lai lịch sách, hẳn cũng là lời đầu tiên về chuyện ấy.

Sáu mươi bốn năm sau, năm 2004, nxb. Văn Hóa - Thông Tin ở Hà Nội có phát hành một bản dịch
Kinh Thư của Trần Lê Sáng và Phạm Kỳ Nam. Ở đầu bản dịch mới, nhà xuất bản cũng có lời trình bày lai lịch nguyên tác. So với lời Nhượng Tống năm xưa, thấy có nói rõ hơn được ở hai chỗ:

-
Kinh Thư là thứ sách gì? “... thực chất (...) chỉ là các văn bản về chính sự các triều Nhị Ðế - Tam Vương (...) được Khổng Tử chỉnh lại”.

- Bản
Cổ văn Thượng Thư tìm thấy vào đời Tấn (và rất có vẻ ngụy tạo) vì sao ra đời? Nó ra đời để thay thế một bản cổ văn đời Hán đã thất truyền. “Ðời vua Hán Vũ Ðế, Lỗ Cung Công cho người phá nhà cũ của Khổng Tử ở Khúc Phụ để mở rộng, tình cờ thấy trong vách nhà có Thư chép bằng chữ khoa đẩu. Nhà vua sai hậu duệ Khổng Tử là Khổng An Quốc (...) soạn Thư truyện. Bản này được gọi là bản Cổ văn Thượng Thư (...) sau (...) mất”.

Hết bị Tần Thủy Hoàng đốt, lại đến bị những rủi ro nào đó làm hại, cái quyển kinh này số vất vả. Tiếc cho nó, nhưng ta nay dùng nó để tìm hiểu chuyện đời xửa đời xưa thì phải rất dè dặt, bởi văn bản quá tam sao thất bổn!
(Thu Tứ)



“Lai lịch Kinh Thư”

Nhượng Tống




Bộ Thượng Thư này là một trong các bộ sách do chính tay thầy Khổng san định.

Thầy Khổng, một ông Thánh lớn nhất trong đạo Nho: khi tuổi đã già, biết Ðạo mình không làm nổi, bèn lui về soạn thuật các sách, hòng để lại Ðạo ấy cho đời sau.

Các sách của thầy, người sau vì cớ tôn trọng đều gọi là Kinh. Các Kinh ấy gồm có sáu: Lễ, Nhạc, Thi, Thượng Thư, Xuân Thu và Chu Dịch.

Sau hồi Tần Thủy Hoàng đốt sách và chôn sống các nhà Nho, Lễ kinh và Nhạc kinh bị mất hẳn. Bộ sách ta gọi là Kinh Lễ ngày nay chẳng phải là của thầy Khổng. Ấy là bộ Lễ ký, do các nhà Nho đời Hán sưu tập các thiên sách lẻ loi của các nhà Nho đời trước mà soạn nên. Tôi cũng chẳng rõ tại sao nó được cái hân hạnh đứng ngang hàng với các sách của thầy Khổng. Còn một bộ nữa gọi là Chu Lễ, chép các chế độ của đời Chu rất là kỹ lưỡng. Song người ta xét ra thì đó chỉ là công trình tưởng tượng của một nhà Nho nào đó mà thôi!

Kinh Thi và Kinh Xuân Thu. Về đời Hán, người ta nhặt nhạnh lại cơ hồ được hoàn toàn?

May mắn nhất là kinh Chu Dịch! Vua Tần không đốt, vì nó là một cuốn sách dùng để bói...

Vất vả nhất là bộ Thượng Thư này!

Sách Nghệ Văn Chi đời Hán chép:

“Kinh Thượng Thư gồm hai mươi chín cuốn.”

Bên dưới chua:

“Ấy là bộ sách mà Phục Sinh truyền lại.”

Trong Sử ký của Tư Mã Thiên, về mục “Truyện Rừng Nho”, có nói:

“Phục Sinh tên là Thắng, làm quan Bác sĩ đời Tần. Vì đời Tần cấm sách, Phục Sinh giấu nó vào trong tường vách. Về sau loạn lớn nổi lên, ông bị xiêu dạt. Nhà Hán bình định rồi, Phục Sinh tìm lại sách, mất đi vài chục thiên, chỉ còn được có hai mươi chín thiên! Liền đem dạy ở khoảng Tề, Lỗ. Mãi đến đời vua Hiếu Văn, mới hạ chiếu tìm người hiểu được sách Thượng Thư. Nhưng thiên hạ không có ai. Nghe Phục Sinh chuyên trị sách ấy, muốn vời vào triều. Bấy giờ Phục Sinh tuổi ngoài chín mươi, già đi không nổi! Vì thế nhà vua chiếu cho quan Chưởng cố ở tòa Thái thường tên là Triệu Thố đến nơi mà học sách ấy...”

Theo lời tựa sách Cổ văn Thượng Thư của Vệ Hoằng viết, thì:

“Phục Sinh già, nói không được đúng tiếng!... Nên nói ra, nghe không thể hiểu được! Bèn sai người con gái ông nói truyền lại để dạy Thố. Tiếng nói ở Tề phần nhiều lại khác với Dĩnh Xuyên (quê Thố)! Cho nên, mười phần Thố không hiểu đến hai, ba phần! Ðành hiểu lược lấy ý, học cho thuộc lòng mà thôi!”

Lại theo lời Khổng Dĩnh Ðạt:

“Thiên Thái Thệ vốn không phải của Phục Sinh truyền dạy. Thiên ấy tìm ra vào đời Hán Vũ đế. Nhà chép sử nhân cho lộn cả vào những thiên của Phục Sinh. Và vì thế mới được là hai mươi chín thiên.”

Thế nhưng bộ Thượng Thư mà ngày nay chúng ta được đọc gồm những năm mươi tám thiên!

Ấy là bộ Thượng Thư mà người ta tìm thấy về đời Ðông Tấn.

Bộ ấy, trên có bài tựa của Khổng An Quốc, cháu xa đời của thầy Khổng, và làm quan với vua Hiếu Vũ đời Hán, đồng thời với Tư Mã Thiên.

Thế là ở đời có hai bản Thượng Thư: bản của Phục Sinh, vì viết theo lối chữ Kim, nên gọi là Kim văn. Còn bản tìm ra về đời Tấn, viết theo lối chữ Cổ, nên gọi là Cổ văn.

Rồi đến đời Tùy, trong niên hiệu Khai Hoàng lại tìm thêm được thiên Thuấn Ðiển.

Sang đời Ðường Huyền Tông, người ta mới dồn hai bản ấy làm một. Thiên nào cả hai bản đều có, thì chua: “Kim văn Cổ văn đều có”. Thiên nào chỉ có trong một bản, thì chua: “Cổ văn có, Kim văn không”.

Vậy, bản ta được đọc ngày nay, là định tự đời Ðường, trong niên hiệu Thiên Bảo.

Tuy vậy, đối với những thiên không có trong Kim văn, người đời vẫn đem lòng ngờ vực.

Vì hai cớ:

Một là bài tựa của Khổng An Quốc chưa chắc của họ Khổng: Khổng sinh đời Tây Hán, mà lời văn trong tựa lại không giống văn Tây Hán chút nào!

Hai là, chẳng những bài tựa có thể ngờ là người sau viết mạo ra, cả đến những thiên sách “Cổ văn có, Kim văn không” kia, lời văn lại bình dị dễ hiểu, e cũng là người sau viết mạo ra nốt!

Dù ngờ vực vậy, đối với các nhà Nho, bộ Thượng Thư vẫn được coi là một Thánh Kinh!

Chúng tôi dịch sách này, vì nó là một cuốn sử cổ nhất nước Tàu, mà có lẽ cổ nhất cả thế gian! Sau nữa, trong nó chứa một phần đạo lý của Khổng giáo, một học thuyết có quan hệ lớn đến dân tộc ta, mà dù sau này tiến theo ngả nào, ta cũng không thể bỏ qua không xét được.


1940


(Nhượng Tống,
Thượng Thư (tức Kinh Thư) (1940?), nxb. Văn Học tái bản năm 2001, phần trích trên là lời tựa do tác giả tự viết)